Chí làm trai và bầu máu nóng năm xưa vẫn như âm ỉ trong con người tàn mà không chịu phế này
Tô Văn Trường
Thương trường là “chiến trường” – kinh doanh vốn là một nghề nghiệp đặc biệt đầy rủi ro mà không phải ai cũng có đủ tố chất, sự can đảm và may mắn để theo đuổi. Có nhiều người thông minh, giỏi giang có thể làm chuyên gia, làm thầy giáo dạy về kinh doanh thì giỏi nhưng làm kinh doanh thật thì thất bại. Kinh doanh trong môi trường “thiếu chuẩn” như ở Việt Nam ta ngày nay thì rủi ro càng lớn. Con số hàng chục ngàn doanh nghiệp bị “khai tử” hàng năm càng cho thấy mức độ khốc liệt và rủi ro cao của thương trường.
Người lính từ chiến trường bom đạn thật trở về thường không dễ thích nghi với môi trường hòa bình mới như nhân vật Giang Minh Sài trong tiểu thuyết “Thời xa vắng” nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu. Nhưng vẫn có người lính trở về mà làm kinh doanh thì cần có bản lĩnh và nỗ lực hơn rất nhiều. Người lính bị thương tật, thậm chí thương tật nặng mà bước vào kinh doanh còn khó khăn hơn nhiều lần, phải có bản lĩnh vươt bậc mới dám làm và chỉ một số đi được tới thành công, thật là của hiếm, rất đáng trân trọng và khâm phục.
Người doanh nhân đó tôi muốn nói đến là anh thương binh nặng Trần Huy Tôn. Bị thương ở chiến trường Quảng Nam năm 1974, mù cả hai mắt do mìn, cũng với một số vết thương trên cơ thể. Vì là thương binh nặng (1/4, trước đây là 8/8), anh Tôn được tiêu chuẩn nhà nước tài trợ, có cả người hộ lý chăm sóc mình.
Với điều kiện sức khỏe và thương tật nặng như vậy, những người như anh Tôn hoàn toàn có quyền được nghỉ ngơi. Nhưng chí làm trai và bầu máu nóng năm xưa vẫn như âm ỉ trong con người tàn mà không chịu phế này. Quyết tâm đương đầu với số phận, không muốn mình là gánh nặng của xã hội, và còn muốn giúp đỡ nhiều người nghèo khó khác trong sinh kế, đã thúc đẩy anh hành động.
Anh Tôn bảo, năm 1976 là thương binh nặng nhất (bậc 8/8) lương cũng chỉ có 54 đồng/tháng, nhưng còn nhiều thương binh khác không đủ ăn, cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Để thoát nghèo, thoát khổ, đồng đội tương trợ lẫn nhau, năm 1979, anh thành lập hợp tác xã, sau chuyển thành Xí nghiệp 202 Tân Quang. Lúc đầu có 30 người, toàn là thương binh tàn tật. Khó khăn nhất là không có ai dạy nghề cho mình. Anh phải tự mầy mò đi học nghề, rồi về dạy lại cho anh em tàn tật trong xí nghiệp sản xuất bulong, chỉ dẫn, giúp đỡ các chị em bị tật khèo, may phớt đánh bóng phụ tùng xe đạp. Lúc phát triển cao nhất, xí nghiệp có hơn 90 người, sản xuất thêm cả mặt hàng ép cúc nhựa cho quân đội vv…
Anh thương binh Trần Huy Tôn (bên trái) với tác giả viết bài báo này.
Năm 2004, anh cùng với một số người thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên Starfood do anh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Công ty có hơn 100 người chuyên sản xuất thực phẩm về đồ hộp ở Mỹ Hào, Hưng Yên bán cho các siêu thị. Dấn thân vào thương trường, anh chấp nhận các thách thức khó khăn, phải vật lộn tìm nguồn vốn, cải tiến công nghệ và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Từ năm 2014 do đã 65 tuổi, sức khỏe hạn chế, Anh đã nhường lại công ty Starfood cho người khác điều hành, còn mình chỉ tập trung vào công việc của xí nghiệp Tân Quang, sau chuyển thành công ty.
Những việc làm thiết thực, hiệu quả của anh Tôn về tinh thần vượt khó, với biết bao trở ngại trên thương trường, năng lực tổ chức công việc cho nhiều người, kết nối mối quan hệ, cảm hóa con người, làm ăn có lãi, đóng thuế thu nhập cá nhân, ngay cả người khỏe, mắt sáng cũng rất khó thực hiện. Công ty của anh mỗi ngày ăn nên làm ra.
Nhưng cảm phục hơn ở người thương binh này chính là tư duy, trí tuệ rất “sáng”. Tuy đôi mắt bị mù nhưng các giác quan khác của anh rất nhạy cảm, hơn người. Đúng là “trời không cho ai tất cả nhưng cũng không lấy của ai tất cả”.
Thật cảm phục những điều anh Tôn tâm sự: Con người sợ nhất là bần cùng về trí thức, và hơn nhau ở chỗ nắm bắt thông tin, nên mỗi ngày anh dành khoảng 03 tiếng để đọc các bài báo, lắng nghe các thông tin thời sự trong và ngoài nước.
Thương trường là chiến trường, nên anh cần nắm bắt, phán đoán và dự báo được nhiệt độ lên xuống thất thường của nghề kinh doanh.
Anh đau đáu, trăn trở, lo âu với đời sống chính trị xã hội của đất nước, đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn về kinh tế, về đường hướng phát triển, hội nhập quốc tế và cuộc sống của người dân cả về vật chất và tinh thần.
Anh bảo không sợ quan tham, vì đó là khuyết tật phổ biến của quan chức, nhất là trong thể chế còn chưa dân chủ. Vấn đề là luật pháp phải nghiêm để hạn chế quan tham. Anh nhấn mạnh, sợ nhất là quan “ngu” vì nó kéo lùi, làm đất nước tụt hậu, và từ quan “ngu” sẽ lại đẻ ra quan tham. Nói tới đây, bỗng anh quay đầu hướng ra phía cửa sổ mà tôi biết rõ là với đôi mắt khiếm thị, chắc chắn anh chẳng thể thấy được ánh nắng, vòm lá lung linh như tôi – nhưng, kỳ lạ thay trên gương mặt ấy lại ngời ngời một cái gì đó đẹp đẽ và rực rỡ hơn nhiều những thứ mà tôi thấy.
Mà thương trường thì lắm nỗi gian truân rất khó lường.
Tỷ như, ngay đầu năm nay, Tổng công ty Sơn Trường của người bạn thân Tạ Quyết Thắng đầu tư 02 dự án “Mở rộng Nhà máy bê tông Sơn Tây” để sản xuất thêm một số sản phẩm cấu kiện mới; và dự án “Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn” tại xã Gia Minh (Thủy Nguyên- Hải Phòng). Quá trình chuẩn bị và tiến hành thi công 02 dự án chỉ cần 06 tháng nhưng thời gian để xin cấp giấy phép xây dựng mất tới hơn 07 tháng. Doanh nghiệp phải tốn kém, mất thêm nhiều tiền bạc rất vô lý và quỹ thời gian vàng bị đánh cắp, tổn thất này không thể tính được bằng tiền.
Không chỉ cư nhân xử thế với người đang sống, anh Tôn còn rất chí tình và có trách nhiệm ngay cả với người đã khuất. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện đáng nhớ – năm 2005, bằng trí tuệ, quyết tâm và linh cảm của mình, anh đã chỉ huy con cháu, người nhà 09 người cùng đi chuyến xe ô tô, lặn lội 02 lần vào Bình Định, kể cả khi phải trèo vượt tường nghĩa trang xã Tân Xuân lúc đã khóa cổng (do người thủ trang đi vắng) để tìm bằng được thi hài của người anh ruột là liệt sĩ Trần Trung Thu hy sinh từ năm 1971, rất ly kỳ và hấp dẫn.
Điều băn khoăn trăn trở nhất hiện nay của anh Tôn là còn nhiều việc phải tháo gỡ liên quan đến thực hiện pháp lệnh về người tàn tật, đó là lựa chọn dạy loại nghề nào cho phù hợp và tỉ lệ nhận người tàn tật vào làm việc ở các cơ sở sản xuất?
Người đời thường nói: “Sức mạnh của vua chúa là quyền uy. Sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo. Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa”. Doanh nhân Trần Huy Tôn tuy bị mù nhưng tâm trí rất sáng. Tôi có mấy vần thơ đề tặng anh và những thương binh trên cả nước nhân ngày 27-7.
Mù không đui – nhờ tâm anh sáng
Vẫn băng qua “làn đạn” thương trường
Lặn lội giữa thời sâu bọ nhiễu nhương
Dựng nghiệp tạo nguồn xây sự sống
Đánh giặc xong rồi, gặp “’ngu” phải chống
Tàn mà có phế đâu anh.
Câu chuyện của anh Tôn như một lời nhắn nhủ tới chúng ta hôm nay, những người tàn tật hay còn đang lành lặn, những người có số phận may mắn hay gặp nghịch cảnh về ý nghĩa thực sự của cuộc sống, về tiềm năng vĩ đại của con người khi ta đủ can đảm và mạnh mẽ bước lên.
Câu chuyện cũng mong những người có trách nhiệm liên quan đến “bệnh cơ chế” ở ta hãy thức tỉnh lại để góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh để cho những doanh nghiệp lành mạnh phát triển ngõ hầu tiến tới một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh và giàu mạnh”, trong đó những cơ hội cho những người tàn tật yếu thế…vươn lên luôn hiện hữu.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN.