1. Mỹ cảnh báo TQ về các đảo ở Biển Đông
Ảnh: GETTY IMAGES – Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đưa ra lời cảnh báo với Trung Quốc tại Diễn đàn An ninh ở Shangri-la, Singapore hôm 03/6/2017.
Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận việc quân sự hóa của Trung Quốc với các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đưa ra cảnh báo tại Diễn đàn An ninh ở Shangri-la hôm 03/6/2017.
Phát biểu tại hội nghị an ninh thường niên có tính diễn đàn khu vực và quốc tế ở Singapore, ông nói những động thái như vậy làm suy yếu sự ổn định khu vực.
Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo và thực thi thái quá các yêu sách biển. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi đơn phương, cưỡng ép hiện trạng – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis
Tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc được đưa ra trên Biển Đông, một vùng biển giàu tài nguyên đang có tranh chấp chủ quyền khá gắt gao giữa một số quốc gia.
Đồng thời, Tướng Mattis cũng ca ngợi những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế các hoạt động hỏa tiễn và hạt nhân của Bắc Hàn.
Những bình luận của ông được đưa ra ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở rộng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Hàn để đáp trả lại một loạt các cuộc thử hỏa tiễn tiến hành trong năm nay.
Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua việc trừng phạt sau hàng tuần đàm phán giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
‘Phản đối và không chấp nhận’
Ảnh: GETTY IMAGES – Bắc Kinh đang xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên các rạn san hô và tiến hành tuần tra hải quân ở vùng biển có nhiều tranh chấp.
Trong bài diễn văn tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-la thường niên năm 2017, Tướng Mattis nói:
“Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo và thực thi thái quá các yêu sách biển.
“Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi đơn phương, cưỡng ép hiện trạng”.
Tổng thống Donald Trump và các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Biển Đông, một tuyến vận tải quan trọng.
Mặc dù sự cạnh tranh giữa hai nước có thể xảy ra, nhưng xung đột không phải là không thể tránh khỏi – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis
Trong cuộc điều trần để được đề cử hồi đầu năm nay, ông Rex Tillerson, người đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ sau đó, đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ “sẽ gửi cho Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước tiên việc xây dựng các hòn đảo phải chấm dứt, và thứ hai, việc tiếp cận các hòn đảo này của Trung Quốc cũng sẽ không được phép”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh sẽ “giữ vững quyền bảo vệ các quyền của mình trong khu vực”.
Nhưng ở Singapore, tướng Mattis cũng ghi nhận một cách tích cực về quan hệ Mỹ-Trung, cho rằng mặc dù sự cạnh tranh giữa hai nước “có thể xảy ra, nhưng xung đột không phải là không thể tránh khỏi”.
Vai trò tiếp đây của Mỹ?
Bản Ảnh: UNCLOS, CIA – Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên một yêu sách đường chín đoạn (hay bản đồ đường lưỡi bò) trên Biển đông gây nhiều tranh cãi và phản ứng trong khu vực và quốc tế.
Câu hỏi lớn nhất trong các đại biểu châu Á tham dự diễn đàn là vai trò của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nhiều như thế nào trong khu vực ngày càng căng thẳng này, theo phái viên Karishma Vaswani của BBC tại Singapore.
Bà nói thêm, Tướng Mattis đã cố gắng trấn an các đồng nghiệp rằng Hoa Kỳ không quay lưng lại với châu Á.
Các quốc gia đối lập tranh cãi về lãnh thổ trên biển Biển Đông đã lâu, nhưng căng thẳng gia tăng đều trong những năm gần đây.
Câu hỏi lớn nhất trong các đại biểu châu Á tham dự diễn đàn là vai trò của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nhiều như thế nào trong khu vực ngày càng căng thẳng này? – Karishma Vaswani, Phái viên BBC tại Singapore
Các đảo nhỏ và vùng biển được Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền với một phần hoặc toàn bộ.
Bắc Kinh đang xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên các rạn san hô và tiến hành tuần tra hải quân ở vùng biển mà các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Mặc dù chính quyền Hoa Kỳ trước đây của Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh rằng Mỹ có lập trường trung lập, nhưng Washington đã nhiều lần lên tiếng chống lại việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo, đồng thời tìm cách xây dựng mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á có các yêu sách chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc.
Vào tháng 7/2016, một Tòa án quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, ủng hộ một vụ kiện do Philippines đưa ra, nhưng Bắc Kinh nói Trung Quốc sẽ không tôn trọng phán quyết.
Các xích mích đã và đang làm dấy lên quan ngại rằng khu vực đang trở thành một điểm nóng tiềm tàng những hậu quả có tính chất toàn cầu.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world-40143290
2. Bộ trưởng QP Mỹ: “Không thể chấp nhận việc quân sự hóa các đảo nhân tạo”
BTQP Mỹ James Mattis đọc diễn văn tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 ở Singapore, ngày 3/6/2017.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hoan nghênh các nỗ lực hợp tác của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế về vấn đề Bắc Hàn tại diễn đàn an ninh thường niên ở Singapore hôm thứ Bảy. Tuy nhiên, về vấn đề Biển Đông, ông miêu tả việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo tại đó, bất chấp trật tự quốc tế, là điều không thể chấp nhận.
Trong bài diễn văn đọc trước các đại biểu và giới truyền thông tham dự cuộc đối thoại Shangri-La, ông Mattis nói:
“Chúng tôi không thể chấp nhận các hành động của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, phá hoại trật tự dựa trên luật lệ vốn phục vụ tất cả các nước có mặt hôm nay tại diễn đàn này, kể cả và đặc biệt, là Trung Quốc”.
Ông Mattis nói, trong khi sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ có, nhưng xung đột không nhất thiết phải xảy ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: “Xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các sơ sở trên các thực thể trong lãnh hải quốc tế, phương hại đến sự ổn định khu vực”. Ông lưu ý rằng việc Trung Quốc củng cố quân sự các căn cứ trên những đảo nhân tạo, khác biệt với những gì các nước khác đã làm.
Ông Mattis nói cách tiếp cận của Bắc Kinh không chỉ khác biệt về mặt bản chất của các động thái vũ trang các đảo nhân tạo, mà về thái độ [còn chứng tỏ] Bắc Kinh “coi thường pháp luật quốc tế, không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác, cũng như cố gắng của Trung Quốc gạt sang một bên tiến trình giải quyết ôn hòa các vấn đề liên quan”.
Trung tướng He Lei, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc và cũng là người đứng đầu đoàn Trung Quốc tại các cuộc họp ở Shangri-La, đã thẳng thừng bác bỏ những tố cáo của ông Mattis. Tướng He nói Trung Quốc đã ký kết hơn 23.000 hiệp định song phương và 400 hiệp định đa phương, đồng thời tham gia vào tất cả các ủy ban đặc biệt của Liên Hiệp Quốc.
Ông He nói:
“Trung Quốc là một nước ủng hộ và bảo vệ các quy tắc và quy định quốc tế cũng như khu vực, nhưng khi định nghĩa các quy tắc quốc tế, cần phải dựa trên những gì mà đa số các nước đồng ý, và đại diện cho các lợi ích của đa số”.
Ông He nói thêm rằng điều đó cũng áp dụng cho các quy tắc và quy định khu vực. Ông lưu ý những tiến bộ hồi gần đây của Trung Quốc cùng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong việc soạn thảo một thỏa thuận khung cho một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.
Ông nêu bật vai trò của Trung Quốc tham gia hình thành Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mà Bắc Kinh phê chuẩn vào năm 1996.
Tuy nhiên, ông He không đề cập đến việc Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Toà Trọng tài thường trực La Haye về vấn đề Biển Đông hồi năm ngoái. Phán quyết của Tòa bác bỏ lập luận của Trung Quốc tự cho rằng Bắc Kinh có chủ quyền lịch sử trên hầu hết tuyến hàng hải đang trong vòng tranh chấp gay gắt trong khu vực.
Từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đặt vấn đề Bắc Hàn vào thứ tự ưu tiên hàng đầu, và trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis lặp lại mối quan ngại của chính quyền Tổng thống Trump về mối nguy rõ rệt và hiện hữu do Bắc Hàn đặt ra cho khu vực và xa hơn nữa.
Đối thoại Shangri-La: ‘Mỹ sẽ không mang lợi ích của các đồng minh ra làm con bài để mà cả’.
Bộ trưởng Mattis nói:
“Cùng với những tuyên bố liều lĩnh, chương trình của Bắc Hàn hiện nay thể hiện rõ ý định của nước này muốn thủ đắc tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, kể cả các phi đạn liên lục địa, vốn đặt ra những mối đe dọa trực tiếp và tức thời đối với các đồng minh trong khu vực, các đối tác của chúng ta, và cả thế giới”.
Những phát biểu gay gắt của ông Mattis đã xóa tan phần nào những suy đoán của một số người rằng chính quyền hiện nay duy trì sự im lặng về vấn đề Biển Đông để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Mattis tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không mang những lợi ích của các đồng minh ra làm những con bài để mà cả.
Không giải thích chi tiết, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết là các nước đang làm việc để đề ra những biện pháp trừng phạt mới, được tăng cường, đồng thời tăng nỗ lực ngoại giao để gây áp lực đối với Bắc Hàn. Nhưng ông nói thêm rằng bên cạnh lời nói và sự hỗ trợ, hành động của tất cả các bên liên quan cũng cần thiết.
Ông nói:
“Chính quyền của ông Trump được khích lệ bởi cam kết mới của Trung Quốc trong nỗ lực hợp tác với cộng đồng quốc tế hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
Ông nói: “Rốt cuộc, Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ nhận ra rằng Bắc Triều Tiên là một gánh nặng chiến lược chứ không phải là một tài sản. Gánh nặng ấy đã làm tăng sự bất hòa và khiến các dân tộc yêu chuộng hòa bình trong khu vực phải tăng chi tiêu quốc phòng”.
Trong khi các quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh ngày càng trở nên lạnh nhạt hơn trong những năm gần đây dưới quyền Kim Jong-Un, Trung Quốc vẫn là đồng minh và là nước ủng hộ lớn nhất đối với Bắc Hàn. Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh không thực sự muốn giải quyết vấn đề này, vì họ e rằng làm như vậy có thể dẫn tới một nước Triều Tiên thống nhất, và mặc nhiên đặt Hoa Kỳ ngay tại cửa ngõ phía đông bắc của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, những lời đe doạ và các cuộc thử nghiệm phi đạn liên tục của lãnh tụ Kim Jong Un đang làm xói mòn sự hỗ trợ dành cho Bắc Hàn ở Trung Quốc. Và trong nước này đang xuất hiện những lời kêu gọi ngày càng gay gắt hơn, đòi Bắc Kinh phải có phản ứng quyết liệt hơn.
3. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis phát biểu tại hội nghị An Ninh Shangri-la lần thứ 16, Singapore, ngày 03/06/2017.REUTERS/Edgar Su
Phát biểu tại hội nghị về an ninh Shangri-la, Singapore, ngày 03/06/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã lên án Bắc Triều Tiên về chương trình hạt nhân quân sự và chỉ trích Trung Quốc về việc quân sự hóa Biển Đông.
Theo lời ông Mattis, Bắc Triều Tiên là «một mối đe dọa đối với tất cả chúng ta», cho nên toàn bộ các nước phải tham gia hỗ trợ cho mục tiêu chung là phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác trên vấn đề này.
Bắc Triều Tiên hiện đang nỗ lực phát triển một tên lửa liên lục địa có thể bắn tới các bờ biển của lãnh thổ Hoa Kỳ và hôm thứ Hai (29/5) đã lại tiến hành bắn thử tên lửa, bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Ông Mattis cho rằng những hành động của chế độ Bình Nhưỡng là «phi pháp» chiếu theo luật pháp quốc tế và theo ông, có một sự đồng thuận rất mạnh của quốc tế cho rằng tình hình này không thể tiếp diễn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khen ngợi Trung Quốc đã cam kết làm việc với cộng đồng quốc tế để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Do chính quyền Donald Trump đang cần đến sự hợp tác của Bắc Kinh trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, nên những nước châu Á đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc lo ngại là Washington sẽ hy sinh lợi ích của các nước này để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gián tiếp trấn an các nước châu Á đó, khi chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền của họ trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Ông Mattis lên án thái độ «khinh miệt» của Trung Quốc đối với các nuớc láng giềng và thái độ bất chấp luật pháp quốc tế khi tiến hành «quân sự hóa» Biển Đông.
Lãnh đạo Lầu Năm Góc chỉ trích «tầm mức và những tác động» của các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại những vùng đang tranh chấp ở Biển Đông. Ông thúc giục các nước có liên quan, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, tìm những giải pháp thông qua đối thoại.
Cuối tháng 5/2017, Washington đã khiến Bắc Kinh có phản ứng giận dữ khi điều khu trục hạm Dewey đến sát Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, hiện do Trung Quốc kiểm soát. Theo Washington, đây chỉ là một chuyến tuần tra nhằm bảo đảm tự do hàng hải tại các vùng đang tranh chấp ở Biển Đông.
Thủ tướng Úc cảnh cáo Trung Quốc về Biển Đông
Cũng tại hội nghị An Ninh Shangri-La hôm nay, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cảnh báo Trung Quốc chẳng được gì nếu sử dụng vũ lực ở vùng châu Á-Thái Bình Dương. Ông muốn ám chỉ đến chính sách tại Biển Đông của Bắc Kinh.
Theo Thủ tướng Úc, trong trường hợp phải đối đầu với «một Trung Hoa áp bức», các nước láng giềng «sẽ phải tìm cách tạo đối trọng trước sức mạnh của Bắc Kinh, bằng cách tăng cường liên minh và quan hệ đối tác với nhau và đặc biệt là với Hoa Kỳ».
Dĩ nhiên Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong vùng nhờ nền kinh tế ngày càng phát triển. Vì vậy, Thủ tướng Úc khuyến khích Bắc Kinh «tôn trọng chủ quyền của các nước khác, cũng như xây dựng niềm tin và các dự án hợp tác với các nước láng giềng».
Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20170603-bo-truong-quoc-phong-my-chi-trich-tq-bd