Kỳ Lâm (VNTB)
Liên quan đến vụ Phan Hùng (SN 1984, ngụ đường Lê Đức Thọ, P. 16, Q. Gò Vấp) cùng đồng bọn “hành hung 3 phụ nữ, quay clip tung lên mạng”. Sáng ngày 4/5, báo Vietnamnet dẫn lời công an Quận 2 (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, cơ quan này đã tạm giữ chủ facebook Phan Hùng để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, nghi vấn Phan Hùng và đồng bọn là “công cụ” của Công an đang trở thành một câu hỏi lớn.
Những tình tiết đáng nghi vấn
Mặt dù phạm 3 lỗi theo quy định của Bộ Luật Hình sự bao gồm: xâm nhập gia cư bất hợp pháp; hành hung; và nhục mạ nhân phẩm – danh dự người khác. Tuy nhiên, theo một thông tin của facebook Bão Lửa cho biết, ông Phan Hùng chỉ bị “tạm giữ để viết tường trình”, và mức phạt được áp dụng là hành chính. Riêng hai người bị đánh đang đối mặt với việc bị truy tố hình sự theo Điều 258.
Vào 9h14 phút sáng (ngày 4/5), báo Vietnamnet dẫn lời Cơ quan công an Quận 2, theo đó, đã tạm giữ facebook Phan Hùng để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, trên Facebook Phan Hùng đã tiếp tục chia sẻ các tâm trạng của mình. Điều này, đi ngược lại quy định chung (Điều 4) về Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính, theo đó: cấm đưa vào nơi tạm giữ vũ khí, điện thoại di động […] hoặc các vật dụng có thể gây cháy nổ, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn nơi tạm giữ.
Bên trái là hình ảnh Phạm Luân, (áo đen) một “chiến hữu” của ông Phan Hùng, luôn đi đầu trong “chống phản động, ba que”. Hình bên phải là ve áo sĩ quan mà Luân đăng tải trên Facebook cá nhân.
Còn trên Facebook Phạm Luân, là anh em thân hữu và là người có mặt cùng với ông Phan Hùng chốt tại các địa điểm dễ xảy ra biểu tình để đập “3 que, phản động” liên tục đăng tải các chia sẻ “chửi xéo”.
Facebook Bão Lửa, thuộc nhóm thân hữu Phan Hùng – Phạm Luân cam đoan về một hình phạt hành chính dành cho Hùng và Điều 258 dành cho chị Hạnh và bạn chị.
Bên cạnh đó, theo một nguồn tin cho hay, ngoài clip được Phan Hùng đăng tải thì toàn bộ video/ hình ảnh ghi nhận của nhóm hành hung đều được lệnh xóa bỏ, và phía công an Quận 2 đã quán triệt tinh thần không lưu trữ các hình ảnh/ video khi tiến hành “xử” người bất đồng chính kiến.
Luật sư Lê Công Định và nghi vấn về mối quan hệ giữa côn đồ và Công an Quận 2.
Luật sư Lê Công Định, người khi nhận tin Công an quận 2 vừa lừa chị Nguyễn Thị Hương, bạn chị Lê Mỹ Hạnh, người cùng bị đánh hôm qua, ký đơn bãi nại, không yêu cầu xử lý hình sự, vì lý do thương tích không nặng. Vị luật sư này đặt nghi vấn vì sao công an lại muốn nạn nhân bãi nại vụ này, và thủ phạm có liên quan gì đến công an, LS Lê Công Định chất vấn.
Quần chúng tự phát hay nhân dân chống phản động
Khi mạng xã hội bắt đầu sử dụng phổ biến, thì bất đồng chính kiến được nhà nước xem là một yếu tố gây nguy hại cho chính đảng. Tuy nhiên, việc sử dụng lực lượng có sắc phục (chủ yếu là Công an) đã gây phản ứng xã hội từ năm 2007 (bắt nguồn biểu tình chống Trung Quốc). Chính quyền sau đó tìm cách thay thế lực lượng này bằng công an thường phục, hoặc lực lượng trật tự đô thị để trấn áp các cuộc biểu tình (cuộc biểu tình chống Formosa tại Tp. Hồ Chí Minh năm 2016). Các nhân tố khoác áo dân sự này tỏ ra hữu hiệu khi thay nhà nước giải quyết vấn đề nhân quyền mà không phải gặp sự phản ứng quá lớn về mặt ngoại giao quốc tế. Ngoài ra, dưới mác “quần chúng bức xúc” hay “nhân dân chống phản động”, một nhóm người được bảo trợ, cho phép tùy tiện sử dụng bạo lực đối với người bất đồng chính kiến.
“Quần chúng bức xúc” là nhóm người trong ngành vũ trang, mặc thường phục, thường tìm cách trà trộn hoặc đứng bên ngoài đám đông biểu tình để kích động – gây rối nhằm tạo cớ cho chính quyền điều lực lượng vào đàn áp. Đây cũng là nhóm người được sử dụng tích cực nhất trong hệ thống lực lượng Cảnh sát giao thông để “dằn mặt” những người thích “tra luật” [1].
Đối với lực lượng “nhân dân chống phản động” nằm ở hai dạng. Một là lực lượng thanh niên nhiệt tình nhưng thờ ơ với các vấn đề bức xúc trong xã hội hoặc có xu hướng nhận thức một chiều, tiếp nhận các quan điểm – chủ trương của Đảng và chế độ, hình thành nên các lực lượng tự xưng là “dư luận viên” – nằm ở cả miền Bắc lẫn Nam. Nhóm này liên tục là lực lượng cản trở, gây rối các cuộc biểu tình, tuần hành, hoặc tưởng niệm liên quan đến các sự kiện về Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc, hay phản ứng với nhóm người/ sự kiện phản ứng ngược với chính sách – chủ trương của Đảng. Vấn đề nằm ở sự cuồng tín và chống lại những cá nhân/ đoàn thể bất đồng chính kiến (mà nhóm này gọi là phản động), nên vào ngày 14/03/2015, sự cản trở với thái độ hung hăng, hỗn láo buổi lễ tưởng niệm 64 tử sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc ở đảo Gạc Ma ngày 14/03/1988 ở Hà Nội đã khiến dư luận bức xúc, báo chí chính thống lúc đó lên tiếng phê phán và ông Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an Tp. Hà Nội) buộc phải lên tiếng “xử phạt nghiêm minh” để trấn áp dư luận.
Kế hoạch tác chiến và sự hỗ trợ của một sĩ quan bên Quân khu 7?
Dạng thứ hai là các côn đồ và giang hồ ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh,… được công an tập hợp và sử dụng để “dằn mặt”, gieo rắc sự sợ hãi với người đấu tranh nhân quyền. Sự kiện nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh bị nhóm người “chống phản động” đánh, trong đó có một người là Phan Hùng tự xưng là giang hồ, “hiệp sĩ”… Với ông Phan Hùng, trong một chia sẻ tin nhắn có liên quan, ông ta lập nhóm rủ rê đánh “phản động” nhân ngày 30/04, tuy nhiên, một số người đã từ chối. Trong tin nhắn “kêu gọi” cũng cho thấy một vị cán bộ tại Quân khu 7 có liên quan đến “bảo trợ các hành động bạo lực” này.
Bản chất của “hiệp sĩ” hay “giang hồ” nằm trong nhóm chống phản động như đề cập ở trên, chính là một công cụ của phía Công an. Đổi lại những trò tấn công vào nhóm người đấu tranh nhân quyền là những đặc quyền ưu tiên mà công an khu vực cho phép diễn ra như: bảo kê, cho vay nóng, trúng thầu giữ xe, buôn bán hè phố,… Và công an Quận 2 được cho là có liên hệ mật thiết với bộ đôi Phan Hùng và Phạm Luân (hai người chuyên vạch kế hoạch “đập” người biểu tình tại Tp. Hồ Chí Minh). Đây có phải là lý do khiến cơ quan này thuyết phục bạn của bà Lê Mỹ Hạnh “bãi nại”?.
Những nhà đấu tranh dân quyền cần làm gì?
Dù phát ngôn viên Công an thành phố bác bỏ sự liên quan giữa vụ việc bạo lực nêu trên với “yếu tố chính trị”, tuy nhiên, những chia sẻ trên facebook cá nhân của các đối tượng liên quan phần nào cho thấy mối quan hệ giữa “nhân dân chống phản động” với công an khu vực.
Trong khi chờ một sự xác minh rõ ràng hơn, những nhà đấu tranh nhân quyền giờ đây cần phải tập hợp lại và cho thấy sự đoàn kết, thống nhất (vượt ra khỏi những rào cản về lợi ích lẫn khác biệt) để đẩy mạnh vụ việc này, buộc Công an Quận 2 phải xác minh, làm rõ trên tinh thần khách quan và xử đúng người đúng tội. Bởi trong trường hợp chính quyền tìm cách làm chìm xuồng sự việc, thì nhóm “nhân dân chống phản động” sẽ tiếp tục lấy đây làm một ví dụ tiền lệ để tiến hành các xâm phạm bạo lực, chà đạp lên luật pháp sau này.
Do đó, bảo vệ và đi đến cùng công lý trong vụ bà Lê Mỹ Hạnh chính là đi đến cùng công lý của những nhà đấu tranh nhân quyền. Đây hẳn là một việc chung!
K.L.
Tham khảo:
[1] Hiện tượng CSGT – côn đồ: Cướp ngày hợp tác cướp đêm?, http://www.ijavn.org/2015/02/vntb-hien-tuong-csgt-con-o-cuop-ngay.html
Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/05/vntb-cong-hcm-su-dung-giang-ho-e-dap.html
****
Tấn công bạo lực nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh: hiệp sĩ, côn đồ, hay công cụ an ninh?
Kỳ Lâm (VNTB)
Lấy lý do “chào mừng thành viên cờ vàng 3 sọc đỏ Lê Mỹ Hạnh tại đất Sài Gòn!”, một facebooker Phan Hùng đã ghi nhận lại cảnh bản thân cùng đồng bọn đã sử dụng bạo lực một cách thô bạo với 2 người phụ nữ và up video clip ghi nhận sự việc lên facebook cá nhân vào ngày 2/5/2017.
Hình ảnh nhóm người “côn đồ” tấn công hai người phụ nữ trong phòng trọ.
Trong video cho thấy, một nhóm nam nữ đã tấn công thô bạo hai người phụ nữ.
Facebook Phan Hung có tên gọi là Phan Sơn Hùng đang sống tại Gò Vấp (Tp. Hồ Chí Minh). Người bị đánh là nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh và bạn của chị, địa điểm đánh là tại phòng trọ của hai người.
Phan Sơn Hùng được cho là một “hiệp sĩ đường phố”, một hình thức “nhân dân bảo vệ an ninh tổ quốc” – đang được người dân hoan nghênh vì hỗ trợ trấn áp trộm cướp ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo thông tin thì Phan Sơn Hùng được cho là một tay sai của an ninh đảng, khi 30/04 trực ngoài nhà thờ Đức Bà để “đập” những người biểu tình. Đáp lại, những “hiệp sĩ” này được hưởng những quyền lợi đáng kể trong địa bàn làm ăn của mình (như trông xe, thu tiền bán vỉa hè,…), riêng Phan Sơn Hùng được biết đến các phi vụ bảo kê tuyến xe tải bên Quận 12 và cho bên vay nóng.
Như vậy, trong vòng chưa đầy 2 tuần, đã có hai nhà hoạt động nhân quyền bị tấn công bạo lực vô cớ, xâm phạm trực tiếp đến quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình được ghi nhận trong Hiến Pháp. Trước đó, nhà hoạt động Trương Dũng bị tấn công khi đang thực hành quyền biểu tình tại bến xe Mỹ Đình.
Một trong những người tham gia tấn công chị Lê Mỹ Hạnh và người bạn chị.
Trở lại với video tấn công nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh và bạn của chị, đây là một hành động cực kỳ nghiêm trọng và phản cảm. Và hành vi đánh người này đủ yếu tố cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 104 (BLHS); cạnh đó là xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp của công dân (Điều 124). Ngoài ra, quay phim tung lên mạng là có dấu hiệu của Tội làm nhục người khác (Đ121 BLHS).
Với 3 hành vi nghiêm trọng nêu trên, đề nghị cơ quan Công an TP. Hồ Chí Minh mau chóng vào cuộc và làm rõ. Tính pháp quyền nhà nước XHCN sẽ được thể hiện rõ nét qua cách mà Công an xử lý vụ này. Nếu chìm xuồng hay chỉ xử phạt hành chính, thì đó là dấu hiệu cho thấy pháp luật nhà nước đang được sử dụng một cách trái phép để bảo kê những đối tượng côn đồ/ vô pháp, sử dụng các đối tượng này như một công cụ để “ứng xử” với các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.
Luật sư Lê Công Định trong thư ngỏ được chia sẻ trên facebook cá nhân đã nhấn mạnh sự việc tên côn đồ Phan Sơn Hùng cùng đồng bọn kéo đến nơi cư ngụ của chị Lê Mỹ Hạnh và người bạn của chị tại Sài Gòn vào chiều ngày 2/5/2017 là “bước leo thang nghiêm trọng của tình trạng vô pháp đang diễn ra ở xã hội chúng ta.”
Ông khẳng định: “Trách nhiệm của nhà cầm quyền là phải giữ gìn trật tự xã hội và an toàn cá nhân. Không ai, kể cả nhà nước, được quyền viện bất kỳ lẽ nào biện minh cho hành động tấn công dân thường một cách tự do mà không bị pháp luật trừng trị”.
Được biết nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh đang tập hợp đơn thư để đưa vụ tấn công này ra tòa án.
Những nhóm người đầu “đỏ” hân hoan trước videoclip tấn công bạo lực.
Điều đáng lên án là khi video được đưa lên mạng, ngoài sự căm phẫn về một toán thanh niên “sức dầy vai rộng” ra tay tàn nhẫn với phụ nữ thì một số thành phần yêu đảng – yêu chế độ lại chia sẻ tại các fanpage như “Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc” với cảm xúc hân hoan và vui mừng, đồng thời khuyến khích hành động bạo lực này tiếp diễn đối với các nhà hoạt động nhân quyền khác. Nó cho thấy, các thành phần/ đối tượng đỏ này đã và sẽ là mầm mống cực đoan gây bất ổn cho xã hội Việt Nam trong tương lai.
Cá nhân người viết kêu gọi các luật sư nhân quyền và nhà hoạt động nhân quyền ở các lĩnh vực khác theo đuổi vụ này như là một án điểm để tạo ra một bức tường phòng vệ cho các nhà hoạt động khác khi đối diện với côn đồ và an ninh côn đồ trong tương lai.
Link video: https://www.facebook.com/phansonhung.phanhung/videos/1652522438098996/
K.L.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/05/vntb-tan-cong-bao-luc-nha-hoat-ong-le.html