Hoàng Đan
Ông Lê Như Tiến. Ảnh: T.C
“Tôi cho rằng, có lẽ đang hình thành tầng lớp giống như lý trưởng, chánh tổng ngày xưa, đó là cường hào mới ở nông thôn. Chỉ có cường hào mới thì mới o ép dân đến như thế”.
Trấn lột người dân…
Xung quanh thực trạng “mùa đóng góp kinh hãi” ở Thanh Hóa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 13.
PV: Vừa qua, báo điện tử Trí Thức Trẻ liên tục có các phản ánh về thực trạng lạm thu, tận thu ở một số địa phương của huyện Hậu Lộc, Nông Cống (Thanh Hóa).
Trong đó, tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, ngay kể gia đình liệt sỹ, do khó khăn, không đủ tiền đóng góp nên bị xã cắt hộ nghèo, hay có gia đình nghèo cũng vì không đóng đủ các khoản đóng góp đã bị xã, thôn đến tịch thu chiếc giường cũ.
Khi tiếp nhận các thông tin, ông có suy nghĩ, nhìn nhận gì về thực trạng đau xót này?
Ông Lê Như Tiến: Trước đây, tôi cũng đã từng có thông tin về một số huyện của một vài địa phương ở miền Trung có hiện tượng lạm thu. Trước đây là Hà Tĩnh và giờ là ở Thanh Hóa.
Miền Trung vốn dân đã nghèo rồi lại còn bị như thế. Tôi còn nhớ, trước đây, khi Quốc hội đã có nghị quyết về việc không thu thuế nông nghiệp nhưng họ vẫn thu, rồi bày ra rất nhiều khoản thu khác như thu về an ninh, trật tự trị an…
Nhiều khi khoản thu do chính quyền địa phương tạo ra khiến cho người dân vốn đã khó khăn, nghèo nàn rồi lại càng khó khăn hơn. Ở đây, cần xem lại những khoản thu đó có nằm trong quy định không hay thôn, xã tự nghĩ ra.
Người ta đã nghèo như thế mà vào còn tháo cả giường của dân ra, rồi có cái gì lấy được là lấy đi thì đó không phải vì dân mà hành động đó rất phản cảm, nặng hơn nữa thì đó là trấn lột của dân chứ không phải thu khoản này khoản khác.
Trước hết, phải kiểm tra xem các khoản thu đó có nằm trong quy định không? Có được cấp có thẩm quyền cho phép không? Chứ không phải anh tự nghĩ ra, thu gì tự thu.
Nếu như mà cần vận động người dân đóng góp khoản nào đó như chỉnh trang đường nông thôn, các phong trào… thì đó chỉ là vận động, phải để người dân tự giác.
Còn việc bắt buộc người dân phải nộp, không nộp thì trấn cái nọ, trấn cái kia thì điều đó không thể được.
Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền tức là lãnh đạo cao hơn như huyện, thậm chí cấp tỉnh của Thanh Hóa phải kiểm tra, rà soát lại xem như thế có đúng không và nếu không đúng theo quy định thì chấn chỉnh, sửa ngay.
Bảng kê khai các khoản đóng góp 6 tháng đầu năm của một hộ dân ở xã Trường Sơn.
PV: Thưa ông, có một câu chuyện đáng buồn xảy ra ở xã Trường Sơn khi một gia đình liệt sỹ thuộc diện hộ nghèo vì không đủ tiền đóng góp đã bị xã “cắt” hộ nghèo và cho biết, khi nào trả đủ các khoản sẽ được trả lại.
Ông có bình luận gì về việc này?
Ông Lê Như Tiến: Tôi nghe câu chuyện này mà thấy đau lòng. Gia đình liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ đáng lẽ phải được hưởng chế độ ưu đãi người có công cao hơn nhưng vì chúng ta còn khó khăn nên ưu đã thấp, nay thuộc diện hộ nghèo nhưng vì không đóng đủ tiền đóng góp mà lại bị cắt hộ nghèo.
Lại còn đe dọa là phải nộp đủ mới trả lại chế độ hộ nghèo, việc này là trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Tôi đề nghị thanh tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc uốn nắn ngay.
Đồng thời, phải có xử lý, kỷ luật đối với các tập thể hoặc cá nhân mà tự ý tạo ra các khó khăn cho người dân như thế và có những hành vi phản cảm như thế.
Đề nghị Chính phủ vào cuộc
PV: Khi trao đổi với chúng tôi, cựu ĐBQH Lê Văn Cuông có nhìn nhận thực trạng lạm thu, tận thu này cho thấy dường như đang có sự xuất hiện trở lại của một bộ phận “cường hào, ác bá” ở nông thôn khi tự ý đặt ra các khoản thu lên đầu người dân.
Từng là ĐBQH, trước thực trạng ở một số nơi như vậy ông có thấy điều này không?
Ông Lê Như Tiến: Tôi cũng thấy thế và vì thế tôi mới dùng từ rất mạnh, đấy không phải là hình thức thu mà là trấn lột.
Trấn lột của dân, đó là từ rất mạnh đối với những người có lương tri, lương tâm và phải dùng từ như thế mới lột tả được hết hành vi phản cảm của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền như thế ở địa phương.
Tôi cho rằng, có lẽ đang hình thành tầng lớp giống như lý trưởng, chánh tổng ngày xưa, đó là cường hào mới ở nông thôn. Chỉ có cường hào mới thì mới o ép dân đến như thế.
Ở đây, không phải tìm hiện tượng, hành vi mà quan trọng hơn chính là tiếng chuông cảnh báo để cho các quan chức cấp cao ở huyện Nông Cống nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung, thậm chí cả các tỉnh có hiện tượng như thế phải chấn chính ngay.
Các quan chức tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc ngay, ví dụ như việc gia đình liệt sỹ ở trên thì Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh là cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương phải lên tiếng và Thanh tra phải vào cuộc.
Ngoài Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, tôi cũng đề nghị Thường trực Chính phủ nên có công điện để chấn chỉnh ngay việc này.
Trước đó, sau khi nhận được thông tin cung cấp từ phóng viên Báo điện tử Trí Thức Trẻ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 14 ứng cử tại Thanh Hóa cho hay, ông sẽ có ý kiến với tỉnh về việc này.
Còn ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa 14 của tỉnh cũng cho biết, ông sẽ yêu cầu lãnh đạo huyện Nông Cống báo cáo về vấn đề này.
H.Đ.
Nguồn: http://soha.vn/tich-thu-giuong-ngu-o-thanh-hoa-cuu-dbqh-do-la-tran-lot-20160814085442456.htm