Xử lý chất thải và khôi phục biển xứ người

Thụy Nguyễn – Canada

Nhân thấy cộng đồng mạng đang thảo luận các vấn đề xoay quanh chủ đề về «khôi phục biển miền Trung », có ý kiến cho rằng rất khó vì rất tốn kém và mất rất nhiều thời gian, tôi cũng xin đóng góp vài thông tin. Tôi không phải là chuyên gia về Hải Dương Học, nhưng cách đây không lâu, hình như vào cuối năm ngoái, tôi có xem trên truyền hình ở Canada một phóng sự về việc các chuyên gia Do Thái cấy thành công một rặng san hô ở Northern Red Sea sau khi san hô ở đó bị chết do bị tàu bè qua lại. Sau khi cấy, phải mất gần mười năm nó mới bám rễ và mọc khoảng mấy phân. Như vậy thì sợ là dù san hô ở biển miền Trung Việt Nam được cấy thành công từ bây giờ thì cũng chưa chắc đời tôi được chứng kiến nó được phục hồi lại như xưa! Đằng này cách làm còn chưa biết , phải chờ làm nghiên cứu vì rằng môi trường biển ở “red sea” khác biển VN rất nhiều, nên không thể đem mầm của Do Thái về cấy ở VN, lại thêm biển miền Trung VN đang bị ô nhiễm bởi kim loại, cho nên trước hết phải tẩy được hết  kim loại đi trước khi nói chuyện cấy lại san hô, mà hiện thời thì cũng chưa biết đích xác là các kim loại thuộc loại gì (vẫn chỉ là đoán mò vì thiếu thông tin). Sau khi bị thảm họa xảy ra ở Northern Red Sea, cơ quan bảo vệ thiên nhiên “Nature and National Parks Protection Authority” của Do Thái có làm ước tính về các thiệt hại. Tôi thấy trong đó họ tính cả chuyện cái dịch vụ du lịch gọi là “scuba” – đem du khách đi lặn dưới biển xem san hô bị phá hủy.

Ở xứ Canada này thì chưa bao giờ bị một thảm họa môi trường tầm cỡ như ở Hà Tĩnh VN. Năm 1988 có một vụ cháy một kho chứa PCB (Poly Chlorinated Biphenyl) ở một thành phố nhỏ có tên gọi là St-Basile Le Grand, được cho là khủng khiếp vì phải di tản cả một thành phố gồm 4000 người, nhưng đâu có thấm thía gì so với cả triệu người bị ảnh hưởng như ở bên mình! Sau vụ cháy, nhà trong thành phố này bị xuống giá trầm trọng, còn ngân sách của chánh phủ thì bị tốn thêm khoảng ba mươi triệu đô Canada. Vì lúc cháy bà con bị di tản phải ở khách sạn khoảng hai tuần đợi khí độc bay đi rồi mới có thể trở về nhà , cộng tiền khám sức khỏe cũng như cho thử nghiệm cho mọi người xem có bị nhiễm gì không (kết quả là không có ai bị gì), rồi tiền dọn dẹp…

PCB là một chất dầu được dùng làm chất cách nhiệt trong các thiết bị như “transformer” trong các trạm biến điện vì thế nó là thứ vật liệu rất thông dụng trong những năm từ 1930 đến đầu những năm 1970. Sau đó người ta phát hiện ra chất này có thể gây ưng thư cho cả người lẫn súc vật nên vào năm 1977 Canada ra luật cấm. Khi bị cấm thì chất này phải bị gom để đem đến một chỗ đặc biệt để xử lý.

Trong vụ cháy này chánh phủ phải chịu hết các tổn phí vì người chủ cái kho chứa tên là Marc Levy bỏ trốn sang Mỹ sống. Marc Levy là một nhân viên cũ của Bộ Tài nguyên Môi trường Canada, khi luật cấm PCB được ban hành thì anh này thấy có cơ hội để làm giàu nếu làm thầu các chất phế thải PCB để đem đi xử lý. Hắn xin nghỉ việc rồi ra lập hãng thầu chất thải PCB và trở thành triệu phú, nhưng hắn cẩu thả nên mới gây họa. Luật bắt là các kho chứa chất liệu nguy hiểm phải có hàng rào không cho ai vào và cổng phải khóa và có người canh gác, tên này hà tiện không rào gì hết, để khơi khơi rồi thuê một nông dân ở gần đó làm quét dọn. Không biết có phải vì trả tiền không sòng phẳng hay sao mà người nông dân tức nên đốt kho. Lúc đầu không có bằng cớ để kết tội nên người nông dân được tòa tha bổng, nhưng mười bốn năm sau bị lương tâm cắn rức, người này tự thú, nhưng vì thời gian để truy tố theo luật định bị hết hạn thành không thể đem anh ta ra xử lại  (nhà nước pháp quyền là như vậy). Đất bị nhiễm ở trong khuôn viên của kho chứa sau đó được đào lên đem đi xử lý rồi cho chôn trong một cái hố được rào bằng đất sét, cát và hệ thống ống để điều hành không cho nước thoát ra ngoài lúc bị mưa (xin xem link video đính kèm).

Có ba cách để xử lý: cách thứ nhất gọi là “biodegradation” tức dùng sinh hóa cho rã tự nhiên, giá khoảng mấy trăm đô/một tấn và phải mất cả tháng để chờ cho nó rã. Cách thứ hai gọi “chemical oxidation” tức dùng phản ứng hóa học để oxi hóa, giá đắt hơn cách trên nhiều nhưng chỉ mất có vài ngày để làm xử lý. Và cách thứ ba là đem đốt trong một lò đặc biệt ở nhiệt độ cao hơn 1200 độ C, giá để xử lý là 1200 đô Canada / một tấn. Nếu đốt không đủ nhiệt độ thì sẽ thải ra không khí hai chất có thể gây ung thư là dioxin và furan. Lúc đầu ở tiểu bang đó chưa có lò đốt nên họ chở bằng tầu sang lò xử lý bên Anh Quốc, nhưng bà con bên đó sợ có sự sự cố khi bốc dỡ và chuyên chở nên biểu tình chống đối, rút cuộc phải đem ngược về  rồi chở đến tiểu bang Alberta (là nơi sản xuất dầu khí của Canada nên lúc đó có lò để xử lý các loại ô nhiễm vì dầu), trong khi chờ đợi, chánh phủ tiểu bang Quebec xây lò xử lý trên địa hạt của mình. Như vậy cho thấy là chỉ một kho chứa bị thảm họa thôi mà đã phải cần tới hai lò xử lý mới làm xuể, làm tốn của chánh phủ Quebec thêm sáu mươi triệu đô Canada. Tức cả thảy vụ này tốn của chánh phủ là chín mươi triệu đô Canada.

Hãy thử tưởng tượng nếu đào hết các tấn chất thải rắn ô nhiễm của Formosa hiện đang chôn dấu lén lút ở miền Trung đem đi xử lý thì sẽ tốn  như thế nào? Để Formosa chạy tới bảy mươi năm thì nếu làm đúng theo cách thức khoa học tiên tiến thì phải xây bao nhiêu lò xử lý cho đủ? Đó là giả sử mình có lò đặc biệt để xử lý, đằng này còn chưa có nữa, lại thêm với hiện tình nợ nần thì không biết là CSVN có tiền để trang bị loại lò này không?! Sau khi xử lý rồi cũng chưa xong đâu vì còn phải đem chôn theo đúng cách thức như video trình bày ở trên rồi phải chờ thêm mười năm trước khi có thể đem ra tái sử dụng.

T.N.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.