Bộ trưởng Trần Hồng Hà: ‘Tôi vừa trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu’

Phạm Hiếu – Võ Văn Thành

Nguyễn Trọng Tạo

Sau 2 tháng được các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế nghiên cứu, FORMOSA tuyên bố nguyên nhân BIẾN CHẾT VÌ MẤT ĐIỆN MẤY NGÀY. Dối trá đến thế là cùng. Ha ha…

CÁI TỦ LẠNH FORMOSA

Cá thối vì mất điện

Cái tủ lạnh kêu trời

Biển chết vì mất điện

Chuyện kỳ lạ trên đời.

Mịa cái thằng phát điện

Mày đột tử rồi sao

Điện nhà máy, nhà nước

Mày dùng tiền dân tao.

Cá chết rồi biển chết

Dân đói cóc kiện trời

Chọn cá hay chọn thép

Dân choa chọn kiếp người

Chọn biển và chọn cá

Chọn sống yên mọi nhà

Biển đâu phải tủ lạnh

Của bọn Formosa!

30.6.2016

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10205570757822864&set=a.10205570755262800.1073742251.1670237635&type=3&theater

***

Nguyen Pham Xuan

Chính phủ đang họp báo vụ cá chết ở miền Trung sau gần ba tháng vụ việc diễn ra. Đây là bài thơ của nhà thơ Chử Vân Long đăng trên báo “Người Hà Nội” (13/5/2016) của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã khiến tờ báo bị cả tuyên giáo trung ương và tuyên giáo thủ đô hỏi thăm.

Nguyên nhân cá chết đã được thông báo là do công ty Formosa Hà Tĩnh hủy hoại môi trường. Như vậy nguyên nhân “tảo đỏ nở hoa” như lần trước nói thì ai sẽ chịu trách nhiệm về phát ngôn lừa dân như vậy? Và nhà thơ đã biết chuyện đó là lừa dối nên lên tiếng bằng thơ và tờ báo đăng thơ đó bị rầy rà thì ai chịu trách nhiệm?

Cứ kêu gọi văn nghệ sĩ phải có trách nhiệm công dân, phải phản ánh trong tác phẩm của mình những vấn đề của đất nước nhân dân, nhưng khi nhà văn lên tiếng cho dân cho nước thì bị thổi còi. Mới hay vì sao văn nghệ sĩ đành chịu im tiếng, mang tiếng hèn với dân và với mình. Vụ Formosa – cá chết có nhiều bài thơ trên mạng, có những bài rất thấm thía sâu sắc, nhưng phần lớn là của mọi người trong xã hội, ít có của các nhà thơ mang danh. Đáng buồn!

clip_image002

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1133083946748339&set=a.531204876936252.1073741828.100001402346694&type=3&theater

Chau Doan

June 29 at 3:04pm

Con số 11.000 tỷ đồng nếu là thực thì như muối bỏ biển nhưng chúng ta không cần nói kĩ về một con số được đưa ra bởi tin đồn. Đọc lướt trên mạng thì một số bạn bảo con số ấy khá lớn nhưng các bạn sẽ thấy con số này không là gì cả khi chia cho những hộ gia đình sống bằng nghề đánh cá. Điều này chúng ta sẽ có dịp kiểm chứng dễ dàng. Nhưng khi đọc về con số này tôi vẫn có cảm giác lo lắng bởi biết đâu tin đồn này là thật.

Theo ý kiến của một nhà khoa học thì tác hại của thảm hoạ này như một quả bom nguyên tử dưới biển, di chứng của nó trong thiên nhiên còn kéo dài tới gần một trăm năm sau.

Theo Dân Trí: “Hiện nay, tại tỉnh Quảng Trị có đến 70% ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ. Thời gian qua, do ảnh hưởng cá chết, hầu hết ngư dân phải ngừng đánh bắt, làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Một số bà con chuyển sang làm trang trại chăn nuôi bước đầu ổn định cuộc sống.”

Qua đây chúng ta thấy tác hại là kinh khủng đến đâu. Tôi đưa thêm thông tin này để các bạn thấy con số ấy là bèo bọt đến đâu. Hiện nay đang có một vụ kiện hãng Volkswagen ở Mỹ. Hãng này sẽ phải đền số tiền chừng 10 tỷ đô la Mỹ cho 475.000 người chủ của xe này về việc dùng một phần mềm lừa hệ thống kiểm định khí thải, 2,7 tỷ đô la cho đền bù môi trường và 2 tỷ đô la nữa cho nghiên cứu dòng xe bảo vệ môi trường tốt hơn trong tương lai.

So với thiệt hại ở Mỹ thì thảm họ môi trường của Việt Nam chắc hẳn phải lớn hơn nhiều.

Nếu quả thực con số này là thật thì đây là một trò đùa thô bỉ của cả chính quyền và Formosa. Có thể chính quyền tưởng con số này là lớn, bởi họ không có chuyên gia kinh tế tính toán giỏi và họ không quan tâm tới những vụ bồi thường tương tự trên thế giới. Nếu thế thì đây lại là một sai lầm vô cùng đáng tiếc của chính quyền.

Tôi xin lỗi đã sa đà vào một chủ đề tôi không dự định đi sâu khi con số chưa chính thức nhưng lòng tôi như lửa đốt vì sợ con số này là thật nên không đừng được. Ở đây có mấy điểm chính tôi muốn nói là:

1. Khi một thảm hoạ này nảy xảy ra thì nhất định phải có quan chức chịu trách nhiệm, họ phải từ chức, phải bị truy cứu trách nhiệm tại sao để thảm hoạ xảy ra.

Hãy bỏ đi cái kiểu xử lý chung chung không ai chịu trách nhiệm.

Quá trình này đòi hỏi một sự đấu tranh quyết liệt ngay trong nội bộ chính quyền. Nhưng đây là một việc làm cần thiết để lấy lại được lòng tin của dân chúng.

2. Khi có tiền đền bù, cũng giống như tiền phân bổ ngân sách về các tỉnh, sự thất thoát là rất lớn. Cần phải có một uỷ ban kiểm soát sự minh bạch trong việc phân bổ, chi tiêu. Đây cũng là một hành động cần thiết để lấy lòng tin của dân chúng.

3. Cần huy động lực lượng báo chí trong việc kiểm soát này. Bởi báo chí vẫn có một sự độc lập nhất định đối với những cơ quan thực hiện việc đền bù cho người dân.

4. Không phải chỉ đền bù cho người dân mà còn cần một khoản tiền để thực hiện một công việc vô cùng khó khăn và tốn kém là hút chất độc từ đáy biển lên. Việc này cần thiết để trả lại môi trường trong lành của biển. Và đây cũng là việc làm cần thiết để lấy lại lòng tin người tiêu dùng vào hải sản và cũng là củng cố niềm tin của dân chúng vào chính quyền.

Tuy nhiên, ở đây có hai loại chất độc, phản ứng nhanh và chậm. Phản ứng nhanh thì đã một phần vào cá. Phản ứng chậm như thuỷ ngân thì tác hại của nó sẽ thể hiện trong nhiều năm nữa. Do vậy, có được thành phần hoá học của chất xả thải là rất quan trọng.

5. Formosa phải mang ống thải nên mặt đất và có phương án xử lý chất thải trên bờ.

6. Bất luận điều gì sẽ được công bố sau cuộc họp báo thì người dân cũng không nên có hành động dại dột trong phản ứng với Formosa. Dân ta nông nổi, rất dễ manh động, nhất là sau thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng tồi tệ đến chính cuộc sống hàng ngày thì điều này rất dễ xảy ra. Khi xảy ra hỗn loạn như năm 2014 thì lại phải tốn tiền đền bù.

https://www.facebook.com/DoanBaoChau65/posts/10154247267653965

“Tôi đã nhận trách nhiệm ngay khi thị sát tình trạng cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh, nhưng đó sẽ là nhận trách nhiệm suông nếu không xác định được thủ phạm”, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ.

3 tiếng trước khi tiếp và ghi nhận lời xin lỗi nhân dân Việt Nam của ông Trần Nguyên Thành Chủ tịch Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời phỏng vấn VnExpress.

clip_image004

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Võ Thành.

–  Sự cố xảy ra, dù được Thủ tướng giao là bộ trưởng chịu trách nhiệm chính trong việc xác định nguyên nhân cá chết và tìm giải pháp xử lý, nhưng với công luận ông đã im lặng rất lâu. Tại sao vậy?

– Tôi không xuất hiện bởi tôi cần tập trung vào việc xác định nguyên nhân chính, các giải pháp để giải quyết vấn đề này một cách tổng thể.

Nhưng thực sự, ba tháng vừa qua là 84 ngày căng thẳng nhất của tôi. Trong tôi luôn nặng trĩu trách nhiệm trước đòi hỏi chính đáng của người dân: Nguyên nhân sự việc là gì?

Đây là sự việc nghiêm trọng lần đầu xảy ra đối với tôi và cả Chính phủ. Ngày 25/4 tôi từ New York (Mỹ) về, chiều hôm sau nhận quyết định của Ban Tổ chức Trung ương phân công làm Bí thư Ban cán sự Đảng và quyết định làm Bộ trưởng của Thủ tướng. Đó cũng là lúc sự việc xảy ra.

Tôi vào Hà Tĩnh ngay chiều 26, thị sát vùng biển cá chết hàng loạt. Vấn đề rất phức tạp, nghiêm trọng, sức ép rất lớn, đặc biệt là đòi hỏi của người dân. Là Bộ trưởng trong lĩnh vực môi trường, tôi nghĩ phải nhận trách nhiệm dù lúc đó chưa biết cơ chế gây ra thảm họa này là gì.

Khi đã nhận trách nhiệm này rồi, gánh nặng đó càng lớn hơn. Nếu không tìm ra nguyên nhân, có giải pháp xử lý thì mình chỉ là người nhận trách nhiệm suông và năng lực của mình có vấn đề.

Lúc đó tôi mới chỉ nhận công việc của Bộ trưởng chưa đầy 2 tuần.

clip_image006

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu trước khi ban lãnh đạo Formosa xin lỗi. Ảnh: Võ Thành.

Thủ tướng chỉ đạo việc xác định nguyên nhân cá chết bất thường phải khẩn trương song cần thận trọng, có căn cứ khoa học. Ông đã thực hiện yêu cầu này như thế nào?

– Tôi xác định phải kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở công nghiệp trong vùng với suy nghĩ khi chưa kiểm tra, chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ thì không cho phép “kết tội một ai”. Lúc đó nổi lên ba cơ sở là Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng và Khu công nghiệp Hà Tĩnh.

Tôi hiểu đây là vấn đề rất phức tạp nhưng dù khó khăn đến mấy thì quá trình giải quyết phải làm sao để người dân tin tưởng. Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra liên ngành với số lượng thành viên lên đến 70 người, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành về môi trường, luyện kim, luyện cốc, xử lý chất thải.

Sự cố môi trường này đã xảy ra từ trước khi đoàn kiểm tra đến nên phải dựng lại được khởi nguồn và diễn biến của sự cố, hiểu rõ sơ đồ vận hành công nghệ, sử dụng các phòng thí nghiệm liên quan để mô hình hoá sự cố… Chúng tôi cũng dùng đến các phương pháp như kiểm toán chất thải, kiểm toán năng lượng. Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập hợp 100 nhà khoa học cùng vào cuộc tìm nguyên nhân.

Để hỗ trợ cho việc tìm nguyên nhân và cũng để người dân tin tưởng, chúng tôi đã mời các nhà khoa học của Đức, Pháp, Mỹ, Nhật, Israel. Các nhà khoa học quốc tế đã khẳng định, nhà máy của Formosa được đầu tư đồng bộ, lại đang trong giai đoạn chạy thử công suất thấp nên khó gây ra sự cố môi trường nếu ở trạng thái bình thường. Khả năng cao là đã có những sự cố xảy ra.

Trong quá trình thu thập chứng cứ, đâu là mấu chốt để đi đến khẳng định Formosa là nguyên nhân trực tiếp gây ra cá chết?

– Thứ nhất, kết quả xét nghiệm của các nhà khoa học cho thấy hơn 50% mẫu cá chết thu được có chứa phenol, xyanua. Thứ hai, trong vùng chỉ có nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra phenol, xyanua.

Formosa Hà Tĩnh không thể chối cãi vì chúng tôi đã đưa ra 53 hành vi mà họ vi phạm, từ các sai sót trong thiết kế, thi công, xây dựng cho đến vận hành. Nhưng có thể nói, mấu chốt chính là phát hiện: Từ ngày 1/4 đến ngày 5/4, lượng điện tiêu thụ giảm bất thường, chỉ bằng 15% so với ngày trung bình. Điều đó khiến chúng tôi tập trung vào nghi ngờ có vấn đề trong quá trình vận hành chạy thử của Formosa Hà Tĩnh.

Sau nhiều ngày thu thập bằng chứng, đấu tranh cuối cùng Formosa phải thừa nhận có sự cố chập điện liên quan đến việc vận hành của quá trình kích hoạt vi sinh ở khu xử lý nước thải. Đây là khâu quyết định việc có xử lý được phenol hay không. Hệ thống này tê liệt dẫn đến nước thải bị đổ ra biển mà chưa qua xử lý.

– Về nguyên tắc, nếu chỉ xảy ra sự cố chập điện dẫn đến hệ thống xử lý nước thải bị tê liệt trong 5 ngày thì lượng chất độc đổ ra biển làm sao đủ gây ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt ở các vùng biển khác ngoài Hà Tĩnh?

– Đúng. Dưới góc độ khoa học thì ở trạng thái bình thường, toàn bộ chất thải của nhà máy này thải xuống biển trong một vài ngày cùng lắm là ảnh hưởng cho đến hết vùng biển Hà Tĩnh. Chính chúng tôi rất đau đầu với câu hỏi: cơ chế nào đưa nguồn ô nhiễm này đi theo dòng hải lưu, ảnh hưởng tới 4 tỉnh như vậy? Sau rất nhiều khảo sát, đánh giá, các nhà khoa học đã xác định, chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó. Chúng ta hình dung một cách đơn giản là nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hoá học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt. Phát hiện này chính là chìa khoá của vấn đề.

Vậy tại sao trong thông tin ban đầu Bộ đưa ra lại có giả thiết về thủy triều đỏ khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ có sự bao che, đánh lạc hướng dư luận?

– Việc đưa ra 2 nhóm nguyên nhân, do tác động của các độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền, trên biển và do hiện tượng thuỷ triều đỏ, là từ nghiên cứu của các nhà khoa học chứ không phải Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Lúc bấy giờ (thời điểm cuối tháng 4), nếu kết luận ngay nguyên nhân do con người và do Formosa Hà Tĩnh, trong khi chưa có cơ sở nào để khẳng định thì chúng ta phải tiên liệu đến một vụ kiện ngược từ Formosa và phải đền bù hậu quả. Đến nay, sau 3 tháng, các nhà khoa học mới xác định được đâu là nguyên nhân chính, đâu là nguyên nhân mang tính chất cá biệt, ngẫu nhiên.

Theo đó, nguyên nhân thuỷ triều đỏ chỉ mang tính chất cá biệt. Còn phenol và xyanua là nguyên nhân chính và trực tiếp gây ra cá chết hàng loạt. Chúng tôi có đầy đủ cơ sở và chứng cứ khách quan, khẳng định phenol và xyanua là từ nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh.

Như vậy việc đưa ra các nguyên nhân ở thời điểm cuối tháng 4 là ghi nhận một thực tế, đây là điều bình thường về khoa học, hoàn toàn không có ý bao che. Tôi khẳng định Chính phủ không bao che, mà làm theo trình tự một cách khoa học, đúng quy định pháp luật trong nước và quốc tế.

clip_image008

Ban lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi. Ảnh: Võ Thành.

– Đến nay, Formosa đã thừa nhận và cam kết bồi thường 500 triệu USD, ông đánh giá thế nào về kết quả này?

– Bộ Chính trị, Thủ tướng, các phó thủ tướng, Bộ trưởng nhiều bộ và chính quyền địa phương đã chỉ đạo vào cuộc rất quyết liệt. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã làm việc hết mình bất kể ngày đêm. Đây là sự phối hợp chặt chẽ, bài bản, đúng luật pháp và thông lệ quốc tế. Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm, cam kết bồi thường 500 triệu USD, hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường việc xử lý ô nhiễm biển, phục hồi hệ sinh thái, cam kết khắc phục tất cả những tồn tại của hệ thống xử lý chất thải cũng như nâng cấp công nghệ để đảm bảo không xảy ra sự cố tương tự. Formosa cũng cam kết sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường biển cho 4 tỉnh miền Trung, giúp công khai thông tin cho người dân yên tâm và đảm bảo tính minh bạch. Có thể nói với những nội dung như vậy, các bên đã đạt được mục tiêu chung.

Một giải pháp dự phòng cũng được đề cập đến là làm hồ chứa sinh học, để nếu vẫn có sự cố thì chất thải sẽ không thoát ra ngoài.

Ở đây quan trọng nhất là xử lý được vấn đề môi trường, đảm bảo lợi ích chính đáng và hợp pháp của người dân, về phía doanh nghiệp có điều kiện khắc phục sự cố để phát triển. Ngoài ra, với cách xử lý như vậy, chúng ta vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư, vừa nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế trong đó có nhà chức trách liên quan từ Đài Bắc.

Cơ sở nào để có con số bồi thường 500 triệu USD, thưa ông?

– Chúng tôi dựa trên nhiều yếu tố như thiệt hại trực tiếp của người dân, thiệt hại về môi trường, về du lịch… Về hệ sinh thái, cỏ biển và rừng ngập mặn không có vấn đề gì, tuy nhiên san hô bị ảnh hưởng trên 400 ha.

Con số đó đáp ứng được phần lớn mục đích, yêu cầu chúng ta đặt ra. Tất nhiên, việc lớn nhất không phải là đền bù mà môi trường biển Việt Nam được đảm bảo trong tương lai như thế nào. Ngoài khoản đền bù này, Formosa Hà Tĩnh sẽ còn phải đầu tư rất lớn nữa để cải thiện hệ thống sản xuất và đổi mới công nghệ.

Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn xử lý sự cố, vậy khả năng an toàn của môi trường vùng biển 4 tỉnh miền Trung lúc này như thế nào?

– Hiện nay nước biển xa bờ, gần bờ, bãi tắm thường xuyên được hệ thống quan trắc môi trường đánh giá, cung cấp thông tin cho người dân. Qua so sánh đối chiếu kết quả quan trắc với quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển cho thấy, chất lượng nước biển tại các bãi biển trên địa bàn 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng đang đánh giá xem lớp trầm tích dưới đáy biển còn tồn lưu chất độc không, mức độ như thế nào và sẽ sớm công bố khi kết thúc điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm, mức độ thiệt hại. Vấn đề này đang cần đánh giá thêm, các nhà hải dương học đã lấy mẫu vật trầm tích các chất tồn lưu từ hợp chất phức để phân tích. Dự kiến đến 15/7, chúng tôi sẽ kết thúc giai đoạn khảo sát lấy mẫu, sau đó phân tích các mẫu thu thập được và sớm đưa ra thông báo.

Việt Nam sẽ làm gì để đảm bảo sự cố tương tự không còn xảy ra trong tương lai?

– Chúng ta phải có tiêu chí để lựa chọn ngành, lĩnh vực công nghiệp thân thiện môi trường và trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp đó. Đồng thời, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật từ pháp luật đầu tư cho đến pháp luật môi trường, để làm sao vấn đề môi trường luôn được coi trọng, luôn được đặt ra và giải quyết một cách hữu hiệu.

Về quy chuẩn môi trường, trước đây vì nhiều lý do nên một số ngành ô nhiễm được ưu tiên. Ví dụ trong ngành luyện kim, luyện thép… nếu để tiêu chuẩn cao sẽ khó khả thi nên phải hạ thấp hơn chuẩn bình thường để ngành đó tồn tại, phát triển. Nhưng đó là trước đây. Bây giờ quan điểm phải ngược lại. Những dự án có khả năng ô nhiễm cao phải loại nó ra, không thể ưu tiên.

Chúng ta cũng phải đầu tư những trang thiết bị kỹ thuật để có thể giám sát tự động, xây dựng hệ thống quan trắc biển, quan trắc sông ở những khu vực trọng yếu, giám sát 24/24h, lâu nay chưa có hệ thống này.

Sau sự cố này, giả dụ nhận được đề xuất về việc cho phép một dự án công nghiệp với quy mô và lĩnh vực đầu tư như Formosa Hà Tĩnh, ông sẽ làm gì?

– Tôi cho rằng đã đến lúc chính sách thu hút đầu tư của chúng ta phải có lựa chọn. Chúng ta không thể để tình trạng chấp nhận ngành công nghiệp thép hay bất cứ ngành công nghiệp nào có nguy cơ ô nhiễm mà phải đánh đổi môi trường. Đó là trách nhiệm của chính quyền, không chỉ vì sinh mạng của người dân bị đe dọa mà còn vì tương lai lâu dài của cả quốc gia.

clip_image010

P.H. – V.V.T.

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-truong-tran-hong-ha-toi-vua-trai-qua-84-ngay-cang-thang-nang-triu-3428300.html

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.