Ván đã đóng thuyền?

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Formosa Hà Tĩnh đã là một điển cứu để những nhà quy hoạch nếu đã trót vẽ sai thì lập tức hủy bỏ thay vì duy ý chí, bất chấp phản biện và tảng lờ hết những kinh nghiệm nhãn tiền.

Khẩu hiệu “phát triển bền vững” xin đừng hô hào ở những lễ khởi công, những bản báo cáo phát triển nữa mà phải xuất phát từ thực tế chọn lựa trong các bản quy hoạch.

Đừng để những quy hoạch kiểu “ván đã đóng thuyền” thiếu phản biện có cơ hội tạo nên điều nghiệt ngã cho người dân và môi trường trong tương lai.

Sau một thời gian dư luận phản ứng với Tập đoàn Hoa Sen về việc đầu tư làm nhà máy thép ở Cà Ná (Ninh Thuận) thì ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương, xuất hiện.

Phát ngôn trên một báo điện tử, ông Hoài nói (đại ý) nếu Hoa Sen không làm thì thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch.

Phát ngôn trên gần như khẳng định chắc nịch rằng có một thứ “quy hoạch” nào đó đã an bài cho số phận của vùng biển Cà Ná. Và nói rõ hơn, những người có chức năng lập ra “quy hoạch” ở trên đã chọn thép cho Cà Ná ngay từ đầu, không phải bàn cãi!

Không “an phận” thì là gì khi mà người dân không thấy quyền chủ động của mình trong một dự án quyết định đến chính sự an nguy, an cư của mình. Họ và những ai bảo vệ quyền lợi cho họ có lên tiếng phản ứng cũng chẳng để làm gì khi mọi sự, theo cách nói của quan chức nọ, là “ván đã đóng thuyền”.

Tới đây thì hiểu vì sao những phát ngôn của chủ đầu tư thời gian qua lại huênh hoang và mạnh mẽ đến như vậy. Cũng hiểu vì sao quan chức địa phương tỉnh Ninh Thuận, nơi đặt nhà máy thép dự kiến, lại sốt sắng đến như vậy qua những hứa hẹn với Hoa Sen Group về chuyện lập dự án xây dựng, lên chương trình điều tiết các hồ chứa, bảo đảm đủ nước để bảo đảm cho nhà máy thép vận hành.

Cần phải nhắc lại Ninh Thuận là địa phương nắng hạn, cứ đến mùa hè là dân không đủ nước sản xuất nông nghiệp, một số vùng còn thiếu nước uống. Vài năm gần đây, hạn hán khiến người dân điêu đứng trong khi hệ thống thủy lợi của tỉnh này vẫn còn chưa bảo đảm. Thế nhưng, khi có quyết định ban hành về việc điều chỉnh quy hoạch cho ngành thép Việt Nam từ Bộ Công Thương thì tỉnh này lại mạnh dạn đề nghị làm thép ở Cà Ná. Sự sốt sắng, “khát” đầu tư ở một tỉnh nghèo là điều dễ hiểu nhưng hãy nghĩ xem nếu sự sốt sắng cải thiện hệ thống chống hạn vì đời sống, lợi ích của người dân bao nhiêu năm qua cũng được chú trọng như vậy thì làm gì có chuyện mùa nắng hạn 2016, tỉnh này phải công bố tình trạng thiên tai và dân đâu đến mức cùng kiệt, phải nhận trợ cấp!

Lợi ích của dân có lẽ là từ cần được nhắc lại lúc này trong những đề án quy hoạch từ trung ương, trong hành xử của địa phương. Người dân đứng ở đâu trong các bản quy hoạch dội từ trên xuống? Những hứa hẹn giải quyết việc làm, tăng thu nhập khi các cơ sở, nhà máy đi vào hoạt động nghe qua tích cực nhưng liệu điều đó có đánh đổi được với những nguy cơ môi trường sẽ giáng xuống? Và nếu sự cố xảy ra, hệ lụy môi trường đâu chỉ xảy ra ở mỗi vùng Cà Ná?

Formosa Hà Tĩnh đã là một điển cứu để những nhà quy hoạch nếu đã trót vẽ sai thì lập tức hủy bỏ thay vì duy ý chí, bất chấp phản biện và tảng lờ hết những kinh nghiệm nhãn tiền.

Khẩu hiệu “phát triển bền vững” xin đừng hô hào ở những lễ khởi công, những bản báo cáo phát triển nữa mà phải xuất phát từ thực tế chọn lựa trong các bản quy hoạch.

Đừng để những quy hoạch kiểu “ván đã đóng thuyền” thiếu phản biện có cơ hội tạo nên điều nghiệt ngã cho người dân và môi trường trong tương lai.

N.V.N.

Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/van-da-dong-thuyen-20160912231538707.htm

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.