Mục tiêu của giáo dục VN là gì?

FB Nhân Tuấn Trương

Mục tiêu của giáo dục VN là gì? Câu hỏi này đặt ra từ vài chục năm nay mà không ai có câu trả lời thỏa đáng. Bởi vì lời nói của các viên chức hữu trách luôn trái ngược với thực tế.

Điều mà người ta biết chắc chắn là mục tiêu “làm giáo dục” của các “cán bộ” (phụ trách về giáo dục), những “nhà hiệu trưởng”… là “làm tiền”. Các vụ “lùm xùm” liên quan đến trường Luật TP HCM hay vụ bà hiệu trưởng Nam Trung Yên trên báo chí hổm rày cho ta thấy thực tế là như vậy. Mặc dầu pháp luật VN (điều 17 Luật Giáo dục) nghiêm cấm mọi hành vi “thương mại hóa” hoạt động giáo dục.

Nếu suy nghĩ sâu xa, nguyên nhân thất bại của giáo dục VN, cũng như sự sụp đổ nhiều phương diện khác của xã hội, như cung cách giao thông, tệ nạn tham nhũng của cán bộ… tất cả đều đến từ việc không “thượng tôn pháp luật”.

Hạ dân cho đến kẻ cầm quyền, không ai có ý thức tôn trọng và thực thi pháp luật. Mà quan trọng hơn hết là người cầm quyền. Thượng bất chánh thì hạ tất loạn. Kẻ cầm quyền không coi pháp luật ra gì thì người dân không có lý do nào để tôn trọng pháp luật.

Nhà nước VN được xây dựng trên nền tảng “pháp quyền XHCN” mà đến nay không thấy học giả nào giải thích được chữ “quyền” ở đây có nghĩa là gì (power – pouvoir, right – droit, jurisdiction – juridiction…)?

Sự “lấn cấn” trong từ ngữ là điều dễ hiểu. Bởi vì chữ “quyền” ở đây là “quyền biến”, tức uyển chuyển, sao cũng được. (Chữ quyền của “quyền biến” trong tiếng Hán viết giống như quyền của quyền lực hay quyền lợi…)

Cấp lãnh đạo cố ý “nhập nhằng” từ ngữ. Từ đó họ “tùy nghi” giải thích luật thế nào để có lợi cho họ.

VN đã đi sau TQ ít ra 15 năm về “xây dựng nhà nước pháp trị”. Đi sau “etat de droit – rule of law” các nước tư bản Tây phương mười lần hơn (150 năm).

Từ rất lâu tôi đã nói rằng khi mà hiến pháp qui định “Đảng” không chịu trách nhiệm trước pháp luật (mà chỉ chịu trách nhiệm trước nhân dân), thì nhà nước mà VN đang xây dựng không phả là “nhà nước pháp trị – etat de droit”.

Đảng không chịu trách nhiệm trước pháp luật vì Đảng không có “tư cách pháp nhân”. Nhưng HP lại qui định “Đảng” là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Đảng lãnh đạo sai lầm, không quyền lực nào có thể chế tài đảng. Đảng trở thành một thực thể “siêu quyền lực”, pháp luật không thể “đụng” đến.

Điều này đã mâu thuẫn, từ nền tảng của HP. Bởi vì “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Quyền lực Đảng “lớn” cách mấy cũng phải đứng dưới quyền lực của nhân dân.

Trong một nhà nước pháp trị, quyền lực nhà nước thể hiện qua ba nhánh (quyền lực) hành pháp, lập pháp và tư pháp. Ba nhánh quyền lực này “phân lập” với nhau (séparation du pouvoir) và ngành “tư pháp” được “độc lập”.

Nền “pháp quyền” của VN vừa cho phép Đảng “nắm” cả ba quyền, đồng thời cho phép Đảng “đẻ ra” ba nhánh quyền lực.

Tức là “quyền lực Đảng” đứng trên quyền lực của nhân dân. Hiến pháp (thường thấy các học giả VN viết là Hiếp pháp) mâu thuẩn từ nền tảng là vì vậy.

Trong khi hiến pháp cũng ghi các lực lượng vũ trang phải “trung thành” với “Đảng”.

Điều này cũng mâu thuẩn từ nền tảng HP: “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”.

Các lực lượng vũ trang là công cụ thể hiện trên thực tế (một khía cạnh về) “quyền lực” của nhân dân. Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang là bảo vệ tổ quốc, bảo đảm an ninh xã hội, giữ gìn trật tự cho mọi người dân. Các lực lượng vũ trang, ngoài trung thành với nhân dân, thì không trung thành với bất kỳ đối tượng nào khác.

Đảng là một “đảng phái chính trị”, lý do nào các lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng?

Các lực lượng vũ trang cũng không bắt buộc phải trung thành với một “tổ quốc” bất kỳ, như “tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Tổ quốc là một khái niệm thuộc về “tình cảm”. Người ta có thể trung thành với một thực thể là “nhân dân” chớ người ta không thể trung thành với một “khái niệm thuộc về tình cảm”.

Tình cảm nào rồi cũng thay đổi thì khái niệm Tổ quốc cũng sẽ thay đổi theo thời gian.

Thực tế cho thấy XHCN đã sụp đổ, tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng sụp đổ theo. Tại sao lại buộc các lực lượng vũ trang phải trung thành với một tình cảm, một ý thức hệ chính trị (cho thấy là đã sụp đổ)?

Luật pháp của VN vì vậy dặt trên nền tảng “quyền biến”, muốn áp dụng sao cũng được, giải thích sao cũng được.

Cách đây vài tháng tôi có viết về trường hợp người bán vé số lẻ bị kết vào tội danh “kinh doanh sổ số”.

Nếu có tham khảo về “luật” ta biết rằng hình thức “kinh doanh số số” đã được qui định rõ rệt, theo một bộ luật riêng: Luật kinh doanh sổ số. Giới cầm quyền địa phương đã áp dụng luật một cách “quyền biến”, khép tội người “bán vé số lẻ” vào tội “kinh doanh số số trái phép”.

Cũng cách đây khá lâu tôi có viết về vụ “hai thanh niên ăn cướp hai ổ bánh mì”. Nhớ đại khái rằng ông Tô Lâm nhân vụ này có phát biểu rằng phải “trừng phạt nặng” để “làm gương”. Theo tôi thì việc “ăn cướp bánh mì” vì “đói bụng” không phải là hành vi đơn thuần là “ăn cướp”. Cách áp dụng luật (của ông Tô Lâm) không làm cho tệ nạn xã hội giảm đi mà chỉ tố cáo sự độc ác, hà khắc của chế độ.

Trở lại vụ Trường Đại học Luật TP HCM “kỷ luật sinh viên vì sao chép giáo trình” mới viết tuần rồi. Vụ này xem như giải quyết xong. Trường phạt “cảnh cáo” thay vì quyết định kỷ luật cô sinh viên “đuổi học một năm”.

Nhưng điều này vẫn không thỏa đáng.

Trường đã kỷ luật cô sinh viên “hai lần vì một tội” mà điều này trái “nền tảng của pháp lý” và qui định HP (điều 31 khoản 3): một người không thể bị kết án hai lần vì một tội phạm.

Với một hành vi “sao chép giáo trình”, cô sinh viên đã bị “kết án” hai lần: theo kỷ luật của trường và theo qui định của pháp luật. (Bởi vì hình phạt “đuổi học một năm” nặng hơn mức trừng phạt của luật quốc gia).

Trong khi “giáo trình” (mà cô sinh viên sao chép) chưa chắc đã “có quyền sở hữu trí tuệ” và được sự bảo vệ của “quyền sở hữu trí tuệ”.

Ngay cả trường hợp “giáo trình” được quyền “sở hữu trí tuệ”, thì quyền này đã bị hạn chế bởi các qui định của luật pháp về giáo dục (như giáo trình đã được nhuận bút của nhà nước, được miễn thuế in ấn…).

Nội qui nhà trường vì vậy nhằm mục đích thương mại (bán giáo trình) mà điều này bị pháp luật nghiêm cấm (điều 17 Luật về Giáo dục: nghiên cấm mọi hành vi “thương mại hóa” hoạt động giáo dục).

Nguồn: https://www.facebook.com/nhantuan.truong/posts/1404569019574896

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.