Sao dám mạnh miệng: ‘Đóng cửa Formosa nếu tái phạm’?

FB Nguyen Anh Tuan

Thời gian gần đây lần lượt Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng tuyên bố rất quyết liệt là sẽ đóng cửa Formosa nếu tập đoàn này tái phạm.

Thừa hiểu nếu điều này xảy ra, Chính phủ sẽ phải đối mặt với (1) yêu cầu đòi bồi thường từ Formosa dựa vào Thỏa thuận Bảo hộ Đầu tư Đài Bắc – Hà Nội hoặc (2) một vụ kiện ở Toà án trọng tài Phòng thương mại Quốc tế mà phần thắng chưa biết nghiêng về ai. Khả năng nào cũng gay go, vậy sao Thủ tướng vẫn mạnh miệng đòi đóng cửa Formosa nếu nó tái phạm?

Đơn giản thôi, vì Formosa sẽ không-thể-nào tái phạm, hay ít nhất sẽ không tái phạm theo cách hiểu của Chính phủ.

Vì sao nói như vậy?

Hãy nhớ lại khoảng thời gian khi Chính phủ tuyên bố Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa và hứa với quốc dân là sẽ khởi tố Formosa nếu nó tái phạm. Sau đó không lâu Formosa bị phát hiện đổ chất thải rắn trái phép, Chính phủ đã lờ đi lời hứa trước đó, vì họ không coi hành vi đó của Formosa là ‘tái phạm’.

Thêm nữa, trong 53 vi phạm của Formosa, nghiêm trọng nhất là việc tự ý đổi công nghệ từ cốc khô (chi phí cao, ô nhiễm ít) khi đề xuất dự án sang cốc ướt (chi phí thấp, ô nhiễm nhiều) trên thực tế. Nay, Chính phủ đồng ý cho Formosa tiếp tục sử dụng công nghệ cốc ướt ô nhiễm này cho tới hết năm 2019 có phải là đang tạo điều kiện cho nó tái phạm liên tục trong 3 năm tới đây không? Hay đây vẫn chưa được coi là tái phạm?

Nếu cả hai trường hợp trên đều bị Chính phủ từ chối coi là tái phạm thì chắc hẳn định nghĩa ‘tái phạm’ của Chính phủ không gắn với bản chất của hành động mà gắn với hậu quả của hành vi. Nghĩa là, Formosa chỉ được coi là tái phạm nếu gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên một vùng biển dài gây rúng động dư luận như hồi tháng 4.

Nếu quả vậy thì ở điểm này Chính phủ đang chơi trò mưu mẹo với quốc dân của mình.

Thử phân tích nhé, để có một hiện tượng cá chết hàng loạt trên một vùng biển dài gây rúng động dư luận, cần ít nhất những điều kiện sau:

(1) Còn nhiều cá gần bờ, đủ nhiều để khi trúng nước thải có độc thì lượng cá chết dạt bờ ở mức đáng kể;

(2) Báo chí được phép tự do đưa tin, ghi hình, phỏng vấn cư dân địa phương trong suốt quãng thời gian cá chết;

(3) Các nhà hoạt động xã hội được tự do tiếp cận khu vực cá chết, đưa tin liên tục trên mạng xã hội.

Hẳn mọi người còn nhớ ngay sau khi công bố Formosa là thủ phạm, phái đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT với các giáo sư đầu ngành đã nhận định hệ sinh thái biển gần bờ 4 tỉnh Bắc Trung Bộ bị hủy hoại nghiêm trọng, cả nửa thế kỷ chưa biết có hồi phục nổi không. Lượng hải sản gần bờ theo đó cũng sụt giảm nghiêm trọng, vậy thì điều kiện (1) – còn nhiều cá gần bờ – coi như bị loại.[*]

Riêng với hai điều kiện còn lại, Chính phủ chắc chắn đã rút ra được nhiều kinh nghiệm sâu sắc về kiểm soát truyền thông từ hồi tháng 4. Do đó, ngay cả khi bây giờ cá có chết dạt bờ họ cũng sẽ (i) chỉ đạo báo chí nhà nước không đưa tin, phóng viên không được tiếp cận; (ii) chính quyền địa phương cắt cử người đi thu gom ngay lập tức và tăng cường an ninh trấn áp ngay các đối tượng lạ mặt tiếp cận quay phim, chụp ảnh. Bằng chứng là rải rác vào tháng 7, tháng 8 vẫn có cá chết dạt bờ ở bãi biển Kỳ Phương (liền kề phía Nam của Formosa) nhưng vẫn không khiến dư luận thực sự chú ý vì truyền thông không đủ mạnh.

Vậy thì, khi cả 3 điều kiện trên không tồn tại, sẽ chẳng thể nào xuất hiện sự kiện cá chết hàng loạt gây rúng động dư luận như hồi tháng 4 nữa, ngay cả khi Formosa có đẩy ra biển những thứ độc hại nhất của họ.

Mà như thế nghĩa là họ sẽ không thể tái phạm, ít nhất theo cách hiểu của Chính phủ.

Nghĩa là, Chính phủ sẽ chẳng thể nào đóng cửa, hay khởi tố Formosa, như những gì họ hứa.

Cũng dễ hiểu thôi, họ sẽ chẳng làm điều mà họ thực sự không muốn.

clip_image002

__________

[*] Để dễ hình dung, ai sống ở Hà Nội đều biết con sông Tô Lịch hôi thối, đen đủi vì bị biến thành kênh dẫn nước thải cho thành phố. Nó đã từng trong xanh. Cũng đã từng có một ngày nào đó là ngày đầu tiên nó nhận nước thải và cũng có cá chết. Nhưng sau đó chẳng ai lố bịch đến mức tuyên bố ‘Nếu cá sông Tô Lịch mà chết nữa thì tôi sẽ thế này, thế kia’, vì ai ai cũng hiểu, xả nước thải liên tục vào như thế thì còn cá đâu nữa mà chết, để mà còn nhận ra là cá chết?

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/1514568211891400

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.