Cát Linh, phóng viên RFA
Người dân vùng biển Phan Thiết chụp hôm 22/3/2017. AFP photo
Quân bình giữa hoạt động kinh tế và bảo vệ môi trường là mục tiêu được lãnh đạo Việt Nam nhắc đến rất nhiều lâu nay. Tuy nhiên trong thực tế chính quyền Việt Nam làm được đến đâu?
Sự cố hay tác động?
Báo Vietnamnet hôm 3 tháng Tư trích dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng Ba nói về nhà máy thép Formosa từng gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển cách đây tròn một năm rằng “Nếu không đảm bảo an toàn về môi trường, để xảy ra sự cố tương tự như năm ngoái thì yêu cầu phải tiếp tục đóng cửa.”
Qua ghi nhận của người dân địa phương tại khu vực nhà máy Formosa ở Vũng Áng, Hà Tình thì từ khi xảy ra vấn nạn ô nhiễm môi trường biển đến nay, Formosa chưa một ngày ngưng hoạt động. Cho nên, phát ngôn của ông Mai Tiến Dũng khi nói Formosa “phải tiếp tục đóng cửa” có thể sẽ gây nhiều thắc mắc cho nhiều người.
Ta phải ràng buộc Formosa, bắt buộc họ phải theo đúng tiêu chuẩn, quy luật tự nhiên. Formosa phải cam kết xử lý chất thải theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam.
– Tiến sĩ Nguyễn Tác An
Cũng trong ngày 3 tháng Tư, báo trong nước trích dẫn lời Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV): “Phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ chất thải, lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc, hoàn nguyên các khu vực đã khai thác, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường.”
Phát ngôn của văn phòng chính phủ và các quan chức cấp cao đều cho thấy những vấn nạn ô nhiễm môi trường mà người dân đang chịu từ các nhà máy công nghiệp đều được xem là “sự cố” chứ không phải hậu quả từ hoạt gây tác động đến môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam giải thích rõ về điểm này:
“Tác động môi trường hay chúng tôi thường gọi là đánh giá tác động môi trường là tìm hiểu xem dự án cụ thể nào đó có những ảnh hưởng gì mà chủ yếu là ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Từ đó đề xuất ra biện pháp xử lý chất thải của cơ sở đó gây ra.
Còn sự cố môi trường là điều không mong muốn. Trong xã hội Việt Nam gần đây, nhất là trong sự cố rất lớn xảy ra, người dân rất quan tâm đến vấn đề làm sao anh được đánh giá tác động môi trường tốt, xây dựng những công trình xử lý chất thải đúng qui định.”
Cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, đánh giá tác động môi trường để đề xuất những giải pháp tránh không xảy ra sự cố môi trường. Sự cố có thể xảy ra do những công trình hay con người gây ra, nhưng cũng có những lý do bất khả kháng. Do đó, người chủ đầu tư phải hiểu rõ những vấn đề đó để có những phòng ngừa nhất định, giảm thiểu thiệt hại không để xảy ra sự cố môi trường.
Người dân Việt Nam chưa thể quên bản báo cáo tác động môi trường của Formosa đưa ra năm 2016 được các chuyên gia đánh giá là sơ sài, giản lược và không dùng được. Truyền thông trong nước lúc đó đăng tải cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Kinh, người ký phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa, chia sẻ các lý do vì sao bản đánh giá sơ sài nhưng vẫn được phê duyệt.
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An có nhận định khách quan.
“Nói chung đã làm công nghiệp thì phải chịu tác động của môi trường. Nhưng vì sao các nước phương Tây chịu tác động ít? Là vì người ta có cách phát triển công nghiệp, có cách bảo vệ môi trường, và có những ràng buộc. Ta phải ràng buộc Formosa, bắt buộc họ phải theo đúng tiêu chuẩn, quy luật tự nhiên. Formosa phải cam kết xử lý chất thải theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam.”
Cứ không an toàn thì đóng cửa?
Nhà máy thép Formosa của Đài Loan tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 3/12/2015. AFP photo
Tháng 7 năm 2016, Bộ Tài nguyên- Môi trường từng tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp Lee & Man sau khi có nhiều lo ngại rằng nhà máy này sẽ bức tử sông Hậu, vì sau khi hoạt động sẽ xả khoảng 28.500 tấn xút ra sông Hậu. Thế nhưng, nhiều người dân sinh sống ở khu vực đó phải gửi đơn kêu cứu về tình trạng ô nhiễm mùi hôi và tiếng ồn kể từ khi nhà máy này bắt đầu chạy thử vào đầu tháng 3 vừa qua.
Những lá đơn kêu cứu được phản hồi bằng cuộc đối thoại trực tiếp giữa ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, nhà máy giấy Lee&Man và người dân diễn ra ngày 3 tháng Tư, tại UBND thị trấn Mái Dầm, Hậu Giang.
Tại buổi hội thoại, ông Trần Phong, Cục trưởng cục Môi trường miền Nam, thuộc Bộ tài nguyên và môi trường xác nhận có bốn khu vực trong nhà máy phát sinh mùi hôi.
Sau khi nghe nhiều người dân phản ảnh về thực trạng môi trường và nêu câu hỏi về mức độ an toàn của nhà máy đối với cuộc sống của người dân, ông Trần Ngọc giải đáp: “Khi nhà máy hoạt động, bắt buộc có cam kết trong quá trình vận hành như chất thải, tiếng ồn… phải đạt cực chuẩn”.
Chính ông Trần Phong cũng khẳng định với người dân tại buổi nói chuyện: “Nếu nhà máy vẫn còn thải mùi hôi vài tháng nữa thì không thể hoạt động được.”
Hậu quả
Cá chết ở Hồ Tây ngày 3 tháng 10 năm 2016. AFP photo
Tuy rất nhiều phát ngôn được đưa ra theo chiều hướng như thế, vấn nạn ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra đến nay vẫn là cơn ác mộng cho ngư dân miền Trung nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam nói chung.
Cho dù Formosa đã hứa sẽ ngừng xả thải, nhưng theo các nhà khoa học, điều đó không thể trả lại môi trường biển sạch cho người dân, chính vì cái gọi là tác động tích luỹ. Lý do là từ tháng 4 năm 2016 đến nay vẫn để lại ảnh hưởng vô cùng to lớn cho đời sống của người dân và môi trường biển. Theo giới chuyên gia khoa học thì đó là ô nhiễm công nghiệp mang tính tích luỹ.
Nguyên nhân là do chiến lược phát triển kinh tế công nghiệp không đi cùng với những điều khoản ràng buộc về bảo vệ môi trường.
Dù Formosa có thải tiếp tục hay không thải tiếp tục thì tác động vẫn rất lâu dài.
– Tiến sĩ Nguyễn Tác An
Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang khuyến cáo về chiến lược phát triển công nghiệp.
“Phát triển công nghiệp rất cần, nhưng nó phải quy hoạch, phải có công nghệ hỗ trợ để xử lý an toàn môi trường. Còn nếu phát triển theo kiểu quy hoạch thì nó sẽ chịu hậu quả lâu dài.”
Tiến sĩ Nguyễn Tác An khẳng định điều đó:
“Dù Formosa có thải tiếp tục hay không thải tiếp tục thì tác động vẫn rất lâu dài.”
Ngày 24 tháng 8 năm ngoái, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng là người chủ trì cuộc hội nghị đã nhấn mạnh: “Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân”.
Tuy nhiên, phát biểu của lãnh đạo và thực tế đến nay vẫn còn một khoảng cách khá xa mà người dân trong nước ai cũng nhìn thấy rõ!
C. L.