Kính Hòa, phóng viên RFA
Một giáo dân Cồn Sẻ bị công an đánh trong cuộc biểu tình chống Formosa ngày 7.7.2016. Courtesy of chantroimoimedia.com
Sau thảm họa cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung, hàng trăm ngàn ngư dân đã bị mất việc làm. Ngày 7 tháng 7 dân chúng làng Cồn Sẻ biểu tình, lên tiếng về thảm họa cá chết. Cuộc biểu tình đã dẫn đến xung đột với lực lượng an ninh, trong đó dân chúng đã tấn công nhân viên công an, và ngược lại công an cũng đã mạnh tay đàn áp những người biểu tình.
Kỹ sư Lê Quốc Trinh, người có kinh nghiệm 40 năm làm việc trong ngành luyện kim và khai thác khoáng sản tại Quebec, Canada, cho biết rằng những vụ việc như Cồn Sẻ là không tránh khỏi.
Kỹ sư Lê Quốc Trinh: Vấn đề môi trường, ô nhiễm rất là quan trọng trong chuyện phát triển. Công nghiệp nặng, khai thác khoáng sản, luyện kim, hóa dầu… tất cả những cái đó đưa tới những hậu quả không thể tránh khỏi được đối với môi trường sinh thái. Vấn đề này ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế rất sâu đậm, rất quan trọng.
Một nhà nước không do dân bầu, không vì dân làm việc, thì khi họ nói rằng họ làm đúng qui trình thì câu hỏi mà tôi luôn thắc mắc là qui trình nào!
– Kỹ sư Lê Quốc Trinh
Những nước phát triển như Canada, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, rất đặt nặng vấn đề này và nghiên cứu sâu rộng.
Những nước mới phát triển, nghèo, như Trung Quốc, Việt Nam, và một số nước nghèo khác, chính phủ không do dân bầu, không vì dân mà phục vụ, cho nên khi họ thấy những dự án lớn, mang lại những nguồn lợi kinh tế lớn, họ không để ý đến những hậu quả sau này, những hậu quả mà 10 năm hay 20 năm sau mới phát hiện, và tới lúc đó là trễ rồi. Vậy cho nên vấn đề ô nhiễm môi trường tại sao lại tác động mạnh lên người dân, đến lúc mà họ chịu không nổi, con cái, người thân, chính bản thân mình, phải mang bệnh tật suốt đời chữa không được, họ phải lên tiếng. Thành ra xáo trộn xã hội là không tránh khỏi ở những nước nghèo và những nước theo chính sách gọi là đầu tư tối đa và bỏ qua vấn đề ô nhiễm môi trường.
Kính Hòa: Nhưng cũng có một lý luận khác là những nước nghèo muốn phát triển thì phải hy sinh môi trường một chút, hạ những tiêu chuẩn về môi trường xuống để thu hút đầu tư. Ông thấy quan điểm đó như thế nào?
Kỹ sư Lê Quốc Trinh: Quan điểm đó là quan điểm sai lầm.
Có những nước nghèo đi trễ hơn những nước giàu, họ không có thiết bị tối tân, cái hy sinh của họ cho cuộc sống như vậy là không đúng. Họ có thể làm như thế này, là chấp nhận thời gian năm hay sáu năm, để thiết lập nhà máy, rồi sau đó họ phải làm việc chung với công ty để tìm giải pháp tối ưu cho vấn đề ô nhiễm. Đây là một kinh nghiệm mà tôi có khi làm việc tại một hãng ở Quebec, hãng này làm trong ngành khai khoáng và luyện kim. Có một thời gian họ làm luyện thép. Họ xả ra nhiều khói bụi, rồi dân chúng xung quanh than phiền. Họ phải bỏ ra rất nhiều tiền để xử lý vấn đề đó một cách hoàn hảo.
Cho nên bài học mà những nước nghèo cần phải học là khi anh chấp nhận đầu tư để có nhà máy phát triển, để nuôi gia đình anh, thì phải bỏ công lao trí óc tìm cách cứu gỡ những vấn đề ô nhiễm. Không có công ty nào trên thế giới đến đầu tư rồi lo vấn đề ô nhiễm 100% cho mình. Họ có trách nhiệm nhưng mà họ đến là để tìm lợi nhuận, chứ không phải tới để giải quyết vấn đề ô nhiễm. Chính người dân, kỹ sư, công nhân, của nước sở tại phải góp phần làm chuyện đó.
Giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh hôm 7/7/2016.
Kính Hòa: Ở Việt Nam, những vấn đề liên quan đến môi trường thì người ta thấy các qui trình đều có đủ, trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng trên thực tế điều này diễn ra không đúng như vậy. Ví dụ gần đây nhất là nhà máy giấy do Trung Quốc đầu tư ở khu vực sông Hậu Giang. Cho đến lúc này, chuẩn bị hoạt động, người ta vẫn không thấy báo cáo đánh giá tác động môi trường của họ. Theo ông thì trong tình hình chính trị Việt Nam hiện tại, làm sao cải cách tình trạng này?
Kỹ sư Lê Quốc Trinh: Vấn đề mấu chốt theo tôi nghĩ là một chính phủ thực sự dân chủ do dân bầu ra, vì dân làm việc thì đương nhiên họ sẽ có nhiều nhân tài, giỏi về khoa học kỹ thuật tham gia đóng góp.
Khi tôi nghe nói tới nhà máy giấy ở sông Hậu, bauxite trên Tây Nguyên, hay là ở Vũng Áng, chính quyền Việt Nam đều làm đúng qui trình thì tôi hoàn toàn nghi ngờ.
Thế nào là qui trình đúng?
Phải có một cơ quan tự nó có tính khoa học kỹ thuật độc lập thì mới thấy được, mới làm việc được. Chứ một nhà nước không do dân bầu, không vì dân làm việc, thì khi họ nói rằng họ làm đúng qui trình thì câu hỏi mà tôi luôn thắc mắc là qui trình nào!
Tôi không có dịp về Việt Nam làm việc, nhưng kinh nghiệm 40 năm của tôi cho thấy là không đúng. Thế nào là qui trình? Qui trình do họ đặt ra?
Trong vấn đề Vũng Áng, tôi nghe nói là cho tới bây giờ Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn chối, là khi dự án Vũng Áng được đặt ra vào năm 2008, họ không có quyền điều tra và tìm hiểu.
Đó là lỗi của phía nhà nước Việt Nam.
Kính Hòa: Rất cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
K. H.