Chắc phải nghỉ chơi với Viettel

Thiện Tùng
Đọc báo giấy trớt lớt, riết rồi đâm chán, những lão già sắp gần đất xa trời chúng tôi vào mạng in-tẹc săn tin kiếm sống qua ngày. Trước đây, ai cũng thích chọn đường truyền của Tập đoàn Viễn thông Viettel của Quân đội, vì ngỡ rằng Quân đội sống ngay ngắn, có kỷ cương, nào ngờ, không như những đường truyền khác, nó bị chặn tùm lum, nhứt là từ đại hội Đảng CSVN (Đảng) tới nay.
Tiền thuê bao thì phải trả đủ theo giao kèo, tin được đọc theo hảo tâm. Ức quá, tôi đến trụ sở chi nhánh của họ báo cắt hợp đồng vào tháng sau. Họ cho 2-3 nhân viên kỹ thuật đến, dọc tơi tả máy tính vẫn không vào được những trang “lề trái”. Họ gọi điện thoại đâu đó, lấy viết ghi những con số rồi gõ vào máy, những trang “lề trái” tôi cần hiện ra đầy đủ. Họ về chẳng được bao lâu, bịnh cũ tái phát cho đến nay, ngày một trầm trọng hơn.
Qua hiện tượng, tôi đoán già đoán non – chưa chắc đúng: Có lẽ Viettel bị rầy nên họ đành phải “trung với Đảng, thất tín với khách hàng”. Là khách hàng lâu năm, ít nhiều tôi có cảm tình, cảm thông đối Viettel, nhưng cứ với cái đà nầy, chắc sớm muộn gì tôi cũng phải nghỉ chơi với nó.
Sáng nay (22/7/2016), tôi tranh thủ vào mạng, chủ yếu xem tin về phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, xem việc xử lý Formosa và xem Trung quốc có nổi khùng ở biển Đông không. Rọc rạch mãi mà không vượt được tường lửa.
Buồn quá, ở không làm gì, tôi gõ một số chuyện vui xa xưa trên đất Campuchia, ngoài xả căng, báo với độc giả cư dân mạng nầy vẫn khỏe, luôn có mặt “trên từng cây số”. Tôi không biết chữ Campuchia, chỉ nói trọ trẹ, và viết theo phiên âm:
1/ Tôi và anh Thế vào xin nghỉ chân ở nhà dân, 3-4 nhà dân xung quanh họ đem cơm và thức ăn đến mời chúng tôi. Không ăn họ sẽ buồn. Họ ngồi xung quanh xem mình có ăn phần của họ đem đến không. Không phải họ cho mình ăn mắm bò-hóc, chỉ mùi bò-hóc lưu lại trong soong nồi bốc lên rất khó ăn. Xem như gặp nạn, tôi ngồi xổm lên, xúc lưng chén cơm, thức ăn “mỗi lỗ mỗi tỉa”, nín hơi lua xong chén cơm, rời chỗ, lắc đầu vỗ bụng nói:
“xà- ách ná ! ” .
– “xà-nganh tê?” – họ vui cười hỏi.
– “Nganh…” – tôi đáp.
Anh Thế không nghĩ ra cách ứng phó, trân mình ngồi rán ăn. Ăn xong, anh Thế kéo tôi ra ngoài hỏi riêng:
Xà-ách là gì? – no quá!
Xà-nganh tê là gì? – có ngon không?
Nganh là gì? – ngon.
– Ngon cái mụ nội mẹ tao! Rán nuốt muốn chảy nước mắt – anh Thế nói.
**
2/ Tôi và anh Phong, đi trưa nắng, ghé nhà dân nghỉ chân, tránh nắng. Anh Phong cầm nón quạt và nói:
Nực muốn chết!
– Nực bà-bôn hả? – chị chủ nhà nhìn anh Phong cười hỏi: “nhớ vợ hả?” (nực có nghĩa là nhớ, bà-bôn là vợ).
Lát sau chị chủ nhà đem ra nải chuối, hất hàm nói “hợp chếch” (mời ăn chuối). Vừa ăn, vừa nghĩ, tôi ngộ ra, nói với Phong:
Cám ơn anh!
Về việc gì? – Phong hỏi.
Về nải chuối – tôi đáp.
Sao không cám ơn chủ nhà lại cám ơn tôi? – Phong vặn hỏi.
Chếchchuối? Hồi nảy anh nói nực muốn chết, chị chủ nhà tưởng mình đòi ăn chuối, nên lấy chuối ra đãi mình, không phải vậy sao? Cả hai cùng cười ngữa nghiêng vì sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy. Chị chủ nhà thấy chúng tôi cười cũng vui lây, cười theo chớ chắc chẳng biết chúng tôi cười về việc gì.
***
3/ Trên đường đi, tôi thấy con heo (lợn) chúi đầu xuống lỗ tròn đào dọc theo lề đường để tránh máy bay, hai chân sau của nó còn lú trên mặt đất, chòi chòi. Tôi gọi lớn vào mấy người đang ngồi trong nhà:
Tà-rục ngộp trăn-xê!”.
Chủ nhà chạy ra kéo con heo lên, nhìn tôi cười nói:
Ngộp tê! Ngộp tê!!! (tà-rục là heo, ngộp là chết, trăn-xê là tiếng Pháp gọi hầm trú ẩn – Ở Campuchia họ cũng gọi công sự hay hầm trú ẩn là trăn-xê).
****
4/ Tiếng Campuchia gọi khoai là “tầm-lôn”. Bữa nọ tôi đi mua khoai môn. Tôi nói với họ tôi mua “tầm-lôn môn”. Họ ngớ người, tôi dẫn ra chỉ những bụi khoai môn. Họ cười xòa rồi đào bán cho tôi. Từ đó về sau, mỗi khi thấy tôi đi qua, họ gọi trêu “tầm-lôn môn! …”.
*****
5/ Tôi đứng ngoài, em Trần Thế Yên vào trong hỏi xin chủ nhà cho ở trọ. Yên nói tiếng Khmer cũng ba chùm ba cháng, chủ nhà khó hiểu bảo:
Nói tiêng Viêt đi, tôi cung biêt chut chut (nói tiếng Việt đi, tôi cũng biết chút chút) – chủ nhà nói tiếng Việt không dấu lơ lớ hơi khó nghe.
Yên trình bày bằng tiếng Việt. Chủ nhà gật đầu nói:
Ơ, ơ thi ơ đưng đap mai nghe (Ờ, ở thì ở đừng đạp mái nghe).
Ở được ít hôm mới biết gia đình nầy lai nhiều ngoai (tạp chũng): Tàu, Khmer, Lào, Việt Nam. Ông nầy vợ đã chết, có hai người con gái sanh đôi tên là Cà Pen, Cà Pư, đầu gà đít vịt đẹp sát số. Thư sinh Thế Yên xem mòi chết mê chết mệt về hai ả nầy, yêu thích để trong bụng chớ đâu dám rục rịch.
Tại sao ông ấy dặn “… đừng đạp mái”? Về sao mới biết: Trước đó, một cán bộ An ninh hỏi ở trọ nhà ngói bên cạnh. Nhà ngói nầy có cô con gái tên Cà Tha. Ông cán bộ An ninh không tha cho cô nầy – để em trong bụng người ta. Đổ bể ra, dân trong vùng đàm tiếu nhức óc. Ngành Y của Việt Nam phải phá cái thai mới tạm yên với họ.
******
6/ Đoàn Văn công đóng trong rừng tre, chiều chiều ra xóm xách nước giếng lên tắm, giặt, 4-5 nữ diễn viên đến nhà chúng tôi trọ, xin chủ nước giếng tắm, giặt. Một cô vừa đến miệng giếng, ông chủ nhà nói trong vẻ hốt hoảng:
Ta Sau, đưng cho phu nư xach nươc giêng (Ông Sáu, đừng cho phụ nữ xách nước giếng).
Tại sao? – Tôi hỏi
Ông Ta ơ dươi nhin lên thây ky qua, ông quây đuc nươc hêt! (Ông Tà ở dưới nhìn lên thấy kỳ quá, ổng quậy dục nước hết). Ngẫm ra mới biết, dường như đã trở thành tập tục, phụ nữ Campuchia mặc xà-rong, chồm ra giếng xách nước, ông “Tà” gì đó ở dưới giếng nhìn lên thấy hết…, quậy đục nước.
Không còn cách nào khác, tôi và Thế Yên thay phiên nhau ra giếng xách nước chuyền cho những cô gái Văn công tắm, giặt. Riết rồi làm như chúng tôi mắc nợ những cô ấy, phải trả công vào những buổi chiều.
Chưa hết, giặt xong, các cô để áo quần lên những tàu dừa. Ông chủ nhà lại gọi tôi nói:
Không được đê ao, quan trên những tàu dưa! (không được để áo, quần trên những tàu dừa!).
Vì sao? – Tôi hỏi.
Ngươi ta chung qua chung lại “sư ca-ba”! (người ta chun qua chun lại “nhức cái đầu”- sư là đau/nhức, cà-ba là cái đầu).
Bị tường lửa chặn, buồn quá, nghêu ngao 6 câu (chuyện) cho khuây khỏa. Nếu đọc giả không hài lòng cứ chủi – chửi cũng là cách giải nhiệt?
T.T.
Tác giả gửi BVN
This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.