Tư liệu lịch sử

 Thần tượng Walesa chính là ‘Bolek’ chỉ điểm cho công an

Mạc Việt Hồng

Pham Nguyen Truong: Vấn đề là chỉ nên ký những thứ vô thưởng vô phạt, không hại tới ai và không nhận tiền của cơ quan an ninh.

Phạm Lưu Vũ: Câu chuyện này không hạ thấp sự vĩ đại của Walesa trước lịch sử Ba lan và cả nhân loại. Nó chỉ làm cung cấp thêm sự ghê tởm của an ninh cộng sản Ba lan.

Duc Dao Minh: Câu chuyện có thật này, không làm thay đổi bản chất cuộc cách mạng công đoàn ở Balan do Walesa và người dân Balan đã làm.

Lê Hữu Sang: Tự diễn biến tự chuyển hóa là đây chứ đâu

clip_image003
Ông Lech Walesa sau thắng cử làm Tổng thống dân chủ đầu tiên của Ba Lan trong thập niên 1990

Lech Walesa, thần tượng của dân tộc Ba Lan, một trong những nhân vật lịch sử tầm cỡ nhất của thế kỷ 20 đang trở thành tâm điểm của dư luận và báo chí.

Ông Walesa – người thợ điện làm ‘chập mạch’ cả hệ thống XHCN, Tổng thống đầu tiên của Ba Lan dân chủ – theo kết luận của Viện Hồi ức Dân tộc (IPN) là đặc tình của an ninh cộng sản từ 1970 tới 1976 với bí danh Bolek.

Kết luận này không có gì là quá mới lạ, chỉ là câu trả lời khẳng định cho những đồn đoán kéo dài từ hơn hai thập niên nay.

Trong buổi họp báo hôm 31/01/2017 IPN nói, kết luận của họ là ‘hoàn toàn chắc chắn’, ‘không còn nghi ngờ nào nữa’.

Nó được đưa ra trên cơ sở giám định của các chuyên gia trong một năm qua với những bút tích mà Walesa để lại trong tài liệu của cơ quan an ninh cộng sản.

Cũng theo những tài liệu này, Walesa đã nhận tiền cho những hoạt động ‘mách lẻo’ của mình trong giai đoạn trên với số tiền là 11.700 zloty.

Chữ ký trên các biên lai nhận tiền được khẳng định là của chính người mà sau này trở thành lãnh tụ huyền thoại của Công đoàn Đoàn kết.

Tập hồ sơ trong nhà trùm mật vụ

Đây là tập tài liệu mang tên ‘Hồ sơ cá nhân’ dày tới 750 trang mà cơ quan điều tra thu được một năm trước ở nhà một Bộ trưởng Công an thời cộng sản – Czeslaw Kiszczak – sau khi ông này qua đời.

Tướng Kiszczak có ý bảo vệ điệp viên của mình không chỉ tới hơi thở cuối cùng mà cả những năm sau đó.

Walesa ‘làm đặc tình cho cộng sản Ba Lan’

Lời trăn trối giữ gìn tập tài liệu cẩn thận và chỉ được trao lại sau nhiều năm nữa đã bị bà vợ góa có phần ‘lẫn cẫn’ của ông làm hỏng chuyện. Bà đã gọi điện tới IPN với mục đích bán chúng, ít lâu sau đám tang của ông chồng.

Trên tập hồ sơ tìm thấy, có bút tích phê duyệt của chính Kiszczak với ý định chỉ công bố hồ sơ 5 năm sau khi Walesa qua đời.

Từ lâu, ngay sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, giới chức và báo giới Ba Lan đã truy tìm những tài liệu liên quan tới một nhân vật bí ẩn có bí danh Bolek, nhưng đã không tìm thấy trong bất kỳ lưu trữ quốc gia nào.

Bản thân Walesa có lẽ cũng nghĩ rằng, những tài liệu liên quan tới mình đã được an ninh cộng sản hủy bỏ. Bởi, trong mắt chính những trùm mật vụ đó, Walesa là một anh hùng dân tộc, mà họ hay ít nhất là tướng Kiszczak muốn bảo vệ danh dự.

clip_image005

Ông Walesa bị cho là có bí danh Bolek khi đưa tin cho công an CS ở Ba Lan. Ảnh: REUTERS

Cũng bởi không có chứng cứ gì mà trong suốt nhiều năm nay, Walesa luôn chối bỏ sự hợp tác của mình.

Hiện cựu Tổng thống đang đi nghỉ vắng ‘ở nước ngoài’ và ông chưa lên tiếng gì về kết quả cuộc họp báo kể trên.

Thêm một chương trong cuộc đời

Vụ Bolek ngay lập tức gây nên những tranh cãi gay gắt trong xã hội và nhuốm mầu sắc chính trị.

Có một nghịch lý mà có lẽ không chỉ của Ba Lan, đó là, những người cùng tranh đấu trên một chiến tuyến nhằm lật đổ chế độ độc tài cộng sản lại trở thành các đối thủ chính trị của nhau trong một thể chế dân chủ.

Và vụ Walesa cũng trở thành một ‘con bài’ trong cuộc chơi giữa các đảng phái chính trị đối lập.

Đảng cầm quyền PiS dường như có ý phủ nhận sạch trơn và viết lại lịch sử. Nhưng các đảng phái chính trị khác đưa ra nhìn nhận một cách công bằng và bao dung hơn.

Theo đó, Walesa là người đã có công giúp dân tộc thoát khỏi ách độc tài cộng sản, và giống như mọi nhân vật lịch sử khác, không có gì là tuyệt đối cả; những gì lịch sử và cả thế giới đã ghi nhận là không thể xóa bỏ; không có pha lê nào mà không bị tì vết.

Nhiều người cũng lên tiếng cảm thông với ông khi sống giữa một bầy sói an ninh cùng ‘vợ dại con thơ’ và một nguy cơ mất việc lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, những gì Walesa đã làm không gây hại trực tiếp cho ai và những thông tin mà ông đã cung cấp cho cơ quan an ninh thuộc loại ‘vô bổ’.

Không dễ dàng gì để có thể vừa theo đuổi lý tưởng, vừa giữ được sự an toàn cho gia đình, người thân và sự trong sạch của lương tâm trong lúc luôn bị đe dọa, khủng bố tinh thần và bao vây về kinh tế – Mạc Việt Hồng

Trong khoảng thời gian mấy năm đó, Walesa đã nhiều lần muốn thoát ra khỏi móng vuốt của cơ quan mật vụ nhưng sự hợp tác chỉ thực sự chấm dứt vào năm 1976.

Điều quan trong là, ở giai đoạn sinh tử của công cuộc đấu tranh, Walesa đã dứt bỏ được những ràng buộc, vượt lên được những ám ảnh để trở thành một lãnh tụ của phong trào công nhân.

Những đóng góp của ông cho Ba Lan và thế giới là không thể thay đổi.

Nói theo cách của Giám đốc IPN thì, những tài liệu này không nhằm phủ nhận công lao của Walesa mà chỉ thêm vào một chương trong cuộc đời hoạt động của ông. Và đó là một chương đen tối.

Ai cũng phải ký gì đó?

Những ai đã từng sống dưới chế độ cộng sản có thể thấy rằng, không dễ gì để vừa hoạt động hiệu quả vừa giữ mình thật trong sạch.

Ryszard Petru, chính trị gia đối lập nói:

“Hầu hết chúng ta đã may mắn là không phải sống trong những ngày đó và không phải va chạm với mật vụ cộng sản. Vào thời điểm ấy, nhiều người đã bắt buộc phải ký một cái gì đó, để sau này hối tiếc”.

Miroslaw Chojecki, một nhà hoạt động Ba Lan từng kể với tôi rằng, ông bị bắt, bị giữ tới 40 lần vì đủ mọi lý do, nhiều khi rất ‘trời ơi đất hỡi’ như có một kẻ lấy cắp chai rượu trong cửa hàng và kẻ này trông giống ông!

Và hầu như mỗi lần để được thả ra, ông lại phải ký giấy tờ gì đó.

Vấn đề là chỉ nên ký những thứ vô thưởng vô phạt, không hại tới ai và không nhận tiền của cơ quan an ninh.

Nhưng vấn đề đó không phải ai cũng làm được, để giữ cho đôi tay của mình được trong sạch.

Câu chuyện quá khứ của Ba Lan lại là hiện tại của Việt Nam ngày nay.

clip_image007

Việt Nam có bộ máy an ninh cảnh sát hùng hậu. Ảnh: AFP

Những nhà hoạt động Việt Nam đang sống dưới một chế độ còn hà khắc hơn chế độ cộng sản Ba Lan mấy chục năm trước. Họ đang hàng ngày phải đối đầu với một bộ máy an ninh khổng lổ với nhiều mưu kế.

Không dễ dàng gì để có thể vừa theo đuổi lý tưởng, vừa giữ được sự an toàn cho gia đình, người thân và sự trong sạch của lương tâm trong lúc luôn bị đe dọa, khủng bố tinh thần và bao vây về kinh tế.

Chắc nhiều người còn nhớ hình ảnh của Luật sư Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài hay Nguyễn Tiến Trung được cho là ‘đã nhận tội’, ‘xin khoan hồng’ được chiếu đi chiếu lại trên các kênh truyền thông nhà nước.

Là con người, ai cũng có những phút yếu lòng, nhưng nhờ những người dám can đảm dấn thân, xã hội mới thay đổi.

Và bất luận điều gì đã xảy ra, thiết nghĩ, cần phải trân trọng và ghi nhận công bằng những cống hiến của họ.

Chắc chắn không ít người trong giới hoạt động hiện nay – ở những chừng mực khác nhau – đã có lúc phải ký kết hay cam kết gì đó với cơ quan an ninh.

Nếu một ngày nào đó, những hồ sơ mật được mở ra, chắc sẽ có nhiều bất ngờ.

Có thể, những gì xảy ra ở Ba Lan hôm nay sẽ là bài học cho Việt Nam trong tương lai về cách tiếp cận và ứng xử với những vấn đề tương tự.

Nhưng ngày đó là ngày nào, có thể còn rất xa…

M.V.H.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Mạc Việt Hồng từ Warsaw, Ba Lan.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum-38855081

This entry was posted in Sử Liệu. Bookmark the permalink.