Doanh nghiệp ‘chạy dự án’ khai khoáng: Lũng đoạn chính sách

Vấn đề “loạn” khai thác khoáng sản gây thất thoát tài sản nhà nước, doanh nghiệp “chạy” dự án, địa phương quản lý lỏng còn Trung ương “buông” làm “nóng” cả trong và ngoài Hội trường trong ngày thảo luận kinh tế – xã hội hôm nay (27/5).

Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân, để xảy ra chuyện DN lũng đoạn khai thác khoáng sản thì trách nhiệm phải thuộc người đứng đầu địa phương đó. Một khi Trung ương đã phân cấp cho địa phương thì không thể lợi dụng “quyền” trong tay mà buông lỏng quản lý.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân, người phát ngôn khá hăng trong nhiều kỳ họp và phát ngôn với tinh thần trách nhiệm, nhưng xem ra ông cũng còn quá gượng nhẹ khi chỉ phê phán các vị quan đầu tỉnh “buông lỏng quản lý”. Nên gọi sự vật cho đúng bản chất, mà chúng tôi nghĩ, bản chất của kẻ có chút quyền và thấy mình đang phất (và chỉ phất trong cái nhiệm kỳ mình đang ngồi trên ghế) thì không gì khác hơn là… hau háu ngóng tiền.

Bauxite Việt Nam


“Không phải hễ “chạy” giỏi là xin được dự án”

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: "Luật Khoáng sản sửa đổi  sẽ phải tính tới các bất cập này". Ảnh: Lê Anh Dũng
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: “Luật Khoáng sản sửa đổi sẽ phải tính tới các bất cập này”. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định “Tôi thừa nhận tình trạng khai thác quặng mỏ vừa qua có những diễn biến phức tạp như báo chí đã phản ánh. Có một “nghịch lý” là những nơi giàu khoáng sản thì đời sống nhân dân phần đa vẫn còn khó khăn”.

Về lý do dẫn đến tình trạng các tỉnh cấp phép “dự án chồng lên dự án”, theo ông Hoàng, một phần do sự chồng chéo quản lý.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường được xem là “đầu mối” Trung ương nhưng địa phương lại được giao trách nhiệm quản lý khoáng sản trên địa bàn và được cấp quyền khai thác các mỏ nhỏ, những điểm quặng rời…

Như phản ánh của VietNamNet, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, DN được cấp phép khai thác mỏ vàng cả trên những diện tích đất lúa, đất rừng và suốt quá trình DN đến thăm dò, người dân cũng như lãnh đạo huyện, xã không hề biết. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã “hé lộ”, ở đây có dấu hiệu DN “chạy” dự án.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): "Tài nguyên là của toàn  dân". Ảnh: Lê Anh Dũng
ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): “Tài nguyên là của toàn dân”. Ảnh: Lê Anh Dũng

Còn Phó trưởng đoàn ĐBQH Cao Bằng Triệu Sĩ Lầu cũng phản ánh: “DN báo lên có bao nhiêu trữ lượng thì biết bấy nhiêu”.

Bên hành lang Quốc hội, thành viên Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Nguyễn Đình Xuân khẳng định: “Tài nguyên là của toàn dân, không thể rơi vào tay những kẻ đầu cơ, tích lũy. Đây là một hình thức lũng đoạn chính sách”.

Theo ông Xuân, Nhà nước phải khảo sát đánh giá trữ lượng. Nếu DN nào muốn được tham gia đánh giá trữ lượng, phải có hợp đồng cụ thể, thậm chí đấu giá công khai.

“Không phải hễ anh nào “chạy” giỏi thì xin được dự án vì đây là tài sản quốc gia, không thể xin – cho tùy tiện“, ông Xuân khẳng định.

Theo ĐB Xuân, để xảy ra chuyện DN lũng đoạn khai thác khoáng sản thì trách nhiệm phải thuộc người đứng đầu địa phương đó. Một khi Trung ương đã phân cấp cho địa phương thì không thể lợi dụng “quyền” trong tay mà buông lỏng quản lý.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hậu Giang Trần Hồng Việt: "Bán rẻ tài  nguyên quốc gia". Ảnh: Lê Anh Dũng
Phó trưởng đoàn ĐBQH Hậu Giang Trần Hồng Việt: “Bán rẻ tài nguyên quốc gia”. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Bán rẻ tài nguyên vì lợi ích cục bộ”

Phát biểu tại hội trường trong phiên họp được truyền hình trực tiếp, các ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị); Trần Hồng Việt (Hậu Giang); Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) và nhiều ĐB khác cũng bày tỏ thái độ xót xa trước tình trạng báo động đỏ lãng phí tài nguyên.

Dẫn lại cảnh báo mới đây của Viện Tư vấn phát triển về thất thoát tài nguyên, ĐB Lê Như Tiến nói: “Hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản đang bộc lộ nhiều bất cập từ khâu cấp phép đến quản lý, khai thác, sử dụng mà trước tiên là dễ dãi, tràn lan trong việc cấp phép”.

Nếu năm 2000 mới có 427 DN thì con số hiện nay đã lên gấp ba (1.500)  chưa kể hàng nghìn băng nhóm khai thác tự do, không giấy phép mà các cơ quan quản lý bó tay, bất lực.

“Khi Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) phản ánh về khả năng “chạy” dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn thì cũng có thể xem đó như một tin báo tội phạm. Đây là phát ngôn từ một người đáng tin cậy, một vị lãnh đạo, lại có địa chỉ rõ ràng thì đó chính là cơ sở để các cơ quan chức năng, Viện kiểm sát phải vào cuộc để xác minh xem chuyện đó có hay không và trả lời rõ ràng để cho người dân được biết thực hư”.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân

Hậu quả là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm như vàng, đá quý, titan, đồng, thiếc, than, sa khoáng v.v… thất thoát, lãng phí, cạn kiệt. Môi trường bị tàn phá, kéo theo những hệ lụy về mặt xã hội như tội phạm và tệ nạn xã hội hoành hành, băng hoại về đạo đức, mất an ninh, an toàn xã hội”, ông Tiến nói.

Loạn “vàng tặc, quặng tặc”… dẫn đến tổn thất, lãng phí trong khai thác than hầm lò lên tới 40-60%, apatit là 26-43%, quặng kim loại từ 15-30%, dầu khí lên đến gần 50% v.v… “rút ruột” hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước.

ĐB Trần Hồng Việt khẳng định, vì “lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ” nên địa phương đã cấp phép khai thác khoáng sản bừa bãi, bán rẻ tài nguyên quốc gia, trục lợi cá nhân.

Trước hàng loạt các  ý kiến trên, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên khi “chốt” lại phiên thảo luận cuối ngày đã xếp chuyện loạn khai khoáng vào nhóm vấn đề thứ bảy mà Quốc hội sẽ đốc thúc để Chính phủ giải quyết rốt ráo.

LN – CN

http://vietnamnet.vn/chinhtri/201005/DN-chay-du-an-khai-khoang-Lung-doan-chinh-sach-912742/

This entry was posted in kinh tế, quốc hội, tham nhũng. Bookmark the permalink.