Tại sao phải kiện Khi nghe ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, tại sao không khởi tố (hay khởi kiện) Formosa về thảm họa cá chết ở miền Trung mà tôi thấy thật sự thất vọng.
Về dấu hiệu hình sự đã đủ dấu hiệu và yếu tố cấu thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự hiện hành tại Việt Nam, nên bất cứ cá nhân nào đã trực tiếp và gián tiếp gây ra thảm hoạ đầu độc biển gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tới môi trường và tài nguyên nước, hải sản đều phải bị khởi tố chứ không thể vì lý do sẽ khó đòi tiền bồi thường, có khi đến 30 năm cũng chưa đòi được. Và trong vụ án này, đương nhiên pháp nhân là Formosa sẽ phải bồi thường với tư cách bị đơn dân sự cho những người (ngư dân, hộ kinh doanh hải sản, du lịch,…), tổ chức bị thiệt hại có đơn yêu cầu ra tòa án. Không hiểu bộ phận nào đã tư vấn cho ông mà đã đưa ra cách lập luận kiểu đó để chấp nhận một sự thương lượng khiên cưỡng và không theo luật pháp mà tự thoả thuận với số tiền 500 triệu Mỹ kim. ÁN LỆ TƯƠNG TỰ Ông Thủ tướng hãy nhớ vụ kiện của một Luật sư người Ý với Hãng hàng không Vietnam Airlines làm bài học về việc tôn trọng và áp dụng pháp luật trong giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp lợi ích liên quốc gia. Vietnam Airlines đã bị Luật sư này kiện ở Ý, vì coi thường tính chất vụ kiện và với tâm thế một ông lớn luôn được ưu ái trên đất Việt Nam, nên đại diện Vietnam Airlines đã không có mặt ở bất kỳ buổi yêu cầu có mặt nào từ Toà án ở Italia. Sau đó Toà án xử vắng mặt, gửi bản án cho bên VNA để thi hành, nhưng VNA cũng lại làm thinh trước điều này. Và sau đó thì ai cũng biết VNA đã bị thiệt hại, phải trả giá và gánh chịu hậu quả như thế nào, khi Luật sư người Ý kia gửi yêu cầu thi hành án tại Pháp để đóng băng các tài khoản của VNA tại nước này cũng như đình bay các đường bay do Pháp quản lý để đảm bảo thi hành bản án đã tuyên ở Ý trước đó mà VNA không chấp hành. Nó đã khiến VNA phải chuyển ngay số tiền 8 triệu đô la cho Luật sư người Ý mà không thể khiếu nại hoặc có bất kỳ sự phản kháng nào mà có hiệu lực sau đó. Tôi không hiểu nổi những tư duy pháp lý và những nhận thức kiểu ao làng (tức tòa án không đại diện cho công lý nên có thể kéo dài lê thê, từ việc xét xử hay thi hành án, tình trạng này ở Việt Nam ai cũng biết nó khủng khiếp thế nào) sẽ tồn tại đến bao giờ mới chấm dứt. Nhưng với quốc tế, họ thượng tôn pháp luật, xét xử công minh và thi hành dứt khoát. Không kiểu tùy tiện, nhập nhằng hay tù mù như ở nước ta. Vì vậy, phải kiện, và chúng ta sẽ có một con số bồi thường lớn hơn, đầy đủ căn cứ khoa học cũng như dựa trên pháp lý chuẩn mực thực sự trong việc giải quyết thảm họa này. LS Lê Luân
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Các trang tin lớn của Việt Nam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ cử tri Hải Phòng hôm 3/8. Tin cho hay nhiều cử tri “bày tỏ bức xúc” về việc một nhà máy của tập đoàn Formosa, Đài Loan, chưa chính thức vận hành đã xả chất thải độc hại ra biển ở Hà Tĩnh.
Một cử tri là Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng, đưa ra lời cảnh báo rùng rợn rằng nếu nhà chức trách Việt Nam “không quan tâm đến môi trường”, sau 10 năm có thể sẽ “thấy quái thai hàng loạt ở các tỉnh ven biển”.
Cựu chiến binh Cải đề nghị Thủ tướng cho biết việc cấp đất cho Formosa xây dựng nhà máy trong 70 năm là đúng hay sai. Ông Cải kiến nghị phải sửa luật nếu cần thiết và “phải xử lý người làm sai”.
Theo báo chí Việt Nam, Thủ tướng Phúc “khẳng định ý kiến của Thiếu tướng Cải rất đúng, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp thu ý kiến này”.
Thủ tướng trả lời các cử tri rằng việc cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm ở Hà Tĩnh là đúng. Ông giải thích là luật hiện hành của Việt Nam “quy định nếu dự án có đầu tư lớn, ở vùng đặc biệt khó khăn với tổng vốn gần 11 tỉ đôla thì được ưu đãi”.
Riêng về vấn đề gây ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Phúc khẳng định sai phạm của Formosa đã rõ. Ông tỏ ra kiên quyết khi nói rằng họ phải bị “xử lý nghiêm” và “nếu tái diễn thì đóng cửa”.
Ngư dân tiêu hủy cá chết ở tỉnh Quảng Bình, ngày 28/4/2016.
Báo chí cũng ghi nhận Thủ tướng Việt Nam nói với các cử tri Hải Phòng rằng nhà chức trách không khởi tố vụ Formosa vì “nếu khởi tố thì 30 năm sau chưa đền bù được, lấy được tiền đền bù của họ rất phức tạp”.
Về lời phát biểu nêu trên của Thủ tướng Phúc, Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội cho rằng trên thế giới có những vụ kiện về môi trường khác nhau, thời gian giải quyết khác nhau, song trong trường hợp cụ thể ở Hà Tĩnh, có thể không mất rất nhiều năm. Ông Hải nói với VOA:
“Tôi cho rằng là ông Phúc có thể đã nhận được sự tư vấn sai. Tôi nghĩ là có sự tư vấn sai của cái nhóm chuyên gia về pháp lý nào đấy đối với ông Phúc. Trong trường hợp này chính quyền Việt Nam có thể sử dụng tất cả các khả năng pháp luật của mình để yêu cầu Formosa bồi thường. Còn hiện nay vấn đề khởi tố vụ án hay không, thì tôi nghĩ rằng nếu đủ điều kiện thì phải khởi tố vụ án”.
Tuy nhiên, Luật sư Hải cũng chỉ ra rằng do Bộ luật Hình sự mới của Việt Nam đang tạm hoãn áp dụng, nên hiện nay nhà chức trách không thể khởi tố vụ án đối với pháp nhân – tức là một công ty hay một tổ chức, mà chỉ có thể khởi tố đối với cá nhân, nhưng kể cả việc truy trách nhiệm cá nhân cũng không đơn giản. Ông Hải phân tích:
“Cá nhân là ai? Đây là một sự thật là xác định không dễ. Xác định người trách nhiệm đầu tiên là nhà thầu hay là ông chủ gây ra? Nhưng ông chủ thì chịu trách nhiệm về dân sự. Nhưng nhà thầu thì chịu trách nhiệm trực tiếp về hình sự nếu là người gây ra [ô nhiễm]. Theo tôi hiểu, cũng là một mớ bòng bong cũng không dễ chấm dứt, cũng mất mấy năm ở Việt Nam”.
Mặc dù khó, vị luật sư vẫn cho rằng có thể khởi tố hình sự vụ án được vì vụ Formosa “có đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, ngoài ra ông Hải cũng chỉ ra rằng theo luật Việt Nam, các tội liên quan đến môi trường có thể khởi tố mà không cần có yêu cầu của người bị hại.
Cuối tháng 6, Chính phủ Việt Nam họp báo tuyên bố Formosa đã gây thảm họa ô nhiễm biển ở miền Trung. Hãng này đã nhận trách nhiệm, đồng thời chấp nhận đền bù cho Chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla để khắc phục.
Tuy nhiên, mới đây ngư dân Mai Thạnh ở Hà Tĩnh, một trong những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc, nói với VOA rằng ông chưa nhận được “bất kỳ khoản nào” từ số tiền vừa kể.