Nguyễn Đình Cống
3- BUÔN LẬU TỪ CÁC NƯỚC VỀ ViỆT NAM
Hồi ấy ở VN việc mua bán chỉ tập trung vào các cửa hàng Mậu dịch (MD) của nhà nước hoặc cửa hàng Hợp tác xã (cũng chủ yếu từ MD). Trong các cửa hàng MD có bày nhiều thứ hàng đẹp mắt, nhưng chủ yếu chỉ là hàng mẫu, không bán. Trong tình hình ấy người ta buôn lậu đủ thứ, buôn lậu trong nước, buôn lậu quốc tế.
Về việc mua thức ăn hàng ngày có bài ca:
Tôn Đản là chợ vua quan
Vân Hồ chợ của quyền gian nịnh thần
Đồng Xuân chợ của thương nhân
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.
Buôn lậu lặt vặt của các trí thức chuyên gia chủ yếu tại các vỉa hè.
Từ Liên xô, Đức, Tiệp Khắc về thì mang dây mai so, phích nóng lạnh vạn năng, quạt tai voi, đồ nhôm gia dụng, phụ tùng xe đạp, hạt tiêu, lưỡi cưa đá, vitamin B12, thuốc chế từ nhung hươu, Bungari cung cấp các loại vải và thuốc kháng sinh; Angiêri cung cấp sữa đầu xù, các loại thuốc tân dược, bút máy (nhập từ Trung quốc), hộp bút vẽ Rotring (nhập của Đức), len, quả chà là; ở Pháp về thì mang mì chính, len, vải… Những chuyên gia ở Châu Phi, mỗi lần về phép thường chỉ mang hàng theo người, chỉ khi kết thúc hợp đồng mới đóng vài thùng hành lý, trong đó chứa khá nhiều hàng lậu. Ngoài ra các chuyên gia góp nhau gửi tiền cho các công ty Nhật, mua từng côngtainơ xe mô tô second-hand. Các công ty thu mua xe cũ được nhặt từ các bãi rác, đóng thùng, gửi về cho người nhà của chuyên gia nhận, mỗi chiếc giá vài chỉ vàng. Trong việc này, năm 1989 các chuyên gia đã bị công ty Sawaso quỵt mất trên 300 chiếc, nhận tiền rồi mà không giao hàng (chuyện này sẽ kể sau).
Các cán bộ đang làm việc hoặc học tập tại Liên xô và Đông Âu thì thỉnh thoảng đóng những thùng hàng gửi về cho người nhà. Hồi ấy đa số các nghiên cứu sinh và thực tập sinh Việt Nam tại nước ngoài lo học thì ít, lo buôn bán nhiều hơn. Trong số họ phần đông chỉ là “lính”, một số ít là “tướng tá”, tại mỗi nước có vài người được quần chúng suy tôn là “soái”, đó là những người có số vốn lớn, có ảnh hưởng trong phạm vi rộng, chỉ đạo nhiều đường dây. Phạm Nhật Vượng là một soái như vậy tại Nga, bây giờ là chủ tịch tập đoàn Vingroup. Đặng Hùng Võ là một soái tại Ba Lan, sau về nước làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Xin kể vài chuyện về việc buôn bán của trí thức làm chuyên gia.
Chuyện 1 – Mua tích trữ thuốc
Mỗi dịp nghỉ hè mỗi chuyên gia ở Angiêri thường mang lậu về một lượng thuốc có giá khoảng 200 – 400 đô. Để có lượng thuốc đó phải mua tích trữ dần, vì chỉ có thể mua lẻ tại các hiệu thuốc, không thể một lúc mua được nhiều, mà cũng không thể mua nhiều lần ở cùng một cửa hàng.
Mua thuốc gì thì phải nhận được chỉ đạo từ trong nước báo sang hoặc nhờ tư vấn của các chuyên gia y tế. Các loại thuốc được nhiều người quan tâm là Ospen, Rovamicin, thuốc chữa lao, dạ dày và tim (mỗi loại có vài thứ, lâu ngày quên tên).
Tại Angiêri, trong vài đợt nghỉ tôi đã đi chơi, thăm vài bạn ở các thành phố khá xa, cách trên 400 km. Đến nơi, sau một lúc ngắn ngủi thăm hỏi qua loa, bạn hỏi: có cần thuốc gì để dẫn đi mua.
Hè năm 1988 tôi mua tích lũy được kha khá thuốc Ospen, chỉ để một phần trong vali, một phần để phía dưới trong túi ni lông, phía trên để thức ăn, nước uống, xách theo người. Ra sân bay cùng một người bạn vừa mới quen. Hai người xách hai túi ni lông bên ngoài giống nhau. Khi xếp hàng hơi lâu để chờ qua cửa kiểm tra, hai người đặt 2 túi xuống nền nhà, cạnh nhau. Tiếp tục đi, tôi xách một túi đi trước. Vào phòng đợi, sực nhớ ra tôi xem lại thì biết đã xách nhầm, ngồi chờ bạn vào để đổi. Chờ và tìm nhưng không thấy đâu. Sau hơn nửa giờ mới thấy. Hỏi để đổi lại túi thì bạn trả lời: Thấy ông xách túi của tôi, tưởng là xách hộ nên tôi đi vào, không xách gì thêm. Tôi vội trở ra, hy vọng túi còn đó, nhưng nó đã không cánh mà bay. Tôi chỉ nghi chứ không có chứng cứ. Đành tự an ủi là của đi thay người. Lần này mất cả chì lẫn chài.
Chuyện 2 – Máu khô
Chuyện này tôi nghe kể, không trực tiếp chứng kiến.
Ở Ănggôla, không hiểu nhờ móc ngoặc thế nào mà chuyên gia mua được một loại hàng chiến lược là máu khô. Khi mang ra sân bay bị phát hiện. Không những bị tịch thu, còn bị thông báo về cho sứ quán và nghe đâu các vị trong đường dây có bị một kỷ luật nào đó.
Chuyện 3 – Đóng thùng hành lý
Khi về nước lần cuối, các chuyên gia được cấp tiền cước để gửi 50 kg hành lý . Thường gửi trước từ 10 đến 20 ngày. Mất nhiều công sức trong chuyện đóng gói hành lý là tìm cách che giấu một số lớn thuốc. Mỗi người làm theo một cách, ít trao đổi với nhau. Hồi ấy tại các nơi nhận hàng hóa gửi chậm người ta chủ yếu kiểm tra trực tiếp bằng mắt và tay, chưa thấy dùng máy soi chiếu, vì thế mưu mẹo giấu hàng cũng đơn giản. Tôi đã dùng 2 thùng các tông. Để giấu thuốc trong các thùng đó tôi đã bỏ công tạo ra 2 lớp vỏ, giấu các vỉ thuốc vào giữa hai lớp đó. Mỗi hộp có 1 vỉ và 1 tờ giấy . Phải bóc hộp, lấy vỉ thuốc ra cất riêng, làm xẹp hộp lại và tờ giấy cất riêng, về nhà ghép lại như cũ để mang đi bán. Mất 3 ngày để thiết kế và tự tay chế tạo. Nhưng rồi khi chở các thùng đi gửi, qua cửa kiểm soát, cán bộ hải quan hỏi: Chuyên gia giáo dục Việt Nam hết nhiệm kỳ, về nước à? Trả lời: Vâng, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Thế là hải quan phẩy tay cho đi mà không khám xét gì. Thật tiếc cho công sức ngụy trang. Càng tiếc hơn, biết thế thì mua thêm vài trăm hộp thuốc nữa.
Chuyện 4 – Lòng tốt của bạn bè
Ở Angiêri tôi hỏi một anh bạn bác sĩ, là chuyên gia y tế xem năm ấy nên mua thuốc gì mang về. Anh cho biết là thuốc lao PT đang bán chạy. Tôi đã đi lùng vài hiệu nhưng chưa mua được. Nửa tháng sau gặp lại tôi hỏi anh xem có biết thuốc lao PT đang bán ở đâu. Anh nói phải quen mới mua được. Anh vừa mua được 10 hộp, nếu tôi thích anh để lại cho, anh có mối sẽ mua sau. Tôi mừng quá, cám ơn. Khi mang về Hà nội thì mới biết loại thuốc đó rất khó bán, giá đang giảm, đành bán lỗ vốn.
Khi dừng lại ở Liên Xô tôi đến thăm một số người quen ở ký túc xá trường Đại học nọ. Một anh bạn hỏi tôi có muốn mua lưỡi cưa đá thì anh để lại cho vài chiếc, thứ ấy trong nước đang được giá. Trước đây đã từng nghe về mặt hàng này nên tôi mua lại. Mang về Hà Nội tìm nguồn để bán, mãi không bán được, vì loại ấy ít thích dụng. Đành vừa bán vừa biếu để mong gỡ lại chút vốn.
Chuyện 5 – Bị lừa tại Hà Nội
Những lần trước mang được ít thuốc về tôi giao việc đi bán cho vợ. Bà ấy mang bán cho một người thu mua, người ấy mang bán lại cho các hiệu thuốc. Lần này (mùa đông 1989, sau khi về hẳn) tôi quyết định tự mình mang đến bán thẳng cho các hiệu thuốc để kiếm lãi nhiều hơn. Tôi mang 120 hộp Rovamicin trong một túi dứa. Đã đi qua một số hiệu thuốc để chào hàng mà chưa bán được, nơi trả lời không mua thứ đó, nơi trả giá quá rẻ. Tôi mang lên phố Cầu Gỗ và bị lừa lấy mất toàn bộ. Mẹo lừa kể ra cũng chưa phải cao cường gì, nhưng vì mình là con người khờ khạo trên đường phố, là kẻ ngu ngơ trong thị trường nên một con mẹ lưu manh bình thường cũng lừa được.
Chuyện 6 – Chuyện của đứa cháu
Nhân kể chuyện bị lừa tôi nhớ đến câu chuyện với đứa cháu, kỹ sư xây dựng, đang tham gia vào đường dây buôn bán ở Nga. Tôi gọi hắn là Cu Xèng. Tôi hỏi, này Xèng, hiện nay (1989) ngành xây dựng đang phát triển, tại sao cháu bỏ nghề mà nhảy sang buôn bán, và nhờ đâu mà mày thành công. Xèng trả lời: “Cậu biết rồi đấy, cháu học Xây dựng là theo yêu cầu của bố mẹ chứ cháu vẫn thích buôn bán từ nhỏ, nên có dịp là cháu làm theo ý thích và năng khiếu của mình. Còn kỹ năng buôn bán cháu học được từ đường phố, học được trong những ngày nghỉ , trong những buổi trốn đến lớp để tham gia buôn bán và chơi cờ bạc với bạn bè, những buổi hoạt động mà nhà trường và gia đình đều cấm. Ba mẹ cháu, kể cả cậu nếu biết cháu chơi với loại bạn bè nào trong các ngõ ngách đường phố để học những điều nhà trường không dạy thì chắc là các cụ sẽ ngăn cấm, ít ra là khuyên bảo đừng tiếp tục vì sợ “gần mực thì đen”. Thế mà càng lăn lộn trong xã hội cháu càng ngày càng sáng ra nhiều thứ.
Tôi hỏi tiếp: Mày giải thích rõ hơn, cậu vẫn chưa hiểu hết.
Cu Xèng nói: Trong buôn bán có 2 điều quan trọng. Một là khả năng đánh hơi để biết sự lên xuống của giá cả hàng hóa, tìm được chỗ mua, chỗ bán thích hợp, hai là khả năng phát hiện xem đối phương đang giao dịch thật thà đến bao nhiêu, có khả năng lừa bịp chỗ nào, cần biết để tránh. Chính trong những buổi chơi với bạn bè đường phố mà cháu học được cách phát hiện và tránh những cú lừa.
Hè năm 1988, tôi từ Angiêri sang Liên Xô, Cu Xèng đã cấp vé máy bay và đón vợ tôi từ Hà Nội sang để gặp nhau tại Mascơva. Chúng tôi định đi chơi Ba Lan nhưng còn ngại khó khăn khi trở về vì nghe đâu mua vé tàu từ Ba Lan đi Mascơva rất vất vả. Cu Xèng bảo: “Cậu mợ không việc gì phải lo, gặp khó khăn gì cứ đến chỗ anh Đặng Hùng Võ, nói là người nhà của cháu, anh ấy sẽ giúp”. Chúng tôi chơi ở Ba lan 5 ngày. Sau nhiều cố gắng mà vẫn không thể mua được vé tàu, tôi đến nhờ anh Võ, anh hẹn chiều đến lấy. Chiều tôi đến, anh đưa cho 2 vé với lời chúc thượng lộ bình an. Tôi xin gửi tiền, anh không nhận, nói rằng anh xin biếu. Tôi cám ơn, dẫn vợ trở lại Liên Xô để về nước.
4- LÀM CỬU VẠN QUỐC TẾ
Cửu Vạn, gốc là tên một quân bài Tổ Tôm. Phần chính của bài Tổ Tôm gồm 3 loại quân là Vạn, Sách, Văn. Mỗi loại được đánh số từ Nhất, Nhị … đến Cửu (Cửu Vạn, Cửu Sách, Cửu Văn). Con bài Cửu Vạn được thể hiện một người phu khuân vác, với một thùng hàng trên vai. Trong tiếng Việt từ Cửu Vạn được dùng theo nghĩa bóng trong vài chục năm gần đây để chỉ những người mang vác hoặc chở thuê hàng hóa cho người khác (cũng giống như dùng từ lóng Ô Sin để chỉ người giúp việc gia đình, theo tên một bộ phim của Nhật, cô bé Ô Sin từ người giúp việc, phấn đấu trở thành bà chủ lớn). Hiện nay khi nghe từ Cửu Vạn người ta thường hình dung những người được thuê vận chuyển hàng hóa cho một ông bà chủ nào đó, vận chuyển bằng sức lao động mang vác hoặc bẳng phương tiện cá nhân.
Các trí thức, cán bộ của VN làm Cửu Vạn quốc tế cũng đều được thuê áp tải hàng hóa qua biên giới các nước, nhưng thường không phải mang vác hoặc dùng phương tiện cá nhân mà bằng phương tiện tàu bay hoặc tàu hỏa liên vận quốc tế. Trong thời kỳ 1986-1990 một số nước Đông Âu như Nam Tư, Ba Lan đã mở cửa buôn bán với thế giới tư bản nên nhập được một số hàng hóa mà Liên Xô đang cần. Các tướng, soái người Việt tại các nước tổ chức buôn lậu hàng từ các nước vào Liên Xô. Ngoài những phương tiện bí mật của mỗi đường dây thì người ta còn lợi dụng các cán bộ đi công tác, các chuyên gia quá cảnh có hộ chiếu công vụ để vận chuyển hàng, đặc biệt là những người có hộ chiếu đỏ (hộ chiếu ngoại giao, được miễn khám xét hành lý). Trước đây tôi cứ tưởng hộ chiếu đỏ chỉ cấp cho cán bộ cao cấp đến mức nào đấy đi công tác quan trọng, không ngờ một số người nhà của quan chức bậc cao, đi chơi cũng được cấp. Số người nhà này có nhiều điều kiện và rất tích cực trong việc làm cửu vạn.
Công việc cửu vạn khá đơn giản. Theo hẹn, bạn ra ga hoặc sân bay, nhận vé, lên tàu. Việc vận chuyển hàng đến nơi, sắp xếp vào chỗ đã có người làm. Đi tàu, qua biên giới, hải quan hỏi hàng này của ai, nếu bạn có hộ chiếu đỏ, chỉ trả lời của tôi, thế là xong. Khi bạn dùng hộ chiếu xanh (công vụ) thì có thể bị khám xét, liệu mà trả lời cho trôi chảy. Đến nơi đã có người đến nhận hàng tại ngay trên tàu, bạn không cần mang xách gì cả. Như vậy cửu vạn chủ yếu chỉ là áp tải. Hộ chiếu đỏ thường áp tải các hàng giá trị cao như cả vali đồng hồ điện tử, một túi xách lớn vàng trang sức, tiền công cho 1 chuyến (khoảng 10 giờ nằm trên tàu hỏa) khá cao, từ 1500 đến 2500 đô la. Hộ chiếu công vụ chỉ áp tải các hàng bình thường, chủ yếu là máy tính để bàn, mỗi máy gồm 3 thùng các tông. Hồi ấy chủ yếu là máy XT 186, tiền công mỗi chuyến khoảng trên dưới 200 đô la (cùng với 1 vé tàu khứ hồi). Suốt 3 năm làm chuyên gia, đi qua Liên Xô 4 lượt, tôi chỉ làm cửu vạn có 1 lần vào tháng 10 năm 1989, áp tải máy tính từ Ba Lan sang Liên Xô với giá 200 đô.
Khi từ Angiêri qua BaLan tôi đi cùng PGS. Ngô và gặp mấy bạn sang dự hội thảo về cơ học, trong đó có GS. Phan của ĐHBK, ông là một cán bộ chủ chốt của Hội Cơ học VN. Sau vài câu hỏi thăm xã giao Phan hỏi tôi: Mày đã có mối nào làm cửu vạn chưa. Tôi trả lời đang đi tìm. Phan nằn nì: mày quen biết nhiều, tìm được mách tao với. Hai ngày sau tôi và Ngô mới tìm được mối, hai người sẽ mang 2 máy cùng đi với nhau. Không ngờ khi ra ga thì chỉ mới có một máy. Nhường cho Ngô đi trước, tôi ở lại hôm sau đi. Chiều hôm sau tôi ra ga, có người đưa vé và dẫn lên tàu, chỉ cho các thùng máy đã được sắp xếp gọn gàng, nói cho biết dấu hiệu để nhận ra đúng người sẽ được giao hàng. Tàu qua biên giới vào ban đêm. Đã xảy ra vụ khám xét. Xin chép lại một số câu đối thoại của tôi với cảnh sát và hải quan Liên Xô (CS). Đối thoại bằng tiếng Nga, tuy đã trên 27 năm nhưng tôi còn nhớ được.
CS: Mấy thùng này của ai, hàng gì?
Tôi: Hàng của tôi, đó là máy tính điện tử.
CS: Mua từ đâu, mang đi đâu?
Tôi: Mua tại cửa hàng bán máy tính tại Warsava để đem về Việt Nam.
CS: Ông nói dối, đây là máy tính ông buôn lậu hoặc chở cho người buôn lậu vào Liên Xô.
Tôi: Căn cứ vào đâu mà các anh nói như vậy?
CS: Chúng tôi đã bắt được nhiều người Việt Nam đem máy tính vào bán ở Liên Xô rồi. Dân Việt Nam lấy tiền đâu mà mua máy tính để dùng riêng cho cá nhân.
Tôi: Các ông khinh người vừa thôi. Ông xem lại cho kỹ hộ chiếu của tôi để biết tôi đã đi qua những đâu. Nói cho ông biết, tôi được Liên Xô cấp bằng tiến sĩ, các ông nghe tôi nói tiếng Nga chuẩn đấy chứ, hay các ông thích trao đổi bằng tiếng Pháp, tôi xin vui lòng, tôi đang làm chuyên gia, giáo sư, dạy đại học tại Angiêri, nhận lương bằng đô la. Ở Việt Nam hiện nay chưa có loại máy tính này nên tôi mua về dùng. Một giáo sư, đi làm chuyên gia tại Angiêri mà không đủ tiền mua một máy tính về dùng sao. Xin các ông đừng xem người Việt nào qua đây cũng đều là nghèo đói cả.
CS (sau khi xem kỹ hộ chiếu): Lần trước đi từ Ba Lan vào Liên Xô, ông đã mang một máy tính, chúng tôi đã đánh dấu bí mật trong hộ chiếu, ông nói sao.
Tôi: Tôi nói là các ông bịa đặt. Các ông xem kỹ lại đi. Tôi khẳng định, đây là lần đầu tiên và có thể là lần cuối tôi mang máy tính vào Liên Xô để đem về Việt Nam dùng cho cá nhân. Tôi chỉ quá cảnh qua Liên Xô mà thôi.
CS: Ông về Việt Nam vào ngày nào, chúng tôi sẽ báo để sân bay kiểm tra xem có đúng như ông nói không.
Tôi: Tôi còn ở lại Mascơva vài hôm, thăm trường Đại học, nơi tôi đã bảo vệ luận án tiến sĩ, thăm một số giáo sư của trường, chưa biết chắc chắn sẽ đi ngày nào vì chưa đăng ký vé, nhưng cũng chỉ trong khoảng 5 đến 7 ngày. Các ông cứ ghi tên tôi, số hộ chiếu gửi cho sân bay để họ kiểm soát, nếu tôi không mang máy tính về Hà Nội thì cứ giữ tôi lại.
Khi đi qua Liên Xô tôi có 5 lần phải đấu trí với cảnh sát và hải quan, đây là một. Các lần khác xin kể sau. Tàu đến sân ga vào buổi sáng, tôi nhận ra người cần bàn giao hàng theo dấu hiệu đã được dặn. Người nhận hàng cho biết chuyến hàng hôm qua do anh Ngô áp tải không đến, không biết vì sao. Đoán là có sự cố xảy ra, tôi vội đánh điện về Ba Lan nói rằng tôi sẽ trở lại ngay. Trên tàu đi Ba Lan tôi ở cùng khoang với 2 cô người Nga. Các cô mang lậu trứng cá hồi, nhờ tôi thu giấu hộ 20 hộp. Vừa xuống tàu đã thấy Ngô đứng đợi tôi với bộ mặt ủ rũ. Thì ra hàng mà Ngô áp tải đã bị tịch thu tại biên giới. Tôi đoán mấy người khám xét tôi chính là bọn hôm trước đã tịch thu hàng của Ngô.
Hồi ấy giữa các chuyên gia truyền nhau một kinh nghiệm như sau: Khi bị cảnh sát, hải quan Liên Xô khám xét, dù có biết tiếng Nga cũng làm như không biết, chỉ nên nói tiếng Pháp hoặc tiếng Anh với họ. Bạn Ngô đã theo kiểu ấy và rồi vì sơ suất thế nào đó mà bị chúng nó tịch thu hàng. Tôi không theo kinh nghiệm đó mà vẫn dùng tiếng Nga, có thể là tôi nói tiếng Nga lưu loát hơn.
Chỗ này dừng lại một chút để giải thích. Trước đây các nghiên cứu sinh Việt Nam ở Liên Xô thường ở chung với nhau cho thuận tiện trong sinh hoạt. Khi nhận tôi vào ký túc xá, bà phụ trách hỏi tôi muốn ở chung với người Việt hay người Nga. Tôi xin ở với người Nga, điều này làm bà ta ngạc nhiện và tỏ ra vui thích. Hàng ngày tôi sinh hoạt, hòa nhập với các nghiên cứu sinh người Nga, vì thế tôi nói tiếng Nga khá lưu loát so với các bạn khác
Trở lại Ba Lan. Ngay chiều hôm đó tôi cùng với Ngô đi tàu đến ga biên giới, tôi đã dùng tiếng Nga trình bày với hải quan để xin lại máy tính, dựa trên các lập luận như đã dùng trên tàu. Thế nhưng mọi trình bày đều vô ích. Họ không những không chịu nghe mà còn dùng những lời thô bỉ mạt sát chúng tôi, làm nhục chúng tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi bị sỉ nhục như một tên tội phạm bẩn thỉu. Tôi tức nghẹn đến tận cổ. Ước gì lúc ấy có súng trong tay, tôi sẽ bắn vài phát rồi ra sao thì ra. Không làm gì được chúng nó, tôi và Ngô đành lủi thủi kiếm tàu về Mascơva. Sau này Ngô phải bỏ ra 600 đô, bằng 50% giá mua máy tại Ba Lan để đền cho chủ hàng vì lỗi làm mất hàng. Không những mất cả chì lẫn chài mà còn mất thêm nhiều thứ nữa.
Trong tình hình đó vẫn có một vài chuyên gia kiếm được khá đô la nhờ làm cửu vạn. Về sau mới biết các bạn đó đã đút lót, mỗi chuyến vài chục đô cho CS và hải quan. Người ta cho rằng trước lúc phe XHCN sụp đổ thì người Việt Nam đã xuất cảng văn hóa đút lót sang các nước đó và góp phần làm hủy hoại nhà nước cộng sản. Thực ra hồi ấy chúng tôi cũng biết việc đút lót nhưng không làm sao thực hiện được vì chưa quen và không mạnh dạn làm thử.
Nghĩ lại, thấy chuyện buôn lậu và làm cửu vạn là phạm vào dối trá, nhục nhã, mình vừa là nạn nhân vừa là tội phạm, ôn lại để thấy nhục. Nỗi nhục này tự trên trời trút xuống?
Lúc đang buôn lậu và làm cửu vạn quốc tế thì thấy vui vẻ, sung sướng sau mỗi lần kiếm được chút lợi lộc nhờ dối trá, bịp bợm. Nay mỗi lần nghĩ lại thấy tủi hổ, xót xa. Trong lúc nghèo đói, khó khăn, chỉ một chút lợi nhỏ cũng có thể làm cho con người không giữ trọn phẩm chất trong sạch. Đã có lúc tôi tự hào về cuộc đối đáp với cảnh sát trên tàu, bây giờ nghĩ lại chỉ thấy xấu hổ. Tự hào, hãnh diện vì thắng được người ta nhờ gian dối trong những việc hàng ngày thì cuộc đời sẽ thất bại trong tổng thể. Tôi bỗng nhớ tới một bài được học từ năm 1944 như sau: «Tin nhau buôn bán cùng nhau/ Thiệt hơn, hơn thiệt trước sau như nhời/ Hay gì lừa đảo kiếm lời/ Nhà đều ăn cả, tội Trời riêng mang/ Hay chi những thói gian tham/ Mưu mô, lừa bịp, tìm đường dối nhau/ Của phi nghĩa có giàu đâu/ Ở cho ngay thật bền lâu suốt đời».
(Còn tiếp)
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN