Trí Lâm
Chỉ 5ha nhưng có tới 12 chung cư cao tầng tại Linh Đàm
Quy hoạch đô thị thiếu khoa học đang được nhắc đến như một trong những lý do chính để giải thích cho hàng loạt vấn đề của đô thị hiện nay. Cái “giá rất đắt” mà các nhà quản lý cũng như các chuyên gia nói tới thực ra đã ngay trước mắt.
Linh Đàm “thất thủ”
Tại hội nghị tổng kết công tác của Bộ Xây dựng ngày 6.1, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho rằng, tình trạng gia tăng ùn tắc giao thông tại hai thành phố Hà Nội và TP. HCM hiện nay có một phần nguyên nhân do việc phát triển ồ ạt các khu nhà ở, chung cư cao tầng trong khi chưa có chương trình phát triển hạ tầng giao thông tương xứng.
Đề cập cụ thể hơn về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, quy hoạch đô thị của Việt Nam vẫn còn những lỗ hổng, khiếm khuyết mà hiện chưa có công cụ quản lý kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Quy hoạch lần đầu thường được cơ quan quản lý, chuyên môn xem xét sát sao, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, đến lúc điều chỉnh quy hoạch thì chỉ có một vài cơ quan, một nhóm cán bộ thực hiện nên chất lượng không đảm bảo.
“Như các khu đô thị ở khu vực bán đảo Linh Đàm ban đầu quy hoạch rất tốt, đúng kiểu mẫu, không khác gì các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, sau đó qua nhiều lần điều chỉnh thì hiện trạng bây giờ đã quá tải”, Bộ trưởng Hà nói.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, khi vào một toà chung cư cao tầng giá rẻ tại khu Linh Đàm, đi thang máy từ tầng 1 lên tầng 20 mất… 25 phút, khi xuống thì cũng mất 15 phút chen chúc. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Chúng ta cần tiếp tục có những mô hình đổi mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp khác chứ không thể tiếp tục nhét dân vào những khu nhà như vậy.
12 chung cư của Tập đoàn Mường Thanh tại Linh Đàm (Hoàng Mai – Hà Nội) – Ảnh: Zing
Cũng lấy ví dụ về khu đô thị Linh Đàm, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, đây là một trong những dự án được coi là “kiểu mẫu” một thời nhưng đến nay bị băm nát bởi vì hàng loạt bất cập trong quy hoạch đô thị.
“Một khu đô thị từng được giải thưởng quốc gia về thiết kế kiểu mẫu nhưng vài năm trở lại đây cho một doanh nghiệp vào xây dựng nhà giá rẻ với 5 ha mà xây 12 tòa nhà cao tới 40 tầng. Vị lãnh đạo phường phải kêu với chúng tôi rằng chỉ tính riêng khu ấy dân đã đông hơn cả phường trước đây. Chúng ta không thể phát triển nhà giá rẻ bằng mọi giá. Ai cho phép ký quy hoạch này. Tôi cho rằng đây là một điều cần phải xem xét”, ông Chính nói.
12 tòa nhà cao tầng trong phạm vi 5 ha là dự án của Tập đoàn Mường Thanh. Việc xây dựng các tòa nhà với mật độ quá dày đã khiến dư luận xôn xao và bày tỏ lo ngại từ nhiều năm nay. Ước tính số lượng dân cư tại các tòa nhà có thể bằng dân số của cả phường Hoàng Liệt (Q. Hoàng Mai), gây áp lực, quá tải lớn về hạ tầng.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng quy hoạch của Hà Nội đang có rất nhiều vấn đề. Trong đó nổi cộm là việc điều chỉnh quy hoạch, gây nên chất tải không gian nhiều nơi quá nặng, hạ tầng không đáp ứng được cho số lượng dân cư tại đó.
“Quy hoạch đang phát triển theo chiều hướng vì lợi ích tư nhân và nhà đầu tư nhiều hơn là cho lợi ích chung, trong đó có việc xây dựng các chung cư quá lớn, quá cao tầng, làm tăng số lượng dân cư quá lớn so với hạ tầng”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Chung cư cao tầng không phải nguyên nhân chính?
Chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới, ông Trương Xuân Danh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cho rằng chung cư cao tầng không phải là nguyên nhân chính gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông.
“Chúng ta phải làm rõ hai việc, một là khái niệm, hai là vấn đề thực tiễn. Trước hết phải khẳng định chung cư cao tầng mọc lên hàng loạt không phải là nguyên nhân chính gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông. Cái đó thực tiễn trên các thành phố đông dân trên thế giới đã chứng minh rồi. Xu thế chung của các thành phố là trung tâm kinh tế, thương mại du lịch lớn đều mọc rất nhiều nhà cao tầng, nhưng họ vẫn không tắc đường như chúng ta” – ông Danh nói.
Thứ hai, theo ông Danh, nếu công bằng mà nói khu nội đô Hà Nội rất ít nhà cao tầng (trên 27 tầng theo quy hoạch). Chúng ta chỉ đếm đầu ngón tay, tòa cao nhất Lotte 65 tầng, tòa nhà điện lực EVN, tòa Ngân hàng BIDV, Vietcombank, chung cư chỉ có tòa Vincom Bà Triệu, tòa Golden Westlake (Tây Hồ) xấp xỉ hơn 30 tầng. Như thế là rất ít, vậy thì nguyên nhân tắc đường nằm ở chỗ khác.
“Doanh nghiệp là các đối tượng thụ động, bị điều chỉnh về mặt chính sách, nên nếu có biết trước cũng không đủ khả năng làm được điều gì” – ông Danh nhấn mạnh.
Ông Trương Xuân Danh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh – Ảnh: Tuổi trẻ
Theo ông Danh, nguyên nhân chính của tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng là do không kiểm soát được lượng người nhập cư, dân số cơ học tại nội đô. Tức là không khống chế lượng người sống trong nội đô cân bằng tỉ lệ với hạ tầng tương ứng. Ví dụ bao nhiêu người dân thì tương ứng với một mét vuông đường giao thông, bao nhiêu người thì có một bệnh viện, một trường học. Việc này dẫn đến tình trạng mọi người đều đổ vào nội đô, nhưng hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông lại không đáp ứng được, dẫn đến quá tải, tắc nghẽn là chuyện đương nhiên.
Được đề nghị đưa ra một số giải pháp cho tình trạng tắc nghẽn giao thông, Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Mường Thanh cũng chia sẻ rằng, thực ra các nhà quản lý không phải là không nhìn thấy điều này và họ đã có nhiều giải pháp.
Đó là đưa các trường học, bệnh viện, các cơ sở dịch vụ… quá tải ra khỏi nội đô, để từ đó kéo một lượng người trong nội đô ra ngoài thành phố, giảm tải áp lực giao thông. Nhưng đến nay giải pháp này đang trong quá trình thực hiện nên chưa có kết quả.
Giải pháp thứ hai, theo ông Danh là hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tăng các phương tiện công cộng. Giải pháp này cũng đang trong quá trình thực hiện. Nếu thực hiện được thì tình trạng tắc nghẽn giao thông nội đô sẽ được cải thiện dần.
Công sở, trường học chưa đi, chung cư đã tới
“Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, bệnh viện, trường học không những không được di dời ra khỏi trung tâm mà còn tiến hành xây dựng nhiều thêm, rồi tăng khối, tăng tầng, tăng giường bệnh… cho nhu cầu trước mắt. Còn những cơ sở được di dời thì nhà đầu tư đã nhanh tay xây dựng ngay lập tức các cơ sở khác với mức độ cao hơn, dày hơn”.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội
“Hiện nay đang thiếu một cơ chế đặc thù cho các đô thị vệ tinh để có thể thu hút các trường học, bệnh viện, công sở, nhà đầu tư… vào đó. Muốn trường học, bệnh viện di dời ra đô thị vệ tinh thì phải có những cơ chế đặc thù, khuyến khích họ thì họ mới có thể đi. Cùng với đó, phải có được mạng lưới hạ tầng kỹ thuật để kết nối đô thị vệ tình với đô thị trung tâm, đặc biệt là hạ tầng giao thông”.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội
“Cần kiện toàn lại quy định của pháp luật về quy hoạch, thay đổi tư duy trong làm quy hoạch, nhất là vấn đề điều chỉnh quy hoạch phải rất chặt chẽ. Chỉ nên chấp nhận điều chỉnh quy hoạch trong những trường hợp có thay đổi lớn về chủ trương phát triển, có những đột biến, những trường hợp bất khả kháng về mặt thiên tai địch họa”.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
T.L.