Khi GDP không sạch

Hoàng Hải Vân

Chỉ số GDP được đặt ra để đo lường tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng là sự đo lường rất không đầy đủ, nó chủ yếu được dùng làm cơ sở điều hành kinh tế vĩ mô và không đồng nhất với mức độ thịnh vượng và an lành của xã hội.

clip_image002

Cần có một GDP xanh, sạch và thực chất.

Một lần nói chuyện với tôi, Giáo sư Châu Tâm Luân, một cựu chuyên gia cấp cao của Liên Hiệp Quốc bảo không nên lấy GDP để so sánh sự giàu nghèo giữa các nước.

Ông nói: “Thả một vạn thằng ăn trộm vào xã hội, lập tức GDP sẽ tăng lên”. Bởi vì tài sản bị mất trộm của người dân không bị trừ khỏi sự tăng trưởng GDP nhưng chi phí chống trộm cắp cũng như chi phí điều tra xét xử sẽ góp phần cho tăng trưởng GDP.

Cũng giống như vậy, rừng bị phá GDP không bị trừ đi nhưng chi phí trồng rừng và khắc phục hậu quả phá rừng sẽ làm tăng GDP. Cơ quan Thống kê cũng như Nhà nước hoàn toàn không có khuyết điểm gì khi tính hay không tính những yếu tố đó mà do bản chất của GDP phải tuân theo cách tính như vậy mà thôi.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường ngày 24.8, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà công bố những con số nghe mà ghê rợn:

“Trên toàn quốc hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường.

Cùng với đó là hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000m3 nước thải y tế; 787 đô thị với 3.000.000m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý; lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô tạo ra nguồn phát thải lớn đến môi trường không khí.

Hàng năm, có 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng, trong đó, khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định; hiệu suất sử dụng chỉ đạt 25-60%; công tác thu gom, lưu giữ và xử lý bao bì chưa được quan tâm, nhiều nơi thải bỏ ngay tại đồng ruộng gây phát sinh mùi, khí thải.

Cùng với đó là hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan”… (dẫn theo Infonet).

Bạn đọc hãy bình tĩnh suy xét cho tường tận. Có quá nhiều sự đóng góp của những hoạt động hủy hoại môi trường nói trên vào sự tăng trưởng GDP. Còn chúng làm dơ bẩn đất nước – Đất và Nước – như thế nào, chúng gây ra biết bao nhiêu là bệnh tật, làm què quặt biết bao nhiêu là đứa trẻ, làm suy thoái nòi giống ta như thế nào thì không hề bị trừ đi khi tính GDP, đó là chưa kể bệnh tật phát triển làm tăng chi phí chữa bệnh, cũng làm góp phần vào sự tăng trưởng GDP. Chưa ai tính có bao nhiều phần trăm trong GDP là GDP đen, GDP bẩn, chỉ biết là hàm lượng đen bẩn trong GDP là quá nhiều.

Chưa hết, trước tình hình đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị Quốc hội “tăng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài; thu hút mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường”. Nếu kiến nghị này được chấp nhận thì chắc chắn GDP cũng sẽ tăng lên.

Chính phủ kêu gọi “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” là rất đúng. Tại Hội nghị nói trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi đã đến lúc chúng ta phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh”, cũng rất đúng. Nhưng Bộ trường cho rằng chỉ tiêu “GDP xanh” này “phải tính toán đến cả các chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế” là bất khả thi, nếu chúng ta vẫn sử dụng hệ thống tính toán GDP theo thông lệ quốc tế.

Vấn đề là phải đưa khái niệm GDP trở về với bản chất thật của nó để sử dụng làm một trong những căn cứ điều hành, cân đối vĩ mô chứ không phải là để báo cáo thành tích hay để “tô màu” cho nền kinh tế. Còn nhiệm vụ bảo vệ môi trường là chuyện lớn hơn nhiều, nó phải được đặt ngang với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, được hàm chứa trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.

Có quá nhiều vấn đề về chiến lược, về kế hoạch kinh tế-xã hội, về các “tầm nhìn” ngắn hạn và dài hạn cũng như hoàn thiện luật lệ và tổ chức bộ máy, nhưng điều có thể làm ngay từ bây giờ là xác định cho rõ nhiệm vụ của các vị tỉnh trưởng, thị trưởng, quận trưởng, xã trưởng (Chủ tịch UBND các cấp).

Hãy giải phóng các vị ấy ra khỏi các hoạt động kinh tế, phải bỏ vai trò chủ quản của địa phương đối với doanh nghiệp. Thành bại của doanh nghiệp là của chủ doanh nghiệp, Nhà nước quản lý bằng pháp luật, chẳng liên quan gì đến các vị ấy cả.

Các vị ấy chẳng cần phải bận tâm đến “tăng trưởng GDP”, kinh tế địa phương có phát triển hay không chẳng nên khen thưởng hay kỷ luật các vị ấy (trừ trường hợp các vị ấy ban hành những quyết định trái luật gây khó khăn cho doanh nghiệp và việc làm ăn của người dân), nhưng đường phố bẩn, đồng ruộng bẩn, sông bẩn, biển bẩn thì nhất định các vị ấy phải chịu trách nhiệm, phải bị cách chức hoặc ra tòa hình sự tùy theo sự liên đới ít hay nhiều.

Các vị bộ trưởng cũng vậy, phải bỏ vai trò bộ chủ quản đối với doanh nghiệp, một vai trò tốn rất nhiều nguồn lực và nhân sự nhưng vô nghĩa, để các vị bộ trưởng và bộ máy của các bộ tập trung vào việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực mà từng bộ phải chịu trách nhiệm theo luật định, trong đó có lĩnh vực môi trường.

H.H.V.

Nguồn: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/khi-gdp-khong-sach-41583.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.