Phiên tòa vụ Đỗ Đăng Dư: Người “trốn” vào tòa kể chuyện

Nguyễn Tường Thụy

Ngày 22/9/2016, ngoài vụ án Ba Sàm, còn một vụ khác nữa cũng được dư luận rất quan tâm vì tính khuất tất của nó. Đó là vụ Vũ Văn Bình đánh chết Đỗ Đăng Dư cùng là can phạm trong trại tạm giam. Tuy nhiên, hầu hết đổ về phiên tòa Ba Sàm, chỉ có vài người đến 43 Hai Bà Trưng (HN) vì vụ Đỗ Đăng Dư, trong đó có anh Trương Văn Dũng. Một điều rất hiếm khi xảy ra, không biết bằng cách nào, anh lại “lẻn” được vào tòa và ngồi dự từ đầu đến cuối.

Vụ Đỗ Đăng Dư từng tốn khá nhiều tâm sức của giới báo chí, xung quanh vấn đề tại sao Dư chết dễ dàng như vậy, tại sao Dư bị đá vào đầu mà trên cơ thể lại có nhiều vết thương ở những chỗ khác? Tại sao Bình ở bên trái, lại có thể dùng gót chân với qua đánh được vào bên phải đầu Đỗ Đăng Dư? v.v…

Ai dung túng cho Bình và ngoài Bình ra còn ai nữa không, hoặc người khác đánh mà Bình phải đứng ra nhận tội? (câu hỏi nghi vấn này hướng vào công an trong trại giam). Những vấn đề không được Hội đồng xét xử tôn trọng như kết luận giám định chỉ có chữ ký của một giám định viên trong khi theo qui định thì phải có 2 chữ ký giám định viên mới hợp pháp. Hai nhân chứng quan trọng là hai can phạm chứng kiến vụ việc vắng mặt nhưng Hội đồng xét xử vẫn cứ bỏ qua, bất chấp yêu cầu của luật sư là hoãn phiên tòa, trả hồ sơ, điều tra lại làm rõ những nghi vấn.

 

Bà Đỗ Thị Mai mẹ Đỗ Đăng Dư viết trong đơn gửi Cao ủy Liên Hợp Quốc: “Cái chết của con trai tôi quá nhiều uẩn khúc, gia đình tôi không tin rằng con trai tôi bị bạn tù đánh chết”.

Các Luật sư cho rằng Bình đã phạm tội “Giết người” nhưng Hội đồng xét xử kết án Bình theo tội “cố ý gây thương tích”. Cuối cùng thì mình Vũ Văn Bình chịu tội với bản án quá nhẹ là 10 năm tù.

Bà Đỗ Thị Mai đau đớn khóc tại phiên tòa. Luật sư Lê Văn Luân nói, tôi cũng cảm thấy đau xót khi chỉ vì hai triệu thôi mà xảy ra sự việc như vậy, với những vết thương bị đánh đến như vậy. Mạng người không thể rẻ như vậy được.

Anh Trương Văn Dũng là người quan tâm đến nạn nhân Đỗ Đăng Dư ngay từ khi Dư đang được cấp cứu trong bệnh viện. Anh bám sát sự kiện đưa tin kịp thời, an ủi, tư vấn cho gia đình. Chính vì vậy, trong buổi đến thăm gia đình Đỗ Đăng Dư ngày 16/10/2015, anh bị chúng nhận mặt đánh trả thù. Cùng với việc hai Luật sư Lê Văn Luân và Trần Thu Nam bị đánh sau đó (ngày 3/11/2015) cũng tại đất Chương Mỹ, ta có thể hiểu được kẻ nào, thế lực nào bố trí trả thù anh Dũng và dằn mặt Luật sư?

Như đã nói, anh Trương Văn Dũng đã có mặt từ đầu đến cuối phiên tòa. Xin giới thiệu clip anh kể về những gì anh chứng kiến tại phiên tòa này:

clip_image001

Anh Trương Văn Dũng kể về phiên tòa sơ thẩm vụ án Đỗ Đăng Dư

youtube.com: https://www.youtube.com/watch?v=QSxBcMVrgr4

N.T.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tường Thụy

Đọc thêm:

1. Nền tố tụng này sẽ trôi về đâu

LS Lê Văn Luân

Án sơ thẩm vụ “Cố ý gây thương tích” Vũ Văn Bình – Đỗ Đăng Dư, Viện và Tòa không tranh luận, dù giám định pháp y trái luật (phải gồm 2 giám định viên nhưng trong vụ này chỉ có một), dù các cơ chế tạo nên vết thương và tình trạng thương tích chưa hề được làm rõ và với biên bản thực nghiệm hiện trường chứng tỏ rằng một mình Bình không thể gây ra cú đánh làm chết người đó. Phiên toà thiếu 2 nhân chứng trực tiếp rất quan trọng, là bạn cùng giam với Bình và Dư, vắng người quản giáo hôm xảy ra sự việc. Các lời khai mâu thuẫn liên tiếp nhau, từ Bình đến quản giáo, còn hai nhân chứng có lời khai ban đầu rất phù hợp các tình tiết của vụ án (hôm nay vắng mặt) nhưng không được sử dụng và có xu hướng thay đổi ngược lại ngay sau lần lấy lời khai đầu tiên (vì lúc này vẫn bị giam ở trại tạm giam số 3, nơi xảy ra vụ án nghiêm trọng này).

Tòa vẫn bất chấp các đề nghị của Luật sư, tuyên Vũ Văn Bình 10 năm tù giam, bồi thường 82 triệu, không khởi tố vụ án “ra quyết định trái pháp luật” đối với cơ quan tố tụng huyện Chương Mỹ vì đã bắt giam trái luật vị thành niên về tội ít nghiêm trọng (trộm cắp 2 triệu đồng).

Tôi không thể hiểu nổi nền tố tụng này sẽ trôi về đâu và đứng trước phận người thì nó mong manh đến thế nào.

clip_image003

clip_image004

L.V.L.

Nguồn: FB Luân Lê

2. Vụ Đỗ Đăng Dư: 10 năm tù cho bị cáo

Bị cáo Vũ Văn Bình bị kết án 10 năm tù và bồi thường 82 triệu cho nạn nhân Đỗ Đăng Dư bị tử vong khi bị tạm giam.

Hôm 22/9, Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử vụ án thiếu niên Đỗ Đăng Dư bị chết trong trại giam.

Bị cáo Vũ Văn Bình, sinh năm 1998, bị đưa ra xét xử với tội cố ý gây thương tích.

Vũ Văn Bình, được mô tả trong cáo trạng là người cùng buồng giam với thiếu niên Đỗ Đăng Dư, đang bị điều tra tội giết người, và là người “”dùng gót chân trái nện 3 cái liên tiếp vào đầu” Dư trước khi thiếu niên thiệt mạng.

Luật sư Lê Văn Luân, người tham gia bảo vệ cho người bị hại Đỗ Đăng Dư nói với BBC sau phiên xử: “Tôi đã bóc tách rất kỹ cơ chế tạo ra vết thương. Vết thương gây ra chết người trong bản giám định ở bên phải. Thực nghiệm điều tra cũng cho thấy Bình ở bên trái, vết thương ở bên phải đầu thành ra vết thương đó không thể do một người đứng bên trái với qua đánh bên phải.

Ông Luân mô tả những điểm được cho là không hợp l‎y trong hồ sơ vụ án.

“Khi Đỗ Đăng Dư được đưa vào bệnh viện là những vết sưng nề bầm tím, nghĩa là vết thương vừa xảy ra chứ không phải là vết thương vì ngã nhiều ngày trước.

“Trong khi đó chính bị cáo cùng hai nhân chứng nói là Đỗ Đăng Dư sinh hoạt bình thường sau những lần bị ngã trong buồng giam. Vậy nghĩa là không thể những vết thương đó sau nhiều ngày vẫn còn được, phải là vết thương mới tạo lập vào ngày hôm đó mới sưng phù nề như vậy”.

clip_image005

Mẹ em Đỗ Đăng Dư khóc khi biết con thiệt mạng trong trại tạim giam

Đỗ Đăng Dư, sinh năm 1998, bị tử vong tháng 10 năm 2015 sau hơn hai tháng bị tạm giam trại tạm giam số 3 Công an thành phố Hà Nội.

Trong lá đơn gửi Cao ủy Liên Hiệp Quốc năm 2015, mẹ Đỗ Đăng Dư, bà Đỗ Thị Mai viết: “Cái chết của con trai tôi quá nhiều uẩn khúc, gia đình tôi không tin rằng con trai tôi bị bạn tù đánh chết”.

Trên báo Vietnamnet tại Việt Nam sáng ngày 22/9 trích cáo trạng nói Đỗ Đăng Dư bị người chung buồng giam “tát liên tiếp” vì “rửa bát bẩn”.

“Ít phút sau, Dư kêu đau bụng, nôn ra thức ăn… Cùng lúc đó, cán bộ quản giáo Nguyễn Mạnh Cường phát hiện thấy sự việc đã cùng mọi người đưa Dư xuống bệnh xá cấp cứu, đồng thời báo cáo Ban giám thị Trại tạm giam”, tờ Vietnamnet trích cáo trạng.

Luật sư Lê Văn Luân, Ngô Ngọc Trai và Trần Thu Nam tham gia phiên tòa bảo vệ bị hại là thiếu niên Đỗ Đăng Dư đã thiệt mạng.

Tuy nhiên, hai nhân chứng là bạn cùng phòng giam với Dư và Bình lại vắng mặt.

Ông Luân nói: “Những nhân chứng trực tiếp trong vụ án nghiêm trọng thế này bắt buộc phải có mặt. Nhưng thường Viện Kiểm sát hoặc hội đồng xét xử thường lập luận là những người vắng mặt vì các nhân chứng đã có lời khai tại cơ quan điều tra, và sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến buổi xét xử đó.

“Đó là điều rất nguy hiểm. Lời khai hoàn toàn có thể thay đổi. Hôm trước khai khác, hôm nay khai khác, hoặc ra phiên tòa họ nói họ bị ép cung từ trước, thì ra phiên tòa họ có cơ hội thay đổi lời khai.”

“Nền tư pháp của Việt Nam hay dựa vào hồ sơ có sẵn của cơ quan điều tra viện kiểm sát xây dựng sẵn”, ông Luân bình luận và nêu ra một số điểm mà ông cho là đáng chú ý.

“Hai nhân chứng trực tiếp tại buồng giam có lời khai rất hợp với Vũ Văn Bình ngày đầu tiên theo điều tra của công an Hà Nội là do được quản giáo phân làm trưởng buồng. Ba lời khai đều giống nhau ngay tại thời điểm đầu tiên xảy ra vụ án. Xong những lời khai này lại bị thay đổi vào ngay ngày hôm sau,” ông Luân cho biết.

‘Ra quyết định trái luật’?

Đỗ Đăng Dư bị bắt tạm giam vì bị tình nghi trộm cắp hai triệu đồng.

“Trong bút lục hồ sơ thể hiện cơ quan tố tụng huyện Chương Mỹ gồm có cơ quan cảnh sát điều tra, và viện kiểm sát đã ra quyết định bắt tạm giam đối tượng tình nghi Đỗ Đăng Dư trong một vụ án trộm cắp chỉ có hai triệu đồng khi chưa đủ tuổi thành niên.”

clip_image006

Các Luật sư bị tấn công khi đến thăm gia đình Đỗ Đăng Dư sau cái chết của thiếu niên này

“Theo điều 303 của Bộ luật tố tụng hình sự là không được bắt tạm giam mà đây lại ra lệnh bắt tạm giam là trái luật. Và bắt giam gây ra hậu quả Đỗ Đăng Dư bị chết, việc đó đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm rồi”.

“Trước đây nhiều Luật sư đã làm đơn kiến nghị lên Cục điều tra của Viện kiểm sát điều tra phải khởi tổ vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, đó là điều 296, Bộ luật Hình sự, là tội ra quyết định trái pháp luật. Nhưng hôm nay hội đồng xét xử không để tâm gì đến đề nghị của Luật sư cả.

“Kết luận giám định chỉ mới có một giám định viên. Trong khi đó theo luật là phải có hai giám định viên mới đảm bảo hợp pháp. Trong khi đó vụ án này phải có kết luận giám định hợp pháp thì mới có thể xét xử. Vậy là các luạt sự kiến nghị phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng hội đồng xét xử cũng không làm rõ và vẫn tiếp tục xét xử”, ông Luân bình luận.

Cha mẹ, người thân của nạn nhân Đỗ Đăng Dư cũng tham dự phiên tòa.

Ông Luân mô tả bà Đỗ Thị Mai, mẹ của Đỗ Đăng Dư “đau xót và khóc tại phiên tòa”.

“Tôi cũng cảm thấy đau xót khi chỉ vì hai triệu thôi mà xảy ra sự việc như vậy, với những vết thương bị đánh đến như vậy”.

“Mạng người không thể rẻ như vậy được”, vị Luật sư này nói và cho biết ông cũng đã giải thích cho gia đình Đỗ Đăng Dư nếu họ không hài lòng về kết quả phiên tòa thì có thể kháng án.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160922_do_dang_du_case

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.