Kính Hòa, phóng viên RFA
Người dân Hà Nội câu cá ở Hồ Tây hôm 22/8/2016. AFP photo
Mất niềm tin
Ngày 22 tháng tám người ta thấy ảnh ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng nhiều lãnh đạo cao cấp khác tươi cười tắm biển miền Trung để chứng minh rằng nước biển ở đây đã sạch sau thảm họa môi trường Vũng Áng.
Liên tiếp hai ngày sau đó các nhân vật có trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng lên tiếng nói rằng mặc dù vẫn còn có kim loại nặng trong cá biển đánh bắt ở biển miền Trung, nhưng hàm lượng đã giảm dần, và kèm theo lời hứa rằng sẽ công bố kết quả kiểm soát an toàn hải sản ở đây chậm nhất là cuối tháng tám.
Người ta cho rằng những nhà lãnh đạo Việt Nam đang rất cố gắng đẩy mạnh việc khôi phục lòng tin của nhân dân, mà cụ thể là tin rằng môi trường biển đã phục hồi.
Trên trang Blog của tờ Kinh tế Sài Gòn, người ta thấy xuất hiện liên tục hai bài của tác giả Nguyễn An Sa, viết về lòng tin trong vụ khủng hoảng môi trường này:
Bao giờ thì dân ăn được cá ở vùng biển ô nhiễm của bốn tỉnh này? Câu hỏi quá đơn giản nhưng là một thách đố về sự minh bạch, trách nhiệm đích thực của khoa học và quản lý. Dù có cử hết toàn bộ những quan chức địa phương, nhà khoa học, bộ trưởng chuyên trách môi trường đội mưa xuống tắm biển mà chưa trả lời cụ thể được câu hỏi trên một cách thấu suốt, có trách nhiệm, chưa giải thích được những bất nhất trong những dữ liệu đưa ra, thì đừng bắt người dân tin vào những chỉ số trên giấy.
Để có lại được sự tin cậy vào an toàn môi trường biển chắc phải mất một thời gian dài, rất dài. Vậy mới thấy hết những tác hại, tổn thất vô cùng lớn lao mà nhà đầu tư Formosa gây ra cho môi trường tự nhiên và kinh tế. Khoản tiền phạt hỗ trợ ngư dân rồi sẽ giải ngân trong tương lai gần, nhưng chắc chắn không thể bù đắp hết những hệ lụy, xáo trộn, nguy cơ bần cùng hóa mà họ phải gánh chịu.
Trong bài viết Chính phủ đơn độc, blogger Nguyễn Anh Tuấn cho là Niềm tin của người dân chưa được khơi thông thì thị trường hải sản vẫn bị tắc nghẽn. Dân chưa ăn cá thì tàu thuyền cứ phải nằm bờ kéo theo hàng chục vạn người thất nghiệp và những thứ tồi tệ khác đến sau. Anh giải thích nguyên do vì sau việc khôi phục lòng tin của dân chúng lại khó khăn đến như vậy:
Thiếu tự do học thuật, thiếu các viện nghiên cứu độc lập tách rời khỏi sinh hoạt đảng phái trong khi các tổ chức xã hội dân sự và báo chí bị kiềm kẹp, thật không dễ để những kết luận của Chính phủ lấy được lòng tin của người dân, nhất lại là trong các vấn đề chuyên môn khoa học, xa lạ với đa số mọi người.
Càng ôm bằng hết vào mình, nào là trường đại học, viện nghiên cứu, báo chí và cả các tổ chức xã hội, trớ trêu thay, Chính phủ lại càng đơn độc trong mỗi phát ngôn của mình.
Bởi đấy là những phát ngôn ngay từ đầu đã chối từ sự phản biện.
Khủng hoảng
Một vấn đề khác cũng liên quan đến niềm tin mà nhiều blogger đã mổ xẻ trong tuần trước liên quan đến vụ thảm sát tại tỉnh Yên Bái, một cán bộ kiểm lâm dùng súng bắn chết hai cán bộ lãnh đạo cao cấp của tỉnh. Các blogger cho rằng trong vụ án chấn động này, niềm tin của các quan chức, vào chính pháp luật của họ cũng không còn.
Dư âm của những tiếng súng ở Yên Bái vẫn còn vang trên các trang blog Tiếng Việt trong tuần này. Blogger Hạ Đình Nguyên cho rằng vụ Yên Bái rồi thì cũng sẽ qua đi, nhưng tiếng vọng của nó thì đang xoáy sâu nhiều chiều vào tâm tư của mọi người, cả Đảng và cả dân.
Sau những cảm xúc mạnh khi vụ án xảy ra trong tuần trước, nay người ta lại đi tìm hiểu phân tích phản ứng của một “bộ phận không nhỏ”, theo như cách nói của các quan chức Việt Nam, dân chúng và blogger. Một phản ứng hả hê rất tiêu cực.
Blogger Trương Nhân Tuấn, một nhà nghiên cứu có chính kiến ôn hòa và rất nghiêm túc cho rằng tâm trạng hả hê là có thật.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái) bên nạn nhân Phạm Duy Cường tại bệnh viện Yên Bái sáng 18/8/2016. AFP
Blogger Nguyễn Thị Oanh thì cho rằng phản ứng đó là một phản ứng xã hội rất kỳ lạ:
Một phản ứng xã hội kỳ lạ: Hễ cứ nghe tin lãnh đạo gặp nạn là hả hê, sung sướng, bất kể nguyên nhân ra sao và trong hoàn cảnh thế nào. Lãnh đạo ở vị trí càng cao thì sự hả hê càng lớn. Nếu xem đây là một liều thuốc thử để đo tình cảm cũng như sự tôn trọng của dân đối với những người dẫn dắt mình thì đáng buồn là dấu hiệu đã chỉ ở mức báo động! Và đó chính là lời cảnh báo nguy hiểm cho mọi chế độ!
Quan sát sự phản ứng đó, blogger Nguyễn Tường Thụy xem vụ án Yên Bái là một liều thuốc thử về lòng tin của dân chúng vào sự lãnh đạo của Đảng. Lòng tin đó, theo ông Thụy không giống như những khẩu hiệu tuyên truyền của Đảng như là “ý Đảng, lòng dân”, “nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”, “Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn”.
Blogger Mạnh Kim giải thích nguyên nhân tại sao lại có sự hả hê, nó nằm trong chính nền giáo dục mà Đảng Cộng sản thực hiện ở Việt nam mấy mươi năm nay:
Cái ác và sự hả hê trước cái ác, đáng nói hơn, lại chưa bao giờ dừng lại. Nó chưa bao giờ chết. Nó được gieo cấy, được nuôi, thậm chí được “tạo” môi trường để sống. Nó thể hiện trong chính sách đối xử giữa kẻ “thắng” với người “thua”. Nó thậm chí nằm ngay trong trang sách giáo khoa. Nó gieo mầm ác bằng những câu chuyện “anh hùng” và “dũng sĩ” giết người như ngóe ngay cả đối với trẻ thơ. Lẽ nào những mẩu chuyện nhồi sọ độc ác như thế lại “vô hại”? Nó không chỉ khiến đứa trẻ thấy việc giết người là “bình thường” mà nó còn cho thấy việc hả hê trước những câu chuyện như thế cũng “bình thường”.
Không thể đòi hỏi người dân “phải” tử tế trong khi chính quyền không sửa họ lại để trở nên tử tế với dân. Hãy làm điều đó đi, tôi hy vọng, oán thù mới có thể được gỡ và cái ác mới có thể bị đẩy lùi.
Xã hội đang cần sự đối thoại
Một nhà nghiên cứu là ông Nguyễn Quang Dy cho rằng sự kiện Yên Bái thể hiện năm vấn đề rất khó giải quyết trong xã hội Việt Nam hiện nay. Thứ nhất là nạn bạo lực, thứ hai là mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền, thứ ba là sự bất lực của bộ máy an ninh, thứ tư là sự bất hợp tác của dân chúng, và cuối cùng là quá nhiều vấn nạn đã bị để lâu mà không giải quyết, đẩy xã hội tới chỗ mà ông Nguyễn Quang Dy gọi là làn ranh đỏ.
Ông viết tiếp:
Đằng sau vụ nổ súng giữa các quan chức cấp tỉnh tại Yên Bái đầy tính giang hồ, là một loạt lỗ hổng về thể chế, phản ánh các vấn nạn xã hội chưa được tháo gỡ. Để càng lâu càng phải trả giá cao hơn. Trước sức ép quốc gia và quốc tế hiện nay, muốn thoát Trung và thoát hiểm về kinh tế và quốc phòng, phải hội nhập kinh tế toàn cầu và an ninh khu vực. Phải cải cách thể chế và nới lỏng quyền tự do dân chủ. Không còn cách nào khác!
Một trí thức trong nước thường xuyên cất tiếng phản biện là Giáo sư Chu Hảo cũng lên tiếng. Một ngày sau khi vụ nổ súng ở Yên Bái nổ ra, Giáo sư Chu Hảo, người từng giữ cương vị cao cấp trong giới lãnh đạo Việt Nam, viết bài đang trên trang Bauxite Việt Nam, trong đó ông cho rằng vụ nổ súng ở Yên Bái cảnh báo mạnh mẽ rằng xã hội Việt Nam đang ở một giới hạn rất nguy hiểm:
Tiếng súng ở Yên Bái không phải chỉ phơi bày tình trạng tha hóa tột độ trong nội bộ đảng cầm quyền, mà còn chứng tỏ mức độ bất ổn chính trị – xã hội ở nước ta đã đến hồi nguy hiểm. Nguy hiểm cho sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng và của chế độ thì đã đành, nhưng đó không phải là mối quan ngại của những người lâu nay công khai bày tỏ ý kiến bất đồng đối với những đường lối, chủ trương, chính sách sai trái của Đảng và Nhà nước. Những người này, trong đó có chúng tôi, âu lo về sự an nguy của dân tộc khi xảy ra sự bạo loạn ngoài tầm kiểm soát.
Bài viết của ông mang tựa đề Đã đến lúc cần phải đối thoại, đối thoại giữa những người cầm quyền và giới bất đồng chính kiến.
Đối thoại cũng là điều mà một người tên là Đỗ Đức viết trên mạng xã hội, khi nhắc lại câu nói của Thiền sư Nhất Hạnh rằng Bằng đối thoại chân thành, cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi”.
Blogger Nguyễn Anh Tuấn xem đó là một lộ trình dân chủ hóa:
Một lộ trình dân chủ hoá sẽ đóng vai trò như một bản hợp đồng bảo hiểm trong đó những người nắm quyền chấp nhận trả lại cho dân những quyền chính trị căn bản để dân chúng tham gia sâu hơn vào việc quản trị quốc gia – cách duy nhất để người dân thấy chính quyền phần nào đó là của mình, và sẵn sàng xả thân bảo vệ nó khi cần.
Giáo sư Mạc Văn Trang thì phát biểu thẳng thắn rằng hãy để cho người dân có quyền bầu lên những người mà họ yêu thương.
K.H.