J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bệnh lạnh lùng vô cảm với tính mạng con người
Mấy tháng trước, trên mạng Internet xuất hiện video clip bảo vệ bệnh viện nhi Trung ương, Hà Nội đã chặn xe chở một bệnh nhi khi cháu đang nguy tử, mặc gia đình than khóc và mọi người phản đối. Thế rồi cháu bé đã chết trên xe ngay trong sân bệnh viện. Điều ai cũng biết là việc này chỉ vì nhằm giành chỗ cho một số xe được ưu ái chở bệnh nhân với giá cắt cổ do họ định ra.
Hàng động này không thể chấp nhận, nếu xét cả về phương diện đạo đức xã hội, luật pháp và lương tâm con người.
Cộng đồng mạng xã hội đã lên tiếng mạnh mẽ rằng hiện tượng này không chỉ có ở nơi đây, mà nhiều bệnh viện khác cũng tương tự.
Những câu chuyện về sự vô cảm và tàn nhẫn với con người thời ở thời đại ngày nay, đã không ngớt xuất hiện trên mặt báo.
Cách đây mấy ngày, Hà Tĩnh đã đưa ra xử vụ án ngày 4//7/2016 một lái xe taxi giết chết một sinh viên Công giáo sau khi đi coi thi ở Hà Tĩnh đi lễ về, rồi ném xuống cầu, chỉ để cướp hơn 200 ngàn đồng bạc và một số tư trang, gây nỗi đau cho gia đình, cộng đồng xã hội về sự vô nhân tính.
Thậm chí còn tàn bạo và rùng rợn hơn, từ lâu trên mạng xã hội còn lan tràn câu chuyện về lái xe tải đã lùi xe lại cán chết nạn nhân đang kêu cứu dưới gầm, chỉ vì thà đền ít chục triệu cho một mạng người còn hơn nuôi họ cả đời.
Quả là không ai không ớn lạnh trước những hành động này.
Đó là sự tàn bạo, trục lợi trên nỗi đau và bất hạnh của người khác, bất chấp chính tính mạng con người.
Đó chính là tư duy “vật chất quyết định ý thức” – Chủ nghĩa Mác – Lenin. Vì thế, họ coi tiền bạc và quyền lợi hơn cả nhân tính và lương tâm cũng như tính mạng người khác.
Hệ thống giáo dục và xã hội đã không thể tác động đến mức thức tỉnh họ, ngăn cản họ thực hiện tội ác bởi cái hệ thống lý thuyết “vật chất quyết định ý thức” vẫn là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” mọi hành động mà đảng cầm quyền đang ép cho xã hội này.
Trục lợi và kiếm chác trên nỗi đau và tai họa của người khác
Hơn hai năm trước, câu chuyện về một chiếc xe chở bia ở Đồng Nai bị lật, bia văng tung tóe khắp đường. Rất đông người dân như chỉ chờ cơ hội ấy để thi nhau hôi bia trước sự van xin tuyệt vọng của tài xế. Gần 1.500 thùng bia đã bị cướp trắng để lại người tài xế ngơ ngác, mếu máo trước tai họa khổng lồ ập xuống đầu mình.
Sau vụ cháy kinh hoàng ở chung cư Xa La (Hà Đông, Hà Nội) đêm 11/10/2015, dư luận đang quan tâm đến các nạn nhân mà tài sản bị biến thành tro bụi thì nhận được thông tin: Nhiều hộ dân là nạn nhân vụ cháy đã đến trình báo về việc nhiều tài sản của họ bị mất cắp trong quá trình chữa cháy.
Trong vụ việc bảo vệ Viện Nhi Trung ương ngăn cản xe chở bệnh nhi để phải chết trên xe, nội dung chỉ vì “Nguyên nhân họ không cho xe chở nạn nhân đi bởi chúng ép dùng xe vận chuyển bằng xe ‘dù’ với giá ‘cắt cổ’ – Người trong cuộc kể lại.
Trong thực tiễn xã hội ngày nay, những hiện tượng đó là không thiếu và thậm chí là không ít mà có thể kể ra rất nhiều. Đến một mức nào đó, nhiều người đã coi chuyện hôi của khi người khác bị tai nạn là chuyện bình thường như là chuyện đương nhiên được “lộc trời cho”.
Đó chính là tư duy của đám kền kền trong xã hội, chỉ chực chờ xác chết để kiếm ăn.
Hiện tượng hôi của khi bị gặp nạn đã trở thành bình thường đến nỗi một chiếc xe tải chở bia bị lật ở xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh ngày 27/12/2013 mà không bị cướp, báo chí đã phải đưa lên thành tin nóng, như một hiện tượng lạ trong xã hội.
Nhiều người nhìn cảnh tượng xã hội đó đã thốt lên: Xã hội ngày nay, lòng nhân ai đã trở thành xa xỉ.
Và đám kền kền thì quá đông.
Vẫn còn những tấm lòng yêu thương và nhân ái
Cuối tháng 6 năm ngoái, cô em gái tôi bị gặp nạn, đang đi xe máy lề đường, em bị một chiếc ô tô đâm từ phía sau bay lên vỉa hè hơn 20 mét. Cô ấy bị bất tỉnh đến 8 ngày mới tỉnh lại tại bệnh viện Nghệ An.
Khi biết tin em tôi bị tai nạn, tin tức nhanh chóng lan truyền trong cả họ đạo nhốn nháo và cảm thương. Hàng đoàn giáo dân cả trăm người vượt đường xa mấy chục km thăm người bệnh như người nhà của mình. Các thanh niên đi xe máy chở nhau đến bệnh viện và ngủ đêm lại đó để an ủi bệnh nhân và chia sẻ với gia đình… Sự cảm thông và yêu thương lẫn nhau giữa họ khiến nhiều bác sĩ và nhân viên bệnh viện ngạc nhiên hỏi: Có cái Họ nào mà lớn khiếp thế? Các nhân viên ở đây không biết rằng khi người dân nói cùng họ, nghĩa là cùng ở một Họ đạo.
Và những lời cầu nguyện không dứt từ khắp nơi, đã làm nên điều kỳ diệu là em tôi bình phục trước sự ngạc nhiên của bao người: Chỉ có một phép lạ. Ở đây là phép lạ của Tình yêu thương.
Người dân xứ tôi lên mua đất làm nhà bám hai bên đường Quốc lộ 1A đoạn vào Tp Hà Tĩnh. Họ làm ăn và buôn bán ở đó với môi trường buôn bán cạnh đường sá tiếp xúc nhiều tầng lớp khác nhau, không tránh khỏi các loại tệ nạn xã hội giao lưu qua đó. Thế nhưng tại đây vẫn giữ được những đức tính quý báu cần thiết đã thành nền tảng của người công giáo: Tình yêu thương, đoàn kết.
Ở đó, không chỉ có người công giáo mà cả nhiều anh chị em tôn giáo bạn. Họ sống với nhau chan hòa và đầy tình mến thương lẫn nhau. Hội Tình Thương Giáo xứ được thành lập, mỗi tháng một người tham gia hội cùng góp 1.000 đồng vào quỹ, bằng 1/3 tiền cốc trà đá. Thế nhưng, cả giáo xứ mấy năm qua đã xây dựng và hỗ trợ được rất nhiều nhà tình nghĩa cho những người bất hạnh, cô đơn và ốm đau, khó khăn. Nhiều trâu, bò đã mua cho các gia đình chăn nuôi và tạo nguồn sống cho họ qua chương trình đó.
Điều rất vui, là những hoạt động đó kéo theo những người thuộc tôn giáo bạn nơi đây sau một thời gian chung sống đã tham gia rất nhiệt tình. Kể cả những công việc thuần túy tôn giáo như Giáng Sinh và lễ lạt tất cả đều tham gia chung.
Khi tôi về nơi đây, một người bạn kể tôi nghe câu chuyện xảy ra ở đây thật ấn tượng, không thể quên. Bởi đó cũng là hiện tượng “lạ” trong xã hội ngày nay.
Đó là câu chuyện một chiếc xe tải chở xoài từ miền Nam ra Bắc và bị lật mấy năm trước.
Chẳng rõ nguyên nhân nào, chiếc xe tải chở xoài đến đoạn đường đó thì lật nghiêng xuống ruộng. Hàng đống xoài đổ ra ruộng bên đường. Người dân đổ ra đông như kiến, người lái xe thoát chết thì chẳng biết làm gì, chỉ biết đứng và… run.
Ngay lập tức khi nghe tin, mọi người trong xóm đã đến vây quanh chiếc xe và hàng hóa đang đổ tung tóe để bảo vệ số hàng hóa và tư trang của lái xe, đề phòng có những người xấu lợi dụng cơ hội. Một số người thu dọn xoài sắp xếp lại thành một đống rồi phủ bạt bảo vệ qua đêm đó.
Sáng hôm sau, chị em phụ nữ đứng ra tổ chức bán xoài với đúng giá thị trường, không bán rẻ hơn. Kể cả chị em mua chục ký cho những người đang xây dựng Nhà thờ Giáo xứ Văn Hạnh khi đó, cũng trả tiền đúng giá và sòng phẳng. Tất cả số tiền bán được ghi chép đầy đủ. Người lái xe gần như ngẩn ngơ chỉ biết đứng nhìn bà con, thậm chí cũng chẳng biết họ đang làm gì.
Nhưng sau khi đã bán hết số xoài kia, chị em đã bàn giao tất cả tiền bạc, sổ sách cho người lái xe thì anh ta thật sự choáng. Hẳn là anh ta không nghĩ đến có thể có chuyện như vậy xảy ra.
Thế rồi từ đó về sau, mỗi chuyến vào Nam, ra Bắc, người lái xe vẫn thường ghé lại thăm xóm đạo với một tấm lòng biết ơn lâu dài.
Nền giáo dục “hoàn toàn Việt Nam” và hệ lụy
Mấy chục năm trở lại đây, khi đất nước bước vào cuộc “đổi mới” thì theo đà đó, đạo đức xã hội dần dần trở nên suy đồi và thiếu vắng sự thiện, tình yêu thương.
Khi người ta đổ ra hàng chục ngàn tỷ để xây tượng đài khắp nơi, thì người ta loanh quanh không tìm ra một quyết sách đúng đắn cho giáo dục. Nền giáo dục vẫn luẩn quẩn với những tư duy cổ lỗ và duy ý chí để tạo ra những”sản phẩm thiếu chất lượng” – Đặc trưng của ” Nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam” – (Hồ Chí Minh 2/9/1945).
Chính những “sản phẩm” này đã xây nên xã hội hôm nay, trong số đó là “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa, biến chất, tham nhũng và suy đồi.
Khi người ta coi giáo dục và y tế là những ưu tiên hàng đầu nếu muốn phát triển xã hội, đất nước, thì y đức ngày càng sa sút trong các cơ sở y tế luôn rình rập tăng viện phí và tệ nạn bác sĩ moi tiền bệnh nhân như… cướp.
Khi người ta luôn biện minh cho mọi sai lầm của mình, rằng “đúng quy trình”, thì người ta chưa tìm ra được một “quy trình ứng xử” nào cho đạo đức xã hội tốt lên. Bởi bao trùm lên mọi quy trình đó, là cơ chế – Cơ chế Đảng CS lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện.
Thế nhưng
Trên các phương tiện truyền thông, người ta luôn nhắc đến sự vô cảm, sự xuống cấp đạo đức xã hội như một căn bệnh không tìm ra thuốc chữa, thì ở nhiều nơi trên đất nước, dưới bóng nhà thờ vẫn có những xóm đạo sống với nếp xưa, trong xã hội tiện nghi hiện đại. Nếp xưa đó, chính là loại bỏ những sự ích kỷ cá nhân, vô cảm với nỗi đau đồng loại để rèn luyện tình yêu thương con người.
Trong các xóm đạo, dưới bóng nhà thờ, không có nhà tù, không có cảnh sát, nhưng người dân tự nguyện hành động để cộng đồng tốt đẹp hơn. Cũng trong các xóm đạo, những người thừa hành, được giao việc phục vụ không được trả lương, nhưng họ vẫn làm việc hết khả năng của mình để phục vụ cộng đồng.
Khi ngoài xã hội, người ta có thể làm thất thoát, tham nhũng hàng chục ngàn tỷ đồng như chuyện chơi, thì nơi xóm đạo nghèo quê tôi, giáo dân vẫn góp với nhau mỗi tháng 1/3 cốc trà đá mỗi người để nuôi Tình thương.
Động lực thúc đẩy họ chính là Đức Tin của mình. Họ sống theo lời Chúa Giêsu đã dạy từ hai ngàn năm trước: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. (Ga 15,12)
Vì sao họ xuống đường?
Những quan chức, những kẻ thờ ơ và ích kỷ sẽ không hiểu vì sao người công giáo lại hăng hái xuống đường biểu tình chống Formosa. Nhà cầm quyền và một số kẻ cho rằng: Do họ “bị xúi giục”, hoặc “thế lực thù địch, chống phá” hoặc đơn giản là “nhận tiền nước ngoài”… đủ cả.
Người công giáo luôn đau đáu câu hỏi: “Vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiễm, ông, bà, cha, mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng con?” – Thư chung của ĐGM GP Vinh Phaolo Nguyễn Thái Hợp, về thảm họa Biển Miền Trung.
Dù cho câu hỏi này, khi được nêu ra trong xã hội Cộng sản Việt Nam hôm nay, chỉ đem lại những cái cười nhếch mép của lũ quan chức tham nhũng. Nhưng là nỗi day dứt, câu chất vấn của chính lương tâm mọi người Công giáo Việt Nam.
Ở đó, người ta không thể mũ ni che tai khi thảm họa môi trường đe dọa cuộc sống hôm nay và mai sau của đất nước và dân tộc. Những người công giáo đau nỗi đau của chính mình bị thiệt thòi, họ đau nỗi đau chung của cộng đồng xã hội. Vì “tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chúng ta và là tội lỗi chống lại chính Thiên Chúa” (ĐGH Phanxicô, Laudato Sí, số 8).
Và việc những người Công giáo hôm nay xuống đường biểu tình, đòi Formosa cút khỏi Việt Nam, chính là khi họ đã thực hiện những lời huấn dạy yêu thương và đoàn kết với cộng đồng, không vì ích kỷ nhỏ nhen mà chỉ lo cho mình mà chính là lương tâm, trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng, xã hội và đất nước.
Điều này được thúc đẩy bởi chính Đức Tin của họ.
Để có được Đức Tin đó, Giáo hội Công giáo đã qua hàng ngàn năm vật lộn để tồn tại và tìm tòi một đường hướng tốt nhất phục vụ tha nhân và con người, xã hội.
Và do vậy, việc dùng bạo lực, dối trá nhằm bôi bẩn, dập tắt, xóa bỏ những điều đã viết bằng máu, nước mắt và niềm tin… chỉ là những việc “lấy chân đạp mũi nhọn” mà thôi.
Hà Nội, ngày 12/4/2017
N.H.V.
Tác giả gửi BVN