Tình hình Biển Đông ‘căng’ nhưng chưa ‘nổ’ – Ta nên làm gì?

Bùi Tín

clip_image002

Cảnh sát cố gắng ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Philippines ở Hà Nội, ngày 17/7/2016.

Tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng sau khi có phán quyết của Tòa án Thường trực Liên Hiệp Quốc (PAC) ngày 12/7. Nhưng liệu có sẽ nổ ra chiến tranh hay không?

Có thể thấy trước hết là Trung Quốc tức giận điên cuồng, vì họ bị đòn đau chưa từng thấy. Họ rất chăm lo đến uy danh lại quen sĩ diện, cao ngạo là ta đây nước lớn đang vươn lên ngôi vị bá chủ thế giới. Cho nên họ chính thức phủ nhận quyền của PAC, coi là vô giá trị, không chấp hành, còn hung hăng đe dọa sẽ có phản ứng mạnh khi bị khiêu khích. Họ còn dậm dọa dựng lên “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) để độc chiếm bầu trời trên toàn khu vực, tổ chức diễn tập bắn đạn thật, gọi thêm quân nhập ngũ, tăng đội dân quân ven biển. Mặt khác Bắc Kinh trông đợi ở tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte tỏ ý muốn hòa giải với Trung Quốc để cùng nhau khai thác dầu, tranh thủ thái độ thực dụng của Lào và Campuchia bằng cách tăng viện trợ. Nhưng cả hai thủ đoạn này đều không hiệu quả do Chính phủ Philippines vẫn giữ nguyên giá trị của phán quyết PAC, không chút nhân nhượng trước thái độ quyết liệt chống bành trướng của nhân dân Philippines. Hơn nữa, Lào và Campuchia không có mấy ảnh hưởng trong khu vực khu vực và trên thế giới.

Điều quyết định tình hình là Liên minh Hoa Kỳ-Philippines-Nhật Bản-khu vực Indonesia, Singapore (và có thể kể cả Việt Nam) đều hoan nghênh phán quyết của PAC, yêu cầu Trung Quốc phải chấp hành nghiêm chỉnh, phải tỏ ra là một nước lớn có trách nhiệm trên trường quốc tế.

Mặt khác khối liên minh chống bành trướng này, sau chiến thắng chính trị ngoại giao quan trọng PAC, đã tăng thêm thực lực trong khu vực, tăng lực lượng hải quân với các cụm hàng không mẫu hạm, khu trục hạm, tên lửa hiện đại nhất, xoay hẳn trục sang Châu Á – Thái Bình Dương, tăng thêm sự có mặt quân sự, diễn tập, trang bị kỹ thuật, phối hợp huấn luyện, thăm viếng các cảng quân sự trong khu vực, răn đe thiết thực có hiệu quả phe hiếu chiến ở Trung Nam Hải.

Do đó có thể nói lúc này tuy tình hình có vẻ căng thẳng hơn trước nhưng thế lực bành trướng Trung Quốc rất biết người, biết ta, chưa thể tự tin lao vào một cuộc xung đột chiến tranh cục bộ ở Biển Đông. Trước hết là do so sánh thế và lực quân sự, về lực lượng hải quân, không quân, tên lửa, ngoại giao trong vùng và khu vực Trung Quốc luôn ở thế yếu hơn Liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo. Điều quan trọng hơn nữa là Trung Quốc đang vướng mắc những vấn đề nội bộ căng thẳng khó khăn nhất. Kinh tế khủng hoảng, tài chính sa sút, quỹ dự trữ ngoại hối giảm nhanh từng tháng, đồng tiền mất giá hằng ngày. Đã vậy Hồng Kông và Đài Loan đang trở nên hai vấn đề chính trị gây mất ổn định triền miên; phương châm “Một đất nước-hai chế độ” bị thử thách rất nghiêm trọng theo hướng ly khai nguy hiểm. Tập Cận Bình lại chưa kết thúc nổi cuộc “đả hổ diệt ruồi”, chưa có bụng dạ nào lo cho một cuộc thử sức quân sự phiêu lưu mà hậu quả sẽ khôn lường.

Do tất cả tình hình trên, cộng với tình hình cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ sẽ diễn ra trong vài ba tháng nữa ra nên mọi người, mọi nước còn chờ đợi xem có sự đổi thay gì to lớn hay không. Trong Tòa Bạch Ốc, nếu tổng thống mới vẫn là một người thuộc Đảng Dân chủ thì có lẽ sẽ không có thay đổi gì nhiều, nhưng nếu là một tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa thì chắc chắn sẽ có thay đổi đáng kể, có thể có những đảo lộn mạnh mẽ, với một dàn chính khách mới của Đảng Cộng hòa, một dàn chính phủ mới, cố vấn chính trị, kinh tế, tài chính, an ninh, quân sự, tướng lĩnh, nhà ngoại giao mới theo đường lối chính sách mới. Cho nên trong vài tháng tới, thế giới sẽ nghe ngóng, tìm hiểu, điều chỉnh, thích nghi, chưa thể có chủ trương gì mạnh mẽ liên quan đến chiến tranh hay hòa bình ở Biển Đông.

Lẽ ra trong hoàn cảnh như thế, Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam nên tận dụng thời cơ thảo luận kỹ tình hình đất nước để có những quyết định thích hợp.

Trước hết, phải mổ xẻ, phân tích thấu đáo thảm họa môi trường Formosa, phải truy tố các chính phạm và tòng phạm trong vụ này. Nên chăng sớm đóng cửa luôn toàn bộ dự án này’? Nên chăng phải xem xét kỹ lại những dự án khác về gang thép, thủy điện, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, bô xít, hải cảng, trồng rừng đã giao cho các công ty Trung Quốc từ trước đến nay? Nên chăng phải kiểm tra kỹ lực lượng công nhân Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam không giấy tờ, kiểm tra kỹ thương lái, nhà buôn đưa hàng giả, hàng độc hại vào Việt Nam?

Có vẻ như Bộ Chính trị đã bỏ ngoài tai yêu cầu bức thiết của đông đảo nhân dân là phải nhân cơ hội PAC ra phán quyết bác bỏ những đòi hỏi về chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, Việt Nam cũng phải phát đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế như Philippines đã làm.

Đất nước đang thật sự bị lâm nguy, đang bị bức tử từ mọi phía trong khi lãnh đạo không ngang tầm, ý chí đấu tranh và sự sáng suốt kém thua một công dân bình thường. Khủng hoảng đến từ mọi phía, mọi lĩnh vực, nhưng khủng hoảng lãnh đạo là nghiêm trọng và là khâu bế tắc nhất.

Có thể đoán trước những điều Quốc hội quyết định sẽ lại theo những vết chân cũ, lủng củng chữ nghĩa, giáo điều nhàm chán, không mảy may đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, của cử tri trong toàn xã hội.

Điều quan trọng cơ bản nhất là phải thay đổi tận gốc mô hình cầm quyền, xây dựng thể chế dân chủ đa nguyên. Nếu không làm như thế thì chỉ còn cách chịu để cho đất nước bị bức tử dần bởi thế lực bành trướng ngoại bang.

B.T.

__________

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/tinh-hinh-bien-dong-cang-nhung-chua-no-ta-nen-lam-gi/3435424.html

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.