Tương Lai
Đã từng có một ý tưởng đẹp “cần có một khoa học chính trị mới mẻ cho một thế giới hoàn toàn mới” của A. Tocqueville tác giả của “Nền dân trị Mỹ”, tác phẩm được xem là kinh điển, một khảo luận về hệ thống chính trị của Hoa Kỳ. Ấy thế mà khi màn hình tivi ngập tràn hình ảnh của Trump và Hillary trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ với triệu triệu, có khi hàng tỷ ngưởi chưa biết chừng, đã dán mắt vào đó, thì một ý nghĩ lại ám ảnh trong suy tư lẩn thẩn của tôi về sự bẩn thỉu của chính trị.
Chắc cũng chẳng phải như điều mà cụ Lenin cho rằng “Chẳng liều lượng ngôn từ vung vãi về tự do chính trị nào là đủ để thỏa mãn đám đông đói khát”. Cái đám đông ấy, nhất là đám đông ở xứ sở của một thời được tung hô là “lương tâm của thời đại” này thì đã bão hòa với sự vung vãi của ngôn từ chính trị được nhét vào đầu bởi mọi cái loa tuyên truyền được gán cho sứ mệnh giáo huấn luôn mở hết công suất. “Mênh mông thế sự” lần trước đã nói đến chuyện “ăn nghị quyết”, và “ngồm ngoàm nhai cái bánh vẽ” đến phát nôn ọe ra vẫn cứ phải nhai, xin không nhắc lại nữa.
Cả vú lấp miệng em
Chẳng cần đến hình tượng nghệ thuật, chẳng cần đến ngôn ngữ thi ca để chuyển tải những biểu cảm. Kia kìa, nhân danh những cái gì cao cả nhất, những giá trị thiêng liêng nhất người ta gầm ghè ăn miếng trả miếng tắp lự để được ghi âm, chụp hình truyền khắp thế giới cách hai đối thủ văng vào mặt nhau những điều xấu xa bẩn thỉu của nhau. Thôi thì chuyện riêng tư, chuyện khả ố tục tĩu, chuyện gì cần cho việc hạ bệ đối phương đều được tung hê ra cả. Người Mỹ phát điên vì phải nghe họ tranh luận. Theo một khảo sát mới được Hiệp hội Tâm lý Mỹ công bố, hơn một nửa dân Mỹ – ở cả hai phía Cộng hòa và Dân chủ – nói rằng cuộc bầu cử Tổng thống 2016 là nguyên nhân chính khiến họ bị stress!
Hãy chỉ nói về Trump, người đang bị chỉ trích gay gắt bởi chính những nhân vật có thế lực lớn của Đảng Cộng hòa, đảng chọn ông ta vào cương vị tổng thống. Họ xem là đáng hổ thẹn về một người như Trump lại có thể trở thành người lãnh đạo đất nước. Cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice đòi ông Trump rút khỏi cuộc đua giành chức tổng thống Mỹ: “Quá đủ rồi! Donald Trump không nên làm tổng thống”, Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cảm thấy ”ghê tởm” trước những lời lẽ của Trump, còn nguyên ứng cử viên tổng thống Mitt Romney thì phẫn nộ vì Trump “đã làm xấu mặt nước Mỹ trước thế giới”.
Không chỉ thế Trump còn bị Zeid Raad al-Hussein, Cao ủy Liên Hiệp Quốc, coi là người đem lại “nguy hiểm cho thế giới”, còn Robert Shiller, giáo sư trường Đại học Yale – người được Giải Nobel Kinh tế, là đồng tác giả cuốn “Các thị trường lừa đảo” với một giải Nobel Kinh tế khác là George Akerlof, nói về nền kinh tế của lừa dối và lũng đoạn – thì khi trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp Les Echos ngày 26/09/2016 đã vạch rõ “Chưa hề có kẻ lừa đảo nào như Trump”!
Ấy thế mà vẫn có dự đoán rằng Trump đang được lòng một số không nhỏ cử tri để trở thành tổng thống Mỹ! Tại sao có nghịch lý đó?
Nhà bình luận Martin Wolf trên Financial Times đã tự hỏi, và cho rằng khi dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản toàn cầu dường như không còn hòa hợp với nhau, thậm chí còn mâu thuẫn lẫn nhau – đối với một số người ngày càng đông – thì điều gì sẽ diễn ra? Bất bình đẳng tăng lên, một mặt do sự yếu đi của giai cấp trung lưu, mặt khác do sự chia rẽ tả-hữu truyền thống không còn rõ nét, mang lại hậu quả là cực hữu cũng như cực tả mạnh lên rất nhiều, cả hai bên bờ Đại Tây Dương. “Dù sao đi nữa, chúng tôi không chờ đợi gì ở quý vị”, đó là ý nghĩ của nhiều cử tri Mỹ! “Các vị đã nói dối quá nhiều, làm thất vọng quá nhiều…”.
Trong bối cảnh như thế, tất cả đều trở nên có thể, kể cả điều bất khả. Nhất là khi ứng cử viên của sự hợp lý lại là một phụ nữ có vẻ “mỏng manh” và ít được yêu mến. Vừa rồi hàng mấy chục triệu cử tri Mỹ theo dõi chương trình tranh luận trên truyền hình với sự thích thú của một công dân La Mã trước hai nhà giác đấu bước vào đấu trường. Ấy vậy mà chúng ta không phải đang trong đấu trường La Mã, mà chính tương lai của nền dân chủ đang bị đặt cược, Martin Wolf trên Financial Times kết luận!
Thực ra, đâu phải chỉ bây giờ người ta mới tởm lợm về sự nói dối và sự lừa bịp của các chính khách. Từ thế kỷ trước, Albert Camus, nhà văn, và là triết gia người Pháp từng viết: “Mỗi lần tôi nghe một bài phát biểu chính trị hay đọc từ các lãnh đạo của chúng ta, tôi cảm thấy kinh khủng vì mình đã hàng năm trời không nghe được thứ gì na ná con người. Vẫn luôn là cũng những từ ngữ đó nói cùng những những lời dối trá đó. Và sự thật là người ta chấp nhận điều này, rằng sự giận dữ của nhân dân không hề hủy diệt những thằng hề rỗng tuếch đó”! Ấy vậy mà lá phiếu cử tri bầu lên Tổng thống Mỹ lại từ tay những người dân đang giận dữ ấy chứ nào ai khác.
Liệu có là một nghịch lý? Dù sao thì những gì đang diễn ra ở nước Mỹ hôm nay cũng còn có thể an ủi, đó là những điều này đang diễn ra công khai.
Mọi người đều được chứng kiến và có quyền được biểu tỏ thái độ, hoặc phẫn nộ hoặc đồng tình, có thể vỗ tay tán thưởng mà cũng có thể tởm lợm phỉ nhổ. Và rồi cái cơ chế phản biện của những lực lượng đối lập trong một xã hội dân chủ vận hành theo guồng máy pháp quyền với tam quyền phân lập đang vận dụng thành tựu của nền văn minh mà loài người đạt được (chứ không lú lẫn và ngu xuẩn vứt bỏ nó) với tập quán thượng tôn hiến pháp và pháp luật có khả năng điều chỉnh và tự điều chỉnh vì lợi ích sống còn của đất nước.
Cái khả năng đó được phát huy ra sao và đến đâu trong nền dân chủ của nước Mỹ đương nhiên tùy thuộc vào nhiều tương tác phức hợp khác, nhưng dù sao thì, như nhận định của Thủ tướng Churchill nổi tiếng một thời: “Nền dân chủ là một thể chế tồi, nhưng trong lịch sử nhân loại không có thể chế nào tốt hơn”. Đây cũng là điều mà nhà tư tưởng người Pháp A. Tocqueville vừa nhắc ở trên đã dự báo từ hơn một trăm năm mươi năm trước.
Làm sao để có được một khoa học như khát vọng của Tocqueville khi mà quyền lực luôn nuôi dưỡng trong nó sự tha hóa, sự tham nhũng? Cùng thời với ông, nhà sử học Lord Acton đã đúc kết thành nguyên lý: “Không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối”. (“Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely” – từ “corrupt” có người dịch là tha hóa, cũng có người dịch là tham nhũng).
Chính cái “tuyệt đối” này làm cho sự bẩn thỉu của chính trị mang một sắc thái gớm ghiếc và tuyệt vọng hơn nhiều tại những quốc gia đang nghẹt thở bởi chế độ toàn trị độc đảng. Hãy lấy Trung Quốc của Tập Cận Bình làm ví dụ.
Trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình đang tiến hành, “Tân Tứ nhân bang” Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch vừa bị hạ gục, kịch bản này gợi lên cảm tưởng rằng lịch sử nước Tàu Xã Hội Chủ Nghĩa được lặp lại! Xin chen vào đây một phân tích của Lord Acton khi chỉ ra “quyền lực chính trị là cội nguồn của cái ác, vô phương cứu chữa” để nhấn mạnh rằng với ông, chủ nghĩa xã hội “là kẻ thù tệ hại nhất mà tự do từng gặp từ trước đến nay”. Đã có nhiều tranh cãi về quyết đoán của nhà sử học cuối thế kỷ 19, song điều có thể đoan chắc là sự tiên tri ấy tuyệt đối chuẩn xác với cái chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc của Tập hiện nay và cũng là nhánh phái sinh của nó là cái xã hội chủ nghĩa mà Nguyễn Phú Trọng đang hô hào phải kiên quyết giữ vững trong diễn văn tại Hội nghị Trung ương 4 vừa diễn ra!
Thì đó, chắc chưa mấy ai quên “bè lũ bốn tên” thời Mao với Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên. Nhóm “tứ nhân bang” được Mao cho ra đời để khởi động và điều hành cuộc “đại cách mạng văn hóa vô sản” nhằm loại bỏ những người mà Mao cho là đối thủ chính trị của mình như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Bành Chân cùng với hàng loạt người khác trong cuộc thanh trừng thảm khốc nhất những “đồng chí” vốn là chiến hữu thân cận của mình.
Lúc đầu Lâm Bưu cũng là lá cờ đầu được Mao sử dụng trong cuộc “đại cách mạng” này nhưng sau đó “kẻ âm mưu, kẻ dã tâm” lại mưu toan giết Mao rồi kế hoạch bại lộ đã chết trên đường tẩu thoát. Chỉ mấy tháng sau khi Mao chết, kết thúc cuộc đời của một bạo chúa mà thành tích giết người còn lớn hơn của Hitler và Stalin cộng lại, nhóm “tứ nhân bang” này bị bắt và bị kết tội năm 1976, kết thúc cuộc “đại cách mạng văn hóa vô sản”, vết nhơ khủng khiếp trong lịch sử với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ấy vậy mà, hơn ai hết chính Tập Cân Bình, từng là nạn nhân của Mao trong cách mạng văn hóa, vì mục tiêu chính trị của mình, lại đang là người ra sức làm sống lại chủ nghĩa Mao. Tập đã ra lệnh cho các quan chức Đảng “mãi mãi giương cao ngọn cờ Tư tưởng Mao Trạch Đông”. Theo phân tích của Trương Hoành Lương, giáo sư đại học, một trong những nhà lãnh đạo nổi bật nhất của phong trào “tân Mao”, thì “Tập một lần nữa lại biến tư tưởng Mao Trạch Đông thành một vấn đề có tầm quan trọng cơ bản”.
Sau việc hạ gục nhóm “tứ nhân bang” mới, điều cấp bách nhất không thể trì hoãn của Tập là cần phải mau chóng điều tra rõ tất cả các mối họa ngầm trong chính trị. Mối đe dọa đầu tiên trong việc nắm quyền trị nước trong tương lai, vẫn là đến từ những “kẻ âm mưu, kẻ dã tâm” chưa bị bắt. Ngày 14/1, trong thông báo của Hội nghị Ban Kỷ luật Trung ương lần 6 đã nói rõ, xét xử Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch là “tiêu trừ ẩn họa chính trị to lớn trong Đảng”. Các giới quan sát bên ngoài cho rằng đây là chỉ hướng về vấn đề đảo chính của “tân Tứ nhân bang”. Mãi bốn tháng sau, ngày 3/5/2016, mới công bố bài phát biểu của Tập trong Hội nghị nói trên để vạch rõ rằng trong đảng còn có “kẻ dã tâm, kẻ âm mưu” vì vậy cần “diệt cỏ tận gốc”. Giới quan sát bên ngoài cho rằng, chọn thời gian công bố, chính là nhắm vào những “kẻ dã tâm, kẻ âm mưu” lớn hơn còn chưa bị bắt giữ nói trên.
Xem ra, sự bẩn thỉu của chính trị đã được lột truồng ra, chẳng cần che đậy gì nữa!
Chỉ có điều, trong quá khứ các quan chức cấp cao với cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản, thì thông thường đối với bên đã bị đánh gục đều áp dụng thủ đoạn đả kích chính trị để xử lý. Hiện nay thì khác, dùng phương cách xử lý với cái vỏ bọc phi chính trị hóa bằng việc đấu tranh chống tham nhũng. Lấy cái đó làm mục tiêu trọng điểm, nhưng trong quá trình xét xử đối với các vụ án tham nhũng lại không vận dụng mức hình phạt theo khuôn khổ pháp luật đơn thuần.
Theo một Tập san mới nhất của trang web “Nội Tình” có đăng tải bài phân tích thì, bản thân vụ án vừa xử là nhân tố châm ngòi chính trị, vậy nên phải theo cách xử lý quy tắc ngầm trong chính trị. Còn theo giới truyền thông Trung Quốc thì Tập chỉ rõ Hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 6 sẽ được triển khai từ ngày 24/10 đến ngày 27/10, chủ yếu nhằm nghiên cứu “nghiêm khắc chỉnh đốn Đảng” toàn diện và quy định “một số chuẩn tắc sinh hoạt chính trị” trong Đảng, chỉnh lý “điều lệ giám sát” trong Đảng mà Tập Cận Bình đề ra.
Chao ôi, có phải thần hồn nát thần tính không, mà nghe những lời trên cứ hao hao âm vang chất giọng đều đều gây buồn ngủ của ngài Tổng Bí Thư Trọng trong buổi khai mạc Hội nghị Trung ương 4 tại Hà Nội ngày 8.10. 2016 và ngày bế mạc vừa được diện kiến trên tivi.
Chính cái chất giọng đều đều ấy cứ như gợi y chang những “nghiêm khắc chỉnh đốn Đảng”, rồi “một số chuẩn tắc sinh hoạt chính trị” trong Đảng, rồi chỉnh lý “điều lệ giám sát” trong Đảng của ngài Tập ở chốn “thiên triều” xa xôi mà gần gũi với chất giọng kia. Của đáng tội, chúng hệt như tiếng vọng đều đều từ lớp học với lời giảng của ông giáo làng khiến lũ học trò nhỏ lim dim gật gù cố triển hết gân sức chống lại cơn buồn ngủ. Chỉ có điều Tập có sức và đủ mưu lược để vồ được hổ, dù chưa kịp lột da làm đệm và róc xương nấu cao để bồi bổ gân cốt cho cuộc chiến cam go phía trước. Nhưng kẻ theo chân Tập thì chỉ dựa vào mấy chương hồi trong Tam tự kinh về lý thuyết xây dựng đảng để tập hợp lực lượng xông vào cuộc chiến nên chỉ chụp được mèo, mà con mèo định vồ đầu tiên thì nó lại vọt mất.
Liệu George Bernard Shaw có nói quá lên chăng khi ông ta viết rằng “Anh ta chẳng biết gì cả; và anh ta nghĩ mình biết mọi thứ. Điều đó rõ ràng chỉ đến một sự nghiệp chính trị”. Phải chăng kịch tác gia ưa trào lộng châm biếm, người duy nhất được nhận hai giải thưởng danh giá Nobel Văn học (năm 1925) và giải Oscar (năm 1938) ấy định giễu nhà chính trị và sự nghiệp chính trị của hắn ta chăng? Cứ cho là như thế đi, nhưng kết luận sau đây của Erich Fromm, nhà tâm lý học xã hội, một triết gia người Đức theo chủ nghĩa xã hội dân chủ thì đã nói khá rõ ràng (đâu thì không biết, chứ ở xứ ta thì ngày ngày vẫn thấy chường mặt ra trước bàn dân thiên hạ cái): “Người tầm thường mà nắm quyền lực phi thường mới là mối nguy hiểm chính cho nhân loại chứ không phải là kẻ ác ôn hay tàn bạo”.
Thế giới thì còn miên man, nhưng Việt Nam tính từ các đời Tổng Bí thư khởi đầu với Nguyễn Văn Linh trở đi, đặc biệt là trong ngót thập kỷ dưới trào Tổng Mạnh rồi Tổng Trọng, thì sự ê chệ này ngày ngày đập vào mắt mọi người. Một bà bán rau hay một bác xe ôm trên đường phố cũng có thể nói ra vanh vách, chẳng đợi phải một quan chức từng ngồi trên cái ghế cao Ban Tuyên giáo mới hạ phóng nói ra cái chân lý ai cũng tỏ tường: “Khi lòng tin không còn thì sẽ mất tất cả”. Thì chẳng phải đã quá nhiều những tiếng nói tâm huyết đưa ra lời cảnh báo ấy được viết ra hoặc nói to lên hay gửi trực tiếp đến những người đang cầm quyền, kể cả Tổng Bí thư, nhưng đều bị bỏ ngoài tai!
Đàn gảy tai trâu
Chính vì vậy, khi một vị từng đảm trách sứ mệnh “giáo huấn” thần dân đặt ra câu hỏi rồi tự trả lời: “Vậy thủ phạm chính ở đâu? Đáng lưu ý nhất là sự tha hóa quyền lực. Đó là nguyên nhân chính yếu gây nên mọi hư hỏng” thì quả là một chỉ báo mới đáng lưu tâm. Không chỉ dừng lại đó, vị quan chức nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương còn chỉ ra cái luận điệu khủng khiếp từng được Nguyễn Phú Trọng rao giảng và tay chân thân tín nhất của ngài ngày ngày mở cái loa rè Tuyên giáo mà rót vào tai, nhét vào đầu đám thần dân khốn khổ: “Chính trị là thống thoái, chính trị quy định văn hóa” để rồi ông Phó Ban kết luận một cách muộn mằn rằng đó “là một luận điểm rất sai lầm, phản khoa học”.
Không cần phải nằm trong chăn mới biết chăn có rận như ông Phó Ban, mọi người dân bị nhồi sọ đều biết về lũ rận từng tác oai tác quái này. Chẳng thế mà có lần ông Sáu Dân, người lãnh đạo có đôi mắt nhìn xa và một trái tim nhân ái đã chìa bài viết “Thảo phạt Ban Tuyên huấn” của Tiêu Quốc Tiêu cho mấy anh em chúng tôi và nói “Tại sao các anh lại không thể viết một cái gì tương tự để ngăn bớt đi sự lộng hành tệ hại của đám này ở ta?”.
Tiêu Quốc Tiêu là một học giả Trung Quốc, giáo sư khoa Báo chí Đại học Bắc Kinh. Vị học giả này quyết liệt lên án sự lộng quyền tệ hại của Ban Tuyên huấn Trung ương Trung Quốc mà theo ông: “Chỗ “thắt cổ chai” trên con đường phát triển văn minh của xã hội Trung Quốc là gì? – Là Ban Tuyên Huấn Trung ương (đại diện cho cả hệ thống tuyên huấn). Ai đã dung dưỡng bao che cho những phần tử hủ bại? Là Ban Tuyên Huấn Trung ương … Nói đúng ra thì Ban Tuyên Huấn Trung ương hiện tại chẳng khác gì Giáo hội La Mã hồi Trung cổ: Quyền lực đầy mình, độc ác và đẫm máu”. Thế rồi, cho dù đã quá muộn, song vào lúc này đây, những lời phạm húy của một quan chức Ban Tuyên giáo Trung ương vừa rời khỏi ghế đã xuất hiện được trên các trang báo chính thống là chỉ báo cho thấy cái quyền uy ma mị bịp bợm của cái thế lực từ lâu ngang nhiên đầu độc cả dân tộc đang bị bung ra từng mảng không sao vá víu được nữa rồi.
Đó cũng là chỉ báo về sự cáo chung của mọi lừa bịp chính trị là không thể cứu vãn.
Cái tình trạng “tự diễn biến” và “suy thoái” gây nên “hậu quả khôn lường” mà ông Tổng cảnh báo trong hội nghị Trung ương 4 vừa rồi cũng chính là cái này đây thưa ông! Cái hậu quả khôn lường chính là sự sụp đổ không sao tránh khỏi của cái thể chế được áp đặt bởi cái “chính trị là thống soái” tệ hại ấy.
Vần đề chỉ còn là bằng cách nào để sự sụp đổ ấy không gây thảm họa cho nhân dân nếu những đầu óc thức thời đang náu mình trong hệ thống quyền lực biết tìm hậu thuẫn từ sức mạnh của lòng phẫn nộ trong dân, trước hết là trong thế hệ trẻ mà sớm hành động để chọn được một giải pháp có lợi cho dân. Đó là một giải pháp chính trị tạo được bước đột phá đẩy đất nước đi tới, đưa dân tộc thoát khỏi sự trầm luân đã kéo quá dài.
Và nếu được như thế thì cái chính trị này sẽ là chính trị sạch sẽ.
Vậy thì chính trị là gì nhỉ?
Khi chưa thể có một “khoa học chính trị mới mẻ cho một thế giới hoàn toàn mới” thì không là cái gì khác để gọi cái chính trị từng được xem là thống soái ấy đang đè nặng lên số phận dân tộc là bẩn thỉu. Vậy mà nó là thống soái thật chứ không là hình nộm một ông tướng kết bằng rơm được cắm ngoài ruộng làm bù nhìn giữ dưa đâu.
Cái được phong là thống soái ấy đã và đang cầm cương nảy mực đưa đất nước tiến nhanh tiến mạnh trên con đường tụt hậu so với những nước từng cùng một điểm xuất phát về trình độ kinh tế và văn hóa như mình, để giờ đây muốn đuổi kịp họ thì phải mất 30 năm với giả thiết ngớ ngẩn là họ dừng lại chờ mình. Đấy là điều biết rồi, khổ lắm nói mãi xin không làm phiền độc giả phải nghe thêm nữa.
Ngày 15.10.2016
T. L.
Tác giả gửi BVN.