Mặc Lâm
Trên thế giới không có thế lực nào ranh khôn ma mãnh hơn Tàu cộng. Trong các thể chế cộng sản hiện còn ngoe nguẩy, không có đám quan chức nào tham vặt hơn Việt cộng – “ăn không từ thứ gì”. Hai cái đó gặp nhau tất đẻ ra những dự án khủng mà vừa thi công đã chết dí, những dây chuyền công nghệ “quy mô” vừa lắp ráp đã bung ra từng mảng, những nhà máy vừa xây dựng xong đã nằm bẹp, hoặc chạy cà rịch cà tàng và cứ thế lỗ từ đầu đến cuối. Đó là “4 tốt và 16 chữ vàng” mà đàn anh Giang, Hồ, Tập chân thành hảo hảo trao cho đàn em Việt Nam, để đàn em vừa có miếng bỏ miệng vừa có thêm phương tiện ra sức bần cùng hóa dân đen. Bauxite Việt Nam |
Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Tôn Hoa sen hôm 6/9/2016
Trong Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Tôn Hoa sen Group ông Lê Phước Vũ Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn này đã khẳng định là sẽ mua thiết bị của Trung Quốc để lắp đặt cho nhà máy Thép tại Cà Ná Ninh thuận với lý do Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị.
Không nên có một Formosa thứ hai
Mặc Lâm phỏng vấn bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để biết thêm về quan điểm của bà đối với thiết bị mua từ Trung Quốc. Trước tiên bà cho biết:
Phạm Chi Lan: Tôi không nghi ngờ là Trung Quốc có những thiết bị tốt làm cho chính nước họ, làm ra những sản phẩm tốt cạnh tranh toàn cầu hoặc là họ có thể bán sang các nước khác có sự giám sát khắt khe hơn.
Mua máy móc thiết bị lạc hậu về nó chỉ làm cho nền kinh tế kém cỏi đi, lạc hậu đi chứ hoàn toàn không giúp cho nền kinh tế hoặc cái ngành đầu tư máy móc thiết bị phát triển lên được – Bà Phạm Chi Lan
Bởi vì mua máy móc thiết bị lạc hậu về nó chỉ làm cho nền kinh tế kém cỏi đi, lạc hậu đi chứ hoàn toàn không giúp cho nền kinh tế hoặc cái ngành đầu tư máy móc thiết bị phát triển lên được. Hai nữa thường với máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu thì nó kéo theo hệ quả là hao tổn rất nhiều năng lượng, tài nguyên vật tư cho máy móc thiết bị đó hoạt động cũng như gây ô nhiễm môi trường rất lớn, đấy là khía cạnh mà không một nước nào mong muốn cả.
Việt Nam trong thời gian vừa qua trong quá trình phát triển đã thấy rõ có nhiều ngành phát triển không hiệu quả do hao tốn quá nhiều tài nguyên, năng lượng và gây ra ô nhiễm môi trường và trong trường hợp này thì Formosa là một bài học đắt giá cho Việt Nam. Đã có bài học Formosa rồi thì tuyệt đối không nên có một Formosa thứ hai thể hiện qua nhà máy thép mà công ty Tôn Hoa sen đang tính làm ở Cà Ná.
Mặc Lâm: Thưa bà có doanh nghiệp cho rằng khi mua thiết bị của Trung Quốc thì khi cần phụ tùng sẽ được cung cấp nhanh hơn và giá cũng rẻ hơn phụ tùng từ các nước tiên tiến khác, bà có nhận xét gì về ý kiến này?
Phạm Chi Lan: Một khi đã mua máy móc thiết bị của họ thì thường nó đi cùng với việc tất cả các phụ tùng thay thế khi hư họ phải sửa chữa, lại phải nhờ vả vào Trung Quốc để họ cung cấp. Khi cung cấp thiết bị như vậy lại đi cùng với cung cấp người của họ sang để làm.
Trong quá trình lắp ráp thiết bị và sau này sửa chữa bảo quản cho thiết bị đó đều phụ thuộc vào người Trung Quốc cả. Cũng đã có những trường hợp Việt Nam mua thiết bị của họ, rất mau hỏng, và khi hỏng kêu mãi họ không qua rốt cục nhà máy phải để đó và mức độ hư hỏng càng nặng nề thêm. Khi đã nặng nề thêm thì họ lại tăng thêm chi phí về vật tư phụ tùng sửa chữa để gửi người của họ sang, như vậy tốn kém lại nhân lên.
Sơ đồ vị trí dự án khu liên hợp nhà máy thép Cà Ná tại Ninh Thuận.
Mặc Lâm: Hiện nay động cơ chính để doanh nghiệp tư nhân lẫn nhà nước đều đổ xô mua thiết bị Trung Quốc vì được họ tạo điều kiện cho vay với phân lời rất hạ. Bà nghĩ sao về lý do khá thuyết phục này?
Phạm Chi Lan: Khi mua thiết bị của Trung Quốc thì họ tạo điều kiện cho vay để trả sau hoặc là thời gian hoàn trả dài ra nhưng trên thực tế nó đều đi theo với phí tăng lên ở chỗ càng kéo dài thì chi phí càng lớn và cuối cùng số tiền phải trả cao hơn rất nhiều. Như vậy có thể ban đầu là rẻ nhưng rốt cục lại thành đắt hơn rất nhiều lần so với chi phí ban đầu. Vì vậy khi mua thiết bị đắt tiền hơn của nước khác nhưng lại thành ra rẻ hơn so với thiết bị [mua của] Trung Quốc. Tôi nghĩ hoàn toàn không nên.
Thời gian vừa qua khi ông Thủ tướng của Việt Nam sang thăm Trung Quốc ông cũng nói khá là thẳng điều đó rồi. Ngay con đường sắt nối Cát Linh với Hải Hưng [Hà Đông] của Hà Nội là một bằng chứng rất rõ bởi vì công trình đó làm bao nhiêu năm không xong mà cũng không thể để dang dở như vậy được. Cũng không nhà thầu nào khác vào làm vì thiết bị từ Trung Quốc cho nên buộc phải vay thêm 250 triệu đô la của Trung Quốc.
Như vậy là nó dội vốn lên rất dữ dội so với lúc ban đầu và chất lượng thì phải nói người dân Việt Nam rất nghi ngờ chất lượng con đường sắt đó. Thế nhưng cũng chưa biết tuy vay như vậy nhưng bao giờ thì họ mới bỏ tiền vào và bao giờ mới hoàn thành con đường đó. Đấy là những câu chuyện đang hiển hiện ở Việt Nam rồi và con đường sắt ở ngay Hà Nội nó đập vào mắt từ người lãnh đạo cao nhất của đất nước cho tới người dân thường không ai không thấy, nó như bài học vô cùng đắt giá từ chuyện mua thiết bị của Trung Quốc cả.
Không kiểm soát được thiết bị lạc hậu
Mặc Lâm: Bộ Khoa học và Công nghệ có quy định hẳn bằng các thông tư, nghị định, văn bản loại thiết bị nào được nhập và tiêu chí đánh giá độ hiện đại của máy móc cũng được cập nhật, thế nhưng vẫn không kiểm soát được sự nhập khẩu các thiết bị lạc hậu lỗi thời, bà có nhận xét gì về tệ nạn này?
Nhà cung cấp có thể đi đêm với các nhà thẩm định của Việt Nam bằng cách đút lót hay nhiều cách khác để che giấu vì hối lộ thì người Trung Quốc họ quá rành trong chuyện làm ăn với Việt Nam theo cách nào đó có lợi cho họ – Bà Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ điều này cũng như một số điều khác tại Việt Nam. Quy định trong pháp luật thì rất đầy đủ nhưng quá trình thi hành của nó lại là cả một vấn đề, nhiều khi có khoảng cách rất lớn giữa luật ban hành, quy định với thực tế nhất là về phía các cơ quan nhà nước.
Ở đây có thể có hai lý do chính. Một là không đủ trình độ về người về trang thiết bị để nhìn nhận và đánh giá thiết bị đó có đủ mức hiện đại hay không hay mức độ lạc hậu đến như thế nào vào vùng cấm mà Việt Nam không cho phép nhập khẩu hay không. Không phải cơ quan khoa học công nghệ có đủ trình độ đánh giá tất cả các mặt được.
Tôi rất tiếc quy định của Việt Nam không để cho các nhà phản biện độc lập, bởi vì cho phép thuê dùng các nhà phản biện độc lập thì có thể nhiều người có kỹ năng họ thành lập những công ty phản biện độc lập để họ làm thuê giúp cho các quy định về nhập khẩu đánh giá thiết bị có thực sự đúng như hợp đồng hay như cam kết bên cung cấp hay không thì điều này ở Việt Nam lại không có. Các cơ quan nhà nước vẫn giao cái quyền ấy cho người không đủ khả năng thực hiện thành ra làm tổn hại cho đất nước.
Khía cạnh thứ hai hoàn toàn có thể xảy ra là do bên cung cấp họ cố tình gian dối, họ sơn phết, tân trang họ đưa ra những hồ sơ giả làm cho Việt Nam với trình độ thẩm định thấp không thể phát hiện ra được thiết bị của họ kém cỏi như vậy.
Một mặt khác nữa cũng về phía nhà cung cấp có thể đi đêm với các nhà thẩm định của Việt Nam bằng cách đút lót hay nhiều cách khác để che giấu vì hối lộ thì người Trung Quốc họ quá rành trong chuyện làm ăn với Việt Nam theo cách nào đó có lợi cho họ. Điều này thì xã hội Việt Nam cũng đã nói quá nhiều và thực tế nhà nước Việt Nam cũng đã công nhận rộng rãi tham nhũng là quốc nạn vì vậy nhập khẩu trang thiết bị từ Trung Quốc tham nhũng cũng có thể hoàn toàn sẽ xảy ra và có thể là một trong những nguyên nhân rất lớn.
Mặc Lâm: Xin cám ơn bà.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-we-should-say-no-to-cn-equipment-ml-09192016084858.html