Ông Trump sẽ làm gì?

Ngô Nhân Dụng

“Sắp đến lúc cả thế giới sẽ biết Trump là ai. Với hy vọng sự đánh giá của tôi là sai”.

Xem thêm: 1. Chuyên gia Trung Quốc thách Washington cản Bắc Kinh ở Biển Đông (http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/chuyen-gia-trung-quoc-thach-washington-can-bac-kinh-o-bien-dong-3527532.html) / 2. Dân biểu Mỹ: ‘Trump không phải là Tổng thống hợp pháp’ (http://www.nguoi-viet.com/bau-cu/dan-bieu-trump-khong-phai-la-tong/) / 3. Donald Trump đã tung tin giả về Tổng thống Obama trong nhiều năm qua như thế nào? (https://anhbasam.wordpress.com/2017/01/13/11-320-donald-trump-da-tung-tin-gia-ve-tong-thong-obama-trong-nhieu-nam-qua-nhu-the-nao/)

“Không ngạc nhiên đâu: Đối với tỷ phú [Trump] cụm từ “làm việc ” có nghĩa “làm tiền”, không phân biệt quốc gia, chế độ, các giá trị con người thậm chí… luật pháp. Nhiều khi trên lưng và từ sự đau khổ của đa số những người thấp cổ bé họng”.

Xem thêm: Trump ‘sẵn lòng làm việc với Nga và Trung Quốc’ (http://www.bbc.com/vietnamese/world-38582730)

André Menras

Chưa đầy một tuần nữa ông Donald Trump sẽ tuyên thệ làm Tổng thống Mỹ. Nhưng tới giờ, dân Mỹ vẫn chưa biết chắc chính quyền ông sẽ làm gì, trên rất nhiều lãnh vực. Cũng không biết rõ về con người ông, đời tư và việc kinh doanh của ông có thể ảnh hưởng trên cương vị Tổng thống hay không.

Thí dụ, Obamacare, luật bảo hiểm y tế của ông Obama. Ngày Thứ Tư, ông Donald Trump họp báo nhấn mạnh rằng ông muốn đạo luật đó phải được xóa bỏ và thay bằng luật mới “trong cùng một ngày hay cùng một tuần, có thể cùng một giờ”. Nhưng các đại biểu Cộng hòa trong Quốc hội có thể làm như vậy, hay chỉ lo xóa luật cũ trước, khi chưa có luật mới? Trong hai ngày liên tiếp, Thượng viện và Hạ viện đã thực hiện bước đầu xóa Obamacare bằng thủ tục “biểu quyết ngân sách”.

Theo cuộc nghiên cứu dư luận của hãng Kaiser, trong số những người Mỹ muốn xóa bỏ Obamacare, có 8 trên 10 người không muốn xóa bỏ đạo luật này nếu chưa có đầy đủ chi tiết về các biện pháp thay thế. Nhiều người muốn giữ các điều khoản, như cho con cái được theo bảo hiểm của bố mẹ cho tới khi 26 tuổi, và cấm các hãng bảo hiểm từ chối thân chủ đang có bệnh. Obamacare trợ cấp tiền đóng bảo hiểm cho những người nghèo và trung lưu thiếu tiền, cũng là một điều không ai muốn bỏ. Hàng triệu người nhờ Obamacare được hưởng thêm Medicaid (Medical ở California) cũng không muốn bị mất. Các đại biểu Cộng hòa đã bảo đảm những người đang có bảo hiểm nhờ Obamacare sẽ không bị mất. Một điều bị ghét nhất trong Obamacare là bắt buộc mọi người đều phải mua bảo hiểm, dù họ nghĩ mình không cần vì hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu xóa bỏ điều này đi, hàng triệu người trẻ sẽ ngưng mua bảo hiểm, các hãng bảo hiểm sẽ phải tăng giá mới khỏi lỗ lã, lúc đó Chính phủ sẽ tài trợ ra sao? Tất cả các lời hứa hẹn đều tốn tiền! Các đại biểu Cộng hòa chống thâm thủng ngân sách có chấp nhận chi tiêu thêm hay không? Ðó còn là một câu hỏi chưa ai biết câu trả lời.

Ngoài những thắc mắc về Obamacare, nhiều điều khác ông Trump đã hứa không biết sẽ thi hành được không. Mấy người được ông đề cử vào trong Chính phủ bắt đầu nói ngược lại các ý kiến ông nói trước cũng như sau khi đắc cử.

Ông Trump đã lên án Thỏa hiệp Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) là tai hại kinh khủng cho nước Mỹ, và ông hứa sẽ xé bỏ TPP trong ngày đầu tiên khi nhậm chức. Nhưng ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng tân cử, khi ra trước Quốc hội để được phong nhậm, đã nói rằng ông không chống Hiệp ước TPP (do bà Clinton và ông Obama đề xướng).

Ðối với ông Putin, ông Trump luôn tỏ ra kính trọng và thân thiện. Nhưng ông Tillerson cũng tuyên bố trước Quốc hội là Mỹ phải viện trợ vũ khí cho Ukraine, để chống kế hoạch bành trướng của Tổng thống Putin. Các tướng lãnh và cơ quan tình báo Mỹ đều biết ông Putin đã đưa lính qua Ukraine khuấy đảo Chính phủ nước này suốt mấy năm qua. Trong khi đó, ông Trump luôn bênh vực ông Putin, tỏ ý nghi ngờ không có quân Nga ở Ukraine. Mười nghị sĩ thuộc hai đảng, trong đó có hai nghị sĩ Cộng hòa mạnh là John McCain và Lindsey Graham đang chuẩn bị một quyết nghị xác định các biện pháp cấm vận Nga mà ông Obama đã ban ra, và đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới. Liệu ông Trump có thể giữ mãi cảm tình với chính quyền Nga được hay không trong khi dư luận dân Mỹ rất ghét ông Putin?

Một lời hứa đã giúp ông Trump đánh bại các đối thủ trong đảng Cộng hòa, vì ông được nhiều cử tri ủng hộ, là xây bức tường ngăn biên giới Mexico, và bắt Chính phủ nước đó trả tiền. Nhưng Chính phủ Mexico mới nói lại lần nữa rằng họ sẽ không bao giờ chi tiền xây bức tường đó. Ngày Thứ Tư, ông Trump họp báo, đã thay đổi ý kiến, cho biết Chính phủ Mỹ sẽ bỏ tiền xây tường, rồi bắt Mexico bồi hoàn! Thứ Ba vừa qua, ra điều trần trước Quốc hội, ông John Kelly, người được cử làm Bộ trưởng Nội an, đã nói rằng việc xây bức tường biên giới không thể ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp. Nghĩa là việc xây cất tốn tiền này có thể được trì hoãn không biết tới bao giờ! Ông Kelly còn hứa trước Quốc hội rằng sẽ không bao giờ sử dụng việc tra tấn những người bị tình nghi là khủng bố vì trái với tinh thần đạo lý của nước Mỹ, mà chính ông Trump đã nói là có thể tra tấn [1].

Tiếp theo ông Kelly, ông Jeff Sessions, người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp, cũng nói ngược lại với một ý kiến của ông chủ. Ông Trump đã kêu gọi cấm chỉ những người theo Hồi giáo vào nước Mỹ. Ông Sessions nói với các đại biểu Quốc hội rằng sẽ không cấm, vì, “Người Mỹ tin tưởng vào quyền tự do tín ngưỡng và quyền hành trì tôn giáo của mọi người”.

Một điều không ai đoán trước được, là Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ làm gì với các công ty của ông. Ông hứa sẽ trao cho hai con trai quản lý các tài sản đó. Nhưng ông không dứt khoát “giải tư”, vẫn tiếp tục làm chủ và hưởng lợi tài chánh trên những cơ sở kinh doanh của mình. Một nguyên tắc quan trọng nhất trong đạo lý chính trị ở nước Mỹ là phải tránh quyền lợi công, tư xung khắc.

Một vị Tổng thống có quyền đặt ra những quy luật, thi hành các biện pháp, nói những lời gây ảnh hưởng trên việc kinh doanh của hàng triệu người dân – trong đó có chính ông ta. Tất cả những người giữ địa vị quyết định trong guồng máy chính quyền, hành pháp, lập pháp đều có thể sống trong tình trạng này. Vì vậy, những người đó đều có thể lâm vào cảnh làm những việc giúp chính mình được lợi, dù cố ý hay vô tình. Muốn tránh cảnh quyền lợi xung khắc, họ phải lựa chọn. Hoặc là chấm dứt không dính dáng gì tới những công việc kinh doanh nữa, giao cho những nhóm quản lý chuyên nghiệp không liên hệ gì với mình. Hoặc là mỗi khi phải quyết định về một điều có thể ảnh hưởng tới lợi lộc kinh doanh của mình thì tự ý từ chối, để cho người khác, hoàn toàn độc lập, quyết định thay mình. Giống như một vị giám khảo kỳ thi thấy con mình cũng dự thi thì phải từ chối việc chấm thi, tiếng Việt xưa gọi là “hồi tị”.

Một vị Tổng thống khó chọn giải pháp “tự ý từ chối” hay “hồi tị”, vì hầu như quyết định nào của ông ta cũng ảnh hưởng tới tất cả mọi người! Cho nên, thông thường họ chọn giải pháp thứ nhất: Trao tài sản kinh doanh của mình cho những chuyên viên độc lập quản lý. Cho tới nay, người ta chưa biết ông Trump sẽ làm gì với các cơ sở kinh doanh của ông.

Có nhiều điều mà ông Trump đã hứa nhưng dân Mỹ vẫn chưa biết ông sẽ làm gì. Nhưng còn một thứ họ không biết, là ông Trump có làm gì trong quá khứ có thể ảnh hưởng tới vai trò cai trị của ông bây giờ hay không!

Câu hỏi này mới được “nổ lên” sau cuộc họp báo của ông Trump ngày Thứ Tư vừa qua, một cuộc họp báo được gọi là “náo loạn” (chaos). Sau khi Jim Acosta, một phóng viên đài CNN đứng lên đặt câu hỏi, Tổng thống tân cử Donald Trump đã từ chối không cho ông Acosta nói. Acosta cứ tiếp tục làm công việc nghề nghiệp, thản nhiên hỏi tiếp khiến ông Trump càng giận dữ. Ông lớn tiếng mắng vào mặt nhà báo, và công ty CNN của ông ta, “Các anh làm tin bịa đặt!”

Tại sao ông Trump mất bình tĩnh như vậy?

Khi tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện người dân Mỹ mới biết ông Trump lên án CNN “bịa đặt tin tức” chỉ vì họ là đài ti vi đầu tiên loan báo các viên chức an ninh trong chính quyền Mỹ đã trình bày một bản báo cáo với hai người, Tổng thống đương nhiệm Obama và Tổng thống tân cử Trump sắp nhậm chức. Phúc trình tin tình báo cho hai vị Tổng thống là công việc các cơ quan an ninh vẫn phải làm thường xuyên; nhưng trong bản báo cáo gần đây có đính kèm một phụ lục trong đó nêu ra những tin mật có hại đến thanh danh của ông Trump. Những tin này các cơ quan an ninh đã nhận được từ lâu, rất đáng theo dõi, và họ đang tiếp tục điều tra, nhưng cần cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết.

Những tin mật thế nào mà quan trọng như vậy? Ðó là bản tóm tắt, dài hai trang, nói về kết quả một cuộc điều tra của một cựu gián điệp người Anh, được một công ty Mỹ thuê từ năm 2015. Mục đích là tìm tòi xem chính quyền Nga đã làm gì để gây ảnh hưởng trên nhà kinh doanh Donald Trump từ nhiều năm trước, và quan hệ ra sao trong cuộc tranh cử năm ngoái. Người đứng ra “mua dịch vụ điều tra” này là một người thuộc đảng Cộng hòa chống ông Trump. Quý vị độc giả có thể đọc bài của Lê Phan, trên Người Việt cuối tuần này để biết thêm chi tiết [xin xem phần Phụ lục ở dưới]. Ðiều cần nêu lên ở đây là bản báo cáo của cựu điệp viên trên cho biết mật vụ Nga có những hình ảnh của ông Trump trong một căn phòng khách sạn ở Nga, khi ông đi Nga lo việc kinh doanh trước đây.

Ðài CNN có đầy đủ bản báo cáo của cựu điệp viên này, nhưng họ không kể chi tiết trong đó, vì không thể kiểm chứng thật hay giả. CNN đã tự kiềm chế, không nói gì đến nội dung mà chỉ loan tin tóm tắt. Nhưng sau đó, một cơ sở truyền thông khác là BuzzFeed đã loan tin với đầy đủ những chi tiết trong bản báo cáo của điệp viên người Anh, dù không thể kiểm chứng được là đúng hay sai. Chính việc tiết lộ này khiến ông Trump nổi giận, và ông đã trút hết tội lỗi lên đầu CNN.

Thái độ giận dữ của Trump đối với một nhà báo khiến cho bao nhiêu người Mỹ thắc mắc không biết ông nổi nóng về chuyện gì. Dân Mỹ càng tò mò khi nghe tin cựu điệp viên người Anh đã phải trốn khỏi nhà ở London, vì sợ mật vụ Nga trả thù. Người ta đi tìm hiểu và biết hầu hết cả câu chuyện, với những chi tiết giật gân, không thể kiểm chứng nhưng ai muốn tin thì cứ việc tin là sự thật!

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đang có nỗ lực cho trẻ di dân bất hợp pháp

Ðài CNN có lý khi nói rằng việc thông tin cho người dân biết về những gì liên quan đến việc điều hành chính quyền, thí dụ như tin về bản phúc trình an ninh cho hai vị Tổng thống, là một bổn phận của nhà báo. Ông Giám đốc an ninh quốc gia cũng xác nhận rằng những điều cựu điệp viên người Anh viết cần được thông báo cho giới lãnh đạo và điều tra đến cùng, vì có ảnh hưởng tới an ninh của nước Mỹ.

Một vị Tổng thống có trách nhiệm trả lời các câu hỏi của báo chí, dù ông ta yêu hay ghét nhà báo và cơ sở truyền thông của họ nhiều hay ít. Từ chối không nghe nhà báo hỏi, và lăng mạ báo hay đài của người ta, là một hành động không xứng đáng của một người nắm quyền Tổng thống. Ông Trump đã không theo quy ước đó.

Trong một tuần lễ nữa, ông Donald Trump sẽ chính thức là Tổng thống nước Mỹ. Người dân Mỹ sẽ có nhiều cơ hội để biết ông sẽ làm gì và hiểu rõ con người của ông hơn. Kinh nghiệm quan trọng nhất trong đời ông là kinh doanh các khách sạn và sòng bài. Khi làm chủ một xí nghiệp, người ta có thể chuyên đoán và cương quyết trong mọi hành động, cấp dưới chỉ biết vâng lời. Nhưng khi đứng đầu Chính phủ một nước dân chủ, hành vi phải thay đổi. Một Tổng thống Mỹ không nắm nhiều quyền bằng vị Chủ tịch một công ty thương mại. Ðó là bài học đầu tiên của ông Donald Trump.

N.N.D.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ong-trump-se-lam-gi/

[1] Xin xem; Trump vẫn nhất định xây tường biên giới với Mexico http://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/trump-nhat-dinh-xay-tuong-bien-gioi-voi-mexico/BVN bổ sung.

Phụ lục

1. Các cơ quan tình báo đã biết gì về Donald Trump?

Paul Wood BBC News, Washington

clip_image002

Những cáo buộc chống lại Donald Trump giống như kịch bản của một bộ phim dở

Donald Trump đã miêu tả những cáo buộc – rằng đội ngũ bầu cử của ông đã hợp tác với Nga và rằng người Nga đang nắm giữ những tài liệu nhạy cảm về đời tư của ông – là “tin bịp”. Phóng viên Paul Wood của BBC đã biết về những cáo buộc này từ trước khi cuộc bầu cử diễn ra, và tường thuật lại hậu quả của chúng sau khi các cáo buộc được đưa ra ánh sáng.

Những cáo buộc này rất nghiêm trọng vì nếu đúng, điều đó có nghĩa là Tổng thống mới đắc cử của Mỹ có thể dễ dàng bị người Nga uy hiếp.

Theo tôi hiểu, CIA tin rằng Điện Kremlin có thể đang sở hữu những tài liệu nhạy cảm – tiếng Nga là kompromat – liên quan đến tân Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Cùng lúc đó, một đội đặc nhiệm chung giữa CIA và FBI đang điều tra những cáo buộc rằng người Nga có thể đã gửi tiền cho tổ chức của ông Trump hoặc chiến dịch tranh cử của ông.

Nội dung của một cuốn băng có thể được dùng để uy hiếp Trump của người Nga đã được nhắc đến trong một loạt các bản báo cáo của một cựu đặc vụ tình báo Anh, được cho là Christopher Steele.

Là một thành viên của MI6, ông ta từng được cử đến Đại sứ quán Anh ở Moscow và hiện đang điều hành một công ty tư vấn về các vấn đề liên quan đến kinh doanh ở Nga. Ông đã nói chuyện với một số nguồn tin cũ của ông ở FSB – hậu duệ của KGB – trong đó một số người được trả tiền.

Họ nói với ông rằng ông Trump đã bị quay lén khi đang ở cùng với một nhóm gái bán dâm tại Phòng Tổng thống ở khách sạn Ritz-Carlton, Moscow. Tôi biết việc này bởi công ty nghiên cứu chính trị tại Washington – cũng là công ty đã đặt hàng bản báo cáo – đã cho tôi xem bản báo cáo đó trong tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử.

BBC đã quyết định không đăng tin này vào lúc đó, vì lý do rất chính đáng rằng chỉ đến khi được xem cuốn băng – nếu nó có tồn tại – chúng tôi mới có thể xác thực độ chính xác của các cáo buộc đầy những chi tiết có thể gây sốc này. Ở thời điểm này, toàn bộ các bản báo cáo đã được đăng tải bởi trang BuzzFeed.

Những người ủng hộ Trump nói rằng đây là một cuộc tấn công mang động cơ chính trị.

Còn bản thân Tổng thống đắc cử đã đăng những dòng tweet đầy giận dữ này lúc sáng nay “Có phải chúng ta đang sống ở nước Đức Quốc xã không vậy?”

Trong buổi họp báo được mong chờ diễn ra sau đó, ông đã không hề kiềm chế.

“Một thứ như thế không bao giờ nên được viết ra”, ông nói “và chắc chắn là không bao giờ nên được đăng tải”.

Ông nói rằng bản báo cáo được viết bởi “những kẻ bệnh hoạn đã viết ra thứ rác rưởi này”.

Công ty đã thuê làm bản báo cáo này là một công ty nghiên cứu điểm yếu của các chính trị gia. Ban đầu họ làm việc cho một Siêu Ủy ban Hành động Chính trị (Super PAC) có mục tiêu chống lại Trump trong vòng tranh cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa.

Sau đó trong vòng tranh cử chung cuộc, công ty này được cấp vốn bởi một người giấu danh tính ủng hộ đảng Dân chủ. Nhưng họ không phải là những kẻ làm chính trị vô lương tâm – công việc thường ngày của họ bao gồm phân tích tình hình các quốc gia và đánh giá rủi ro thương mại, tương tự như công ty tư vấn của đặc vụ MI6 kia. Và ông ta có vẻ là đã cung cấp bản báo cáo này cho FBI, đi ngược lại lời khuyên của công ty.

clip_image003

Ông Trump đã ở Moscow vào năm 2013 để tham dự cuộc thi sắc đẹp Miss Universe

Và cựu đặc vụ MI6 này không phải là nguồn tin duy nhất khẳng định về tài liệu nhạy cảm của Tổng thống đắc cử mà người Nga đang giữ. Hồi tháng Tám, một cựu điệp viên nói với tôi rằng ông ta đã được biết về sự tồn tại của nó bởi “người đứng đầu một cơ quan tình báo Đông Âu”.

Sau đó, tôi đã thông qua một trung gian để chuyển một số câu hỏi đến các đặc vụ CIA đang nghiên cứu hồ sơ này – họ không chịu nói chuyện trực tiếp với tôi. Tôi đã nhận được câu trả lời rằng “có nhiều hơn một cuốn băng”, “gồm cả hình ảnh và âm thanh”, “trong nhiều hơn một dịp”, “ở nhiều hơn một địa điểm” – cả ở khách sạn Ritz-Carlton ở Moscow và ở St Peterbrug – và rằng nội dung của cuốn băng “có bản chất tình dục”.

‘Hãy hết sức cẩn thận’

Những thông tin về tài liệu nhạy cảm về Trump mà người Nga giữ là “có thể tin tưởng”, theo nhận xét của CIA. Đó là lý do tại sao – theo tờ New York TimesWashington Post – những thông tin này đã xuất hiện trên bàn của Tổng thống Barack Obama vào tuần trước, trong một bản tóm tắt được đưa cho các lãnh đạo Quốc hội và bản thân ông Trump.

Ông Trump đúng là có đến Moscow vào tháng 11 năm 2013, thời điểm mà cuốn băng được cho là đã được quay. Hình ảnh của ông trong cuộc thi Miss Universe đã được phát trên truyền hình . Và bất cứ một du khách khôn ngoan nào đến đại khách sạn ở Moscow cũng nên giả định rằng phòng của họ bị gắn thiết bị quay phim và ghi âm.

Trong cuộc họp báo, ông Trump nói rằng ông đã cảnh báo các nhân viên của mình khi đi du lịch: “Hãy hết sức cẩn thận, vì ở phòng khách sạn của các cậu cũng như bất cứ nơi nào các cậu đến cũng có thể có gắn camera”. Và lực lượng mật vụ Nga đã đưa việc kiếm những tài liệu nhạy cảm này lên tầm nghệ thuật.

clip_image004

Ngay cả Tổng thống Vladimir Putin nói rằng ông cũng có “tài liệu nhạy cảm” bị người khác giữ – mặc dù đó có thể chỉ là nói đùa

Một chuyên gia người Nga nói với tôi rằng Vladimir Putin đôi khi nói rằng chính ông cũng có những tài liệu nhạy cảm trong tay người khác – mặc dù có thể là ông ta chỉ đang đùa. Chuyên gia đó còn nói với tôi rằng các sĩ quan FSB thường khoe khoang về việc nắm giữ các cuốn băng của những người nổi tiếng, và rằng họ nên cẩn thận trước khi nói ra bất kỳ điều gì.

Một cựu sĩ quan CIA nói với tôi rằng anh ta đã liên lạc qua điện thoại với một sĩ quan FSB đương nhiệm về cuốn băng này. Anh ta kết luận: “Đó chắc chắn là đồ giả”.

Ông Trump và những người ủng hộ có lý khi chỉ ra rằng đó là những cáo buộc không có căn cứ.

Trump cam kết có báo cáo về tin tặc Nga

Nhưng chuyện không chỉ là tình dục mà còn liên quan đến tiền nữa. Bản báo cáo của cựu đặc vụ MI6 có nhắc đến việc Điện Kremlin đã tìm cách đề nghị với Trump những “giao dịch ngọt ngào” ở Nga để đổi lấy sự trung thành của ông.

Ông Trump đã từ chối những đề nghị đó, và thực tế là ông cũng không kinh doanh nhiều ở Nga. Nhưng một đội đặc nhiệm chung của FBI và CIA đang xem xét những cáo buộc rằng Điện Kremlin đã trả tiền cho chiến dịch tranh cử của Trump qua những cộng sự của ông.

Yêu cầu điều tra

Vào ngày 15 tháng Mười, tòa án tình báo Hoa Kỳ đã ra lệnh điều tra với hai ngân hàng Nga. Tin này được cung cấp cho tôi bởi một vài nguồn khác nhau và được chứng nhận bởi một người mà tôi sẽ chỉ nói là một thành viên lão làng trong cộng đồng tình báo Mỹ. Ông ta sẽ không bao giờ đưa ra bất cứ thông tin nào – việc tiết lộ tài liệu mật là phạm pháp – nhưng sẽ xác nhận hoặc bác bỏ những gì tôi nghe được từ các nguồn khác.

clip_image005

Ông Trump nói Moscow “chưa bao giờ tìm cách gây áp lực lên tôi”.

Tôi sẽ dò hỏi bằng câu “Tôi chuẩn bị viết một câu chuyện về…”, và ông ta sẽ trả lời “Tôi thấy không có vấn đề gì cả” nếu nguồn tin của tôi là chính xác. Chuỗi sự kiện dưới đây đã được ông ta xác nhận.

Cuối tháng Tư vừa rồi, giám đốc CIA đã nhận được những tin tình báo đáng quan ngại. Nó được cho là một cuốn băng ghi âm lại một cuộc trò chuyện liên quan đến việc Điện Kremlin tuồn tiền cho chiến dịch tranh cử Mỹ.

Cuộn băng được gửi đến Mỹ bởi một cơ quan tình báo của một quốc gia vùng Baltic. Do CIA không có thẩm quyền điều tra công dân Mỹ trên lãnh thổ Hoa Kỳ nên một đội đặc nhiệm phản gián chung đã được thành lập.

Đội này có sự tham gia của sáu cơ quan trực thuộc Chính phủ. Việc điều tra trong nước được đảm trách bởi Cục Điều tra Liên bang FBI, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Việc điều tra đầu mối ở nước ngoài và thông tin tình báo thuộc về ba cơ quan là Cơ quan Tình báo Trung ương CIA, Văn phòng Giám đốc Tình báo Trung ương và Cơ quan An ninh quốc gia – đảm nhận việc theo dõi qua các kênh điện tử.

Các luật sư từ Bộ phận An ninh Quốc gia, Bộ Tư pháp sau đó đã soạn thảo một bản yêu cầu điều tra. Họ nộp nó cho tòa án mật của Hoa Kỳ chuyên xử lý các vấn đề tình báo, tòa FISA, đặt theo Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc. Họ muốn được cấp phép nghe lén các liên lạc điện tử của hai ngân hàng Nga.

Bản yêu cầu đầu tiên, vào tháng Sáu, bị các Thẩm phán từ chối ngay lập tức. Họ trở lại với một bản yêu cầu khiêm tốn hơn vào tháng Bảy và tiếp tục bị từ chối. Cuối cùng, với một Thẩm phán mới, lệnh điều tra được chấp thuận vào ngày 15 tháng Mười, ba tuần trước ngày bầu cử.

clip_image006

Harry Reid, lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Thượng viện, cáo buộc FBI che giấu thông tin

Cả Trump lẫn các cộng sự của ông đều không nằm trong lệnh điều tra của tòa FISA, vốn chỉ dùng để điều tra các công dân hoặc tổ chức nước ngoài – trong trường hợp này là các ngân hàng Nga. Nhưng suy cho cùng, cuộc điều tra này nhằm vào các lệnh chuyển tiền trái phép từ Nga sang Mỹ, mà nếu chúng tồn tại thì mỗi lệnh đều là một trọng tội.

Một luật sư – nằm ngoài Bộ Tư pháp nhưng quen thuộc với vụ án – nói với tôi rằng ba cộng sự của ông Trump cũng nằm trong diện điều tra. “Nhưng rõ ràng vụ này là nhằm vào Trump”, ông nói.

Tôi đã phỏng vấn cả ba người được nhận diện bởi nguồn tin này. Tất cả đều dứt khoát phủ nhận tất cả các cáo buộc. “Vớ vẩn”, một người nói. “Nhảm nhí”, một người khác. Với hai ngân hàng Nga, một cũng phủ nhận mọi cáo buộc, còn ngân hàng kia thì từ chối bình luận.

Cuộc điều tra vẫn tiếp diễn ngay trong thời gian bầu cử. Trong giai đoạn đó, lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Thượng viện, Harry Reid, đã viết cho giám đốc FBI, cáo buộc ông ta đã che giấu những “thông tin gây chấn động” về Trump.

Ông Reid gửi bức thư này sau khi nhận được một báo cáo tình báo, cùng với các lãnh đạo khác của Quốc hội. Chỉ có tám người có mặt: Trưởng ban và người đại diện phe đối lập ở các Ủy ban Tình báo của lưỡng viện, cùng với các lãnh đạo của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa – hay như họ đôi khi được gọi, “băng tám người”. Thông thường, những viên chức cao cấp cũng dự họp phổ biến tin tình báo của “băng tám người”, nhưng lần này thì không. Các lãnh đạo Quốc hội thậm chí còn không được phép ghi chép nội dung buổi họp.

‘Con rối’

Trong bức thư gửi Giám đốc FBI James Comey, ông Reid viết: “Trong các thư từ với ông và những quan chức chủ chốt trong cộng đồng tình báo quốc gia, tôi đã biết được rằng ông đang sở hữu những tin tức gây sốc về mối quan hệ và cộng tác gần gũi giữa Donald Trump và các cố vấn hàng đầu của ông ta với chính phủ Nga – một chính quyền ngoại quốc có thái độ thù nghịch công khai với Hoa Kỳ, và một thường xuyên được ông Trump khen ngợi mọi lúc có thể.

“Công chúng có quyền được biết thông tin này. Tôi đã viết cho ông nhiều tháng trước để yêu cầu công bố rộng rãi thông tin này trước đại chúng. Việc đó không có bất cứ điều gì nguy hiểm đến lợi ích của nước Mỹ. Ấy thế mà ông vẫn tiếp tục không nghe theo các lời kêu gọi đưa thông tin quan trọng này ra trước công chúng”.

CIA, FBI, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đều từ chối bình luận khi tôi tiếp xúc họ sau khi có tin về lệnh điều tra của FISA.

Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra với cuộc điều tra dưới thời Tổng thống Trump – hoặc thậm chí liệu đội đặc nhiệm này có còn đang tiếp tục công việc của mình hay không. Người Nga đã bác bỏ tất cả các cáo buộc về việc tìm cách gây ảnh hưởng lên Tổng thống đắc cử – bằng tiền hoặc bằng một cuốn băng quay trộm.

clip_image007

Bà Hillary Clinton đã gọi ông Trump là “con rối của Putin” trong các cuộc tranh luận

Nếu một cuốn băng tồn tại, người Nga sẽ khó có khả năng chịu đưa chúng ra, mặc dù có thể hy vọng vào khả năng tồn tại một quan chức FSB bất mãn và có thể muốn kiếm một khoản hời. Trước cuộc bầu cử, Larry Flynt, chủ biên tạp chí khiêu dâm Hustler, đã treo giải một triệu đôla cho một cuốn băng có thể buộc tội Trump. Tạp chí người lớn Penthouse đang bắt chước với một đề nghị một triệu đôla cho cuốn băng Ritz-Carlton (nếu nó tồn tại).

Đúng là một tình cảnh phi thường, chỉ 10 ngày trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức, nhưng nó đã báo trước trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử.

Trong cuộc tranh luận cuối cùng, bà Hillary Clinton đã gọi ông Donald Trump là “con rối” của nhà lãnh đạo Nga, Vladimir Putin. “Chẳng phải con rối. Chẳng phải con rối”, ông Trump ngắt lời bà Clinton. “Bà là con rối thì có. Không, bà là con rối thì có”.

Trong một bài viết mang ý kiến riêng trên tờ New York Times hồi tháng Tám, cựu Giám đốc CIA Michael Morell đã viết “Trong ngành tình báo, chúng tôi có thể nói rằng ông Putin đã tuyển mộ ông Trump trở thành một đặc vụ bất đắc dĩ của Liên bang Nga”.

Đặc vụ hay con rối – cả hai từ đều ám chỉ có một mức độ ảnh hưởng hoặc điều khiển từ Moscow.

Michael Hayden, cựu Giám đốc của cả CIA lẫn NSA, thì đơn giản gọi Trump là một “polezni durak” – một thằng đần hữu dụng.

Bối cảnh của những nhận xét này là thông tin – vào thời điểm đó – chỉ nằm trong cộng đồng tình báo. Bây giờ thì mọi người Mỹ đều đã biết. Và khi chỉ còn hơn một tuần là đến lễ nhậm chức, họ sẽ phải quyết định xem liệu Tổng thống mới đắc cử của họ có thật là đang bị Moscow uy hiếp hay không.

P.W.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world-38626458

2. Bàn tay của ông Putin?

Lê Phan (Theo New York Times)

clip_image008

Bên ngoài trụ sở của Orbis Business Intelligence Ltd ở London (Hình: Getty Images).

Câu chuyện bắt đầu cách đây bảy tháng, khi một cựu nhân viên tình báo Anh tên là Christopher Steele được một hợp đồng để thành lập một hồ sơ về liên hệ giữa ông Donald J. Trump với Nga. Tuần rồi, những chi tiết nóng bỏng – những câu chuyện kể không có bằng cớ về những vụ chơi đùa với các cô gái làng chơi, hợp đồng địa ốc mà mục đích là để mua chuộc và điều phối với tình báo Nga trong việc đột nhập tin tặc vào đảng Dân Chủ – đã được tóm lược như là một phụ đính trong bản phúc trình mật trình lên Tổng thống Barack H. Obama và Tổng thống đắc cử Donald J. Trump cùng các vị lãnh đạo bên Quốc hội.

Hậu quả của vụ này thật khó biết sẽ ra sao và chắc là nó sẽ còn tiếp tục sau ngày nhậm chức. Những chi tiết là có một bản tóm tắt này được tiết lộ bởi CNN hôm Thứ Ba, và sau đó mọi phương tiện truyền thông đều loan tin.

Hôm Thứ Tư, trong cuộc họp báo đầu tiên suốt từ khi đắc cử, ông Trump đã lên án mọi sự là ngụy tạo, một thứ bôi nhọ kiểu Nazi do những người “bệnh hoạn” chế ra. Nhưng nó đã làm hại đến liên hệ của ông với cộng đồng tình báo và sẽ là một ám ảnh cho tân chính phủ.

Tối hôm Thứ Tư, sau khi nói chuyện với ông Trump, Giám đốc Tình báo Quốc gia James R. Clapper Jr, đưa ra một thông cáo lên án vụ tiết lộ này và nói là về hồ sơ của ông Steele các cơ quan tình báo “không có phán xét là những thông tin trong tài liệu này là đáng tin cậy”. Ông Clapper giải thích là các viên chức tình báo tuy vậy đã chia sẻ nó với các nhà làm chính sách để đưa ra “một bức tranh toàn cảnh nhất về những vấn đề có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.

Một phần của câu chuyện này nằm ngoài tầm của của các nhà báo – đặc biệt quan trọng nhất là bao nhiêu, nếu có cái gì, trong hồ sơ này là sự thật. Nhưng có thể thu thập đầu đuôi câu chuyện nói chung về cái gì dẫn đến vụ này, kể cả một câu hỏi vẫn còn tiếp tục về liên hệ giữa ông Trump và toán của ông với Nga. Vụ này, ngoài ra, cũng cho chúng ta thấy một chút về mặt trái của cuộc tranh cử Tổng thống, liên quan đến các thám tử được thuê để tìm những gì tệ nhất mà người ta có thể tìm về lãnh tụ sắp tới của Hoa Kỳ.

Câu chuyện bắt đầu vào Tháng Chín năm 2015, khi một nhà bảo trợ giàu có của đảng Cộng hòa vốn mạnh mẽ chống lại ông Trump bỏ tiền ra thuê một công ty nghiên cứu ở Thủ đô Washington do một số cựu phóng viên chủ trì, mang tên là Fusion GPS, thu thập một hồ sơ về những scandal trong quá khứ của nhà đầu tư địa ốc này cũng như những nhược điểm của ông. Đó là theo tờ New York Times, dẫn một nguồn tin thân cận. Người yêu cầu ẩn danh, dẫn lý do bản chất nóng bỏng của câu chuyện và tương lai có thể có tranh chấp pháp lý. Danh tính của nhà bảo trợ cũng không được biết là ai.

Fusion GPS, đứng đầu bởi một cựu phóng viên của nhật báo Wall Street Journal, nổi tiếng theo đuổi tường thuật cho đến kỳ cùng, ông Glenn Simpson, hầu hết làm việc cho các khách hàng doanh nghiệp. Nhưng trong kỳ bầu cử Tổng thống, công ty thỉnh thoảng được các ứng cử viên, các tổ chức đảng hay những nhà bảo trợ, thuê để làm một việc gọi là “oppo” tức là đối lập chính trị – viết tắt cho chữ nghiên cứu đối lập – ngoài những công việc bình thường.

Nó thực ra là không có gì lạ và thường bao gồm việc thiết lập một kho dữ liệu lớn từ những thông tin có sẵn: những bản tin trong quá khứ, tài liệu về các vụ kiện tụng và những thông tin thích hợp. Trong nhiều tháng, Fusion GPS thu thập và lập một hồ sơ về quá khứ của ông Trump trong doanh nghiệp và kỹ nghệ giải trí. Số tài liệu thật là phong phú.

Sau khi ông Trump trở thành ứng cử viên cho đảng Cộng hòa vào mùa Xuân, bên Cộng hòa từ bỏ việc tài trợ cho cố gắng này. Nhưng bên Dân chủ của bà Hillary Clinton rất chú ý, và Fusion GPS tiếp tục cuộc đào bới cho những khách hàng mới.

Đến Tháng Sáu, cố gắng đột nhiên thay đổi. Tờ Washington Post tường thuật là Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ đã bị đột nhập tin tặc, và có vẻ như những người của Chính phủ Nga, và một nhân vật bí ẩn tự nhận là “Guccifer 2.0” bắt đầu cho phổ biến những tài liệu bị đánh cắp lên Internet.

Ông Simpson thuê ông Steele, một cựu nhân viên tình báo Anh mà ông đã từng hợp tác. Ông Steele, trạc ngũ tuần, đã từng là điệp viên ở Moscow trong thời đầu thập niên 1990 và sau đó trở thành chuyên gia hàng đầu về Nga ở tổng hành dinh của tổ chức Tình báo Quốc ngoại của Anh MI6. Khi ông nghỉ việc vào năm 2009, ông mở một công ty riêng mang tên là Orbis Business Intelligence.

Cả hai cựu ký giả và cựu điệp viên, theo những người biết họ, đều có một cái nhìn rất bi quan về Tổng thống Vladimir V. Putin của nước Nga, một cựu viên chức KGB, và những chiến thuật đủ loại mà ông và các điệp viên của ông đã sử dụng để bôi nhọ, bắt địa [?] hay mua chuộc các mục tiêu của họ.

Là một cựu điệp viên, đã từng hoạt động ở Nga, ông Steele không thể tự mình đi Moscow để nghiên cứu những liên hệ của ông Trump ở đó. Thay vì vậy, ông thuê những người bản xứ để gọi những tay chỉ điểm bên trong nước Nga và lén lút liên lạc với những nguồn tin cũ trong nước Nga của ông.

Ông Steele viết ra những điều ông tìm được trong một loạt các memo, mỗi cái vài trang, mà ông bắt đầu trao cho Fusion GPS vào tháng 6 và tiếp tục cho đến tháng 12. Vào lúc đó, cuộc bầu cử đã kết thúc, và cả ông Steele lẫn ông Simpson đã không được trả đồng nào bởi các khách hàng chính trị của họ, nhưng họ không ngưng cuộc điều tra vào điều mà họ tin là rất quan trọng.

Những báo cáo này tả lại hai chiến dịch của người Nga. Chiến dịch đầu là cố gắng một năm trời để tìm cách ảnh hưởng ông Trump, có thể vì ông đã có liên lạc với mấy ông đại gia Nga mà ông Putin muốn theo dõi. Theo một trong những memo của ông Steele, sử dụng một lô những chiến thuật quen thuộc: việc thu thập những “kompromat,” những thứ như các đoạn video thâu ông Trump với các cô gái làng chơi ở một khách sạn sang trọng ở Moscow, hay đề nghị những mối làm ăn béo bở để lôi cuốn ông Trump.

Mục tiêu có lẽ không bao giờ để biến ông Trump thành một người của Nga, nhưng là để biến ông thành một nguồn tin có thể cung cấp thông tin cho những “thân hữu” người Nga. Nhưng nếu ông Putin và các thuộc hạ của ông muốn dụ ông Trump vào những cuộc làm ăn, họ đã không thành công. Ông Trump đã nói là ông không có tài sản nào quan trọng ở đó, tuy một trong hai ông con của ông đã tuyên bố ở một hội nghị về địa ốc hồi năm 2008 là “có nhiều tiền” đang “đổ vào từ Nga”.

Chiến dịch thứ nhì được diễn tả mới xảy ra gần đây: Một loạt các cuộc gặp gỡ với các đại diện của ông Trump trong lúc đang tranh cử, một phần là để bàn cách đột nhập vào Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và Chủ tịch ban vận động của bà Clinton, ông John D. Podesta. Theo nguồn tin của ông Steele, nó bao gồm, trong số những việc khác, một cuộc gặp gỡ vào cuối mùa Hè ở Prague giữa ông Michael Cohen, một luật sư cho ông Trump, và ông Oleg Solodukhin, một viên chức Nga làm việc cho Rossotrudnichestvo, một tổ chức nhằm quảng bá quyền lợi của Nga ở ngoại quốc.

Ông Steele nghe đâu có uy tín tốt với các bạn đồng nghiệp trong ngành tình báo Anh và Mỹ và đã làm việc cho FBI trong cuộc điều tra về hối lộ ở FIFA, cơ quan quản trị túc cầu thế giới. Những đồng nghiệp nói là rất có nguy cơ ông và đồng sự của ông có thể bị cung cấp tin dỏm của Nga. Tình báo Nga đã tổ chức một chiến dịch tin tặc phức tạp để làm hại bà Clinton. Một chiến dịch tương tự có thể được tổ chức chống lại ông Trump.

Hầu hết những điều ông được cho biết, và chuyển cho Fusion GPS rất khó kiểm chứng. Và có một số điều có thể kiểm chứng có vẻ không chính xác. Ông Cohen, chẳng hạn, tweet hôm thứ ba là ông chưa từng đến Prague; ông Soludukhin, người bị nói là kẻ liên lạc với ông phía Nga, bác bỏ trong một cuộc phỏng vấn điện thoại, nói là ông chưa từng gặp ông Cohen hay bất cứ ai đại diện cho ông Trump. Hôm thứ tư, Tổng thống đắc cử, dẫn một số nguồn tin nói là có một ông Michael Cohen không có liên hệ với ông Trump có thể đến thăm Prague và hai ông có thể bị lẫn lộn trong báo cáo của ông Steele.

Nhưng tin đồn về hồ sơ này bắt đầu loan truyền trong giới chính trị. Ông Rick Wilson, một viên chức Cộng hòa làm việc cho một quỹ super PAC ủng hộ ông Marco Rubio, nói ông nghe thấy từ hôm Tháng Bảy, khi một phóng viên điều tra của một hệ thống truyền hình quan trọng gọi ông hỏi ông có biết không.

Đến đầu mùa Thu, một số những memo của ông Steele đã được trao cho FBI, vốn đã điều tra về mối liên hệ của ông Trump với Nga, và cho các nhà báo. Một viên chức MI6, mà công việc buộc phải ẩn danh, nói là vào cuối Hè đầu Thu, ông Steele cũng đưa phúc trình mà ông soạn về ông Trump và Nga cho tình báo Anh. Ông Steele quan ngại về những gì ông nghe được về ông Trump, và ông nghĩ là những thông tin này không nên chỉ nằm trong tay những người đang tranh cử.

Đến sau cuộc bầu cử, những memos này, vẫn được bổ túc bởi cuộc điều tra của ông, trở thành một trong những bí mật mà ai cũng biết ở Washington, với các phóng viên cố gắng xác nhận hay phủ nhận chúng.

Nó cũng đến Điện Capitol. Thượng Nghị Sĩ John McCain, Cộng hòa tiểu bang Arizona, nghe nói đến hồ sơ này và đến Tháng Mười Hai thì được ông David Kramer, một cựu viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao nay làm cho Viện Nghiên cứu McCain của Viện Đại học Arizona State, trao cho một bản. Ông McCain trao nó cho ông James B. Comey, Giám đốc FBI.

Điều đáng nói nhất cho Washington là nhiều phóng viên của những cơ quan tin tức đối nghịch nhau có được những memos này nhưng họ không tiết lộ vì không kiểm chứng được. Việc này chỉ thay đổi tuần này, sau khi các vị đứng đầu CIA, FBI và Cơ Quan An ninh Quốc gia, kèm một tóm tắt của những memos này, cùng với những thông tin tình báo khác, trong bản phúc trình về cuộc tấn công tin tặc của Nga.

Trong khi đó, đài BBC loan tin là ông Steele đã phải đi trốn. Một phóng viên đài BBC nói là ông Steele đã rời nhà từ trước khi tin này được tung ra. Hàng xóm cho biết ông Steele, có bốn con, đã nhờ hàng xóm trông nom hộ ba con mèo. Theo phóng viên Paul Wood của đài BBC, vốn được thấy hồ sơ này từ Tháng Mười năm ngoái, đã được cho biết là ông Steele “sợ cho tính mạng của mình” vì đã nói ra về liên hệ giữa Nga và ông Trump.

L.P.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ban-tay-cua-ong-putin/

This entry was posted in Hoa Kỳ. Bookmark the permalink.