‘Rối loạn đất nước’: Mất tình dân còn hơn mất lòng đảng

Phạm Chí Dũng

Bà Ngân mới lên nhậm chức Chủ tịch Quốc hội với tư cách lập pháp nhưng có lẽ bà ấy đang không hề có tư duy lập pháp.

Bỏ qua việc đòi hỏi những người phản biện Chính phủ là đã làm được gì cho đất nước, Bà ấy tiếp tục có một nhận định làm tôi bất ngờ: ban hành luật biểu tình làm rối loạn đất nước.

Đây là tư duy phi logic nhất của một nhà với tư cách lập pháp, nếu là người dân hoặc một chức trách khác vì một lý do nào đó thiếu hiểu biết thì có thể thông cảm cho họ. Nhưng nguy hiểm thay, Bà ấy đang đứng ở cương vị một nhà lập pháp và quản trị quốc gia.

Từ trước đến nay tôi vẫn nói, và nói rất nhiều về vấn đề trình độ lập pháp của các đại biểu Quốc hội là một thực trạng đáng lưu tâm, đặc biệt quan trọng hơn là việc Quốc hội không lập pháp mà chỉ đóng vai khách mời trong việc soạn thảo các đạo luật mà do Chính phủ (Hành pháp) tạo lập nên. Đây là sự lầm lẫn tai hại về thẩm quyền lập pháp trực tiếp mà uỷ nhiệm lập pháp trong luật học rồi đóng vai thẩm tra một thành phẩm của kẻ khác.

Lập pháp, giống như việc xây dựng những con đường, không phải đứng tay chỉ trỏ người khác san lấp, đổ nhựa vào những đâu, mà phải tự mình thiết kế nên con đường và bắt tay vào trực tiếp dựng lên nó.

Việc bà ấy coi luật biểu tình, nếu được ban hành ra, sẽ gây rối loạn, chính là một tư duy sẽ khiến một nhà nước cố tình đảm bảo sự “ổn định” bằng quyền lực không trên cơ sở luật pháp. Một đất nước không có luật pháp để điều hành, quản lý và chuẩn hoá hành động con người, hành vi định tính xã hội thì mới là thứ đẩy xã hội đến rối loạn và tạo nên những bức xúc, mâu thuẫn ngày càng gay gắt hơn.

Một nhà lập pháp là phải ban hành và thiết lập nên hệ thống pháp luật để loại trừ những hành vi ngoại lai, suy biến mà quản trị xã hội bằng luật pháp, từ đó mới tạo nên sự ổn định của đất nước nhờ sự văn minh và khoa học.

Nỗi sợ hãi do sợ bị xâm phạm hoặc phải hạn chế quyền lực chính trị chính là thứ làm gián đoạn những công tác lập pháp cần thiết, và từ việc lùi luật biểu tình, đương nhiên không ảnh hưởng đến quyền Hiến định về quyền tự do biểu đạt chính kiến của đám đông dân chúng này của người dân, cộng thêm việc đình chỉ ba bộ luật lớn đặc biệt quan trọng của một quốc gia, cho thấy thêm tình trạng lập pháp của một cơ quan gần 500 đại biểu, kéo theo là một loạt các cơ quan, tổ chức cùng liên quan trong việc tạo lập nên các đạo luật ấy, thực sự đang có những vấn đề và đặc biệt nghiêm trọng đáng báo động trong việc lập pháp.

Ông Fukuzawa đã nói cách cả hơn thế kỷ trước vào thời Minh Trị ở Nhật Bản rằng, một chính quyền mà chỉ biết sử dụng quyền lực thì không tiếp cận được sự văn minh. Điều đó như một chân lý, bởi thứ gì đặt tên là chuyên chế thì luôn là thứ chỉ dùng quyền lực mà áp đặt chứ hoàn toàn không để cho những điều khác biệt tồn tại song cùng.

Hãy luôn ghi nhớ một nguyên tắc cốt lõi quan trọng bậc nhất, dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, đó là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, và nhà nước chỉ được làm mà những gì pháp luật cho phép. Đó là ranh giới giữa người dân và chính phủ của một đất nước về vai trò và quyền năng của hai thực thể chính trị có liên quan nhưng rất dễ xung đột mang tính đối lập nhau.

Và sau tất cả những đại biến xảy ra nhan nhản và liên tiếp trên đất nước mình, từ biển đảo, sông hồ, thực phẩm, an toàn bay, an ninh mạng, giáo dục suy cấp, pháp luật rối ren và hơi thở ô nhiễm, tôi tự hỏi, vẫn còn có bao nhiêu con người mắt đang mở mà tâm hồn vẫn còn ngủ mê như những con cừu ngoan đạo, tiếp tục im lặng và chờ ngày rủi ro xảy đến với mình trong sự bế tắc vì không hề có giải pháp đối phó từ trước? Hay sẽ lại là một sự trốn chạy tiếp tục đã được sắp sẵn, là chạy trốn khỏi quê hương khốn khổ mà cũng chính do sự phó mặc của đa phần người dân tạo nên này?

LS Lê Luân

 

(Facebook Luân Lê)

 

clip_image002

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân trong một cuộc họp báo ở Hà Nội, ngày 23/7/2016.

Nguyễn Thị Kim Ngân – nữ chính khách từ lâu được coi là được lòng của “các bên” và “đang lên”, nhưng hầu như im bặt về nhiều vấn đề chính trị và xã hội bức bối trong cả đoạn đường thủ ghế Phó chủ tịch Quốc hội – vừa đại diện cho Quốc hội làm một cử chỉ về việc tiếp tục “xù” món nợ với dân đã kéo dài gần một phần tư thế kỷ này.

‘Rối loạn đất nước’

Lộ diện rõ nhất là ngay sau khi trở thành Chủ tịch Quốc hội cùng lời tuyên thệ trước “quốc dân đồng bào” lần thứ hai liên tiếp trong vòng 4 tháng, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát ngôn trước báo giới: “Lợi ích phải hài hòa. Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn. Vì thế, Quốc hội khoá 14 sẽ nghiêm túc xem xét về dự luật này sau khi Chính phủ đã rà soát và trình lên Quốc hội. Không phải dự luật này lùi vô thời hạn”.

Rất đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên bà Ngân mạnh miệng “rối loạn đất nước” – một cụm từ thuộc về sở trường của giới tuyên giáo và công an.

Như một đồng pha, ngay trước khi Quốc hội Việt Nam tổ chức bầu lại các chức danh chủ chốt vào tháng 7/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội lại một lần nữa nại lý do hoãn Luật Biểu tìnhdo đây là dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này”.

Báo nhà nước đã chỉ có thể mỉa mai trong khuôn khổ một bộ não tự kiểm duyệt: “Lại lùi vô thời hạn… Luật Biểu tình”, và “Như vậy, khó có thể tính được cho đến nay dự án Luật Biểu tình đã được lùi, hoãn, giãn bao nhiêu lần. Và khi nào Quốc hội mới trả được nhân dân ‘món nợ’ này vẫn là câu hỏi chưa thể có câu trả lời”.

Quả thế, cứ với cái não trạng điều hành đất nước mang lại khổ đau nhiều hơn hẳn “cơm no áo ấm” như hiện thời, còn lâu mới có chuyện những nhân vật đại diện cho “cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến pháp” tự nguyện trả nợ cho dân.

Dù cố thanh minh trước dư luận xã hội về việc sẽ không kéo lùi Luật Biểu tình vô thời hạn, nhưng người đàn bà đẹp Kim Ngân của Bộ Chính trị đảng cũng chẳng hề hứa hẹn đến thời điểm nào thì dân mới được cấp phép để chính thức xuống đường, và càng không hề đả động đến nguồn cơn chính yếu gây ra hiện tượng chậm lụt Luật Biểu tình: Bộ Công an, còn được một số viên chức ngoại giao nước ngoài giễu cợt như “bộ nhân quyền”, là tác nhân khiến cho quyền biểu tình không ngóc đầu lên nổi.

‘Bộ nhân quyền’ làm gì?

Trong thực tế và chỉ tính từ năm 2015 đến nay, ít nhất 3 lần Bộ Công an – cơ quan được giao soạn thảo Luật Biểu tình từ năm 2011 – đã tìm nhiều cách trì hoãn việc trình luật này ra Quốc hội: Tháng 3/2015, cuối năm 2015 và tháng 3/2016.

Có quá nhiều lý do đã được Bộ Công an nại ra nhằm trì hoãn việc trình Luật Biểu tình:

“Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình”, “quyền tự do biểu tình”, “nơi công cộng”, “tụ tập đông người”…; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…”.

“….dự luật biểu tình đã được xây dựng xong, đã xin ý kiến các bộ ngành liên quan, nhưng một số vấn đề có tính chất nhạy cảm thì các bộ liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp chưa cho ý kiến”.

Sau Đại hội XII, có vẻ Bộ Công an “rút kinh nghiệm” khi lùi vào một góc để lãnh đạo Bộ Tư pháp đứng lên “đọc bài”. Như một bài bản có sẵn, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường – người bị một số đơn thư tố cáo trong thời gian trước và trong Đại hội XII của đảng cầm quyền – xin “lùi Luật Biểu tình” với lý do “còn nhiều ý kiến khác nhau”.

Nhưng giới quan lại mang danh Cộng sản đã quá quan liêu lẫn chủ quan. Khác nhiều với không khí thụ động vào những năm trước, thời gian gần đây đã chứng kiến sự chuyển biến tâm thế của lớp dân chúng chịu thiệt hại lớn – từ đòi quyền tự do biểu tình theo đường ray Hiến pháp sang tự thể hiện một nhu cầu bị dồn vào chân tường. Hàng loạt cuộc biểu tình đông đảo bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, phản đối chính sách không cho nhận trợ cấp một lần ở Sài Gòn, và “cá chết Formosa” trên một diện tích trải rộng của quốc gia… là bằng chứng hùng hồn về tâm thế “Xuống đường, rồi muốn ra sao thì ra” của nhiều người dân không còn gì để mất.

Quả thế, đói quá lâu sẽ hết đói. Cuối cùng, bánh vẽ Luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Cuối cùng, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn, không cần biết đến nội bộ chính quyền “còn nhiều ý kiến khác nhau về dự Luật Biểu tình”…

Mất tình dân còn hơn mất lòng đảng

Sau cuộc biểu tình bảo vệ môi trường lên đến hàng chục ngàn người diễn ra vào tháng 5 năm 2016 tại Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, đã xuất hiện một số ý kiến trong nội bộ đảng cho rằng trước sau gì cũng phải ban hành Luật Biểu tình, bởi nếu không có luật thì “làm sao quản được nó” (ý nói quản lý người biểu tình). Nhưng bàn tới bàn lui mà vẫn không một quan chức có trách nhiệm nào dám đưa đầu ra “quyết”. Hiện tượng tâm lý chính trị học này cho thấy chính quyền quá lo sợ trước làn sóng biểu tình ở nhiều vùng đất nước của quá nhiều người dân bất chấp có Luật Biểu tình hay không.

Còn tình thế hiện thời lại cho thấy Luật Biểu tình có thể bị hoãn vô thời hạn, ít nhất cho đến khi nào chính quyền hết sợ bộ luật về dân quyền này. Mà việc chính quyền hết lo sợ lại là một điều vô cùng hi hữu. Có lẽ trong lịch sử hơn 70 năm tồn tại của Đảng Cộng sản, chưa bao giờ nó lo sợ về đủ thứ nợ cũ nợ mới như lúc này.

Rốt cuộc, bất chấp bị dư luận và báo chí lên án là “nợ dân quá nhiều”, một con nợ vẫn hoàn toàn có thể ‘”xù” nợ khi đã trở nên quá trơ tráo.

Không cần ngạc nhiên và cũng chẳng phải quá thất vọng về “nữ chính ủy” Nguyễn Thị Kim Ngân khi nhân vật này trở thành chủ tịch Quốc hội và chính thức được xếp vào “nhóm tứ trụ” của đảng cầm quyền. Trước đây, một số người kỳ vọng về tính khí hào sảng nữ lưu Nam Bộ của bà Ngân. Nhưng sau cú dốc tuột cả xô cám xuống Ao cá Bác Hồ của bà – một hành động mà chính Tổng thống Obama đứng bên cạnh cũng phải tỏ ra sững sờ, Nguyễn Thị Kim Ngân gần như lộ rõ thân phận một chính khách hoàn toàn thiếu óc chiến lược.

Thiếu óc chiến lược nhưng lại thừa tiểu xảo và bây giờ là ma mị. Tương lai của một “nghị gật” rất thường bắt nguồn từ quá khứ “không biết, không nghe, không thấy”. Phát ngôn “Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn” của tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất có thể phản ánh khá đầy đủ tâm thế của bà và của cả một chính thể được coi là “chính danh”: không quản được thì siết, không siết được thì cấm – một phương châm bất di bất dịch của những người chẳng biết làm gì hơn ngoài thái độ trơ lì hứa và quên.

Mất tình dân còn hơn mất lòng đảng.

Quốc hội Việt Nam cũng vì thế, sau thời “gật gù” với Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật nổi tiếng về che chắn cho nạn tham nhũng tột độ, lại tiếp diễn “nháy mắt đưa tình” với các nhóm quyền lực và nhóm lợi ích mới của đảng.

Chỉ có nhân dân là tiếp tục bị ra rìa.

Cái tên Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bởi thế có nhiều triển vọng rơi vào đáy của lịch sử và bị lịch sử lãng quên còn nhanh hơn cả Nguyễn Sinh Hùng.

P.C.D.

* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/roi-loan-dat-nuoc-mat-tinh-dan-con-hon-mat-long-dang/3446151.html

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.