Quyết định 1880/QĐ-TTg và đỉnh cao “tam vô” của nghệ thuật thiền (*)

Nguyễn Thị Oanh

Cuộc biểu tình có số lượng tới hàng chục ngàn người tham gia ngay tại nhà máy Formosa Hà Tĩnh vào ngày CN 2/10 vừa qua, thêm một lần nữa đã cho thấy sự lúng túng, vụng về của Chính phủ trong việc xử lý “canh bạc Formosa” có thể phải trả một giá đắt như thế nào!

clip_image001

clip_image003

Mặc dù, như mọi lần, chính quyền vẫn cho đây là một cuộc biểu tình do “bị kích động, lôi kéo, lợi dụng” bởi các “thế lực thù địch” (như những nội dung thường được gán ghép cho các cuộc tụ tập đông người, kể cả những cuộc biểu tình vì môi trường để phản đối Formosa trước đây), lần này, không thể phủ nhận một nguyên nhân quan trọng dẫn đến cuộc xuống đường của bà con là phản ứng không đồng tình với Quyết định 1880/QĐ-TTg về “định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển” do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa ký ban hành ngày 29/9. Theo QĐ này, có 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường, gồm: 1- Khai thác hải sản; 2- Nuôi trồng thủy sản; 3- Sản xuất muối; 4- Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; 5- Dịch vụ hậu cần nghề cá; 6- Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; 7- Thu mua, tạm trữ thủy sản.

Tóm tắt những điểm chính về mức độ và phạm vi bồi thường trong QĐ 1880 như sau:

Với chủ tàu/thuyền không lắp máy bị thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 10,67 triệu đồng/tàu/tháng; tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 15,2 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên thiệt hại do giá thì định mức bồi thường là 37,48 triệu đồng/tàu/tháng…

Đối tượng lao động trên tàu/thuyền không lắp máy thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 3,69 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 5,96 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ; đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 7,65 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 8,79 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 50 CV đến dưới 90 CV thiệt hại do nằm bờ.

Thiệt hại nghề muối định mức bồi thường là 39,37 triệu đồng/ha/tháng. Thiệt hại nghề muối trả 1 lần. Người lao động bị mất thu nhập định mức bồi thường là 2,91 triệu đồng/người/tháng.

Quyết định cũng quy định cụ thể định mức bồi thường nuôi trồng thủy sản mặn, lợ.

Riêng đối với 3 đối tượng: Khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; nuôi trồng thủy sản (thủy sản chết) và sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.

Thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4/2016 đến hết tháng 9/2016.

Có vài vấn đề mà một người dân bình thường như tôi cũng không khỏi suy nghĩ về việc bồi thường theo QĐ này:

Thứ nhất, không hiểu căn cứ nào để Chính phủ đưa ra các mức bồi thường như trên và giới hạn phạm vi bồi thường trong 6 tháng? Một sự kiện đã phải thừa nhận là “thảm hoạ môi trường” với nguyên nhân được xác định chính xác là do sự xuất hiện của nhà máy luyện cán thép Formosa thì hậu quả về môi trường và dân sinh không thể được đo đếm một cách đơn giản bằng 6 tháng thu nhập bình quân của người dân như thế! Mà thật ra, cũng không rõ những số liệu ấy có đúng là mức thu nhập thực tế hiện nay của các “đối tượng thiệt hại” hay không? Ví dụ: Định mức bồi thường cho lao động mất thu nhập nghề muối theo QĐ này là 2,91 triệu đồng/tháng, tức chỉ tương đương mức lương tối thiểu vùng III mà Chính phủ đang dự kiến áp dụng cho năm 2017. Mà ai cũng biết rằng quy định lương tối thiểu chỉ để làm cơ sở thỏa thuận và trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động, chứ trên thực tế khó ai có thể sống được với cái khung lương tối thiểu đó! Mức bồi thường cho một trường hợp thất nghiệp và có khả năng mất việc làm vĩnh viễn mà chỉ tương đương tối đa bằng 6 tháng lương tối thiểu vùng III như vậy thì liệu có thỏa đáng hay không?

Phải nhìn nhận rằng những tổn thất do Formosa mang lại đối với mặt đất, mặt biển cũng như đời sống của người dân địa phương là rất lâu dài, bởi không dễ và cũng không thể khắc phục nếu Formosa vẫn tiếp tục hoạt động. Giá nào có thể trả lại môi trường cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản? Giá nào bù đắp được nỗi đau ly hương hoặc thất nghiệp của những người dân trên chính vùng đất vẫn nuôi sống họ từ bao đời nay bằng nguồn lợi của biển? Tại sao một kế hoạch bồi thường quan trọng như vậy không căn cứ trên thực tế để tiến hành các khảo sát, đánh giá chính xác về mức độ thiệt hại nhằm đạt được sự đồng thuận với dân, mà lại chỉ “Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính” một cách lạnh lùng như QĐ đã nêu? Hơn thế, sao lại “theo đề nghị của Bộ Tài chính” mà không phải là theo đề nghị của Bộ LĐ-TBXH, Bộ NN-PTNT hay một ý kiến liên ngành nào đó, nhằm đảm bảo kế hoạch bồi thường đạt hiệu quả tốt nhất về mặt dân sinh, tránh những suy luận tiêu cực từ các đối tượng được hưởng bồi thường?

Thứ hai, cần phải công khai truớc công luận và cập nhật kịp thời về tổng số tiền chi trả bồi thường cũng như những số liệu cụ thể liên quan đến các đối tượng nhận bồi thường. Sự mất mát lòng tin do tình trạng tham nhũng kinh niên đã làm người dân 4 tỉnh miền Trung cũng như trên cả nước tiếp tục nghi ngờ về tính nghiêm túc trong việc thực hiện chuyển tiền bồi thường của Formosa đến các đối tượng được hưởng bồi thường.

Và điều thứ ba, thật lòng, không hiểu tại sao Chính phủ lại nhận trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” trong vụ này để rồi phải đối mặt với những áp lực không nhỏ từ dân? Bài toán giải quyết khối u Formosa đã sai cách giải ngay từ đầu, khi Chính phủ tự ý thỏa thuận với Formosa để đồng ý nhận khoản bồi thường 500 triệu USD mà không rõ căn cứ. Và bây giờ, vẫn tiếp tục sai khi Chính phủ đứng ra nhận tiền đó thay cho dân rồi lại thực hiện chi trả bồi thường thay cho Formosa. Giờ đây, kẻ thủ ác hẳn đang xoa tay thở phào khi đã đẩy được hết mọi trách nhiệm về cho chính quyền VN để mặc nhiên xem đó là việc của người Việt tự giải quyết với nhau clip_image004

Cuối cùng, thêm một lần nữa, thật không biết bình luận gì thêm về sự im lặng đáng xấu hổ của hệ thống báo chí chính thống trong nước trước yêu cầu phản ánh kịp thời nguyện vọng của dân sau khi QĐ 1880 được ban hành! Không những thế, một bạn FB của tôi là Nhà giáo Pham Phuc Thinh mới đây còn gửi cho tôi xem ảnh chụp lại một bài viết trên báo Hà Tĩnh vào ngày 1/10 có tựa đề: “Ngư dân ven biển đồng tình với mức đền bù, hỗ trợ thiệt hại” (xem bài tại đây: baohatinh.vn/…/ngu-dan-ven-bien-dong-tinh-voi-mu…/121685.htm). Kèm theo bức ảnh này là một status của bạn với lời bình đại ý: Người viết bài này đã đạt đến đẳng cấp “tam vô” của nghệ thuật thiền, tức VÔ TRI, VÔ GIÁC và VÔ LƯƠNG.

clip_image006

Tôi muốn nói thêm: Không chỉ có người viết bài báo đó! Đã từ lâu, “nền báo chí cách mạng VN” quả đúng là đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật thiền, giống như bạn đã nhận xét!

N. T. O.

Nguồn: FB Nguyễn Thị Oanh

(*) Nhan đề của BVN.

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.