Thông điệp của anh Trần Huỳnh Duy Thức qua thư góp ý gởi ô Trọng

Lê Công Định

Đọc thư anh Trần Huỳnh Duy Thức gửi Nguyễn Phú Trọng có thể thấy được tấm lòng và viễn kiến của anh đối với tương lai dân tộc như thế nào.

Anh thực sự là một nhà kinh bang tế thế, tiếc thay hiện tại anh vẫn đang ở tù và thể chế chính trị hiện nay vẫn đang cầm tù cả dân tộc chúng ta, nên anh không có dịp thi thố tài năng của mình để chấn hưng đất nước.

clip_image002

 Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng rồi đây anh sẽ lãnh đạo quốc gia và sẽ xây dựng nên một nền tảng vững chãi giúp Việt Nam trở thành cường quốc mai sau.

Anh viết thư đó không phải để hoặc mong Nguyễn Phú Trọng đọc, vì đầu óc đó chắc chắn không quan tâm đến vận mệnh quốc gia và càng không thể lĩnh hội điều anh đang nghĩ đến nếu y có cơ hội đọc được.

Anh viết để người Việt có tấm lòng đối với tương lai đất nước mai sau không nản lòng và tiếp tục giữ vững niềm tin lúc này, để bằng cách này hay cách khác đóng góp sức mọn của mình vào sự nghiệp chung trong khả năng riêng của mỗi người.

Anh không cần Nguyễn Phú Trọng hay ai trong hàng ngũ chóp bu cộng sản quan tâm thân phận hiện tại của mình, bởi nếu muốn anh đã chọn ra nước ngoài, điều mà nhà nước này đang cố sức làm để đẩy anh rời xa mảnh đất quê hương.

Anh chọn ở lại giữa ngục tối trên xứ sở này để người Việt bên ngoài nhà tù nhỏ hiểu mình cần làm gì giúp từng bước phá vỡ gông cùm đang kềm hãm con đường Việt Nam sáng chói ở phía trước.

Chúng ta hãy truyền tải thông điệp này của anh Trần Huỳnh Duy Thức và hãy cùng nhau THỨC TỈNH!

L.C.Đ.

Nguồn: Nguồn: http://huynhngocchenh.blogspot.jp/2017/02/thong-iep-cua-anh-tran-huynh-duy-thuc.html

***

Dưới đây là nội dung thư đã được gửi cho ông Trọng

THƯ GÓP Ý

                                                          Nghệ An, 19/12/2016

K/g: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tôi tên Trần Huỳnh Duy Thức, 50 tuổi, hiện đang ở tù tại Trại giam số 6 theo tội danh được gọi là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vì đã góp ý với nhà nước về những nguy cơ và chính sách phát triển quốc gia.

          Hôm nay tôi tiếp tục góp ý vì nhận thấy những nguy cơ này đang ngày càng nghiêm trọng. Nguy hại nhất chính là nguy cơ tụt hậu của dân tộc, mãi nhìn các dân tộc khác vượt qua sau mỗi cột mốc bản lề chuyển đổi thời đại. Dân tộc chúng ta đã không tiến lên được mà còn bị đẩy lùi xa sau các cột mốc Cách mạng công nghiệp 2.0, Cách mạng công nghiệp 3.0 của Thời đại kinh tế công nghiệp, rồi phải chìm vào những cuộc chiến giành độc lập.

          Thế giới đã bắt đầu chuyển sang Thời đại Kinh tế tri thức với cột mốc đầu tiên là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vốn đã được nhiều quốc gia chuẩn bị từ nhiều năm trước. Việt Nam gần như chỉ mới biết đến nó vào cuối năm ngoái. Nhưng sự muộn màng này không đáng lo bằng sự chậm chạp trong việc hiểu đúng quy luật vận động của nó và thái độ không sẵn sàng thay đổi để tôn trọng quy luật để tiến cùng Thời đại. Thất bại của nhiều dân tộc chính là ở thái độ như vậy khi Dòng chảy của Thời đại tiến tới. Thái độ đó dẫn tới sự ngộ nhận hoặc cố tình không hiểu đúng các đặc trưng của thời đại, bỏ qua các đặc trưng mềm mang tính quyết định và tập trung vào các đặc trưng cứng mang tính hệ quả như công nghệ và phương thức sản xuất nói chung. Họ không chịu nhìn nhận rằng các thời đại được tạo nên bởi những dòng chảy được hợp thành bởi 2 trào lưu mềm và cứng, trong đó trào lưu mềm mang tính quyết định và phải đi trước vì nó thay đổi đặc trưng mềm của xã hội, dẫn đến quan hệ sản xuất mới và mối quan hệ tiến bộ giữa con người cũng như năng lực vận động của họ trong xã hội nói chung. Không hội nhập trào lưu mềm mà chỉ tập trung vào trào lưu cứng dẫn đến những cuộc cách mạng không được đặt trên những nền tảng vận động vững chắc của xã hội. Kết quả là sự sụp đổ.

          Biểu hiện dễ thấy của những quốc gia thúc đẩy hoặc hội nhập thành công vào dòng chảy của các thời đại là xã hội của họ rất cởi mở, không chỉ chấp nhận mà còn dễ dàng dung hợp sự khác biệt. Đó là tác dụng của trào lưu mềm. Chính phủ đang nói rất nhiều làm sao biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp như Israel. Các mô hình kinh tế của họ đang được học tập. Nhưng bí quyết quan trọng nhất của quốc gia non trẻ này là ở xã hội cởi mở – nơi người dân có thể chỉ trích bất kỳ vị lãnh đạo nào của đất nước không chỉ bằng những góp ý chính sách mà còn bằng sự chế giễu họ công khai. Bí quyết này chỉ có được nhờ mô hình chính trị cởi mở nhưng mới mẻ của dân tộc Do Thái, chứ không phải nhờ văn hóa bảo thủ lâu đời của họ.

          Một xã hội cởi mở như vậy thì mới có thể tạo ra hoặc chấp nhận những ý tưởng mới, đột phá về công nghệ và mô hình kinh doanh. Không có cởi mở về chính trị thì sự cởi mở về kỹ thuật, kinh tế rất hạn chế. Nói đến Cách mạng công nghiệp 4.0 – Nền kinh tế số hóa thì không thể thiếu tiền tệ kỹ thuật số, chính là các loại tiền ảo như Bitcoin. Không phải tự nhiên mà những nơi đã ra đời hoặc công nhận pháp lý đối với tiền tệ kỹ thuật số là những quốc gia cởi mở nhất thế giới như Mỹ, Thụy Điển và mới đây là Singapore. Thực ra Chính phủ Singapore đã chuẩn bị cho tiền tệ kỹ thuật số từ 9 – 10 năm trước. Cùng lúc đó, ý tưởng xây dựng một đơn vị tiền tệ kỹ thuật số cho Việt Nam là VN$ (Vietnam dollar) đã bị bóp chết trong trứng nước. Ngay đến bây giờ rồi mà những phát biểu của các quan chức ngân hàng vẫn còn kỳ thị và gây sợ hãi đối với các loại tiền ảo. Có rất nhiều nỗi sợ như vậy đối với các ý tưởng mới hiện nay trong xã hội Việt Nam, nhất là những gì liên quan đến mô hình phát triển.

          Chính phủ đang phát động cả nước nắm bắt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Chính trị cũng đã tổ chức học tập đặc trưng của cuộc Cách mạng này. Nhưng tôi nhận thấy đặc trưng mềm đã bị bỏ qua.

          Tôi có thể hiểu được khao khát của ông về một chính quyền đạo đức. Nhưng lịch sử dân tộc và thế giới đã chứng minh rằng đức trị không tạo ra được các nhà nước và xã hội đạo đức, mà còn kìm hãm các dân tộc ở mãi trong nền Kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Pháp trị là đặc trưng của Thời đại Kinh tế công nghiệp. Còn pháp quyền là đặc trưng của Thời địa Kinh tế tri thức. Không thể sử dụng đức trị để thành công trong Thời đại mới đang hình thành mạnh mẽ này được. Đức trị không làm xã hội cởi mở mà ngược lại, chìm trong sự phẫn uất và thù địch. Con người không thể phấn chấn để làm nên những điều tốt đẹp khi thường xuyên bị sôi sục bởi sự lên án về đạo đức, tham nhũng hoặc những tư tưởng sai trái. Kết quả là xã hội bị trói chặt vào những tư tưởng cũ kỹ, thì sao mà phát triển được. Từ thời Duy Tân Minh Trị cho đến tận bây giờ, các quan chức Nhật Bản vẫn hay bị chỉ trích về lối sống. Nhưng khó phủ nhận được họ là những người đã kiến tạo nên các nền tảng phát triển để nhân dân Nhật tạo nên kỳ tích. Chìa khóa của giải pháp nằm ở quyền chỉ trích. Khi nó còn được bảo đảm thì hành xử của quan chức và cả nhà vua còn được đặt trong giới hạn nhân dân có thể kiểm soát. Trong lịch sử Nhật, khi quyền này bị hạn chế cũng là lúc chủ nghĩa đức trị lên ngôi dẫn đến sự lụn bại của nước Nhật bởi những cuộc chiến tranh được phát động với danh nghĩa bảo vệ đạo đức.

          Tôi và nhiều người dân trên khắp thế giới rất mong đất nước hội nhập thành công và vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đưa dân tộc Việt Nam nhanh đến thịnh vượng và văn minh. Nhưng điều này, lúc này, đang tùy thuộc vào những người nắm quyền hành tối cao như ông. Tôi nghĩ ông cũng muốn như vậy. Nhưng sự thành công chỉ đến khi quy luật phát triển được tôn trọng. Chính quy luật này tạo nên Dòng chảy không thể đảo ngược của Thời đại. Tôn trọng quy luật đó thì phải thúc đẩy trào lưu mềm trước thông qua những cải cách chính trị cởi mở mạnh mẽ. Đây là cơ hội dành cho những người như ông làm nên lịch sử. Ngược lại, không tôn trọng quy luật mà cố gắng dồn sức lực cho trào lưu cứng thì thất bại là không thể tránh khỏi và bị lịch sử vượt qua.

          Lịch sử thế giới cho thấy, khi người dân nói ra được nguyện vọng của mình thì dân tộc tạo ra sức mạnh thần kỳ. Cuộc cách mạng Tháng 8, Cuộc tổng tuyển cử 1946 và Hiến pháp 1946 là những điều như vậy. Nhưng Việt Nam vẫn chưa có kỳ tích phát triển vì Hiến pháp 1946 đã không được tiếp tục bằng một cuộc trưng cầu ý dân như bản Hiến pháp này dự kiến. Ý nguyện nhân dân cần phải được tiếp tục để dân tộc Việt Nam hóa rồng sánh vai cường quốc năm châu. Hơn lúc nào hết, một cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp để nhân dân quyết định thể chế chính trị của đất nước cần được thực hiện. Ai làm cho nhân dân nói ra được nguyện vọng của mình thì sẽ làm nên lịch sử.

          Chúc ông sức khỏe và kính chào.

       Mùa đông tháng 12, 2016

     THDT

Nguồn: https://tranfami.wordpress.com/

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.