Lê Nguyễn Duy Hậu
Khi một nhóm quá khích tại Arnhem, Hà Lan, đánh bị thương một cặp đôi nam vì họ “dám” nắm tay nhau tại nơi công cộng, các chính khách tại Hà Lan đã có cách phản ứng rất đặc biệt. Lãnh tụ Đảng Dân chủ D66 đã xuất hiện trước công chúng, tay trong tay với một đồng chí của mình để thể hiện sự ủng hộ với tự do thể hiện tại Hà Lan. Rất nhanh chóng, nhiều chính khách khác đã theo gương đồng nghiệp của mình. Phó thủ tướng Hà Lan xuất hiện với bàn tay nắm chặt vị đồng nghiệp của mình, trong khi phái đoàn Hà Lan tại UN cũng cùng dắt tay nhau qua đường bày tỏ sự ủng hộ. Cảnh sát Hà Lan cũng vào cuộc và cho đăng tải hình ảnh ủng hộ của họ.
Trong một cuộc khủng hoảng dù nhỏ hay lớn, đa số các chính khách sẽ chọn “đối phó” (reacting) thay vì “lãnh đạo” (leading). “Đối phó” tức là đưa ra những biện pháp mang tính tình thế, đối đáp với khủng hoảng, còn “lãnh đạo” đòi hỏi những hành động dũng cảm, theo đuổi giá trị mà chính khách đó đại diện – chẳng hạn như nắm tay đồng nghiệp của mình cũng là một cách lãnh đạo. Người dân cần sự lãnh đạo ở các chính khách chứ không phải sự đối phó.
Xây dựng cổng thông tin điện tử để người dân đóng góp ý kiến là một hành động đáng hoan nghênh và phù hợp với giá trị kiến tạo mà một chính phủ theo đuổi. Tuy nhiên, một chính khách giỏi sẽ chọn theo đuổi đến cùng giá trị đó trong mọi hoàn cảnh. Gọi người biểu tình là kẻ gây rối, kích động chỉ là một hành động đối phó đã quá lỗi thời, không đi theo giá trị nào và chắc chắn sẽ phản tác dụng. Chấp nhận cuộc biểu tình như một hình thức bày tỏ ý kiến của người dân mới chính là sự lãnh đạo sáng suốt mà đất nước đang chờ đợi.
L. N. D. H
Nguồn: FB Lê Nguyễn Duy Hậu