Facebooker Le Hoang
Một trưa hè đang thiu thiu ngủ thì có điện thoại của Lê Hoàng, “anh sang đây uống nước”. Đang nằm điều hòa mát rượi, giờ chạy sang phố cổ 6 cây số uống cốc nước xong chạy về giữa trưa nắng có mà điên. Nói với nó “thôi để lúc khác đi, anh đang nghỉ trưa”. Chừng ít phút sau Lê Hoàng lại gọi, “bọn em đang sang bên chỗ anh, anh ra gầm cầu Long biên gặp nhau rồi chụp hộ em vài kiểu nhé”. Thế này là ép nhau phải ra khỏi nhà rồi, mà đếch hiểu chụp cái gì giữa trưa nắng này chứ?
Ra đến nơi thấy Lê Hoàng, Lân Thắng và Thao Teresa đang ngồi trà đá đợi. Lê Hoàng nói, Formosa xả chất thải độc hại ra biển làm cá chết ở Miền Trung gần 2 tháng nay mà chính quyền vẫn im lặng, bọn em làm biểu ngữ yêu cầu chính quyền minh bạch vụ cá chết này. Mình hỏi có biểu ngữ ở đây chưa? Và đứng chỗ nào chụp? Lê Hoàng trả lời, có rồi đây anh, lên ngay cầu Long biên này chụp thôi. Mình nói, “cá chết là do môi trường ô nhiễm thì ra Bộ Tài nguyên – Môi trường mà chụp biểu ngữ đòi minh bạch cá chết chứ chụp trên cầu làm gì? Cả bọn Lân Thắng, Lê Hoàng và Thao Teresa cùng nhất trí và kéo nhau đến Bộ Tài Môi.
Trên đường đi mình nghĩ được thêm ai giơ biểu ngữ thì tốt, vẫn chỉ đôi song kiếm hợp bích Lê Hoàng và Thảo nhìn mãi cũng chán, nên hỏi gọi thêm được ai không? Lân Thắng có ý kiến gọi anh Trương Đức Thanh nhà ở Hàng Bông, cả bọn gật gù anh Thanh này quá được. Anh tham gia nhiệt tình vụ phản đối chặt cây, ngoài ra anh thường đi nhặt rác ở Hồ Gươm. Ông Thanh đi yêu cầu minh bạch cá chết là quá chuẩn. Trên đường đến Bộ Tài Môi, qua phố Hàng Bông đến nơi có bình nước miễn phí đặt ở vỉa hè cho bà con lao động, Lê Hoàng chạy vào đó, được một lát thấy anh Thanh cùng Lê Hoàng ra, quần áo sộc sệch, mắt nhắm mắt mở, chắc đang ngủ trưa. Anh Thanh nói “đợi anh thay quần áo rồi đi”. Tất cả đến phố Nguyễn Chí Thanh có trụ sợ Bộ Tài Môi, Lê Hoàng, Thao Teresa và anh Thanh giơ biểu ngữ còn mình đứng chụp, bấm được vài kiểu mình bảo Lân Thắng đứng vào nốt cho có hình ảnh đẹp, nó OK luôn. Xong xuôi mọi người tuỳ nghi di tản.
Lân Thắng chở mình trên xe của nó về phố cổ. Trên đường mình nói, hay hai anh em mình vào Miền Trung đi? Xem thực tế như nào? Lân Thắng nói “đi cũng được anh ạ”. Về đến nơi ngồi cà fê mình bảo “thế đi luôn bây giờ chứ?”. Lân Thắng nói “để mai đi”. “Giờ anh đang rảnh, đi thì đi luôn bây giờ sợ mai anh lại bận”, mình nói với nó. Suy nghĩ một lúc Lân Thắng trả lời “Giờ em phải về đón con Đậu và tắm rửa chuẩn bị đồ đạc nữa, 19h tối nay đi”. Mình bảo “anh lấy xe máy của anh, hai thằng thay nhau chạy xuyên đêm vào nhé? Đi xe máy vào có mệt nhưng tới nơi còn có phương tiện đi lại trong đó”. “Thôi đi ôtô giường nằm cho đỡ mệt, vào đó em có người quen mượn được xe máy mà, tối anh qua nhà em rồi ra bến xe”, Lân Thắng nói vậy.
Trong khi hai anh em đang ngồi cafe bàn tính đi Vũng áng thì nghe tin công an đến nhà anh Trương Đức Thanh, mời lên công an phường làm việc. Vụ giơ biểu ngữ vừa mới được 20 phút mà đã có phản ứng của an ninh ngay lập tức, chứng tỏ vụ cá chết này vui đây. Hai thằng càng thêm quyết tâm đi Miền Trung.
Về nhà cơm nước, dặn dò công việc xong, qua nhà Lân Thắng đúng 19h. Ra bến xe Mỹ Đình nhưng không có xe đi Đồng Hới, lại sang bến Nước ngầm, có chuyến xuất phát 21h đi Đắc Lắc, đành đi chuyến đó rồi dọc đường xuống Đồng Hới vì không còn chuyến nào nữa. Hai thằng vạ vật ở bến xe chờ đến giờ xe nổ máy.
Sau một đêm chập chờn trên xe, vào đến Đồng Hới lúc 8h, tới trung tâm thành phố, xuống xe đã có anh bạn của Lân Thắng đón sẵn. Cả ba đi ăn sáng, trong khi ăn, anh bạn nói sơ qua về sự thiệt hại vụ Formosa xả thải đối với Quảng bình, du lịch, đánh bắt thủy sản, nuôi trồng thủy sản, v.v. tất cả đều tê liệt làm người dân Quảng bình vốn nghèo càng thêm khốn khó. Rồi anh bạn gợi ý những điểm thiệt hại ở Quảng bình cho hai thằng cần đến phỏng vấn và lấy hình ảnh. Cái mình khoái ở anh này là anh ta đưa cho con xe máy Yamaha 135 phân khối của mình cho hai thằng đi dù biết sẽ rắc rối nếu an ninh gây chuyện.
Ra biển du lịch Nhật Lệ la cà xong, đi dọc huyện Nhơn Trạch thu thập khá nhiều hình ảnh và phỏng vấn người dân về tác hại của Formosa, chiều về chỗ nghỉ Lân Thắng làm phóng sự “Quảng bình mùa cá chết”, còn mình lang thang dọc biển Nhật lệ xem và chụp ảnh các xác cá trôi dạt vật vờ. Sau khi đưa vài hình ảnh cá chết lên Facebook, mình quay về chỗ nghỉ. Có điện thoại từ nhà gọi cho mình nói “an ninh đến nhà khuyên, đừng đưa ảnh cá chết lên Facebook và về nhà đi đừng ở trong đó”.
Ối giời, ngạc nhiên thật! Vừa đăng cái ảnh được 20 phút, mà đã có an ninh đến nhà. Công nhận các anh phản ứng quá nhanh. Giá mà các vụ người dân gọi công an, các anh cũng nhanh như vậy thì tốt biết mấy. Mình đi 500 cây số mới vào đến đây, gì có chuyện gọi về đơn giản thế.
Sáng hôm sau, gọi mãi Lân Thắng mới dậy, nó ngủ muộn hơn mình. Hai thằng ra chợ cá Đồng Hới thấy trống hơ trống hoác, không ai kinh doanh và cũng chẳng thấy con cá nào sất, quay ra ngồi càfe ở cửa Nhật Lệ chờ thằng Bạch Hồng Quyền. Lân Thắng biết Quyền đang ở Hà Tĩnh nên rủ nó cùng vào Quảng Trị xem tình hình môi trường biển trong đó ô nhiễm như nào.
Uống hết nhẵn càfê mà vẫn chưa thấy thằng Quyền đến thì Lân Thắng nói “có tin trên mạng đưa ở Cảnh Dương người dân đang biểu tình vì cá chết”. Mình hỏi Cảnh Dương cách đây bao cây? Thắng trả lời “khoảng 70 cây”. Đi đến đó thôi, mình nói. “Em sợ đến nơi thì biểu tình hết rồi”, Thắng nói vậy. Đã ra chiến trường thì có sự kiện là cứ đi thôi, nói với nó thế. Chắc máu chụp ảnh quay phim biểu tình cũng ăn trong người nó, nó OK.
Đường từ Đồng Hới ra Cảnh Dương tuơng đối đẹp, có lúc chạy hơn 100 km/h, phần vì lo lỡ cuộc biểu tình nên cứ vít ga mà may không bị áo vàng nào chặn lại vì đi quá tốc độ.
Vào đến Cảnh Dương thấy từ đầu xã đã đủ loại sắc phục công an đứng ngồi nhung nhúc. Đi sâu vào xã rải rác an ninh mặc thường phục khắp nơi, còn người dân từng nhóm dăm ba người ngồi với nhau thì thầm vẻ mặt ai cũng âu lo. Hai thằng vào một quán khuất quan sát và nhận định biểu tình đã bị giải tán, ở lại thêm sẽ rắc rối với an ninh, nên khi gặp thằng Quyền đến muộn hơn một chút, mấy anh em thống nhất là rút lui.
Ra đến cầu Ròn đã quá trưa mới nhớ ra chưa ăn uống gì, thằng Quyền nêu ý kiến sang nhà thờ Đông Yên xin các cha bữa cơm rồi tính sau.
Tuy mới gặp lần đầu nhưng cha Lai biết mình và Lân Thắng vào đây vì việc Formosa xả thải nên cha nhiệt tình đón tiếp. Cơm nước xong hai thằng lên giường làm một giấc để lấy sức chiều cùng thằng Quyền xuống các vuông nuôi ngao ở Kỳ Phương làm phóng sự. Ngủ chừng 30 phút dậy chuẩn bị đồ đạc thì Trương Minh Tam ở đâu về, Tam nói hôm qua xuống gặp bà con ven biển Kỳ Phương làm phóng sự, thấy thiệt hại của bà con ngư dân do Formosa xả thải là rất khủng khiếp. Đang chuyện trò thì có mấy cậu giúp việc cho cha Lai thông báo có an ninh đang đứng quanh nhà thờ.
Mấy anh em bàn tính, như này mà xuống biển Kỳ Phương là không yên với an ninh rồi, đành phải hủy thôi. Đi bộ ra ngoài quan sát, thấy khoảng trống quanh nhà thờ cũng rộng, mình tính nếu cứ đi xe máy ra mà phát hiện an ninh vây bắt trên đoạn từ nhà thờ ra quốc lộ, vẫn có khoảng cách an toàn để quay lại nhà thờ, còn khi ra đến quốc lộ mà an ninh mới vây thì chấp nhận đua xe với an ninh. Quay vào nhà thờ trao đổi ý kiến của mình với Lân Thắng và được nó ủng hộ; ra chào Quyền, Trương Minh Tam và mọi người, mình lấy xe máy chở Lân Thắng nhằm hướng Đèo Ngang thốc ga. Đến gần Đèo Ngang không phát hiện đuôi nào bám, mình bảo nó “Giờ quay về Quảng Bình mà không biết mặt mũi thằng Formosa như nào cũng dở, từ đây ra nhà máy đó có chục cây, hay cứ liều quay lại?”. Lân Thắng đồng ý.
Mình quay xe hướng về Fomosa. Đến cổng nhà máy thấy lính cơ động vòng ngoài ngồi xe tải, vòng trong đứng dàn hàng trước cổng. Đoạn đường hơn một cây số chạy qua mặt nhà máy an ninh chìm nổi rải khắp. Khó khăn lắm Lân Thắng ngồi sau mới chụp được vài kiểu trước cổng nhà máy vì đầy con mắt cảnh giác của an ninh trên đoạn đường đó.
Về Ba Đồn lúc trời nhá nhem tối, tính ngủ sớm để mai vào Quảng Trị. Sáng hôm sau dậy thấy trời mưa mãi không dứt. Mưa Miền Trung có khi mưa cả ngày cả tuần cũng chưa biết được, nên nói với Lân Thắng “Mưa này không biết lúc nào dứt, anh ở đây sốt ruột lắm mà hôm nay 29 rồi, mùng 1/5 là có biểu tình, hay anh em mình về Hà Nội bây giờ?”. Nó trả lời “còn cái xe máy, em phải mang về Đồng Hới trả cho thằng bạn, anh cứ về trước đi”.
Để nó ở lại, mình bắt xe khách ra Hà Nội. Lúc xe qua Cảnh Dương lại thấy cảnh sát dàn hàng chặn không cho người dân ra quốc lộ 1 biểu tình, rất muốn ở lại lấy tin về biểu tình nhưng xe đang chạy đành chịu.
Về Hà Nội, 2 ngày sau nghe VTV1 đưa tin đã bắt hai tên phản động nhận tiền nước ngoài xúi giục biểu tình cá chết là Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn đang hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh và Quảng Bình. Họ cũng giống như mình vì xã hội mà đi tìm sự thật. Vậy mình cũng loại phản động à? Nghe buồn cười quá!
Qua vụ Formosa xả thải mình nhận ra rằng: Chính quyền không đứng về phía người dân, họ tìm mọi cách ngăn chặn ai đưa tin về Fomosa, đe dọa, bắt bớ, cho dư luận viên tung tin đồn cá chết là do thủy triều đỏ, hoặc do rung động địa chấn… để bao che tội ác xả thải độc cho Formosa; cho quan chức cấp cao tung hình ảnh ăn uống đồ biển và tắm với ý đồ phủ nhận biển bị nhiễm độc do Formosa. Chỉ đến khi người dân cả nước đồng loạt biểu tình khắp nơi, Hà Nội, Sài Gòn, Quảng Bình… bất chấp việc chính quyền đàn áp. Những Trương Minh Tam, Chu Mạnh Sơn bất chấp tù tội để nói lên tiếng nói chân thực về Formosa. Khi nhân dân không run sợ, chính quyền đã phải run sợ, họ đã thả Trương Minh Tam, Chu Mạnh Sơn vô điều kiện và phải công bố ngày Formosa nhận tội và xin lỗi người dân.
Rút kinh nghiệm rằng chúng ta hãy hành động, đừng trông chờ chính quyền nếu quyền lợi chúng ta bị chà đạp. Vì không phải cứ là chính quyền thì họ đứng về với nhân dân!
(Bài dự thi về Formosa do Người Buôn Gió phát động)
Nguồn: https://www.facebook.com/le.nguyenhoang.9/posts/1092353537559704