Về vụ án xử cựu đại tá Lê Hồng Hà

clip_image001

Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có thư gửi Bộ Chính trị thập niên 1990. Ảnh: HOANG DINH NAM

Trong thập niên 1990, cựu đại tá Lê Hồng Hà cùng một số người khác gửi kiến nghị cho Đảng yêu cầu điều tra lại vụ án có tên “Vụ án xét lại chống Đảng”, xảy ra năm 1967 ở miền Bắc Việt Nam.

Ông Lê Hồng Hà, cựu Chánh văn phòng Bộ Công an Bắc Việt và sau này bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản, đã qua đời hôm 15/11 ở tuổi 90.

Ông từng là đảng viên cộng sản kỳ cựu, giữ chức Chánh văn phòng Bộ Công an ở Hà Nội năm 1958.

Năm 1995 xảy ra một biến cố dẫn đến việc ông Lê Hồng Hà nhận án tù hai năm.

Đó là việc ông lưu giữ và phát tán một lá thư của Thủ tướng khi đó Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính Trị.

Thư Thủ tướng

Đó là lá thư ngày 9/8/1995, trong đó ông Kiệt nêu bốn nội dung: “1- Đánh giá tình hình, cục diện thế giới ngày nay; 2- Vấn đề chệch hướng hay không chệch hướng; 3- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; 4- Xây đựng Đảng”.

Lá thư có đoạn: “Để giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi bức xúc là phải nâng cao tính hiệu quả của kinh tế quốc doanh, nhằm làm cho nó chiếm một vai trò chủ đạo trong thị trường nước ta chứ không phải là dành cho nó quyền ‘nắm’ thứ nầy thứ khác.”

Ông Kiệt nhận xét về tình hình quốc tế rằng “tính chất đa dạng, đa cực” đang chi phối quan hệ giữa các quốc gia thay vì “mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc”.

Người chấp bút cho lá thư này, ông Nguyễn Trung, được tác giả Huy Đức dẫn lời trong cuốn sách Bên Thắng Cuộc: “Năm 1995, uy tín bên trong, bên ngoài của ông Kiệt đều lên cao, có nguy cơ ông trở thành tổng bí thư, điều mà cả Trung Quốc, ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, đặc biệt là Nguyễn Văn Linh đều không thích”.

“Ông Kiệt viết thư này, đụng đến một vấn đề cốt lõi trong sinh hoạt Đảng, với mong muốn làm cho mối quan hệ thật rõ ràng: dân chủ ra dân chủ, tập trung ra tập trung”.

clip_image002

Ông Lê Hồng Hà, nhà đấu tranh dân chủ của Việt Nam vừa qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 90 tuổi.

Theo nhà báo Huy Đức, lá thư này được đưa ra bàn trong Bộ Chính trị nhưng ông Kiệt “bị nhiều thành viên trong Bộ Chính trị chỉ trích kịch liệt”.

Lá thư này sau đó đã dẫn đến án tù cho ông Lê Hồng Hà và hai người khác.

Theo ông Nguyễn Thanh Giang, người bạn của ông Lê Hồng Hà, vào hôm 5/12/1995, nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu đến nhà ông Lê Hồng Hà và được ông Hà đưa cho lá thư của ông Võ Văn Kiệt.

Khi ông Phu rời nhà ông Hà ở Hà Nội, ông bị một xe máy chèn ngã. Khi công an đến nơi, họ đưa ông Hà Sĩ Phu về đồn, và phát hiện bản sao lá thư.

Cuốn sách của nhà báo Huy Đức viết rằng ông Hà Sĩ Phu khai tài liệu này ông lấy từ ông Nguyễn Kiến Giang; ông Giang khai lấy từ ông Lê Hồng Hà.

Ngày 22/8/1996, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xử ông Lê Hồng Hà 2 năm tù, Hà Sĩ Phu, 1 năm tù giam và Nguyễn Kiến Giang, 15 tháng tù treo.

‘Dám phản ứng’

Theo một người bạn của ông Lê Hồng Hà, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang, chính ông Lê Hồng Hà cũng lưu giữ và đưa cho ông một lá thư “bí mật” sau đó mấy năm.

Ông Nguyễn Thanh Giang kể lá thư của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Việt Nam, được ông Lê Hồng Hà giấu và đưa cho ông Nguyễn Thanh Giang để công bố trên mạng internet.

Lá thư này có nhiều chi tiết tố cáo hoạt động của cơ quan tình báo quân đội rất quyền lực, gọi tắt là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, theo các nguồn nói trên.

Nhớ về ông Lê Hồng Hà, ông Nguyễn Thanh Giang cho rằng ông Hà là “tấm gương sáng của người trí thức Việt Nam” và “đã dám phản ứng những người có quyền sinh quyền sát trong Đảng”.

Theo ông Nguyễn Thanh Giang, ông Lê Hồng Hà là một trong những đảng viên sớm lên tiếng kiến nghị Đảng Cộng sản từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin.

Dường như vì vậy từ khi bị khai trừ Đảng, bị án tù, cái tên Lê Hồng Hà hầu như không được nhắc tới trên báo chí chính thống tại Việt Nam.

Lễ tang ông Lê Hồng Hà sẽ được cử hành ngày 18/11/2016 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38001053

****

Mời xem thêm:

Nhà bất đồng chính kiến Lê Hồng Hà qua đời

Chia sẻ

clip_image003

Ông Lê Hồng Hà, nhà đấu tranh dân chủ của Việt Nam vừa qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 90 tuổi

Tin cho hay nhà tranh đấu cho dân chủ của Việt Nam, cựu chánh văn phòng Bộ Công an, ông Lê Hồng Hà, vừa qua đời hôm 15/11 tại Hà Nội ở tuổi 90.

Bà Phạm Thanh Nghiên, một nhà đấu tranh dân chủ ở trong nước, nói thân nhân ông Hà đã báo tin này cho bà.

Được biết, ông Lê Hồng Hà, cựu đại tá, đã qua đời lúc 12 giờ 46 phút ngày 15/11/2016 tại nhà riêng sau một thời gian dài bệnh nặng.

Lễ tang ông Lê Hồng Hà sẽ được cử hành ngày 18/11/2016 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông.

Một nhân cách lớn đã ra đi… Xin chia buồn cùng Tang quyến. Rất rất nhiều người kính trọng Cụ. Mong Cụ an giấc ngàn thu

Tiến sỹ Nguyễn Quang A

Từng giữ chức vụ cao trong Bộ Công an, vào đầu những năm 1990, ông Lê Hồng Hà và ông Nguyễn Trung Thành – nguyên Vụ trưởng vụ Bảo vệ chính trị của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã làm rúng động Bộ chính trị Đảng Cộng sản bằng việc yêu cầu xem xét lại Vụ án Xét lại chống đảng, lập một tiểu ban xem xét kết luận lại vụ án, xóa án, minh oan cho hơn 30 cán bộ cao cấp, trong đó có 4 ủy viên trung ương, một số tướng, đại tá, nhà báo…

Ông từng bị bắt và bỏ tù hai năm vào năm 1996 vì tội Làm lộ bí mật nhà nước.

‘Một nhân cách lớn đã ra đi’

Trên truyền thông xã hội, một số nhà hoạt động dân chủ và giới tranh đấu cho tự do, nhân quyền cũng chia sẻ lời chia buồn với gia đình cố đại tá Lê Hồng Hà và dành những lời kính trọng đối với người vừa ra đi.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A từ Việt Nam viết:

“Một nhân cách lớn đã ra đi. Cụ và cụ bà thường xuyên dự seminar của IDS (Viện phản biện độc lập đã tự giải tán), năm ngoái còn đến thăm Cụ nhưng lúc đó đã yếu lắm rồi. Xin chia buồn cùng Tang quyến. Rất rất nhiều người kính trọng Cụ. Mong Cụ an giấc ngàn thu”.

Cũng trên Facebook, nhà văn Vũ Thư Hiên từ Paris viết:

Cũng từ đó ông Lê Hồng Hà trở thành một người đấu tranh hết mình cho sự nghiệp dân chủ hoá đất nước. Ông mất đi là một tổn thất rất lớn cho phong trào dân chủ Việt Nam.

Nhà văn Vũ Thư Hiên, Paris

“Ông Lê Hồng Hà (1926 – 15.11.2016) đã mất. Nguyên Chánh văn phòng Bộ Nội vụ (Bộ Công an ngày nay), ông là người được Tổng bí thư Lê Duẩn và Trưởng ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Đức Thọ trao nhiệm vụ tổ chức trấn áp cái gọi là “nhóm xét lại chống Đảng”.

“Sau, hiểu ra thực chất của vụ án là sự trấn áp những người bất đồng với đường lối độc tài phản dân chủ, tuân lệnh ban lãnh đạo Trung Quốc, chủ trương dùng bạo lực thống nhất đất nước, ông đã cùng với ông Nguyễn Trung Thành, vụ trưởng trong Ban Tổ chức trung ương Đảng (là người được Lê Đức Thọ cử đặc trách vụ án này), đề nghị đảng phải xem xét lại vụ án bất công này. Kết quả là cả hai ông đều bị khai trừ khỏi đảng.

“Cũng từ đó ông Lê Hồng Hà trở thành một người đấu tranh hết mình cho sự nghiệp dân chủ hoá đất nước.

“Ông mất đi là một tổn thất rất lớn cho phong trào dân chủ Việt Nam. Chúng tôi, những người sống sót của “nhóm xét lại chống Đảng” cùng thân nhân những người trong vụ án xin gửi lời chia buồn thống thiết tới gia đình ông Lê Hồng Hà và khấp báo cùng anh chị em dân chủ và bằng hữu,” nhà văn Vũ Thư Hiên viết trên Facebook hôm 15/11.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-37995960

***

Lê Hồng Hà, thế hệ bất đồng chính kiến trước Internet

Kính Hòa, phóng viên RFA

clip_image004

Nhà bất đồng chính kiến Việt Nam, ông Lê Hồng Hà

Một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam, ông Lê Hồng Hà vừa qua đời hôm ngày 15 tháng 11 năm 2016 tại Hà nội, thọ 90 tuổi.

Hoạt động phản biện đảng cộng sản

Ông Lê Hồng Hà từng giữ chức vụ chánh văn phòng Bộ Công an Việt Nam từ năm 1958. Sau đó ông đã có những hoạt động phản biện chính đảng cộng sản của ông và đã từng bị ra tòa do đảng tổ chức.

Hai nhà hoạt động bất đồng chính kiến là ông Hà Sĩ Phu, và Phạm Chí Dũng nói về ông Lê Hồng Hà với Kính Hòa trong bài viết sau đây.

Ông Hà Sĩ Phu, một trí thức bất đồng chính kiến cùng trang lứa với ông Lê Hồng Hà nhớ lại:

Có thể nói rằng về mặt phản bác chủ nghĩa Mác Lê Nin về mặt lý luận, ông Lê Hồng Hà là người rất sớm, sớm hơn tôi, đồng thời với ông Nguyễn Kiến Giang.

-Hà Sĩ Phu

“Ông ấy vào đảng rất sớm, theo con đường cộng sản này rất sớm. Năm 1946 đã vào đảng, năm nay đã 90 tuổi rồi. Một bậc lão thành cộng sản, đã là đảng viên mà còn lại là công an. Thế mà cuối cùng rất là bất ngờ, ông ấy bắt đầu phản biện từ rất lâu. Ngay từ vụ xét lại chống đảng, đã cùng ông Lê Nguyễn Trung Thành, yêu cầu đảng đưa ra công khai để minh oan. Có thể nói rằng về mặt phản bác chủ nghĩa Mác Lê Nin về mặt lý luận, ông Lê Hồng Hà là người rất sớm, sớm hơn tôi, đồng thời với ông Nguyễn Kiến Giang.

Ông Hà Sĩ Phu, cùng với ông Lê Hồng Hà và ông Nguyễn Kiến Giang bị ra tòa trong một vụ án chính trị vào năm 1995-1996. Các ông bị kết tội làm lộ bí mật nhà nước, vì đã lan truyền một bức thư công khai của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam.

Theo ông Hà Sĩ Phu thì ông Lê Hồng Hà thuộc thế hệ sớm nhất những người chống lại ý thức hệ của đảng cộng sản tại Việt Nam. Nhưng theo ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập tại Sài Gòn thì không chắc là ông Lê Hồng Hà chống lại đảng của ông:

“Không nên suy diễn như bên đảng và công an rằng ông Lê Hồng Hà mắc tội chống đảng. Đó là một cụm từ rất trừu tượng, là một cái cớ rất thường dùng, được bên công an qui chụp cho những người bất đồng chính kiến. Ông Lê Hồng Hà thực chất chỉ là một người bất đồng chính kiến, tôi không cho là ông ấy có một ý thức về việc chống đảng. Bây giờ ông ấy có sống lại mà trả lời phỏng vấn thì tôi chắc chắn rằng ông ấy sẽ không xác nhận rằng hồi đó ông ấy chống đảng. Mà ông ấy bất đồng chính kiến với đảng, mong đảng thay đổi, để cho dân tộc tốt đẹp hơn”.

Ông Phạm Chí Dũng cũng từng là đảng viên cộng sản, làm việc trong ngành nội chính của đảng trước khi từ bỏ đảng, trở thành một trong những tiếng nói đối lập tại Việt Nam.

Không có tài liệu nào nói rằng ông Lê Hồng Hà có bỏ đảng hay không, nhưng cả hai ông Hà Sĩ Phu và Phạm Chí Dũng đều chắc chắn một điều là ông Hà phải bị khai trừ khỏi đảng trước khi bị đem ra xét xử ở các phiên tòa do đảng tổ chức.

Cảm hứng cho thế hệ sau

Điểm lại những hoạt động đối kháng về tư tưởng ở Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng cho rằng những người phản kháng là đảng viên cộng sản thường là bắt đầu bằng những kiến nghị cho chính đảng của họ:

Khi bị trù dập thì họ chuyển từ hình thức góp ý kiến nghị, sang hình thức phản kháng, viết văn thư và văn bản phản kháng.

-Phạm Chí Dũng

Khi bị trù dập thì họ chuyển từ hình thức góp ý kiến nghị, sang hình thức phản kháng, viết văn thư và văn bản phản kháng. Chuyển từ hình thức lưu truyền văn thư phản kháng theo qui định trong nội bộ, theo thủ tục, vượt ra ngoài khuôn khổ nội bộ, và lan truyền cho nhau. Trước khi có internet thì họ thường photo, những bài viết này bài viết kia, chuyền tay cho nhau”.

Một trong những ví dụ tiêu biểu cho sự phản kháng theo hình thức này là sự ra đời của một tờ báo mang tên Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ vào những năm 1980. Theo ông Phạm Chí Dũng thì còn có một vụ án chính trị khác mang tên Người Sài Gòn, vào năm 1997, trong đó một số đảng viên cũng cho lan truyền những tài liệu phản khác như thế.

Với vị trí là một người làm công tác nội chính của đảng, trước kia ông Phạm Chí Dũng đã từng tiếp xúc với nhiều hồ sơ của những người bất đồng chí kiến, trong đó có hồ sơ của đại tá công an Lê Hồng Hà:

“Lúc đó tôi rất ngạc nhiên là những người như ông Lê Hồng Hà, đặc biệt lại xuất thân từ ngành công an, lên tới hàm đại tá công an mà lại có một sự thay đổi về mặt não trạng, về mặt ý thức như vậy, chống lại một ý thức hệ cũ. Điều đó làm cho chúng tôi suy nghĩ rất nhiều.”

Ông Phạm Chí Dũng nói rằng hoạt động của những người như ông Lê Hồng Hà, thế hệ phản kháng đầu tiên, rất có ảnh hưởng đến sự hình thành những hoạt động phản kháng của thế hệ sau, trong đó có ông.

K.H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/le-hong-ha-the-generation-of-dissidents-before-internet-kh-11162016085034.html

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.