Sáng ngày 3-3-2017 tại Sài Gòn, đã diễn ra lễ trao Giải Văn Việt lần thứ hai (căn cứ trên các tác phẩm đăng trên Văn Việt năm 2016) gồm: 1 giải đặc biệt, 2 giải chính thức về thơ, 1 Giải chính thức về nghiên cứu phê bình, 2 Giải của Chủ tịch Hội đồng về Văn. Giải thưởng này do Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam sáng lập
Năm ngoái, lễ trao Giải Văn Việt lần đầu tiên đã gặp khó khăn vì bị nhà cầm quyền cản trở, không thể tổ chức tại nhà hàng như dự định, phải rút về nhà riêng của nhà thơ Ý Nhi và GS Nguyễn Lộc. Năm nay, mọi việc có phần thông thoáng hơn, được tổ chức hẳn hoi ở quán cà phê nổi tiếng Sỏi Đá, có màn hình chiếu slide và booklet giới thiệu tác phẩm được giải, và nhất là có đông đảo người dự thuộc nhiều thành phần và từ nhiều nơi trong, ngoài nước (Hà Nội, Quảng Bình, Hội An, Vũng Tàu, Sài Gòn, Pháp, Mỹ, Canada). Tuy vậy, một số nhà văn quen thuộc như Phạm Đình Trọng, Lê Phú Khải vẫn được “chăm sóc đặc biệt” từ tối hôm trước nên đành ngồi nhà đón đợi tin tức cuộc họp do bè bạn đưa về. Riêng nhà văn Phan Đắc Lữ, do biết “lánh nạn” từ sớm nên cũng đã có mặt chung vui với anh em, mặc dầu việc đi “ngủ náu” ở tuổi ngoài 80 là việc không chút dễ dàng. Ban tổ chức giải cho biết đã có thư mời Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM tham dự, tuy vậy có lẽ vì những lý do nào đấy hai hội đoàn văn chương này đã không có đại biểu. Phía cơ quan an ninh cũng nhận được thư mời nhưng thay vì cử người đến dự, thì AN lại cử khá nhiều nhân viên công lực đến bao quanh và ghi hình toàn bộ buổi lễ. Âu đó cũng là một biệt lệ của Việt Nam trong không khí “dân chủ đến thế là cùng” của thời điểm hôm nay, góp phần vào sự long trọng cho giải thưởng danh giá này.
Trong số khách mời từ Hà Nội, có ông Nguyễn Quang A, nhà tài trợ lớn của giải, ông Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, ông Thái Kế Toại, cựu Giám đốc Hãng phim Công an (hai nhà văn họ Phạm và họ Thái/Lê đều ở trong Ban vận động của Văn đoàn, riêng Phạm Xuân Nguyên còn nằm trong Hội đồng xét giải). Có mặt trong buổi lễ gồm hầu hết những người trong Hội đồng giải thưởng và một số nhà văn trong Ban vận động Văn đoàn chủ yếu cư trú ở Sài Gòn: Chủ tịch, nhà văn Nguyên Ngọc; thường trực, nhà thơ Hoàng Hưng; các thành viên: nhà thơ Ý Nhi, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nhà thơ Bùi Chát, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, nhà nghiên cứu Hoàng Dũng. Nhà báo Đinh Quang Hùng (người đầu tiên tài trợ cho Quỹ). Nhiều cộng tắc viên và bạn bè như nhà báo tự do Nguyễn Công Bình, nhà thơ Nguyễn Duy, hoạ sĩ Lý Trực Dũng, GS Nguyễn Đăng Hưng, nghệ sĩ Kim Chi… và một số vị không muốn nêu tên cũng đã hiện diện làm cho cuộc họp thêm phần vui vẻ.
Đặc biệt các gương mặt hải ngoại có nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp) nhân về thăm quê hương trong dịp Tết vừa rồi, đã nhiệt tình nán lại để dự họp, nhà văn, dịch giả Lý Lan, trở về từ nước Mỹ và nhà văn Nam Dao từ Canada. Tác giả Ngô Thế Vinh (California, Mỹ), người được giải thưởng đặc biệt lần này với hai tác phẩm: Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng, và Mekong dòng sông nghẽn mạch, vì không có điều kiện vê tham dự nên đã ủy quyền cho nhà thơ Lý Đợi của nhà xuất bản Giấy Vụn nhận thay.
Ban Vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, thành lập và hoạt động từ ba năm nay, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước. Như lời của nhà văn Chủ tịch Nguyên Ngọc, lần trao giải này tiếp tục khẳng định quyền tự do sáng tác và quyền công bố tác phẩm là quyền tối thiểu nhưng lại tối thiêng liêng của mọi nhà văn và người cầm bút Việt Nam, ở bất cứ vùng miền nào trên trái đất, bất chấp sự ngăn cấm của nhà cầm quyền, chỉ vì những lý do phi văn chương (như không xin phép cơ quan công quyền mà dám sát cánh cùng nhau hình thành một tổ chức sáng tác nhằm mục tiêu đẩy mạnh sự phát triển văn học nghệ thuật của đất nước, hoặc không thông qua Ban Tuyên giáo mà dám cho ra mắt những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao nhưng lại bị coi là “nhạy cảm” kiểu Chuyện kể năm 2000 của cố nhà văn Bùi Ngọc Tấn). Đó không chỉ là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn mà cũng là của chính tương lai nền văn học nghệ thuật dân tộc. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng, đúng nghĩa, cũng như khó lòng vươn tới một triển vọng cao và xa cho văn học của nước nhà, với những tác phẩm được nhân loại ghi nhận.
Trong khi chờ đợi một bài tường thuật đầy đủ và chi tiết, xin mời bạn đọc xem trước một số hình ảnh qua youtube mà chúng tôi lượm lặt trên mạng trong ngày hôm nay, đồng thời đọc bài phát biểu của nhà văn Ngô Thế Vinh bằng hai thứ tếng Việt và Anh (xin được phép trích nguồn từ trang Văn Việt – https://vandoanviet.blogspot.com/2017/03/ngo-vinh-dien-tu-nhan-giai-ac-biet-van.html#more,
phần tiếng Việt – và từ Việt báo online https://vietbao.com/a264780/giai-van-viet-trao-o-vn-nha-tho-ly-doi-nhan-thay-nha-van-ngo-the-vinh, phần tiếng Anh).
https://www.youtube.com/watch?v=4eOPQKM92Y8
Bauxite Việt Nam
NGÔ THẾ VINH – DIỄN TỪ NHẬN GIẢI ĐẶC BIỆT
VĂN VIỆT LẦN THỨ HAI
Quý anh chị trong Diễn Đàn Văn Việt
Thưa Hội đồng Giám khảo giải Văn Việt
Được tin hai tác phẩm, Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, được chọn để trao giải Đặc biệt Văn Việt Lần Thứ Hai, tôi cảm thấy rất vinh hạnh. Hai tác phẩm đó viết về sinh mệnh của một dòng sông là mạch sống không chỉ của Việt Nam mà còn của hơn 70 triệu cư dân thuộc bảy quốc gia ven sông. Hai tác phẩm đó không chỉ chất chứa nhiều dữ liệu, nhưng qua đó tôi cũng muốn chuyển tải thông điệp mang tính dự báo về ý đồ hiểm độc của Trung Quốc và về những tranh chấp không thể tránh giữa Trung Quốc và các quốc gia trong lưu vực Sông Mekong. Và dự báo ấy với thời gian đang được chứng nghiệm. Hậu quả những tranh chấp ấy đang làm cho “Cửu Long Cạn Dòng và Biển Đông Dậy Sóng”. Sự kiện một Diễn đàn độc lập như Văn Việt quan tâm đến và trao giải cho hai tác phẩm mang tính “nhạy cảm và tế nhị” đó là một quyết định rất có ý nghĩa và là một vinh hạnh cho người viết.
Giải thưởng cũng làm cho tôi xúc động bởi vì Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng 2000, và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch 2007, cho dù đã được xuất bản và tái bản ở hải ngoại từ hơn một thập niên trước, nhưng cho tới nay vẫn không được chấp nhận bởi các nhà xuất bản “chính thống” ở trong nước. Lý do đưa ra là “những khó khăn không thể vượt qua”, lý do đó là yếu tố Trung Quốc. Cái yếu tố căn cơ đó đang huỷ hoại con sông 4,800 km và đe doạ nguồn sống của hơn bao nhiêu triệu cư dân trong lưu vực. Yếu tố đó còn là nút chặn cả tự do học thuật của Việt Nam.
Trong nghịch cảnh ấy, cả hai cuốn sách về sông Mekong/ Cửu Long vẫn được một nhà xuất bản “lề trái” trong nước mang tên “Giấy Vụn” lần lượt cho ra mắt 2012, 2014 và phổ biến rất hạn chế trong điều kiện vô cùng khó khăn và cả nguy hiểm nữa cho những bạn trẻ chủ trương nhà xuất bản. Cũng phải ghi nhận thêm ở đây, Diễn đàn Văn Việt năm 2016 đã cho xuất bản trên mạng toàn tập hai cuốn sách Mekong kể cả Audiobook, góp phần không nhỏ trong việc phổ biến thông tin về những con đập Mekong và những bước khai thác huỷ hoại hệ sinh thái của một con sông huyết mạch.
Là người cầm bút ở Miền Nam trước đây và hải ngoại sau này, sống sót giữa hai thế kỷ, đã trải nghiệm qua hai chế độ cùng những năm tháng tù đày, tôi không thể không chạnh lòng nghĩ tới những văn nghệ sĩ đang phải sống thiếu tự do ở quê nhà. Nhưng rồi tôi vẫn lạc quan để thấy rằng từ trong ngọn lửa đỏ thiêu rụi ấy, vẫn có những con phượng hoàng vực dậy từ tro than, cất cánh bay lên như một Bùi Ngọc Tấn với Chuyện Kể Năm 2000, đem tới cho chúng ta niềm hy vọng.
Cũng cần ghi nhận thêm Văn Việt là một diễn đàn mà tôi từng cộng tác do tinh thần tự do của những nhà văn độc lập như một yếu tính của sáng tạo, không chấp nhận là công cụ trong bộ máy chính trị. Không chỉ giới hạn trong lãnh vực văn học, Văn Việt còn là một diễn đàn cấp tiến, dũng cảm nói lên quan điểm của người công dân trước những vấn đề sống còn của đất nước. Thêm nữa, Văn Việt đang dụng công giới thiệu với độc giả trong nước một giai đoạn sinh hoạt Văn học Nghệ thuật của Miền Nam từ 1954-1975 vẫn bị coi là cấm kỵ và cả giới thiệu dòng sinh hoạt văn học ấy ở hải ngoại. Văn Việt đang bắc một nhịp cầu đối thoại và hợp tác giữa các giới văn nghệ sĩ trong nước và hải ngoại, với ý nghĩa tôn trọng tự do của người cầm bút hướng tới một Việt Nam dân chủ tiến bộ và đang trải rộng trên toàn cầu. Đó là những nỗ lực đáng trân quí.
Hôm nay, ngày 3 tháng 3, một ngày nhiều ý nghĩa: Ngày Nhà Văn Thế Giới / World Writers Day năm thứ 31, cũng là năm thứ 3 ngày thành lập Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, tôi vinh hạnh đón nhận giải thưởng Văn Việt với niềm hy vọng vấn đề “môi sinh trong lành và phát triển bền vững” hiện đang ở mức “báo động đỏ” ở Việt Nam sẽ là mối quan tâm của mọi công dân trên quy mô cả nước chứ không chỉ riêng với Sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Và tôi cũng xin được chia xẻ vinh dự và giải thưởng này tới các bạn trẻ chủ trương Nhà Xuất Bản Giấy Vụn, họ đang đi những bước đầy thử thách nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng là hướng tới “quyền tự do xuất bản” vốn không thể thiếu cho sinh hoạt viết và đọc.
Xin cám ơn quý vị.
NGÔ THẾ VINH
California 03.03.2017
ENGLISH VERSION:
NGÔ THẾ VINH – VĂN VIỆT LITERARY PRIZE — ACCEPTANCE SPEECH
To the staff at Văn Việt Forum
To the Committee of the Văn Việt Literary Prize
I feel honored to learn that the 2017 Văn Việt Literary Prize was awarded to my books, Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng/ The Nine Dragons Drained Dry — The East Sea In Turmoil and Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch/ Mekong — The Occluding River. The two works deal with the survival of a great river of the world, and the livelihood of not only our beloved Vietnam but also of the more than 70 million people inhabiting the seven nations that border its banks. In the works, I present a wealth of data demonstrating that the Mekong is facing a critical threat to its survival. Furthermore, in those pages, I also wish to draw the readers’ attention to the prospect that China, by her dangerous intervention in the river, will inevitably collide with the other nations in the Mekong River Basin. And, that prospect is gradually becoming a reality. In recent years, events unfolded before our eyes are consistent with the prediction that “Mekong being drained dry and the East Sea in turmoil.” The fact that the independent literary group Văn Việt shows special interest in and decides to give the award to the two books dealing with such “sensitive and delicate” issues bring special meaning and honor to me.
The award touches my heart. The two works, Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000) and the Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007), have gone through multiple editions abroad over the past decade or so, but to this day, they have yet to be published in Vietnam by an “official” publisher. The explanation being offered is the “insurmountable difficulty” which is nothing other than the “Chinese factor”. That fundamental “factor” is inflicting havoc on the 4,800 km long river, and is threatening the livelihood of the millions of inhabitants in the Basin. In addition, that “factor” also acts as a stranglehold on the academic freedom of our nation.
Under such unfavorable circumstances, the young founders of the underground / “lề trái” publisher “Giấy Vụn” still found the courage to disregard all difficulties and dangers and published – with very limited circulation – those two books in 2012 and 2014, respectively. I would be remiss not to mention that the Văn Việt Forum has uploaded the two books on its website including the Audiobook form in 2016. In doing so, the Forum has contributed significantly to the dissemination of information pertaining to the hydroelectric dams on the Mekong and the destructive exploitation of the ecosystem of that most important river.
I have been a writer in Vietnam and abroad, I have crossed the threshold from one century into the next, I have lived under two political regimes, and I have survived the years in the “re-education camps”. I cannot help but empathize with the writers and artists who are living now without freedom of expression in our homeland. Nevertheless, I still keep alive my faith that out of the burning ashes, phoenixes will unfailingly rise to bring us hope. I am referring here to the writer Bùi Ngọc Tấn the author of Chuyện Kể Năm 2000.
In the past, I have cooperated with Văn Việt Forum, because the Forum brings together authors who harbor a deep love for freedom and independence — the crucial elements for creativity — and because they reject to serve as agents of the authorities. The Forum does not confine itself to literary matters, but also remains a progressive, courageous podium for citizens who are committed to the future of our homeland to come forward and voice their concerns. Furthermore, Văn Việt is striving to introduce the readers in Vietnam the banned Literature and Arts in South Vietnam during the 1954-1975 period. Thus, Văn Việt is building a bridge connecting Vietnamese writers and artists living all over the world to rally and fight for the freedom of expression and work toward a democratic, progressive Vietnam. It is making its presence felt around the globe. The work of Văn Việt deserves our appreciation.
Today, on this third day of the third month of the year — is a special day. It is the day we commemorate the 31st World Writers Day and the third anniversary of the founding of the Campaign Committee for the Association of Independent Writers/ Ban Vận động Văn đoàn Độc lập. I am honored to accept the 2017 Văn Việt Literary Prize in the hope that the prospect of a “clean environment and sustainable development ” — now under a “red alert” threat — would become the concern for every one of us in our entire nation and not limited to our brethren living along the Mekong River or in the Mekong Delta. I also would like to extend an invitation to my young friends at the Giấy Vụn Publishing House to share with me in accepting the honor conferred by this award. They are courageously marching on a challenging but extremely meaningful road to the goal of “freedom of publication” that is cherished by authors and readers alike.
Thank you.
NGÔ THẾ VINH
California 03.03.2017