Tạ Quốc Quang
Tạ Quốc Quang là con trai trưởng của GS Tạ Quang Bửu, hiện là chủ doanh nghiệp Quốc Quang tại Bình Dương và Trưởng VPĐD công ty Interbizcorp (Hàn Quốc). Câu chuyện ông kể dưới đây là những hồi ức khó quên về người cha mà ông vô cùng kính trọng…
Việc hướng nghiệp cho bản thân tôi
Khi hết cấp 2, lên cấp 3, tôi hy vọng với kết quả thi không lấy gì làm tồi của mình, tôi sẽ được vào học một trường danh tiếng như Chu Văn An. Nhưng không hiểu thế nào tôi lại bị xếp vào trường Phổ thông công nghiệp Đống Đa. Tôi rất buồn và trình bày điều đó với cha tôi. Ông đã khuyên tôi nên chấp nhận trường mà người ta sắp xếp với hai lý do: “Bố thấy trường Chu Văn An đã có nhiều con cán bộ cao cấp học, đó không phải là môi trường tốt cho con. Còn trường Phổ thông công nghiệp là một mô hình mới ở Việt Nam, ở các nước Công nghiệp tiên tiến nó đã rất phổ biến”. Tôi yên tâm theo học và môi trường đó đã tạo nên những tính cách cơ bản cho tôi sau này.
Khi tốt nghiệp Đại học từ CHDC Đức về, tôi mơ ước được trở thành giáo viên Khoa Máy hóa của Trường Đại học Bách khoa. Tôi đã tìm hiểu những người quen và với bằng tốt nghiệp loại khá như tôi thì chỉ cần một cái gật đầu của cha tôi, chắc là mọi việc sẽ trôi chảy. Tôi đem nguyện vọng đó trình bày với cha tôi và không ngờ tôi nhận được một câu trả lời ngắn gọn không giải thích: “Chỗ nào bố làm, chỗ đó con không nên dính vào”.
Lúc ấy, tôi chán ngán và thất vọng, nhưng sau này tôi mới hiểu, trên cương vị của ông đầy rẫy những sự đố kỵ và thách thức. Sự có mặt của một người xốc nổi, ngang tàng như tôi không chỉ làm hỏng việc của ông mà là của bản thân tôi nữa. Trải qua nhiều năm bươn chải trên các nẻo đường đất nước, qua các công trường xây dựng trên khắp hai miền, tôi càng cứng cỏi, càng độc lập và dần thành công trong cuộc sống, tôi càng thấy sự cứng rắn của cha tôi lúc ấy là cần thiết.
Về việc an cư của tôi
Lấy vợ rồi có con, nhu cầu tách ra riêng càng ngày càng trở nên cấp bách. Trong lúc mình là chuyên viên Xây dựng cơ bản của ngành Hóa chất, chỉ cần có một văn bản gì đó bên Quân đội, chủ sở hữu căn nhà đại gia đình tôi ở, cho tôi một tờ giấy xác nhận là tôi không có quyền được ở vào căn nhà 36 Hoàng Diệu này, nơi chỉ dành cho cán bộ cao cấp, là tôi có thể xếp đơn xin cấp nhà được rồi.
Dù thuyết phục thế nào nhưng tôi vẫn chỉ nhận được một câu trả lời bên Quân đội là: “Không thể làm được vì nghe nó cạn tàu ráo máng quá”. Tôi đành đem chuyện đó nhờ cha tôi can thiệp, xong ông chỉ cho tôi một câu trả lời rằng: “Ông nội cũng đã không để cho bố một tấc đất cắm dùi”. Như vậy là hết hy vọng.
Về quan hệ xã hội
Hai cha con đã có nhiều lúc đứng trên ban công, nhìn ra đường Hoàng Diệu và đã tâm sự với nhau nhiều điều. Tôi nhớ có một lần vào đầu những năm 1960, thanh niên háo hức kéo nhau đi nghe các cuộc diễn thuyết về nhiều lĩnh vực. Một trong những thuyết gia là người có cương vị tương tự như cha tôi ở Ủy ban Khoa học Nhà nước. Tôi hỏi cha về ông ấy: “Nghe nói chú ấy giỏi lắm phải không bố?”. Im lặng một lúc lâu, cha tôi trả lời: “Chú ấy rất thông minh nhưng rất đáng tiếc là chú ấy không được học”. Mãi sau này khi bước vào đời tôi mới gặp nhiều người như vậy và mới hiểu nỗi lòng của cha.
Cũng trên cái ban công ấy, có một lần tôi lại hỏi chuyện cha tôi về một ông hàng xóm khi thấy ông cầm kìm và cái tuốc-nơ-vít đi qua phía dưới, ông ấy vốn là một cán bộ cao cấp mới được chuyển về ở cùng. “Chú ấy có trình độ đấy chứ bố nhỉ?”, tôi hỏi, lần này thì bố tôi trả lời rất nhanh: “Đủ để phá”. À ra thế đấy, có trình độ mà không tới nơi tới chốn thì dễ trở thành người phá hoại. Câu này đã giúp tôi sau này trong quá trình công tác để nhận diện thêm một lớp người không ít ở nước ta.
Vào những năm tháng cuối đời của cha tôi
Bác Khương Hữu Dụng, nhà thơ, người cùng học tiểu học với cha tôi ở Tam Kỳ, thường ghé thăm cha tôi. Có một lần, ông đến cửa phòng tôi và nói với tôi: “Bác đã tìm mọi cách để khuyên bố cháu bớt thời gian viết hồi ký để lại cho con cháu và các thế hệ mai sau biết được những việc bố cháu đã làm, những cương vị bố cháu đã trải qua, những việc bố cháu đã làm đáng để các thế hệ sau biết tới”. Tôi đã nghe nhiều cá nhân và cơ quan đến đặt vấn đề này và bố tôi đã từ chối, vậy ai chứ bác Dụng đã yêu cầu thì tôi phải tìm cách truyền đạt lại cho bằng được.
Rồi một hôm, tôi thấy ông vui, cũng vẫn ở cái ban công ấy, tôi đưa ra vấn đề ấy với cha tôi. Ông trầm ngâm một lát rồi chậm rãi nói: “Đời bố có nhiều chuyện sống để bụng chết mang theo”. Tôi không dám nói thêm một câu gì nữa. Hình như tôi đã lỡ chạm vào một nỗi đau thầm kín nào đó của ông?
Còn đây, có thể là cuộc trò chuyện cuối cùng của hai cha con, cũng vẫn ở cái ban công này. Hôm đó, sau cái tối mà Chính phủ mở tiệc chiêu đãi nhân 40 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi hỏi ông về không khí bữa tiệc đó. Ông kể tên một số người. Tôi nghĩ, cuộc hội ngộ của những người đã từng sát cánh bên cụ Hồ sẽ rất vui. Thế rồi giọng cha tôi bỗng đổi hẳn khi nói về một nhân vật có nhiều quyền hành nhất lúc bấy giờ. Người ấy đến cạnh cha tôi và hỏi: “Anh Bửu, tại sao anh T… lại tròn đến thế?”. Ý như người ấy muốn trách cha tôi về người mà cha tôi đã giới thiệu với cấp trên vào cương vị thay mình và cha tôi đã trả lời: “Các anh chà như thế thì ai mà chả tròn”.
Với câu trả lời như vậy chắc đêm hôm dự tiệc về cha tôi đã không dễ gì chợp mắt.
Thế rồi, cũng ở cái ban công này, những ngày tháng sau đó cha tôi đã chứng kiến một số người đồng niên gần gũi và hiểu cha tôi ra đi. Cha tôi nói với tôi: “Chắc rồi mấy ngày nữa đến lượt bố…”
Mấy ngày vừa qua, báo chí nói nhiều đến vai trò trí thức, nhưng có lẽ cách ứng xử của xã hội lâu nay đối với trí thức vẫn có cái gì đó không ổn. May mà có cơ chế kinh tế mở nên từ nay trở đi, họ – những người trí thức Việt Nam, phần nào có thể quyết định được số phận của mình.
T.Q.Q.
Nguồn: http://www.honvietquochoc.com.vn/bai-viet/2610-cau-chuyen-giua-cha-va-con.aspx
(Bài đã lên trang honvietquochoc.com.vn từ 2009. Nhận thấy bài còn nguyên tính thời sự, BBT BVN xin được đăng lại)