Mạc Văn Trang
Theo dõi vụ cưỡng chế đất canh tác của ông Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng- 2012), tôi đã viết bài “Bỏ cấp huyện đi”!, đăng trên trang Boxit, vì thấy trong vụ đó, cấp huyên Tiên Lãng, không chỉ vô tích sự mà còn rất nguy hại cho người dân. Nay thấy càng hô hào “tinh giản biên chế”, thì biên chế càng phình to, cần nghĩ đến 2 hướng: 1 là giảm bớt đầu mối, bớt cán bộ, công chức ở mỗi cơ quan; 2 là bớt các cơ quan, cấp quản lý đi. Ở nhiều nước không có cấp xã/phường, chẳng hạn ở Pháp hay Ba Lan, tôi có tìm hiểu, Phòng Giáo dục quận, trực tiếp thông báo cho cha mẹ các cháu đến tuổi vào lớp 1, phải đưa con đi học vào năm học mới… Bỏ được cấp hành chính xã/phường thì nhẹ quá, đỡ cho dân quá… Nhưng ở ta, người dân trực tiếp liên quan cấp xã /phường nhiều hơn (khai sinh, khai tử, khai giá thú, cấp phép xây dựng, kinh doanh…), và truyền thống làng, tổng, xã có những gắn kết cộng đồng lâu đời… Vì vậy nên giữ cấp hành chính xã/phường.
Nhưng cấp huyện nên bỏ đi cho nhẹ, vì sao? Vì bộ máy hành chính, thêm cấp nào, thêm cán bộ, công chức nào là khổ dân thêm; cấp huyện là cấp trung gian, thường gây chậm trễ, phức tạp hóa các văn bản nhà nước cấp trên và bầy ra nhiều trò làm Dân khổ cơ sở. Năm 2010 tôi có hướng dẫn 2 luận văn Thạc sĩ quản lý giáo dục có liên quan đến cấp “Phòng giáo dục”, một ở Thanh Hóa, một ở Sơn La; tôi có yêu cầu làm phiếu điều tra đánh giá vai trò cần thiết của Phòng GD huyện; kết quả: Chừng 60% cán bộ Sở GD bảo “Không cần thiết”; CB Phòng GD thì 100% “Rất cần thiết”, các Hiệu trưởng: 100% “Không cần thiết”. Các Hiệu trường còn cho biết thêm: Cán bộ Phòng GD không có chuyên môn bằng GV ở trường, nhưng lại bày trò chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá thi đua, tuyển GV, điều chuyển GV… gây rất nhiều bức xúc… Nhiều trường bắt GV góp tiền tiếp khách Phòng về kiểm tra… Khi giao quyền tự chủ cho trường, thi tất cả các chức năng, nhiệm vụ của Phòng giáo dục quận/huyện không còn nữa.
Ngay từ những năm 1961 – 62 khi tôi làm Hiệu trưởng trường cấp 2, trong ngành giáo dục đã có câu: “Ho lao thối phổi về Ty/Tham ô hủ hóa thì đi về Phòng/ Nhưng người già lão có công/ Thì đưa về Bộ, cho xong cuộc đời”. Tóm lại, mỗi trường có 1 Hiệu trưởng tốt là đủ, mấy anh “râu ria” chỉ thêm rách việc.
Lại nhớ năm 1982 – 83, lúc đó các lớp thực nghiệm cấp 1 của GS Hồ Ngọc Đại chuyển lên cấp 2, bà Bình là Bộ trưởng đồng ý, nhưng phải qua các cấp quản lý Phòng GD, Sở GD cho phép… 2 cấp này không đồng ý. Hồ Ngọc Đại rất bức xúc, bảo: Nếu một đêm các cấp quản lý Phòng, Sở chết hết đi, sẽ tốt cho giáo dục. Tất cả lũ này chỉ ăn hại, phá đám! “Hiệu trưởng phải là Bộ trưởng tại chỗ”! Tinh thần này, bây giờ càng đúng, vì có công nghệ thông tin, mạng internet, chuyển tải mọi thông tin thẳng từ Bộ đến từng trường. Toàn bộ tư tưởng, quyết định đổi mới giáo dục của Bộ trưởng phải trực tiếp đến Hiệu trưởng các trường để đến ngay GV, HS, không phải qua cấp “trung gian” gây nhiễu và chậm trễ…
Phòng Giáo dục bỏ được thì các Ban/Phòng khác của quận/huyện cũng thế cả thôi. Bỏ được hết!
Bỏ đi 713 cấp quận/huyện tức là bỏ: 713 cái quận/huyện ủy, 713 cái HĐND quận/huyện, 713 cái UBND quận/huyện và cơ man nào phòng, ban, đài phát thanh, trung tâm nọ kia và các đoàn thể “ăn theo”, bớt đi mấy vạn cán bộ, công chức, dôi ra bao nhiêu trụ sở hoành tráng dùng vào việc hữu ích cho nhân dân.
Cứ thí nghiệm dân mãi. Bây giờ thí nghiệm quan đi. Làm thí nghiệm dăm quận/huyện trước, cho 2 năm chuyển các chức năng của cấp “trung gian” này về cơ sở. Rồi 2 năm sau tổng kết, chuyển tuốt. Riêng Phòng GD chắc làm rụp phát xong ngay.
Góp vậy thôi, còn làm tiếp thế nào là việc của bà Ngân đấy. Làm đi!
Mất công sức phản biện tử tế thế này, mà có mấy thằng “ăn cơm Dân, mặc áo Dân” suốt ngày dòm ngó, bới móc, bảo “chống Đảng và Nhà nước” (?). Bọn đó cần tinh giản hết cho đi quét rác tuốt.
10/8/2016
MVT
Nguồn: FB Mạc Văn Trang