Với cách nhiệt tình sửa sang Hà Nội như thế này chẳng mấy chốc, Thăng Long ngàn tuổi của chúng ta sẽ biến thành một tuổi.
Ban đầu họ cho sơn lại phố cổ Hà Nội, không hiểu ai nghĩ ra chiêu thức này, nhưng ngẫm mà thấy cay đắng cho cách tư duy của những người làm văn hóa Thủ đô. Nghe đâu vụ ấy báo chí, dư luận, đặc biệt là những người dân sống trong khu phố bị sơn phản đối ghê gớm nhưng các vị cũng không chịu nghe!
Thế rồi lại thêm chuyện lát đá xung quanh Hồ Gươm. Sự kiện này cũng ngay lập tức vấp phải sự phản đối của dư luận – những người có trình độ, văn hóa, yêu Thủ đô một cách thực lòng. Các vị chào đón đại lễ ngàn năm Thăng Long với cái kiểu mấy ông trọc phú dùng gạch men bóng lộn lát xuống nền nhà mình. Khỏi phải bàn đến việc thẩm mỹ, hay văn hóa ứng xử với những danh lam đặc biệt như Hồ Gươm. Nhiều người xì xào rằng, nếu họ không cạy gạch cũ để lát đá mới vào thì tiền sẽ tiêu vào đâu? Đó chính là mấu chốt của vấn đề, và nó chính là cái lý do để họ bóc gạch cũ thay đá mới, cam đoan 100% là vậy!
Thực ra cái trò bóc gạch (đá) cũ để thay mới họ đã làm từ lâu – từ cái ngày mà có cả núi tiền để phục vụ đại lễ ngàn năm Thăng Long. Hầu hết các tuyến phố của Hà Nội họ đều thay cả, chỉ có điều người dân không mấy quan tâm, họ chỉ thắc mắc: hè phố còn tốt thế thay làm gì nhỉ? Hà Nội cẩn thận quá! Sự việc chỉ gai mắt và không thể chịu nổi khi họ định bóc gạch (đá) cũ xung quanh Hồ Gươm – nơi linh thiêng và quan trọng nhất của Thăng Long ngàn năm. Đến nỗi nhiều nhà văn hóa, Giáo sư, đại biểu Quốc hội phải đưa vấn đề này lên bàn nghị sự (thực tình cái việc sửa chữa hè phố không đáng phải quan tâm đến thế), có vị nói thẳng: “Họ quá dốt!”. Chẳng dốt đâu, biết cả đấy! Cứ làm vì cái gì thì tất cả chúng ta đều biết. Cuối cùng thì chính UBND thành phố phải ra quyết định dừng cái công việc này lại. Cũng may là còn biết dừng!
Triết lý sửa sang, tu bổ, nâng cấp, làm đẹp… các công trình để phục vụ đại lễ ngàn năm Thăng Long bị bóp méo một cách nghiêm trọng. Cứ thay mới, sơn sửa ào ào chẳng cần quan tâm đến các vấn đề khác. Thế là Thăng Long Hà Nội sẽ mới toanh, mới như vừa ra đời. Và thế là đẹp! Ngớ ngẩn vô cùng! Gọi là ngớ ngẩn thì không đúng vì những nhà quản lý của Thủ đô cũng biết cả nhưng họ vẫn làm thế – cứ làm thế. Đơn giản vì giải ngân kinh phí cho đại lễ Ngàn năm Thăng Long mà thôi.
Hà Nội sẽ mới như một tuổi? Điều này hẳn không ngoa, hãy nhìn tuyến đường gốm sứ mà xem – bóng lộn! Bóng đến nỗi hoa cả mắt! Thôi thì chẳng bàn đến vấn đề mỹ thuật làm gì nữa, cãi nhau mãi cũng chán rồi, mà thực tế đã hiển hiện ra như một “nồi lẩu” đủ các loại từ Tây đến ta, từ biển đến rừng, từ người lớn cho đến trẻ con… Chỉ tội nó cứ bóng lộn như đồ gốm sứ công nghiệp rẻ tiền nhập từ Trung Quốc. Ý tưởng có một con đường gốm sứ là rất đáng ủng hộ, nhưng cách làm thì hoàn toàn không ổn. Cách làm này chỉ như việc “trang điểm” cho phố phường, nó không hợp chút nào với tính chất vĩnh cửu của gốm sứ, lại càng không hợp với đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Một việc nữa khiến tất cả những ai yêu Thủ đô cũng cảm thấy sợ hãi, ấy là khi những nhà “môi trường học” ứng xử với cây xanh. Sẽ không lạ mắt khi thấy công nhân môi trường với mũ nón, nai nịt ngọn gàng và cái cưa máy ghê rợn cứa vào những thân cây hàng trăm tuổi trên phố phường. Cách đó người ta gọi là cắt tỉa, làm đẹp cho cây? Thế nhưng cứ nghe tiếng cưa máy rú lên và những thân cây đổ gục thì nên gọi: chặt phá thì đúng hơn. Hình như họ chưa bao giờ đo đạc, tính toán, cứ thấy vướng là cắt, chặt, vứt đi… Việc cắt tỉa cây xanh trong thành phố không đơn giản như vậy. Nếu thế ai chẳng làm được cái việc đơn giản ấy, và nếu cứ phải cắt thì nên trồng cây nhựa, hay một chất liệu nào khác để khỏi phải tốn công sức làm gì.
Lại thêm việc họ thi nhau bức tử ao hồ trong thành phố. Việc này cũng nói mãi nhưng chẳng đi đến đâu, ao hồ vẫn bị xâm chiếm, hoặc trở thành cái thùng rác khổng lồ, nơi chứa những mầm bệnh, ít nhất cũng bốc mùi ngày đêm để hành hạ những ai đi qua. Có người mỉa mai rằng, ấy cũng là cách làm mới ao hồ của Thủ đô! Cũng có vị trong Ban chỉ đạo các công trình chào mừng đại lễ ngàn năm Thăng Long, cau có nói: “…Sao báo chí lúc nào cũng soi mói ghê thế, bao nhiêu vấn đề khác không viết…”. Hay thật! Tại sao lại không soi? Thăng Long là nơi linh thiêng của cả nước, có phải của riêng các vị đâu mà thích làm thế nào cũng được! Chẳng qua các vị quá yếu kém nên mới nhiều chỗ để góp ý, phê bình, nếu mọi chuyện tốt đẹp, ai dám nói bừa?
Đại lễ ngàn năm Thăng Long đã gần kề, nhiều công việc phải hoàn thành. Chỉ có điều, khi con cháu thắp hương mời các cụ về chung vui, chỉ e rằng các cụ sẽ không nhận ra một Thăng Long ngàn tuổi nữa.
QK
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-29-ky-niem-thang-long-tron-mot-tuoi-