Ngụy Hữu Tâm
Tháng một, vào mùa du lịch cho Tây, xin phép được lạm bàn về ngành du lịch nước ta, dẫu sao cũng là một ngành công nghiệp không khói, mang lại hết sức nhiều lợi nhuận. Nói thì hay thế, nhưng đáng tiếc đó lại là cái bệnh cố hữu, giữa nói và làm khác biệt khá xa!
Vốn có nghề và nghiệp, dẫu sao tôi cũng đã có bằng hướng dẫn viên du lịch ngót nghét hai chục năm, đeo thẻ hướng dẫn viên số 057, để dẫn khách theo… bốn ngoại ngữ, làm việc cho khá nhiều hãng du lịch Tây, ta, liên doanh đủ cả, nên cũng mạo muội lên tiếng… thỏ thẻ ở cái tuổi ‘xưa nay hiếm’ là U 80.
Từ đầu tháng với lễ hội hóa trang Holloween-carnival-Fasching vốn có của phương Tây, khách Âu lại lũ lượt vào ta, tôi lại được các hãng du lịch gọi đi hướng dẫn tour.
Được nghỉ ngơi chút đỉnh sau cả năm hoạt động trong nhiều lĩnh vực, chỉ có vật lý nghề cũ là con xin botay.com, nhưng cũng chẳng sao, không vì thế mà hận đời.
Mỗi người đã có số phận của mình, Chúa đã an bài hết rồi, cố gắng thì vẫn phải, nhưng thành đạt đến đâu thì nào phải tự mình quyết mà được, phải xin ‘ý kiến chi bộ’ đã chứ!
Được hãng gọi đi tour đầu tiên với một cặp trai trẻ từ Munich đến, chàng 34, nàng chẵn 30, đẹp như trong tranh đi tuần trăng mật. Lại đón từ khách sạn 4 sao rưỡi Mường Thanh ngay chính giữa thủ đô, tôi hệt như nằm trong mơ.
Vì khách trẻ nên không thuê đón sân bay, tôi tới khách sạn đón khách. Hẹn khách tám giờ nhưng với tác phong chính xác của người Đức, tôi đến từ 7h45, không thấy khách ở sảnh. Bởi lẽ đã 20 năm trong nghề, tôi xin phép lễ tân khách sạn vào thẳng phòng ăn tìm khách.
Từ xa tôi đã phát hiện ra khách, cái đôi nam nữ đẹp như trong tranh này. Ngồi kín đáo tận góc xa nhất của phòng ăn rộng như bãi bóng đá của cái khách sạn vốn chỉ dành riêng cho khách dự hội nghị ở khách sạn năm sao Melia, tôi dễ dàng phân biệt với đám khách Âu Á lổn nhổn ngồi đấy.
Họ đang thong thả ăn sáng sau chuyến bay liên tục đúng mười ngàn cây số trong mười giờ. Ttôi lịch sự đến hỏi: “Hello, You excuse me, aren’t You Germans?”. Họ sáng mắt nhìn tôi, tôi vội nói: “Tôi là tourguide của các Ngài, tôi đợi các vị ở sảnh, giờ giấc xin các Ngài cứ tự quyết!”.
Thế mà chỉ ít phút sau – khi tôi ngồi chưa ấm chỗ, họ đã tới – đúng cái tác phong đúng giờ hệt như máy của người Đức.
Chúng tôi lên chiếc xe 7 chỗ đang nổ máy chờ trước khách sạn, đi theo lịch trình đầu tiên là hai điểm quan trọng nhất của thủ đô – dù về mặt lịch sử lệch nhau tới 900 năm theo chiều ngược lại – là Lăng Bác và Văn Miếu.
Cái xe bon bon đi giữa phố đông như trẩy hội vì vẫn đang giờ cao điểm nhưng tài xế vốn loại có hạng, chúng tôi đến Lăng Bác. Sau khi đi ngang qua Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình lịch sử, ghé thăm Phủ Chủ tịch – vốn là Résidence du Gouverneur d’Indochine – và Nhà Sàn, chúng tôi phải vòng qua Bảo tàng Hồ Chí Minh, di tích mà các hãng du lịch phương Tây đều bỏ dẫu nó thuộc quần thể Lăng Bác nhưng chúng tôi phải đi qua bởi lẽ khu này đang sửa chữa.
Thế là chúng tôi đến Chùa Thiên Hựu từ mặt trước, điều hiếm khi xảy ra, vì tôi vẫn vốn thường bỏ vì Chùa nhỏ và trong chương trình còn nhiều Chùa hay hơn, mà cụ thể là Chùa Một Cột. Vì thấy cổng Chùa để ngỏ nên khách cứ vào – theo tục lệ phương Tây các nhà thờ Thiên Chúa giáo để ngỏ cho khách thập phương.
Thế nhưng đã thấy có một anh công an to béo mặc thường phục, mặt mày bặm trợn như quỷ sứ, tròn xoe mắt đứng chặn. Anh to tiếng: “Xin các vị dừng lại”, dùng tiếng Việt chứ các vị công an trứ danh nào của ta, liệu có vị nào nói được tiếng Anh dù chỉ vài câu xã giao!
Rồi anh quay qua tôi: “Bác không thấy biển à!”. Thì ra có biển thật: “Xin đừng mặc đồ ngắn!”. May quá, cô gái – vốn tính cẩn thận của khách du lịch Đức – có mang sẵn váy dài trong túi xách nên nhanh chóng vòng nó qua đầu lên mình, chiếc váy dài đến gót và mặc nó vào cái trưa mùa thu nhưng oi ả như giữa hè của cái năm đặc biệt về mặt khí tượng học này – El Nino chỉ 6 năm mới lặp lại một lần – chắc là khó chịu cho khách lắm.
Tưởng đã vào được, thế nhưng anh công an vẫn ngang ngạnh nói: “Không được!”, rồi hằm hằm chỉ vào cái quần lửng của chàng thanh niên. Chúng tôi botay.com.
Vẫn biết các nước, nhất là các nước bảo thủ Hồi giáo, lấy cớ tôn trọng nơi uy nghiêm để bắt nạt khách đủ kiểu, đặt ra cả ngành cảnh sát du lịch. Nhưng có phải vì lý do đó mà Việt Nam ta phải tiên phong đi trước để đặt một anh công an đứng chắn khách du lịch ngay sau Lăng Bác không, tôi xin chuyển câu hỏi đó cho Bộ trưởng Thông tin-Văn hóa-Thể thao…
Chắc ông lại im lặng theo cái kiểu quan trọng như đang bận rặn… vốn có của quan chức ta.
Không phải vì những lý do vớ vẩn như thế – váy quần ngắn như thế nào là được phép, như thế nào không?
Chúng ta còn bao nhiêu việc khác quan trọng hơn thế, nhất là ta đang muốn thu hút khách du lịch cơ mà. Và việc có cho vào chùa hay không là của sư sãi chứ đâu phải quyền của cái anh công an bợm trợn nọ!
Thế là mất vui cho khách ngay ngày đầu tiên, chỉ vì một nguyên nhân hết sức vớ vẩn!
Còn ngày hôm sau ra Hạ Long cũng vui không kém!
Cái cáp treo lừng lững bắc qua đoạn hẹp nhất đầu Vịnh Hạ Long chỗ kết nối với Vịnh Cửu Lục do Hãng Doppelmayr của Thụy Sĩ và Áo thiết kế, chế tạo, xây dựng nối trực tiếp bờ biển Bãi Cháy với một hòn của cụm núi Bài Thơ bên Hòn Gai, dài gấp rưỡi cầu Bãi Cháy vốn đã dài lắm, cao có lẽ đến ~ 300m, gần ngang Tháp Eiffel ở Paris, choáng hết cảnh quan cái vịnh nổi tiếng thế giới, di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận này, nếu nhìn từ trên các dãy núi và những con đường mới mở, rộng bốn làn xe, chạy dài thẳng tắp bên bờ vịnh.
Thế nhưng đó là đề tài của các kiến trúc sư và các chuyên gia văn hóa du lịch, tôi là dân ngoại đạo không dám bình luận.
Chỉ xin duy nhất nói về cái nhà ga to lớn, lộng lẫy và dãy phố du lịch chiếm hết đến hàng cây số bờ biển Bãi Cháy.
Ai cũng sẽ thấy ngay, như vậy là đã đặt nhu cầu phục vụ du khách và kiếm tiền trước mắt lên trên lợi ích lâu dài, sau này con cháu ta sẽ cười ra nước mắt về những việc làm như vậy!
Nhưng đáng nói hơn lại là, tất cả những kiến trúc đó đều mang dáng vẻ Tàu khựa đến mức chẳng thể chê vào đâu được, đến đứa trẻ con cũng nhận ra ngay!
Tôi đánh bạo hỏi một thổ dân thì vị này tỉnh bơ trả lời: “Để câu khách du lịch Trung Quốc mà!” Ý thức làm giàu của công dân này mới cao làm sao!
Bí thư Tỉnh Ủy Quảng Ninh giáo dục công dân tỉnh nhà miễn chê!
Để kết luận bài báo ngắn mô tả những trải nghiệm 15 ngày qua đi tour của mình, tôi xin được phép chốt lại hai điểm, nhưng đó sợ cũng lại là hai cái tử huyệt của chế độ này:
Xin các bố (phụ trách ngành du lịch) dừng cho con để:
Không công an hóa ngành du lịch,
Không biến cảnh quan Việt Nam thành cảnh quan… Tàu khựa!
Nếu không thì việc chúng ta dù cố gắng đến mấy mà khách du lịch vẫn không đến, lượng khách du lịch hàng năm dù tăng nhưng chỉ tăng bởi số khách Tàu dù lớn về con số, nhưng doanh thu không cao, không thể so với khách Tây được, nên tăng trưởng ngành du lịch sẽ không thể cao, còn lâu mới có thể so với Thái Lan, hay thậm chí ngoa ngôn…Thụy Sĩ hay Pháp, Đức… được!
N.H.T.
Tác giả gửi BVN.