Dự báo không bao lâu nữa, dự trữ trong những tầng lớp dân chúng nghèo nhất sẽ hầu như cạn và sẽ không một ai trong số họ muốn bỏ thêm một đồng nào để nuôi dưỡng một bộ máy gần 3 triệu công chức viên chức Đảng và chính quyền với cung cách “hành là chính”, cùng 30% trong đó “không làm gì cả”.
Vào tháng 3/2017, có đến vài ba chục xe ô tô của dân đã chặn trước trạng thu phí Tam Nông ở tỉnh Phú Thọ để phản đối việc thu phí.
Một bài viết mang tựa đề “Ngân sách không đủ tiêu: Tăng thuế phí trong nước” trên trang báo điện tử VietNamNet đã nhanh chóng bị gỡ bỏ, nhưng may mắn vẫn còn lưu trên baomoi.com và một số trang khác.
Bài báo VietNamNet cho biết thu ngân sách hàng năm vẫn tăng đều, nhưng chưa bao giờ đủ chi. Xu hướng thu nội địa ngày một tăng lên, đang gây lo ngại về gánh nặng thuế, phí đặt lên vai người dân và doanh nghiệp. Trong khi, thu từ thuế xuất nhập khẩu và dầu thô giảm mạnh, thì thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách. Từ mức 59% giai đoạn 2006-2010, tăng lên 68% trong giai đoạn 2011-2015, đặc biệt năm 2015 thu nội địa đã chiếm 74,4% tổng thu ngân sách.
Năm 2016, Chính phủ đặt ra mục tiêu thu ngân sách khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán và 14% ước thực hiện của năm 2015. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách của Việt Nam đặt ra kế hoạch vượt con số 1 triệu tỉ đồng, tương đương 20% GDP dự báo của năm 2016.
Các nguồn thu nội địa được Bộ Tài chính nhắm tới là bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Hiện vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp ước vào khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng mới thoái được 5%.
Với xăng dầu, thời gian qua, khi thuế nhập khẩu giảm thì Bộ Tài chính đã ngay lập tức tăng thuế Bảo vệ môi trường với mặt hàng này lên tới 300%.
Các số liệu thống kê gần đây về tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức bình quân khoảng 20%; cao hơn hẳn so Thái Lan 16,1%, Philippine 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaisia 14,3%…
Thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn hẳn, khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp từ 1,4 -3 lần so với các nước.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016, Ngân hàng Thế giới công bố tỷ lệ huy động thuế phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận. Tức là làm được 10 đồng, nộp thuế gần 4 đồng.
Dân bắt đầu phản kháng
Bất chấp yêu cầu khách quan phải giảm độc quyền và đặc lợi của các tập đoàn kinh tế nhà nước, những người cố thủ trong lô cốt chế độ đã tiến thêm một bước dài trong việc cổ vũ các tập đoàn đặc quyền lao lên phía trước, tạo thêm những gánh nặng chồng chất cho các tầng lớp nhân dân, kể cả một bộ phận giới công chức cùng toàn bộ lực lượng vũ trang.
Xã hội và người nghèo cũng vì thế càng bị điêu đứng do các cuộc tranh giành bất tận của các nhóm quyền lực, cuộc chiến thao túng hoành hành không có giới hạn của những kẻ lắm tiền nhưng vẫn muốn có nhiều tiền hơn nữa.
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt hại về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.
Mọi thứ đều có giới hạn của nó. Cơ chế bổ lệ phí vào đầu dân theo kiểu dựng lên càng nhiều càng tốt trạm thu phí BOT, rốt cuộc đã khiến chính người dân thấp cổ bé họng phải phản ứng. Vào tháng 3/2017, có đến vài ba chục xe ô tô của dân đã chặn trước trạng thu phí Tam Nông ở tỉnh Phú Thọ để phản đối việc thu phí…
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã lao vào năm suy thoái thứ 9 liên tiếp, con giun xéo lắm cũng phải quằn. Dự báo không bao lâu nữa, dự trữ trong những tầng lớp dân chúng nghèo nhất sẽ hầu như cạn và sẽ không một ai trong số họ muốn bỏ thêm một đồng nào để nuôi dưỡng một bộ máy gần 3 triệu công chức viên chức Đảng và chính quyền với cung cách “hành là chính”, cùng 30% trong đó “không làm gì cả”.
T.L.
Nguồn: www.ijavn.org/2017/03/vntb-ngan-sach-can-kiet-bo-au-dan-bang.html