Thông cáo báo chí của Linh mục Đặng Hữu Nam

clip_image002

Xem thêm công văn của UBND huyện Quỳnh Lưu và lời bình

clip_image004

Độc giả Nguyên Ngôn gửi BVN: Kính mong được hỗ trợ truyền thông.

Chuyện hài xã hội chủ nghĩa

JB Nguyễn Hữu Vinh

Hề, Huyện Quỳnh Lưu nêu lý do rất… củ chuối.
Chẳng lẽ “chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh lo tập trung chống bão” thì không ai làm việc nữa à?
Ở đây, người ta chỉ vào làm việc với Tòa án huyện Kỳ Anh chứ đâu có làm việc với tất cả chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh?
Hay vì không chuẩn bị kịp Công an, cảnh sát và các loại “quần chúng tự phát tiền” để cùng đi kiện?

N.H.V.

Nguồn: FB JB Nguyễn Hữu Vinh

Phụ lục

Thời điểm để đứng lên hát lời công lý

Trò chuyện với ông Vũ Sinh Hiên về hiện tình Công giáo Việt Nam

Ông Vũ Sinh Hiên, một nhà chép sử và nghiên cứu Công giáo độc lập. Trước năm 1975, ông hoạt động trong Liên đoàn Sinh viên Công giáo / Đại học Sàigon, trong Phong trào Trí thức Công giáo – PAX  ROMANA -. Một năm trước khi chế độ VNCH thất thủ, ông là Ủy viên Tuyên truyền – Nghiên cứu – Huấn luyện của Ban chấp hành Trung ương Caritas Việt Nam.

Sau năm 1975, cùng hoàn cảnh với những người cùng thời với ông như Nguyễn Ngọc Lan, Linh mục Chân Tín… ông Vũ Sinh Hiên bị công an theo dõi và ngăn cản suốt trong một thời gian dài, do các hoạt động nghiên cứu, hội họp trong giới tín ngưỡng của ông. Sau đó, ông tập trung vào nghiên cứu và ghi chép những đề tài lớn về Công giáo và xã hội, trong đó có đề tài “Những vấn đề giữa Công giáo và Cộng sản”, xuyên suốt từ năm 1945 cho đến nay.

Nhân sự kiện hàng trăm ngư dân miền Trung nộp đơn đòi Formosa và Nhà nước Việt Nam bồi thường sau thảm họa môi trường biển, đặc biệt là từ cuộc biểu tình của gần 18.000 người đòi công ty Formosa phải ngừng hoạt động và dọn ra khỏi Việt Nam, ông Vũ Sinh Hiên đã cho biết thêm nhiều chi tiết đáng lưu ý, liên quan đến cột mốc dân quyền lịch sử này.

Đã có hai lần, mỗi lần hơn 600 gia đình ngư dân ở miền Trung nộp đơn, đòi Formosa và Nhà nước phải bồi thường. Như ông đã nhận định đây là một cột mốc lịch sử của người Công giáo hành động vì xã hội, Tổ quốc. Ông có nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ có một kết quả tốt?

Tôi muốn nhắc cho mọi người nhớ rằng, những gì đã diễn ra, chỉ có một lời giải, đó là chính quyền hiện nay đã quyết tâm che chắn cho Công ty Formosa. Họ sẽ làm mọi cách. Mọi thứ là trùng trùng lớp lớp ngăn chặn người dân tiến đến công lý. Công an đã chặn xe, đã làm khó người nộp đơn. Giờ thì họ sẽ nhân danh rằng Formosa đã sòng phẳng, đã giao 500 triệu đô-la, nên chính quyền sẽ tìm mọi cách bảo vệ công ty này. Và cách đối phó của họ – có thể đoán trước – là Formosa sẽ đẩy hết mọi trách nhiệm cho chính quyền, từ chối trả lời người dân.

Tự bản thân tôi, với những điều đã ghi nhận từ các bài bản đối phó của nhà nước cộng sản, tôi tin vụ kiện này có giá trị khởi đầu nhưng khó có được kết quả về sau. Nhưng quan trọng hơn hết, việc nộp đơn kiện là một hành động đẹp. Đẹp cho xã hội, đẹp cho dân tộc.

Điểm quan trọng mà bất kỳ ai cũng có thể thấy được, là tính đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau giữa người công giáo và lương giáo. Ví dụ cụ thể nhất là cuộc biều tình ngày 2/10/2106 tại Kỳ Anh, được ước tính là có đến 18.000 người tham gia vừa qua. Dù chủ trương hoàn toàn vì công lý và minh bạch, nhưng liệu điều này có khiến phía chính quyền đáp trả từ sự lo ngại không?

Chắc chắn là họ lo ngại. Hiện nay, thống kê khá chính xác cho biết Công giáo thật sự chỉ có khoảng 6-7 triệu tín đồ, nhưng đó là một lực lượng không dễ xé nhỏ, bẻ gãy. Người Công giáo lúc này không còn dễ đàn áp.

Hãy nhớ lại những chuỗi sự kiện mà người Công giáo đã trải qua và dần dần có kinh nghiệm thì sau các biến động ở Giáo xứ Thái Hà, tòa Khâm Sứ Hà Nội,  thì các nơi đang đối đầu với những sự sách nhiễu như Dòng Phao Lô Hà Nội, Mến Thánh Giá Dòng Thủ Thiêm… đã có đủ kinh nghiệm để phản ứng mạnh mẽ. Đặc biệt là Dòng MTG Thủ Thiêm, vốn đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền quận 2, đã có được bài học về việc chính quyền giải tỏa chùa Liên Trì.  Mọi thứ sẽ rất phức tạp nếu chính quyền chạm tay vào khu vực ấy.

Tôi nghĩ những hành động vừa rồi của người Công giáo Kỳ Anh nói riêng, và người Công giáo Việt Nam nói chung là điều nên làm, cần làm. Nếu vào lúc này người Công giáo không hợp lực và hành động thì sẽ không có ai dấn thân cho người dân đang bị nạn ở miền Trung. Hãy nhìn từ sự kiện chùa Liên Trì sẽ thấy, đó là phần cô độc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong bối cảnh hôm nay. Lợi dụng điều đó mà chính quyền đã tàn phá ngôi chùa.

Trong các ghi ghép của tôi về việc giao tiếp của người Công giáo và chế độ Cộng sản, thì từ 1945 đến nay, lần đầu tiên người Công giáo đoàn kết và cùng đứng lên mạnh mẽ như vậy. Người Công giáo đã nhẫn nhịn để có những cuộc diễn tập qua các vụ ở Thái Hà, Tòa Khâm sứ… Tuy vui mừng nhưng tôi vẫn lo ngại, vì đảng Cộng sản đã chọn phía đứng che chắn cho Công ty Formosa nên kết cục khó lường, thậm chí người dân có thể sẽ phải trải qua những bách hại.

Thưa, ông vừa nói về sự đoàn kết là sức mạnh. Xin được hỏi ông rằng lịch sử của những người Công giáo đi cùng tiếng nói của nhân dân từ năm 1975 đến nay, vẫn có những trường hợp dường như rất cô đơn ngay trong chính Giáo hội của mình. Chẳng hạn như trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế, Linh mục cha Ngô Quang Kiệt ở Hà Nội… Vậy thì các hoạt động vừa rồi của Linh mục Đặng Hữu Nam hay Linh mục Trần Đình Lai, thậm chí là với Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, đó là hành động tự phát hay đã có sự đồng thuận của Hội đồng Giám mục Việt Nam?

Tôi biết ở Giáo phận Vinh, chẳng hạn Linh mục Đặng Hữu Nam, thì nhận được sự đồng thuận. Tin tức từ Vinh cho tôi biết, Giáo phận có cả một bộ phận đặc trách nghiên cứu về các vấn đề pháp luật, xã hội, hướng lý… luôn gắn kết với Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp.

Nhưng cô đơn là một ý nghĩa chính xác. Vì Giáo phận Vinh cô đơn ngay trong Giáo hội Việt Nam. Hoạt động của Công giáo ở Việt Nam có những điểm đặc biệt: mỗi Giáo phận đều hoạt động biệt lập và chỉ trực thuộc Vatican. Và đôi khi một Giáo phận có hoạt động khác biệt thì thường chỉ nhận được sự im lặng từ các Giáo phận khác. Có chăng thì có một vài tiếng nói của Linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế, Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, và có một vài tiếng nói của các vị đã nghỉ hưu như Tổng Giám mục Hoàng Đức Oanh… Mà với kinh nghiệm của mình, thì tôi lo ngại rằng ngay trong Giáo hội cũng đã không có sự đồng thuận. Và tôi sợ rằng ngay trong hàng Giám mục của người Công giáo cũng không có nhiều những người can đảm.

Vậy thì rõ là trong Giáo hội cũng không thống nhất được về việc sống và đứng cùng hoạn nạn của nhân dân. Nhưng trong những ghi nhận của ông, thì loạt hành động vừa rồi của những Giáo dân miền Trung, Giáo phận Vinh có cô đơn trong chính những tín hữu Công giáo của mình hay không?

Tôi cũng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về điều này, và nhận ra rằng Giáo dân cả nước thì đồng thuận với những gì diễn ra ở Kỳ Anh, ở Giáo phận Vinh. Nhưng với hàng Giáo phẩm nói chung từ Bắc chí Nam thì tôi không chắc. Vì hiện ngay cả với một vị Tổng Giám mục ở Sài Gòn cũng là một người thích đi hàng hai, thích có địa vị về tín ngưỡng, nhưng cũng thích ve vuốt chính quyền. Đó là chưa nói đến nhiều Linh mục vậy. Chính vì vậy mà tôi vừa kính trọng, vừa lo lắng cho những Linh mục đang dấn thân cho con chiên của mình, cho nhân dân như Linh mục Đặng Hữu Nam, Linh mục Trần Đình Lai… vì họ cô đơn trên con đường của mình.

Công giáo đã từng rất cô đơn khi chính quyền Cộng sản cho ngang nhiên hạ thánh giá ở miền Bắc, một Giám mục ở phía Nam đã quay lưng, nói rằng “chuyện của Giáo phận nào thì Giáo phận ấy tự lo”. Hoặc ngay trong lúc cả nước, người Công giáo cùng toàn dân xuống đường phản đối ô nhiễm môi trường, cá chết và biển chết, thì cũng có một Tổng Giám mục từng lạnh lùng tuyên bố rằng “không nên đi biểu tình làm cản trở lưu thông”.

Cũng như những điểm yếu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng có những điều ngặt nghèo tương tự như vậy.

Vậy thì, nếu như công việc đứng cùng nhân dân của giáo phận Vinh gặp khó khăn, Hội đồng Giám mục Việt Nam có khả năng sẽ làm ngơ?

Tôi không nghĩ đến lúc Giáo phận Vinh gặp khó, mà ngay lúc này, người Công giáo Việt Nam đang chờ nghe tiếng nói của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Là một người Công giáo, tôi cũng chờ tiếng nói của Hội đồng Giám mục Việt Nam đứng về phía lẽ phải, về phía công lý và con người Việt Nam.

Lúc này là lúc mà Hội đồng Giám mục Việt Nam cần chứng minh sự đoàn kết và tương ái của người Công giáo với nhau, của người Công giáo với dân tộc mình. Chúng tôi cần một tiếng nói đồng thuận và lời kêu gọi cầu nguyện cho giáo phận Vinh – nơi đó, đồng bào mình và dân tộc mình đang chấp nhận nguy khó để đến lẽ phải và tình thương.

Nhưng có lẽ, điều mà tôi cũng như nhiều giáo dân khác hy vọng, sẽ có thể từ Tân Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa mới được bầu tại Hội nghị lần thứ XIII của HĐGMVN họp tại TP.HCM từ ngày 3 đến 7 – 10 – 2016. Ban Thường Vụ mới của HĐGMVN sẽ gồm các Giám mục:
Chủ tịch: Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, GM Giáo phận Thanh Hóa
Phó Chủ tịch: Đức Giám mục Giuse Nguyễn Năng, GM Giáo phận Phát Diệm
Tổng Thư ký: Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, GM Giáo phận Mỹ Tho
Phó Tổng Thư ký: Đức Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, GM Giáo phận Hải Phòng

Ba trong bốn vị Giám mục trong Ban Thường vụ mới này đang coi sóc các Giáo phận miền Bắc. Hai Đức Cha Chủ tịch và Phó Chủ tịch đều đã long đong lận đận kể từ sau năm 1975 mới được lãnh sứ vụ Linh mục, rồi Giám mục. Đức cha Phó Tổng Thư ký trẻ trung coi sóc Giáo phận Hải Phòng thì ngay những năm tháng đầu của đời tận hiến của ngài, cũng đã từng chứng kiến những đắng cay của vị Giám mục tiền nhiệm Khuất Văn Tạo và của Cây Đại Thụ Phạm Hân Quynh

Tôi biết rất nhiều Linh mục muốn hành động với con tim chân chính của mình, nhưng họ bị trói buộc bởi những luật lệ và nguyên tắc. Mà một trong những trói buộc đáng sợ là những hàng Giáo phẩm thích sống và chìu chuộng nhà nước thế quyền để tận hưởng vị trí của mình. Nhưng tôi tin là sự kiện ở Vinh sẽ tạo nên một làn sóng thức tỉnh. Thức tỉnh không chỉ với người dân nói chung, mà còn với những người chăn chiên ngủ quên nói riêng. Không có gì hơn lúc này, đây là thời điểm để đứng lên hát lời công lý.

Tuấn Khanh (ghi)

Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/3485

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.