RFA
Ông Ngô Văn Linh nói về việc vợ ông là bà Nguyễn Thị Liên tử vong do ăn phải hải sản nhiễm hóa chất.
Ngư dân vùng biển bị nhiễm độc bởi hóa chất mà nhà máy Formosa Hà Tĩnh thải ra, do mất sinh kế buộc phải ra khơi sau cả nửa năm thất nghiệp. Tuy nhiên hải sản họ đánh bắt được về không được kiểm nghiệm mà lại chuyển đi các nơi khác để bán.
Dân bị ngộ độc
Đã có những trường hợp bị ngộ độc do ăn phải hải sản nhiễm hóa chất.
“Khi bị ăn tép biển mà nấu với cà chua của mình làm chứ không phải mua ngoài chợ, mà tép biển là tép khô.”
Đó là lời ông Ngô Văn Linh – Xóm 11, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nói về nguyên nhân cái chết của người vợ Nguyễn Thị Liên – sinh năm 1959 của ông.
Sau khi bị ngộ độc thức ăn, bà Liên đã được đưa tới Phòng khám đa khoa của Toà Giám mục Xã Đoài gần nhà. Tuy nhiên, dù được chữa chạy tích cực, nhưng bà Liên đã không qua khỏi và mất sau đó vài ngày, vào hồi 12h ngày 30/5/2016.
Con tép biển mà bà Liên ăn phải không rõ nguồn gốc được đánh bắt ở khu vực nào, do ai đánh bắt, phơi khô, cũng không xác định được con đường vận chuyển, mua bán con tép đó.
Đặc biệt nhất là con chó. Ăn xong vài ngày là lết hai chân sau. Hai chân trước bò bò được vài bữa thì chết.
– Ông Hoàng Nguyên
Các hoạt động đánh bắt hải sản đã trở lại, tuy dù còn ít so với trước, nhưng được bán đi đâu, làm gì không ai quản lý, không ai biết được – trừ người mua để mang đi bán. Hơn nữa, chưa có bất cứ một sự kiểm nghiệm nào xem hải sản đã an toàn để tiêu thụ hay không.
Ngay tại xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh – nơi đánh bắt hải sản trở lại, từ khi xảy ra thảm hoạ môi trường đến nay, đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do ăn hải sản.
Do đó, người dân địa phương đã không dám ăn mà cho chó ăn hải sản đánh bắt về, kết cục, chúng đều nhiễm độc và lăn ra chết, như ông Hoàng Nguyên mô tả.
“Đặc biệt nhất là con chó. Ăn xong vài ngày là lết hai chân sau. Hai chân trước bò bò được vài bữa thì chết.”
Theo ông Hoàng Đình Nho – sinh năm 1964, một người bị ngộ độc do ăn hải sản cho biết.
“Mấy người ăn ở trong nhà đều bị hết, nhưng họ đề kháng cao nên bị nhẹ. Riêng tôi thì bị nặng, sốt, tức ngực, đi ngoài. Lên truyền (nước biển) được ba bữa rồi. Người bữa nay đỡ, vẫn lưng lưng”.
Soeur Thuyệt – người trực tiếp chăm sóc những người dân bị ngộ độc tại thôn Đông Yên cho biết những triệu chứng thường gặp ở họ là tức ngực, khó thở, đau đầu dữ dội, chân tay co giật, đau bụng, nôn mửa.
Cách chữa trị cho người dân địa phương với điều kiện hạn chế theo Soeur Thuyệt là.
“Bệnh nhân ăn cá bị nhiễm chủ yếu là truyền nước nhiều để thải độc. Rồi các loại vitamin C chua để giải độc”.
Chính quyền lấp liếm
Trong khi đó, người dân bị ngộ độc nặng hơn đi khám ở bệnh viện đa khoa của huyện trên, như bệnh viện cấp huyện thì không được cung cấp các kết quả xét nghiệm, nhiều người chỉ được cho biết là “suy nhược cơ thể”.
Chính quyền không có trách nhiệm với người dân chúng tôi. Họ chỉ ậm ờ qua mạng, miệng họ nói vậy thôi.
– Anh Mai Anh
Anh Mai Anh – một ngư dân hơn 30 tuổi tại Kỳ Lợi cho biết về sự quan tâm của chính quyền các cấp khi người dân bị ngộ độc thực phẩm.
“Chính quyền không có trách nhiệm với người dân chúng tôi. Họ chỉ ậm ờ qua mạng, miệng họ nói vậy thôi. Như ông Đặng Ngọc Sơn nói miệng để áp Đảo dân, để dân tiếp tục ăn cá, để ô dù cho Formosa giết hại dân Việt Nam. Ông Đặng Ngọc Sơn cố tình che lấp hết mọi chuyện”
Cho đến nay, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định biển miền Trung đã sạch, mặc dù chính phủ Việt Nam và Formosa Hà Tĩnh chưa có một động thái nào làm sạch môi trường biển, ngoại trừ những cuộc họp và ra nghị quyết.
Không biết được sẽ còn bao nhiêu người dân bị ngộ độc tiếp theo vì hải sản chưa qua kiểm nghiệm, được tự do lưu thông mà không bị cơ quan chức năng nào chặn lại theo đúng qui định mà chính Nhà nước từng ban hành về vệ sinh- an toàn thực phẩm.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/back-to-kyanh-part3-vn-02132017122851.html