Kính Hòa
phóng viên RFA
Những ngôi nhà ngập trong lũ ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. AFP photo
Tham nhũng là con đẻ của hệ thống chính trị độc tài độc đảng, trong đó luật pháp chỉ là công cụ của đảng cầm quyền. Và một khi pháp luật chỉ là công cụ cho một đảng phái thì nó đánh mất vai trò, đánh mất giá trị, và đánh mất hiệu lực của nó.
Cứu trợ chống lũ
Họa vô đơn chí. Sau thảm họa Vũng Áng, bốn tỉnh miền Trung lại bị lụt lớn, mà nạn lụt lại có nguyên nhân không hề nhỏ của những dòng nước xả ra từ hồ thủy điện.
Người dân khắp nơi, các hội đoàn khắp nơi cùng nhau đổ về miền Trung cứu nạn.
Trang Facebook được xem là của Ban Tuyên giáo Trung ương ra lời kêu gọi như sau:
Đồng bào miền Trung đang cần sự giúp đỡ. Nhưng các bạn cần tỉnh táo, không giúp đỡ tiền bạc cho những kẻ đang đánh bóng tên tuổi, những hội nhóm bất minh, thường xuyên gây rối loạn và giờ ra vẻ “giúp đỡ”. Hãy hành động bằng con tim và cả lý trí.
Giúp được bằng sức mình thì giúp, không thì quyên góp vào các tổ chức chính thống như hội chữ thập đỏ, các cơ quan báo chí, quân đội đang túc trực ngày đêm tại vùng rốn lũ.
Lời buộc tội của Ban Tuyên giáo Trung ương lập tức được lan truyền khắp nơi, với nhiều lời chỉ trích. Những lời chỉ trích gắn kết thái độ của Ban Tuyên giáo với hành ộng của ông Phan Anh, người dẫn chương trình nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam. Ông Phan Anh đã đứng ra quyên góp để vào miền Trung cứu nạn đồng bào. Chỉ trong thời gian ngắn ông đã quyên được số tiền là 10 tỉ đồng.
Một người trên mạng xã hội lấy tên là Trác Mộc Thôn, bình luận dưới lời kêu gọi của Ban Tuyên giáo rằng 10 tỉ đồng làm cho Đảng mất ngủ.
Một trang blog lấy tên là Việt Nam Thời báo, nhưng không phải là là của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đăng bài chỉ trích những người đang khen ngọi ông Phan Anh hết lời rằng có những thế lực đang muốn biến ông Phan Anh thành con bài chính trị.
Liên tiếp sau lời kêu gọi gây nhiều chỉ trích, trang Facebook Ban truyên giáo trung ương lại đăng liên tục hình ảnh các nhà lãnh đạo cấp cao đi vào vùng lũ, với nhiều phim ảnh rất hùng hậu.
Nhưng số tiền của những người hảo tâm lại tiếp tục gửi đến ông Phan Anh. Người ta cho rằng sở dĩ người ta tin ông như vậy vì lòng tin ở các tổ chức của nhà nước không còn nữa.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh có nhận xét về hoạt động của các hội tự phát và của nhà nước như sau:
“Hiện nay chúng ta thấy đồng bào miền Trung gặp lũ lụt và ở vào một tình trạng rất khó khăn, thì chính những cái hội không được phép ấy, và nhiều khi chả phải là hội, có một người ví du như ông MC Phan Anh, ông ấy đứng ra hô hào vận động và đã được 10 tỉ rồi, ông ấy vào trong ấy rồi. Trong khi đó thì các hội to của chúng ta đến bây giờ mới kêu gọi đi quyên góp, tức là hành động rất chậm trễ hơn so với các hội khác”.
Một người tên là Nguyễn Kim viết rằng:
Đó là do LÒNG TIN. Lòng tin của người dân với các tổ chức hội đoàn của nhà nước không còn. Nên để huy động được tiền từ thiện họ phải cho người đến từng nhà quyên góp. Thậm chí nhiều lúc còn phải chai mặt khi chủ nhà ném ra mấy chục nghìn như muốn đuổi đi. Để có tiền, họ còn phải dùng thủ đoạn trừ trước tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc trong cơ quan nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Oanh viết về sự suy yếu của nhà nước hiện nay trong những vấn đề liên quan đến dân sinh như cứu trợ nhân đạo:
Vâng, đáng ra phải là thế! Đáng ra phải là chính quyền chứ không ai khác có thể nắm quyền chủ động lúc này để giúp dân. Nhưng thật buồn, quả bóng trách nhiệm với dân cuối cùng lại được đá trở về cho dân! Không phải chỉ bởi sự đổ vỡ lòng tin từ chính nhân dân, mà còn vì hình như chính quyền cũng chẳng muốn giữ quả bóng đó! Bằng chứng là những lời kêu gọi đầu tiên và những cuộc vận động cứu trợ hiệu quả nhất hiện nay đều là đến một cách tự phát từ nhân dân. Hình như dân mình cũng đã quá quen với việc tự đùm bọc, chia sẻ cho nhau lúc hoạn nạn mà không hề trông chờ vào đâu!
Cũng trong luồng suy nghĩ đó, một người có bút danh là Hải Lý, viết trên trang mạng Nhịp cầu thế giới của người Việt tại Hungary rằng sự xuất hiện của những người hảo tâm như ông Phan Anh là hiện tượng của những xã hội bất hạnh, khi nhà nước bị tê liệt trong các hoạt động nhân đạo.
Bóng ma Formosa
Đường phố Hà Nội sau một trận mưa lớn. AFP photo
Một hoạt động dân sinh khác diễn ra sôi động trước khi cơn bão đổ vào miền Trung. Một tổ chức xã hội dân sự độc lập là giáo hội Công giáo huy động cả ngàn người đi biểu tình ôn hòa chống nhà máy Formosa, thủ phạm gây thảm họa môi trường Vũng Áng.
Truyền thông nhà nước lên tiếng chỉ trích những hoạt động dân sự này của các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương. Blogger Nguyễn Hữu Vinh phát hiện thấy có một văn bản của cơ quan công quyền buộc tội các linh mục quản xứ công giáo ở miền Trung đang làm ảnh hưởng mối quan hệ lương giáo. Nguyễn Hữu Vinh bình luận rằng Việc vơ vào, nhận xằng chính quyền là “lương”, để lôi kéo những người ngoài Công giáo đối nghịch với Công giáo, nhằm mục đích khơi gợi hận thù tôn giáo. Đó là một tội ác đối với đất nước và dân tộc. Bởi xung đột tôn giáo luôn là nỗi bất hạnh của bất cứ quốc gia, dân tộc nào.
Biểu ngữ được những người biểu tình nêu cao là đòi Formosa rút khỏi Việt Nam.
Blogger, nhà báo độc lập Trương Duy Nhất nhận xét rằng hiện nay người dân đã xem Formosa là giặc. Ông tiếp lời rằng người dân vẫn có thể sống chung với lũ như từ trước đến nay, nhưng không thế sống chung với giặc được.
Việc đưa đơn kiện Formosa ở tòa án địa phương của người dân miền Trung bị trở ngại khi xe taxi của công ty Mai Linh từ chối chở họ, nói rằng họ nhận được lệnh của ông Tổng giám đốc Hồ Huy.
Một trong những người đầu tiên phản ứng trên truyền thông mạng về chuyện này là nhạc sĩ Tuấn Khanh. Sau đó ông cho công khai một lá thư của ông Hồ Huy giải thích rằng ông ấy không hề ra lệnh cho nhân viên từ chối chở người dân đi kiện. Tuấn Khanh viết tiếp:
Sự kiện Mai Linh chỉ là một trong những điều bất cập đang diễn ra trên đất nước này, nơi mà những kẻ có tiền, có quyền vẫn đang tạo ra những điều phi lý mà thường xuyên không gặp phản ứng nào. Chuỗi hành động từ chối từ cộng đồng, có thể coi là phần diễn tập quan trọng để người dân lấy lại tư thế và tên gọi đúng về sự tồn tại của mình, vốn đang bị quên lãng trong một quốc gia.
Xã hội dân sự chống tham nhũng
Trong lúc những cá nhân và hội đoàn dân sự đang nổ lực tham gia việc cứu trợ, một bộ luật về hội được đưa ra Quốc hội bàn luận. Theo những nhà bất đồng chính kiến bộ luật này đưa ra là để kiểm soát xã hội dân sự chứ không phải tạo điều kiện cho nó phát triển. Người ta thấy bộ luật này ràng buộc các hội dân sự không được nhận tiền của các tổ chức nước ngoài, và người hội trưởng phải được nhà nước Việt Nam phê chuẩn.
Blogger Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động dân sự rất tích cực giúp đỡ ngư dân miền Trung trong thảm họa Vũng Áng viết rằng:
Vai trò nổi lên của xã hội dân sự qua nhiều biến động chính trị – xã hội những năm gần đây bỗng dưng khiến lối tư duy toàn trị, coi dân quyền là thứ xin-cho của nhà nước được thể hiện qua dự thảo Luật Hội mới đây, trở nên hoàn toàn lố bịch, nếu không muốn nói là phản động. Bất chấp sự cản trở, xã hội dân sự sẽ tiếp tục lớn mạnh như những gì đã được chứng tỏ suốt mấy năm qua.
Vai trò của xã hội dân sự từ lâu được nói đến như là một sự cân bằng quyền lực với bộ máy cầm quyền. Sự độc quyền của bộ máy này được nhiều người xem là nguyên nhân của sự suy thoái xã hội, thậm chí đối với những tai nạn cụ thể như vụ xả lũ vừa qua của đập thủy điện, mà các cơ quan quyền lực hay gọi là làm theo qui trình. Tác giả Đỗ Minh Tuấn gọi đó là quĩ đen quyền lực:
Vậy thì bây giờ, có một việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả là xoá bỏ cái quỹ đen quyền lực đã lộ là cái QUY TRÌNH mà bọn xã hội đen trong Đảng lạm dụng để chia chác dân tộc, chia chác quyền sống bằng pháp luật của gần triệu người dân. Nếu không làm được việc đơn giản đó, thì Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ còn hiện hình như một thứ SIÊU BÃO tự réo tên mình là “LƯƠNG TÂM”… một thảm hoạ thế kỷ có thể xoá sổ một dân tộc khi chúng đi qua và cuốn theo tất cả con người, nhà cửa, đất đai, thuyền bè, cây cối và tôm cá… theo đúng QUY TRÌNH chết chóc khủng khiếp của nó.
Nhà báo Trương Duy Nhất viết rằng nếu cứ để mãi như thế thì chế độ sẽ phải đương đầu với những cơn lũ trong lòng dân chứ không phải là những cơn lũ thiên nhiên nữa. Nguyễn Anh Tuấn thì viết là những phản ứng gần đây của chính quyền xem chừng có lẽ lại là những đóng góp lớn nhất của họ trong việc đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển tiếp chính trị nhằm thoát khỏi một thể chế đã tha hóa, và mở ra một trang sử mới cho đất nước.
Trong không khí đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư của Đảng Cộng sản kết thúc với những ý tưởng chỉ đạo cho kỳ họp của Quốc hội đang diễn ra theo nguyên tắc lãnh đạo tối cao của Đảng.
Trong bài diễn văn kết thúc hội nghị ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rất nhiều đến chuyện chống tham nhũng. Sau đó trong một lần tiếp xúc cử trị ông Trọng lại lên tiếng nói rằng chống tham nhũng rất khó, vì theo nguyên văn lời ông là ta tự đánh ta.
Blogger Cánh Cò bình luận rằng lời phát biểu của ông Trọng rất là thành thực.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy phân tích nguyên nhân của việc chống tham nhũng bất thành chính là chế độ độc đảng đang cai trị Việt Nam hiện nay:
Tham nhũng là con đẻ của hệ thống chính trị độc tài độc đảng, trong đó luật pháp chỉ là công cụ của đảng cầm quyền. Và một khi pháp luật chỉ là công cụ cho một đảng phái thì nó đánh mất vai trò, đánh mất giá trị, và đánh mất hiệu lực của nó. Tham nhũng chỉ có thể bị hạn chế hoặc được giải quyết khi có một nền luật pháp công minh. Một nền luật pháp công minh lại không thể tồn tại trong chế độ độc tài độc đảng. Toàn bộ sự luẩn quẩn này cho thấy rằng hệ thống chính trị độc đảng hiện tại của Việt Nam là nguyên nhân đẻ ra tham nhũng và tự nó, bản thân hệ thống, không thể giải quyết vấn đề tham nhũng.
Ông Bùi Quang Vơm cũng đưa ra lời khuyên cho nững nhà lãnh đạo Việt Nam:
Nếu thực lòng muốn diệt tận gốc tham nhũng, các ông cần một nền tư pháp phi chính trị, một nền báo chí độc lập, một xã hội dân sự tích cực, và nếu có thể một hay nhiều đảng phái chính trị khác làm đối trọng và giám sát chất lượng cầm quyền của các ông.
Trong lúc ấy, một nhân vật bị chính quyền cáo buộc tham nhũng và dường như đã trốn thoát khỏi Việt Nam, là ông Trịnh Xuân Thanh lại xuất hiện với những bức hình tươi cười có lẽ được gửi về từ một xứ sở ôn đới nào đó.
K.H.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/flood-and-corruption-kh-10212016124407.html