Anh Văn
“Ăn không từ một cái gì” là câu nói nổi tiếng của vị Phó Chủ tịch nước khóa trước, phát biểu từ năm 2013 rồi kia mà. Bà Nguyễn Thị Doan muốn chỉ ai, nếu chẳng phải là hàng ngũ quan chức trong bộ máy của Đảng. Phải nói, loại người ấy ăn như tằm ăn rỗi, hễ đặt mông lên được ghế là bắt đầu cuộc ăn và ăn cho đến bao giờ cất mông xuống khỏi ghế thì thôi. Nhưng cũng chưa thôi đâu, họ lại truyền cho con, cho cháu, cho cả họ hàng thân thích những kinh nghiệm đánh chén bất hủ bất kỳ thứ gì mà mình “đúc kết” được, vì trong khi bận rộn ăn đến mức không rời mông khỏi ghế thì họ cũng đã lo lót dúi được người thân vào nơi này nơi kia khi đánh hơi thấy có mùi “tanh tao” ở đâu đó, nhằm giúp cho đám bà con thân thích của mình “tự thân vận động” mà leo dần lên những mâm cỗ ngày một ngon xơi hơn dưới cái ô của họ.
Nhưng đấy là chúng ta chỉ mới hình dung một cách trừu tượng về sở trường “ăn thủng nồi trôi rế” của quan chức Đảng thôi. Chứ còn “ăn không chừa thứ gì” thì lâu nay vẫn chưa tìm thấy một “bằng chứng thị phạm” nào cho thật đắt giá, bởi những quan chức đã bị lộ toàn là loại chuyên vớ bẫm hàng mấy nghìn tỷ cả, vài thứ tép riu có vẻ như chả bõ để họ dính vào. Thì may thay, lần này ông Huyện ủy viên đã “ra tay” với 16 quả trứng vịt và bất ngờ lộ diện. Trước mắt bàn dân thiên hạ thế là ông ấy trở thành một thứ mà ngành giáo dục vẫn gọi là “giáo cụ trực quan” rất cụ thể cho “ăn không chừa thứ gì”.
Bởi vậy, thiết nghĩ, xin dư luận hãy nương tay với ông ấy. Ông ấy đang thực thi đúng những điều bà Nguyễn Thị Doan nói cách đây 3 năm chứ có gì khác đâu. Bà Nguyễn Thị Doan là người trình bày một quy luật tất yếu – trình bày chứ không phải phát hiện vì vào thời điểm bà Doan nói đã có vô khối người Việt Nam biết rõ điều này mồn một, nhưng họ không tuyên ngôn lên báo chí mà chỉ truyền miệng mà thôi – và ông Huyện ủy kia là người chứng minh sự chính xác của quy luật. Dù hành vi của ông ấy cũng chỉ là lén lút, chẳng may bị lộ, thì ông ấy cũng vẫn là sản phẩm không khác được của cái thời đại mà quy luật đó đang phát huy tác dụng.
Sẽ còn có vô thiên lủng những người như ông ấy.
Bauxite Việt Nam
Một trưởng phòng và là huyện ủy viên của huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) gây tiếng vang lớn tại hội chợ triển lãm mừng các thành tựu kinh tế – xã hội trong dịp Xuân 2017 với lý do: ông lẻn chôm 16/30 trứng hột vịt “khủng” đang được trưng bày.
Giải thích cho hành vi này, ông Huyện ủy viên cho biết, do ông trực tết và thấy trứng vịt bự – ngon nên tranh thủ vài trứng.
“Ăn” vì đó là “vịt”: có gì là lạ
Cần lưu ý, Huyện ủy viên là người nằm trong thành phần ban lãnh đạo cấp ủy, thuộc đảng bộ huyện. Nhóm này gồm các thành phần “tinh hoa” như Bí thư huyện, Chủ tịch huyện, Phó Chủ tịch huyện,… Đề cập qua, để biết rằng, Huyện ủy viên quyền cao – chức trọng như thế nào. Vậy mà, chỉ vì trứng vịt “khủng”, ông Huyện ủy viên đã tự đánh mất mình (vô lương tâm, vô liêm sỉ).
Có nhiều người như thế, đã và đang tự đánh mất qua hành động ăn cắp tài sản của nhân dân. Nó không phải là trứng vịt hay con gà, mà là thời gian, tiền bạc và cả chính sách nhà nước. Mới đây, chính quyền tỉnh Thanh Hóa yêu cầu xử lý nghiêm tập thể, cá nhân Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường miền Trung vì bỏ nhiệm sở đi lễ chùa trong ngày làm việc hành chính. Hay những ngày cuối tháng 2, trụ sở xã Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) đều vắng bóng cán bộ… không lý do. Nhưng ai cũng biết, những “cán bộ” này công khai ăn cắp giờ hành chính dân, sử dụng đồng thuế dân để vụ lợi cá nhân. Ở khía cạnh khác, nhiều “cán bộ” lại tìm cách ăn tiền hỗ trợ của dân… nghèo hay thậm chí là gạo cho người dân vùng lũ lụt, trợ cấp cho đồng bào thiểu số.
Ấy là thực tế, bởi ngay cả “cứu đồng bào bị lụt! Muốn cho chúng nó bỏ ra vài hào thí cho hàng vạn đồng bào đương chết đuối thì phải cho chúng nó cười đùa thỏa thích, chim chuột no nê, dám đứng, dám đi, trịn vú, áp bụng…”[1].
Ăn không từ bất kỳ cái gì, miễn rằng, thấy “ngon” ăn là cán bộ sẽ tranh thủ, bỏ qua nhân phẩm – danh dự, lương tâm cần có của một con người. Và khi sự vụ xảy ra, họ được miễn trách nhiệm theo nguyên tắc bất di – bất dịch “yêu cầu rút kinh nghiệm”.
Từ ăn cắp vặt, đến tham nhũng vặt, từ tham nhũng vặt đến những đại án tham nhũng,… nó không khác nhau nhiều lắm.
Trần Khánh Dư, thuộc giới quý tộc nhà Trần (Tk XIII), người trị dân một cách hà khắc và nặng lo vun quén cho cá nhân mình đã từng tuyên bố một câu để đời: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”
Do đó, dưới thời kỳ Xã hội chủ nghĩa, nơi “quyền lực tuyệt đối” đã biến nhân dân trở thành đại gia sẵn sàng bị quan chức, cán bộ bòn rút trứng. Có gì là lạ?
Thành tựu “ăn hột vịt”
Cái ghế công chức dưới thời kỳ ông Nguyễn Văn Linh hay Nguyễn Phú Trọng cũng là cái ghế kim tiền, ai ngồi lên cũng đều hiểu, họ có mọi cơ hội để tham nhũng và ăn cắp của dân, bòn rút ngân sách để vun vén cho gia đình, do đó – hầu như mọi công chức nhà nước ta đều nhúng chàm cả. Có lẽ, chính vì vậy, nên Lễ hội Minh Thề (Thề không tham nhũng) được tổ chức tại làng Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng) ngày càng… ế. Bởi, chẳng ai dám tuyên bố mình sẽ không sờ đến món bánh tham ngon mang tên “tham nhũng” cả.
“Suy thoái đạo đức” trở thành bản chất, và để chữa căn bệnh suy thoái đạo đức này, theo ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, cần có “bàn tay sắt”, với 1 nhiệm vụ duy nhất là: kiểm soát quyền lực ở mọi cấp. Nhưng đây lại là một bài toán chế độ, bởi như đề cập ở trên, quyền lực cung cấp cho những người cộng sản cách thức để giữ được sự cai trị, biến mỗi người khi gia nhập vào đảng từ lý tưởng trở thành những con người nằm dưới sự điều hành tuyệt đối của đảng, với “Quyền lực tuyệt đối”. Mâu thuẫn ở điểm, chính “quyền lực tuyệt đối” khiến nhóm cán bộ “tha hóa tuyệt đối” lại là yếu tố khiến đảng tự tin vào sự trung thành để giữ cho bằng được chế độ – một nhóm lợi ích kết dính chằng chịt.
Vậy là cơ hội trộm cắp, tham nhũng hoành hoành, sống trong chế độ này, một công chức trong sạch là một vị hoàng đế cởi truồng không hơn không kém.
Công chức mà tử tế lại trở thành chuyện xưa nay hiếm là vậy.
Sẽ còn nhiều những triển lãm mừng các thành tựu kinh tế – xã hội trong dịp Xuân diễn ra, nhưng cần hiểu rằng, thành tựu đó phần nhiều bị teo tóp bởi những ông cán bộ như Huyện ủy viên Chợ Gạo. Bởi một thành tựu thực sự, phản ánh đúng những gì mà người dân hy sinh, chỉ hiện diện khi sự phát triển kia là kết quả của một đảng lãnh đạo từ bỏ sự kiểm soát và cai trị. Còn không, đó chỉ là thành tựu “hột vịt”, thành tựu còn sót lại sau khi bị Xã ủy viên, Huyện ủy viên, Tỉnh ủy viên, Trung ương viên “lén lút” chôm vì bự, ngon và miễn phí.
Cán bộ thời XHCN học liêm chính thì ít, ăn bất chấp lương tâm thì nhiều!
[1] Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng, Chương 6.
A.V.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/03/vntb-ang-vien-trom-trung-vit-va-quoc.html