Tự do dân chủ bình đẳng chóng mặt ở Pháp?

Trần Thu Dung

Nước Pháp đang căng thẳng chuẩn bị cho vòng 2 của cuộc tranh cử tổng thống. Một cuộc đua thực sự dân chủ với 11 người tham gia ứng cử, trong đó có 2 nữ. Vòng một vừa kết thúc hôm Chủ nhật 23/04, với kết quả như dự báo, Emanuel Macron ứng cử viên trẻ và táo bạo ủng hộ Châu Âu đứng đầu với 23,9 % tổng số phiếu, và Marine Le Pen 21,4%. Đây là lần thứ hai Đảng mặt trận quốc gia do Le Pen thành lập lọt vào vòng hai tranh cử tổng thống. Lần đầu Le Pen đã thắng 27% và ra tranh cử với Chirac. Một nước Pháp dân chủ, tự do không muốn một Le Pen chủ tịch đảng có tư tưởng độc đoán và bài xích người di dân, đi ngược lại giá trị của nền Cộng hòa Pháp lên nắm quyền. Ý thức công dân trỗi dậy, mọi người đổ xô đi bầu và dồn phiếu. Cũng là lần đầu tiên một tổng thống Pháp thắng cử với số phiếu chênh lệch khá lớn. Chirac đã đạt được 80% số phiếu ở vòng hai vào năm 2002.
Bình thường, các đợt tranh cử cuối cùng kết quả rất ngang tài ngang sức. Người trúng cử chỉ đạt hơn người thua vài % số phiếu. Trên 50% là thắng.
Marie Le Pen và Emmanuel Macron tranh cử tổng thống vòng hai.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, các đảng mạnh như Xã hội, Cộng hòa đều không có mặt ở vòng hai. Marine Le Pen thuộc đảng cực hữu với chủ chương dân tộc quá khích, và có xu hướng bài xích người nước ngoài và đề nghị tách khỏi cộng đồng chung châu Âu đã thắng phiếu đứng thứ hai như đợt bầu cử tổng thống 2002. Bà còn nhiều phát biểu bị dân Pháp phản ứng vì dường như phủ nhận sự diệt chủng, sự phân biệt da màu, sự tồn tại các lò sát sinh của Hitler. Bà đã từng bị phản ứng khi tham gia diễn đàn vận động bầu cử.
Nếu bà trúng cử, tình hình tự do dân chủ của Pháp sẽ chóng mặt và nghiêng ngả. Một vài chính khách gốc nước ngoài nổi tiếng và từng đem lại vinh quang cho nước Pháp đã tuyên bố nếu Marie Le Pen thắng họ sẽ trả lại quốc tịch Pháp. Nhiều nghệ sĩ, nhà văn, chính khách như Eli Chouraqu, Luc Besson, Gayet (diễn viên và bồ của tổng thống Hollande), Guy Bedos kêu gọi bầu Macron để bảo đảm giá trị cao đẹp tự do, bình đẳng, bác ái của nền cộng hòa Pháp. Zinédine Zidane, cầu thủ đá bóng nổi tiếng thế giới gốc Algérie, đề nghị cần giảm số phiếu tối đa đối với Marie Le Pen. LiLiam Thuram – cầu thủ đá bóng cũng cảnh báo Marie Le Pen là hiểm họa của nước Pháp nếu bà thắng cử.
Một đất nước tự do, dân chủ, bình đẳng nên các đảng cử người ra ứng cử. Do vấn đề tị nạn ào ạt vào châu Âu, đặc biệt từ Syrie, và các vụ thảm sát khủng bố liên tục xảy ra, nên Marie Le Pen đã lọt vào vòng hai.
Ngày 1/5 ngày quốc tế lao động, tuy được nghỉ, nhưng hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình chống Marie Le Pen và ủng hộ Macron.
Nhân dịp này nhiều hội đoàn đã tổ chức kỷ niệm những người đã hy sinh ở Công xã Paris vì tự do và dân chủ nước Pháp. Trước nghĩa địa nổi tiếng Père Lachaise lúc 10h30 hàng ngàn người tập trung để kỷ niệm những người ngã xuống trong cuộc đấu tranh bình đẳng và chống áp đặt tôn giáo chính kiến trong trường học và nơi công sở. Công xã Paris đã đấu tranh bênh vực người lao động, chống bóc lột lao động và đã góp phần nào thành công thiết lập một chế độ bình đẳng, tự do và quyền con người. Vì thế nhân danh quyền con người, và tự do bình đẳng bác ái hội Tam Điểm đã huy động khá đông người tham gia biểu lộ tình cảm ủng hộ giá trị nền cộng hòa Pháp. Nhờ cuộc cách mạng dân chủ Pháp 1789 mà không chỉ một chế độ dân chủ ở Pháp được thiết lập và cả châu Âu đã bắt chước làm cách mạng. Cũng như Việt Nam đã làm cuộc cách mạng lật đổ chế độ thực dân làm gương cho nhiều nước bị đô hộ noi theo như Tunisie, Maroc, Algérie…
Cuộc cách mạng Pháp và công xã Paris được coi là cuộc cách mạng thứ hai vì dân chủ và vì nhân dân của Pháp. Đánh dấu sự chia ra giữa quyền lực nhà thờ và nhà nước. Trước kia nhà thờ có quyền lực đối với cả vua và mọi hoạt động xã hội ở Pháp và châu Âu. Giai cấp quý tộc được hưởng nhiều lợi quyền. Công xã Paris tuy thất bại nhưng đánh dấu con đường mở ra vì dân trên toàn thế giới. Nếu không có những người dám hy sinh đầu tiên đấu tranh thì không có một nước Pháp dân chủ bình đẳng như ngày nay.
Đă 146 năm trôi qua, nhưng người dân Pháp yêu tự do dân chủ bình đẳng vẫn luôn không quên những người đã ngã xuống. Đặc biệt đảng công nhân luôn tổ chức kỷ niệm công xã Paris.
Đoàn tuần hành sau đó đi tham gia biểu tình ở Bastille và vài nơi khác. Tự do nhưng phải tôn trọng pháp luật. Một chiếc xe Porsh đỗ ẩu trên đường đã được cấm đỗ để giành cho đoàn biểu tình, bị những người biểu tình đi qua dán đầy biểu ngữ nhằm cho chủ nhân chiếc xe bài học «phải tôn trọng pháp luật, đường đã dành cho đoàn tuần hành thì phải thực hiện, để chiếc xe giữa đường vô hình chung là ngăn cản tuần hành và vi phạm pháp luật».
Chiếc xe Porsh đậu liều trên đường dành cho đoàn biểu tình đã trở thành một hiện tượng nghệ thuật thị giác ngẫu hứng của đoàn tuần hành vì tự do hôm 1/5/2017, xe bị dán đầy biểu ngữ và ảnh.
Đường phố Paris hôm 1/5 vừa qua lại vang lên những khẩu hiệu «tự do tư tưởng» và những bước chân rầm rập của những người vì tiến bộ, dân chủ, bình đẳng, phi áp đặt chính trị và tôn giáo.
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 với 11 ứng cử viên đã chứng minh một xã hội dân chủ tự do. Các đảng đã cử người ra ứng cử. Mỗi ứng cử viên phải đạt được 500 phiếu của các thị trưởng các vùng mới được vào danh sách. Và mỗi thị trưởng chỉ được bầu 1 phiếu, không được nước đôi, bầu hai lần. Vì vậy cuộc đua và vận động bầu cử hết sức gây cấn. Ý thức và dân trí ở Pháp rất cao. Thông thường những đảng mạnh và đông thường thắng phiếu như đảng xã hội và đảng cộng hòa (hai đảng đứng đầu về số đảng viên ở Pháp). Hầu như trong lịch sử ứng cử Pháp, đảng xã hội hay đảng cộng hòa thường đạt số phiếu cao nhất. Nhưng năm nay do hoàn cảnh lịch sử với làn sóng tỵ nạn từ Syrie, khủng bố liên tục ở châu Âu, và khát vọng thay đổi, Đảng mới «Tiến bước» và Đảng mặt trận dân tộc đã lọt vào vòng hai. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước cộng hòa Pháp, đảng mới thành lập và ít người lại thắng phiếu cao nhất. Đó là một bằng chứng ý thức và dân trí cao ở công dân Pháp. Filon do đảng cánh hữu đưa ra đã bị phanh phui vì tham nhũng tiền chính phủ trong việc khai lương cho vợ con. Dân Pháp đã bất bình và bỏ phiếu cho Macron – thành viên cũ của đảng Xã hội tách ra lập đảng mới. Vì Macron cho rằng nước Pháp cần phải cải cách xã hội sớm nếu không sẽ xảy ra như vụ Brexit và nước Pháp sẽ có nguy cơ ra khỏi cộng đồng chung châu Âu, và phải củng cố biên giới như Marie Le Pen hay xây thành kiểu Trump đề xướng. Đó là một sự ích kỷ, không vì cộng đồng chung. Xã hội tương lại phải vươn tới một xã hội toàn cầu. Biên giới chỉ là tượng trưng.
Song song với biểu tình tuần hành vì tự do dân chủ, một vài nơi biểu tình chống Marie Le Pen. Sự quá khích của vài thành phần cực tả đã gây ra hỗn chiến với cảnh sát. Nhưng sau đó được dẹp.
Hỗn chiến ở quảng trường Bastile
Macron như đại diện cho một cuộc cách mạnh mới với một sự trẻ trung và đổi mới trong nước Pháp. Để ủng hộ Emmanuel Macron, nhiều báo chí, blog sinh viên, trí thức nhân sĩ đã đưa ra hình ảnh sinh viên xuất sắc Macron, một người đã theo học ngành Triết Văn không theo học y như ý cha mẹ là bác sỹ. Ông mê Molière – một nhà văn đã làm đảo lộn lịch sử văn chương Pháp phá bỏ quy luật cổ hủ hàn lâm của giới quý tộc chỉ chấp nhận những Racine và Corneille với bi kịch thảm thương, than thở… Molière đã đem lại tiếng cười trên sân khấu, chế giễu sự kỳ cục và lố bịch của giai cấp quy tộc và giai cấp trưởng giả học làm sang. Molière trở thành một hiện tượng cách mạng trong văn học thời đó. Macron khâm phục Molière, ngay từ nhỏ đã ham triết học, văn hóa. Văn hóa cũng là một mũi nhọn của cách mạng. Các giá trị nền cộng hòa Pháp ngày nay là nhờ Voltaire, Rousseau. Sinh viên đã coi Macron nhưng một biểu tưởng đổi mới. Ông là một sinh viên xuất sắc, tuy cũng có lần thất bại khi không thi đỗ được vào trường sư phạm nổi tiếng Paris cũng như Ngô Bảo Châu từng không thi được vào trường năng khiếu toán. Thất bại không nản, vẫn tiến bước đi đến thành công. Macron chính là tấm gương sáng cho lớp trí thức sinh viên. Và Macron đã đề xướng đảng “tiến bước”. Tức là luôn phải chuyển động, đó là bí quyết của thành công. Macron đã từng đạt vòng nguyệt quế về thi tiếng Pháp lớp đệ nhị, đấy cũng là một hình ảnh tượng trưng cho bảo vệ ngôn ngữ Pháp đang có xu hướng bị tiếng Anh lấn trên thế giới. Văn hóa triết học cũng là một đòn bẩy để thúc tiến sự phát triển đổi thay xã hội.
Trong khi đề cao Macron, báo chí phanh phui ở Marie Le Pen hình ảnh một sinh viên luật tầm thường, nhờ cha mà có chỗ thực tập và làm việc; một sinh viên ham chơi hay la cà ở các quán bar hơn là thư viện. Bà từng là luật sư cho những người không giấy tờ và tị nạn Pháp nhưng giờ đây bà là đưa ra chính sách “vị quốc” nhưng thực chất một loại chống tị nạn và người lao động di cư và muốn tách nước Pháp khỏi Cộng đồng chung châu Âu. Một con người hai mặt.
Qua thăm dò dư luận, khả năng Macron sẽ thắng cử. Người Pháp đang mong sự đổi mới. Ai thực sự sẽ thắng cuộc trong đợt bầu cử 7 tháng 5 sắp tới vẫn còn là điều phập phồng chờ đợi. Cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đã là một bằng chứng đầy hồi hộp đến phút chót. Trump tuy thắng bầu cử nhưng lại không được lòng dân. Trong lịch sử nước Mỹ, Trump là một tổng thống vừa trúng cử đã bị nhiều cuộc biểu tình phản đối nhất.
Một xã hội dân chủ tự do, đều phải chờ đến hồi kết mới biết. Liệu giá trị của nền cộng hòa Pháp có bị đảo lộn chóng mặt sau 7/5?
Tất cả đều hy vọng và chờ đợi.
T.T.D.
Tác giả gửi BVN
This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.