Nam Nguyên, phóng viên RFA
Khu vực biển gần nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh hôm 1/7/2016. Courtesy vnn
Hệ sinh thái biển 4 tỉnh miền Trung xem như bị hủy diệt, sau vụ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải độc chất chưa qua xử lý ra môi trường. Chính phủ Việt Nam hứa hẹn tìm giải pháp giải quyết ô nhiễm, phục hồi môi trường biển, cũng như sẽ hỗ trợ chuyển nghề cho hàng trăm ngàn ngư dân bị ảnh hưởng. Thế nhưng việc này có khả thi hay không?
Mất cả trăm năm để phục hồi?
Theo PGS.TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang, thì việc phục hồi hệ sinh thái biển trong đó có rạn san hô, nơi sinh sống của nhiều loại sinh vật biển như tôm, cá sẽ phải mất cả trăm năm và rất tốn kém. Trên lý thuyết có thể làm sạch biển trồng san hô, nhưng Việt Nam dù được trợ giúp quốc tế cũng chỉ có thể làm trên phạm vi nhỏ, chứ không thể thực hiện trên khu vực biển rộng hàng trăm cây số vuông ở biển miền Trung. Trả lời chúng tôi vào tối 8/7/2016, PGS.TS Nguyễn Tác An nhận định:
“Phục hồi một hệ sinh thái tự nhiên, như san hô chẳng hạn thì như đã biết mỗi năm san hô chỉ lớn thêm 1 cm thôi. Thế thì 100 năm liệu đã phục hồi được, như vậy 100 năm đối với một đời người là quá dài và đối với một dân tộc thì quả là một thời gian đáng suy ngẫm. Do đó vấn đề bây giờ giải pháp là phải bắt buộc các doanh nghiệp như Formosa phải điều chỉnh lại công nghệ, thứ hai phải tăng cường giải pháp xử lý chất thải trước khi đưa ra tự nhiên. Điều này là khả thi nhất, còn chuyện trông chờ chuyện biển Việt Nam là vùng biển nhiệt đới có khả năng tự làm sạch rất lớn, nhưng mà nó không thể tự làm sạch được khi chịu tác động bởi con người ghê gớm như vậy, nó chỉ tự làm sạch đối với quá trình tự nhiên, còn đây không phải là thiên tai mà là nhân họa. chuyện biển tự làm sạch không thể trông chờ được, khó có khả năng thành công trong thực tế.”
Nhận định của PGS.TS Nguyễn Tác An, cũng như nhiều nhà khoa học học khác cho thấy hàng trăm ngàn ngư dân và gia đình ở bốn tỉnh miền Trung có cá chết hàng loạt, có thể phải giã từ nghề biển, điển hình như hoạt động đánh bắt gần bờ, hoặc nuôi tôm cá thả lồng ven biển. Những nghề khác như nuôi tôm gần bờ biển, làm muối thì cũng là tương lai xa mới có câu trả lời. Còn hoạt động đánh bắt xa bờ được cho là có khả năng duy trì, nhưng thị trường hải sản 4 tỉnh có cá chết hàng loạt vừa qua rất bấp bênh và còn nhiều ẩn số.
Chính phủ Việt Nam loan báo sẽ hỗ trợ chuyển nghề cho ngư dân 4 tỉnh mà môi trường biển bị ô nhiễm vì chất độc của Formosa. Nhà nước sẽ ưu tiên cho ngư dân các huyện nghèo trong vùng thảm họa môi trường đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên tin Đài chúng tôi ghi nhận, đại đa số ngư dân muốn bám biển, vì phần lớn ngư dân có học vấn thấp việc chuyển nghề rất khó.
Không nên chuyển đổi nghề cho ngư dân
Ngư dân Hà Tĩnh trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do sau thảm họa cá chết. RFA
Ngày 5/7/2016, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phát biểu trên VnExpress, theo đó ước tính khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng sau thảm họa cá chết, trong đó có 100.000 lao động trực tiếp. Thứ trưởng Diệp cho rằng, ngư dân thì phải sống nhờ biển, mưu sinh từ biển. Việc chuyển đổi hoàn toàn lao động bị ảnh hưởng sang nghề khác có lẽ là câu chuyện không khả thi và cũng không nên làm.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp có vẻ thấu hiểu tâm tư của ngư dân và gia đình họ. Phản ứng của ngư dân vùng biển chết rất nặng nề, Thông tín viên Hoàng Dung của Đài Á châu Tự do đã ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Xuân Canh, một người làm nghề biển ở Hà Tĩnh:
“Giờ chuyển đổi nghề chúng tôi chả biết chuyển đổi nghề chi cả, tốt nhất là chính quyền làm lại môi trường sạch cho chúng tôi để chúng tôi có nghề nghiệp làm ăn, mà chuyển đổi chẳng có chi là khả thi cả, chính quyền chỉ nói vậy thôi, chuyển đổi với chúng tôi là cả một vấn đề, chuyển đổi nghề rồi đi đâu ở đâu. Rừng thì chúng tôi không làm được, ruộng cũng không có mà làm, chăn nuôi thì không thể được. Làm sạch môi trường biển để chúng tôi trở lại làm ăn nữa, chẳng những là thế hệ chúng tôi, còn thế hệ con cái chúng tôi nữa, chừng đó thôi…”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Tác An cho rằng vùng biển 4 tỉnh bị độc chất của Formosa sẽ khó có khả năng tự làm sạch, giải pháp nuôi trồng tái tạo san hô trên qui mô lớn cũng là phiêu lưu. Phải chăng hoạt động nghề cá của ngư dân 4 tỉnh ven biển miền Trung đã bị bức tử và cáo chung. PGS.TS Nguyễn Tác An nhận định:
“Đến nay, trên thế giới cũng chưa có kế sách gì để phục hồi kiểu như thế này. Nhưng nói nghề cá biển cáo chung thì cũng chưa đến nỗi. Người ta có thể tạm thời không đánh ở vùng ấy, người ta đi ra xa. Nghề cá đối với Vũng Áng và miền Trung có khó khăn trước mắt, nhưng nghề khai thác cá biển của Việt Nam còn nhiều cơ hội vì Việt Nam có tới 1.270.000 km2 biển, nó lớn lắm, ngư dân có thể đi qua các vùng khác thôi. Vấn đề là ta nên có chính sách như thế nào, ta nên có đợt huy động tổng lực xã hội như thế nào để khắc phục chuyện này. Chắc là nhà nước đang làm sẽ làm và rồi sẽ có hiệu quả”.
Khảo sát đáy biển các vùng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết hệ sinh thái biển nói chung và rạn san hô nói riêng đã bị hủy diệt ở nhiều khu vực, vắng bóng các loài cá nhiệt đới. Báo điện tử Tiền phong đã đưa lên mạng một số hình ảnh đáy biển của 4 tỉnh ven biển mà các nhà khoa học đã thực hiện vào ngày 6 và 7/5/2016 vừa qua. Hình ảnh chụp dưới đáy biển ở Mũi Ron Mạ, Hòn Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh; cảng Hòn La, đảo Hòn Nồm Vũng Chùa tỉnh Quảng Bình; Cửa Tùng, Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị và Hòn Sơn Trà, Bãi Chuối tỉnh Thừa Thiên-Huế cho thấy, trầm tích đáy một số điểm bị phủ lớp màu vàng, màu nâu sậm. Điểm chung là san hô chết hàng loạt, vắng bóng các loài cá có giá trị kinh tế, các họ cá nhiệt đới.
Được biết toàn bộ vùng biển Việt Nam có khoảng hơn 1.100 km2 rạn san hô, nếu hệ sinh thái bị hủy diệt, biển Việt Nam có nguy cơ không còn tôm cá. Điều này từng được các nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên cảnh báo. Các rạn san hô có quá trình hình thành hàng triệu năm, đó là nơi trú ngụ, nuôi dưỡng các loài thủy sinh vật, các loại cá nhiệt đới như cá mú, cá hồng, cá bàng chài, cùng hàng ngàn chủng loại cá khác.
Theo các nhà nghiên cứu hải dương học, hệ sinh thái biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã bị hủy diệt vì độc chất thải ra từ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, hay nói cách khác biển đã chết.
N.N.