Vũ Minh Trí
Ngày 24-2-2017, Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) công bố chỉ tiêu các trường khối quân đội năm 2017. Số liệu cụ thể cho từng trường, của từng ngành có thể xem ở trang mạng http://vnexpress.net/photo/tuyen-sinh/chi-tieu-cac-truong-quan-doi-nam-2017-3546527.html
Từ nội dung thông tin được công bố một cách chính thức và rộng rãi đó, dễ thấy mấy điểm:
1. Có 21 trường (7 học viện, 11 trường sĩ quan, 1 trường đại học và 2 trường cao đẳng) thuộc Bộ Quốc phòng được tuyển tổng cộng 7835 “chỉ tiêu”, gồm 5263 ở hệ quân sự (chiếm 67,17 %) và 2572 ở hệ dân sự (chiếm 32,83 %). Tức là trong chỉ tiêu tuyển sinh của các trường khối quân đội năm 2017, có gần 1/3 là để đào tạo ở hệ dân sự.
2. 11 trường chỉ tuyển sinh để đào tạo ở hệ quân sự. 8 trường tuyển sinh để đào tạo ở cả hai hệ quân sự và dân sự, trong đó có 3 trường tỉ lệ tuyển sinh để đào tạo ở hệ dân sự chiếm quá nửa là Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội (91,53 %), Học viện Kỹ thuật quân sự (60,58 %) và Trường sĩ quan Kỹ thuật quân sự Vin-hem Pích (56,34 %). 2 trường chỉ tuyển sinh để đào tạo ở hệ dân sự là Trường cao đẳng Công nghiệp quốc phòng và Trường cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô-tô. Tức là xét về hoạt động đào tạo thì non nửa số trường mang tính chất “bán quân sự”, thậm chí có trường còn có thể coi là thuần túy dân sự.
3. Học viện Kỹ thuật quân sự được tuyển sinh để đào tạo ở hệ dân sự các ngành: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật điện – điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật xây dựng. Học viện quân y: Bác sĩ đa khoa, Dược sĩ đại học. Học viện Khoa học quân sự: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc. Học viện hậu cần: Tài chính – ngân hàng, Kế toán, Kỹ thuật xây dựng. Trường sĩ quan công binh: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật cơ khí. Trường sĩ quan thông tin: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử – truyền thông. Trường sĩ quan Kỹ thuật quân sự Vin-hem Pích: Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật ô-tô, Công nghệ Kỹ thuật cơ khí. Trường đại học văn hóa nghệ thuật quân đội: Quản lý văn hóa, Sư phạm âm nhạc, Quay phim truyền hình, Diễn viên kịch – điện ảnh, Sáng tác âm nhạc, Đạo diễn sân khấu, Chỉ huy âm nhạc, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biên đạo múa, Huấn luyện múa, Văn thư – lưu trữ, Thiết kế âm thanh – ánh sáng, Diễn viên múa. Trường cao đẳng công nghiệp quốc phòng: Kế toán, Tài chính – ngân hàng, Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ Kỹ thuật điện – điện tử. Trường cao đẳng công nghệ và Kỹ thuật ô-tô: Công nghệ Kỹ thuật ô-tô, Công nghệ Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ Kỹ thuật điện – điện tử, Công nghệ thông tin, Kế toán. Các ngành đó đều có ở nhiều, thậm chí rất nhiều trường đại học, cao đẳng bên ngoài quân đội.
Trong bài viết Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tiền lương đối với quân đội đăng ở tạp chí Quốc phòng toàn dân vào năm 2011, đại tá Trần Văn Minh, phó cục trưởng Cục chính sách thuộc Tổng cục chính trị – Bộ Quốc phòng khẳng định: “Tính chất đặc biệt của lao động quân sự là yếu tố cơ bản nhất quy định chính sách tiền lương quân đội. Tương quan tiền lương của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được xác lập từ năm 1993 (khoảng 1,7 đến 1,8 lần so công chức hành chính), được tái khẳng định trong đợt cải cách tiền lương năm 2004 về cơ bản là hợp lý và có cơ sở khoa học” (http://tapchiqptd.vn/vi/an-pham-tap-chi-in/nghien-cuu-hoan-thien-chinh-sach-tien-luong-doi-voi-quan-doi/3115.html).
Tháng 7-2011, đại tá Nguyễn Ngọc Kiên, trưởng phòng Chế độ chính sách – Cục tài chính – Bộ Quốc phòng đã trả lời phóng viên báo Quân đội nhân dân: “Lao động quân sự là lao động đặc biệt. Cán bộ, chiến sĩ phải làm việc không kể thời gian, môi trường làm việc độc hại, đồng thời luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc” (http://www.baomoi.com/tien-luong-phai-tuong-xung-voi-lao-dong-dac-biet/c/6664062.epi).
Cứ tạm coi thế đi.
Thử hỏi, việc đào tạo ở hệ dân sự của các trường khối quân đội có phải là “lao động quân sự” không, nếu phải thì “tính chất đặc biệt của lao động quân sự” được thể hiện trong đó như thế nào?
Tương tự đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin của Tập đoàn viễn thông quân đội, hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ của Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội, hoạt động khai thác và tiêu thụ than đá của Tổng công ty Đông Bắc, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các ngành hàng cơ khí, hóa chất, thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, dệt may, da giày, xây dựng, vật liệu xây dựng, điện, điện tử, nông – lâm – hải sản, thủ công mĩ nghệ, đồ gỗ… của gần trăm doanh nghiệp quân đội khác.
Cũng tương tự đối với các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ… mang tính chuyên nghiệp của các quân nhân.
V.M.T.
Tác giả gửi BVN