Phản biện nghị quyết 25 của chính phủ

Nguyễn Đình Cống

Ngày 08 tháng 02 năm 2017 Chính phủ ra Nghị quyết số 25 /NQ-CP: “BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG; NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI SỰ SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG, NHỮNG BIỂU HIỆN “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” TRONG NỘI BỘ”.

Nghị quyết được dựa trên 4 căn cứ sau : 1- Luật tổ chức Chính phủ; 2- Nghị quyết 4/12 của TƯ Đảng, ngày 30/10/2016; 3- Kế hoạch 04/KH-TW, ngày 16/11/2016 về thực hiện NQ 4/12; 4- Đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Nội dung CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ gồm 3 mục và phụ lục.

Mục I – Mục đích, yêu cầu. Gồm 3 điều : 1- Xác định nội dung…; 2- Xác định rõ trách nhiệm quyền hạn…; 3- Tổ chức thực hiện…

Mục 2- Nhiệm vụ, giải pháp. Gồm 8 điều : 1- Tổ chức nghiên cứu, học tập…; 2- Đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng…; 3- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách…; 4- Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng…; 5- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa…; 6- Xây dựng, qui định tăng thẩm quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu…; 7- Đẩy mạnh thực hiện các qui định về đạo đức công vụ…; 8- Phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận TQVN…

Mục 3- Tổ chức thực hiện. Gồm 12 điều : 1- Trách nhiệm triển khai thực hiện; 2- Chương trình hành động của bộ, ngành, địa phương. 3- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện, 4- Nhiệm vụ (NV) Bộ Nội vụ; 5- NV Bộ Tư pháp; 6- NV Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; 7- NV Bộ Thông tin và truyền thông; 8- NV các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương; 9- NV Thanh tra chính phủ; 10- NV Ngân hàng nhà nước; 11- NV Học viện quốc gia Hồ Chí Minh; 12- Sửa đổi bổ sung.

Phụ lục- Liệt kê các chương trình, đề án cần thực hiện, gồm các mục: Nội dung; Cơ quan chủ trì; Cơ quan phối hợp; Sản phẩm; Thời gian thực hiện/hoàn thành. Có 36 nội dung, ghép vào trong 7 vấn đề tương ứng với điều 2 đến 8 trong mục 2- Nhiệm vụ, giải pháp.

Đọc qua Nghị quyết số 25/NQ-CP thấy rằng Chính phủ rất tích cực, rất kịp thời, rất chi tiết trong việc triển khai thực hiện NQ 4/12 của TƯ Đảng. Nếu chỉ dừng lại tại đó một cách hời hợt thì có thể suy ra, có thể đợi chờ một kết quả tốt đẹp về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng. Tuy vậy sau khi để tâm nghiên cứu kỹ mới thấy NQ số 25/NQ-CP chứa một số điều sai lầm và có hại.

Về pháp lý. Liệu 4 căn cứ nêu ra ở đầu nghị quyết có hợp hiến không.

Căn cứ 1- Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015: Luật này qui định Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chủ tịch nước. Không có một điều nào, không có một ý nào viết rằng Chính phủ phải chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng.

Căn cứ 2 và 3 liên quan đến NQ và Kế hoạch của TƯĐ. Trong 2 văn bản ấy không có một điều nào liên quan đến Chính phủ, chỉ ở phần thực hiện có đề cập đến nhiệm vụ của Ban cán sự đảng Chính phủ. Cần phân biệt Chính phủ và Ban cán sự đảng Chính phủ. Không thể đồng nhất 2 khái niệm ấy, 2 tổ chức ấy. Phải chú ý rằng NQ 4/12 là nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thuộc nội bộ Đảng chứ không có nội dung xây dựng đất nước ( đành rằng có liên quan mật thiết).

Riêng căn cứ 4 (đề nghị của ông Bộ trưởng), tôi không tiếp cận được xem ông Bộ trưởng đề nghị như thế nào, tuy vậy có thể đoán đề nghị đó cũng không hợp hiến nhưng hợp với mong muốn của ông Thủ tướng.

Cũng không biết ngoài 4 căn cứ không hợp hiến được nêu ra có còn căn cứ chủ yếu, nhưng bị giấu kín không, đó là chỉ thị hoặc gợi ý bằng miệng của Tổng bí thư, cũng có thể là ông Tổng không chỉ thị gì, nhưng ông Bộ trưởng và ông Thủ tướng đoán được ý muốn của ông ấy.

Như vậy việc Chính phủ ra NQ số 25, theo tôi là không hợp hiến, không hợp pháp.

Về tác dụng, tôi đánh giá NQ số 25/NQ-CP mang lại lợi ít hại nhiều.

Hại rõ ràng nhất là tạo nên lãng phí và sự nhàm chán. ĐCSVN cố duy trì chế độ cai trị gồm 3 hệ thống: đảng, chính quyền, mặt trận. Ba hệ thống đó chồng chéo, dẫm đạp lên nhau. Đã có NQ 4/12, có kế hoạch 04-KH/TƯ ( do ông Đinh Thế Huynh ký ngày 16/11/2016 ), rồi còn cần thêm QĐ25. Viết rằng để triển khai, để cụ thể hóa, nhưng phần lớn là nhắc lại nội dung của Kế hoạch 04-KH/TƯ. Khi đối chiếu Kế hoạch 04 với NQ 4/12 tôi thấy có một số nội dung được thêm vào. Đó là các việc như: “Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng… Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quyền lợi của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Thêm vào như thế phải chăng ông Đinh Thế Huynh cho rằng không thể tách rời việc thực hiện NQ 4/12 với phát triển kinh tế? Nếu thế thì còn phải thêm nhiều thứ nữa chứ.

Chưa ai tính toán xem để có được NQ 25 phổ biến đến tận cơ sở đã tiêu tốn hết bao nhiêu thời gian, vật chất và sẽ đem lại hiệu quả như thế nào. Mức tiêu tốn được dự đoán, nếu quy tất cả ra tiền có thể từ vài chục đến vài trăm tỷ. Còn hiệu quả thì nhiều việc có khả năng là âm. Riêng việc học tập, quán triệt NQ, việc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình sẽ làm cho nhiều cán bộ chán ngán, làm qua quýt cho xong việc. Trước đây lúc tôi còn trẻ, mỗi lần được phổ biến nghị quyết là một lần phấn khởi. Ngày nay tôi được nghe nhiều lời ca thán về việc học nghị quyết, viết kiểm điểm, làm kế hoạch hành động, chỉ là việc làm cho qua chuyện mà tổn hao quá nhiều thời gian và tâm lực.

Về nội dung – NQ 25 khá dài, nhưng chất lượng khá thấp.

Các căn cứ, như nhận xét trên đây là không hợp hiến.

Mục 1 ( Mục đích, yêu cầu) được viết không hợp chuẩn. Đầu đề văn bản là Chương trình hành động của Chính phủ… thì mục đích là điều mà Chương trình đó hướng tới, yêu cầu là đối với việc thực hiện Chương trình đó. Thế mà trong mục 1 viết 3 điều:

1. Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TW, bảo đảm đúng quan điểm đã đề ra trong Nghị quyết.

2. Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, phương pháp tiến hành ở các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW. Đồng thời, Chương trình hành động này là cơ sở để kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

3-Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trọng tâm, trọng điểm, kiên trì, thường xuyên với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của các cấp, các ngành; gắn với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết khác để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình, tạo niềm tin trong Đảng, trong Nhân dân, tạo động lực làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chỉ có điều 3 có liên quan chút ít đến yêu cầu còn điều 1 và 2 với “Xác định các nội dung; Xác định rõ trách nhiệm…” là điều cần làm, chuẩn bị cho việc ban hành Chương trình chứ không phải là mục đích của chương trình đó.

Mục 2 (Nhiệm vụ, giải pháp) viết khá dài, khoảng trên 3200 chữ, chủ yếu là lặp lại những điều đã viết ở Kế hoạch 04/KH-TƯ, trong đó có một số điều được thêm vào, vốn không có trong NQ 4/12. Khi chỉ đọc từng câu, từng đoạn thấy rằng đoạn nào cũng hay, cũng hùng hồn, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhưng khi đọc hết toàn bộ mới thấy đó là một tập hợp với vô số ngôn từ và khẩu hiệu trống rỗng.

Cũng thấy lạ khi Chính phủ lập Đề án, không trình Quốc hội mà lại trình Bộ Chính trị để xin xét duyệt ( điều 4, ý c ).

Mục 3 ( Tổ chức thực hiện ) và Phụ lục. Trong 2 mục này nêu ra khá nhiều công việc của các Bộ, các Ngành cần làm trong thời gian tới, trong đó có việc liên quan đến NQ 4/12, nhưng cũng có nhiều việc là nhiệm vụ thường ngày, không liên quan gì đến xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Bình luận

Đảng CSVN, các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, các tổ chức ở VN rất thành thạo trong việc sản xuất ra các nghị quyết. Có câu chuyện đùa, nếu thế giới có cuộc thi viết nghị quyết thì VN có khả năng chiếm giải nhất. Đó là mới nhìn vào độ dài của mỗi nghị quyết và số lượng không đếm xuể của các loại nghị quyết. Nhưng nếu có một hội đồng xét duyệt nghiêm túc, có trình độ thì phần lớn các nghị quyết của VN gửi đến dự thi sẽ bị loại ngay vòng đầu vì nội dung quá nhàm chán, quá trùng lặp.

Về NQ 25/NQ-CP. Tôi không ngờ một NQ của Chính phủ mà phạm nhiều lỗi như vậy. Và rồi tự hỏi, liệu mục đích chủ yếu của việc vội vã ban hành NQ này là gì.

Những điều lỗi của văn bản chứng tỏ trình độ của các cán bộ, các chuyên viên của Chính phủ nói riêng và của Chính phủ nói chung đã đến lúc cần báo động.

Khi làm một việc người ta thưòng nêu ra mục đích. Có mục đích công khai và mục đích ẩn giấu. Với người trung thực, liêm chính thường chỉ có một mục đích công khai, hoặc mục đích ẩn giấu gần trùng với công khai. Với những kẻ cơ hội, khôn ranh, có nhiều thủ đoạn thì hai mục đích là khác nhau. Mục đích công khai thường là tốt đẹp, hợp lý. Mục đích ẩn giấu thường chỉ có 2 đối tượng biết rõ, một là những người trong cuộc, hai là Thượng đế. Những người ngoài chỉ có thể đoán biết mục đích ẩn giấu thông qua phân tích hành động của đương sự. Thí dụ ông A làm dự án xây tượng đài với chi phí trên ngàn tỷ, mục đích công khai là tôn vinh lãnh tụ và nâng cao môi trường văn hóa, còn mục đích ẩn giấu là kiếm chác vài phần trăm của chi phí.

Trong việc ban hành NQ 25, liệu có mục đích ẩn giấu không, nếu có thì nó là gì?

Tôi đoán là có mục đích ẩn giấu, đó là mong mỏi thể hiện lòng trung thành với Tổng Bí thư và Bộ chính trị. Sự vội vàng thể hiện lòng trung thành của những người kém phẩm chất chỉ góp phần làm trò cười cho thiên hạ.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.