Cá nhiễm phenol dưới góc độ khoa học và luật pháp

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

clip_image002

Cơ quan chức năng kiểm tra lô cá nục suôn 30 tấn bị nhiễm phenol. Ảnh: HƯNG THƠ

Sự kiện 30 tấn cá nục đông lạnh ở Quảng Trị nhiễm phenol 0,037mg/kg, dù đã được cơ quan chức năng tiêu hủy, vẫn sôi sục truyền thông, lo ngại cho sức khoẻ người tiêu dùng nguồn thực phẩm cá hải sản từ Biển Đông khi chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh bảo đảm an toàn. Trong khi, có thông tin cho rằng, “cá nục nhiễm phenol không đáng ngại” khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.

Mâu thuẫn về khoa học và luật pháp

Về mặt khoa học không còn phải bàn cãi, phenol là hoá chất thuộc lĩnh vực công nghiệp. Về mặt luật pháp, cũng chính vì lý do khoa học trên, nên phenol thuộc danh mục chất cấm trong lĩnh vực thực phẩm (còn độc như thế nào cơ chế tác động ra sao không phải nội dung bàn cãi của người mua, bán, sử dụng, mà là công việc của giới nghiên cứu khoa học).

Từ tiền đề khoa học và luật pháp phổ quát trên, thế giới không đưa ra ngưỡng hàm lượng phenol an toàn trong thực phẩm. Điều đó được hiểu nếu phát hiện có dấu hiệu định tính phenol chứ không cần định lượng bao nhiêu là buộc phải hủy do luật pháp chế tài. Trong khi những hoá chất được pháp luật đưa ra ngưỡng giới hạn, thì chỉ bị hủy khi thực phẩm có hàm lượng hoá chất vượt ngưỡng đó.

Thế nhưng, lo ngại là có thông tin trên truyền thông cho rằng phenol vẫn sử dụng được vì luật pháp các nước “không đưa ra ngưỡng”. Lập luận này lấy chủ quan làm thước đo, đặc biệt khi đưa ra kết luận mà không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào: “Với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu một gia đình 4 người ăn 1kg thì nồng độ chỉ còn 0,009mg/ngày. Lượng ăn này không nhiều, khi vào cơ thể không đủ tác động ngay, lại bị đào thải một phần nên không đáng ngại”.

Bỏ qua căn cứ khoa học phenol là hoá chất công nghiệp và cơ sở pháp lý cấm dùng trong thực phẩm buộc phải tiêu hủy, việc lấy thước đo “tiền“ ra so sánh “30 tấn cá rất nhiều tiền, có khi cả cơ nghiệp của người dân“, và đưa ra lời khuyên “trường hợp này không nhất thiết phải tiêu huỷ“ là hết sức phản cảm. Trong khi, phát triển kinh tế ở ta cũng như thế giới lấy bảo đảm môi trường, sức khỏe làm thước đo. Nghĩa là môi trường và sức khoẻ được ưu tiên trước kinh tế. Cuộc sống hằng ngày cũng vậy, ở Đức cảnh sát luôn khuyên người dân, khi bị cướp giật trấn lột, không nên chống cự, mà làm theo lệnh của chúng để bảo toàn thân thể, tính mạng. Nghĩa là tiền không là gì so với an toàn thân thể, nhất là tính mạng.

Không tuân thủ quy trình ATVSTP

Nguy hại hơn là có thông tin đưa ra cách để cứu 30 tấn cá nhiễm phenol bằng quy trình tẩy độc, “hợp chất phenol rất dễ hoà tan trong nước, nên có thể xử lý bằng cách rã đông cá tự nhiên. Có thể lấy nước đá lạnh ngâm cá rồi tháo nước đi, làm 2-3 lần sẽ khiến phenol giảm nồng độ. Sau đó kiểm tra lại nồng độ phenol một lần nữa trước khi cấp đông trở lại”. Nếu quả thật luật pháp nước ta cho phép điều đó, thì quy trình vệ sinh thực phẩm ở ta rất lạc hậu, không hoà nhập thế giới. Ở Đức chỉ cần mang thực phẩm đông lạnh ra khỏi tủ lạnh đông tới quầy trả tiền là bắt buộc phải mua không được trả lại hàng (trong khi quần áo mua xong vài ba tháng trả lại là chuyện thường). Lý do thuộc về ngành khoa học hoá vi sinh. Bất cứ thực phẩm đông lạnh nào khi tiếp cận không khí bên ngoài, bề mặt của nó cũng đạt nhiệt độ gọi là nhiệt độ “ơ tắc ti“. Ở nhiệt độ đó, nước cùng lúc ở cả 3 thể nước, rắn, và khí (nhìn tảng nước đá vận chuyển mùa hè, hơi nước bay nghi ngút, bề mặt nước lênh láng chính là ở nhiệt độ ơ tắc ti). Do ở thể khí, nước, nên vi khuẩn dễ xâm nhập và khi bỏ trở lại vào tủ lạnh đông, thực phẩm sẽ chứa luôn vi khuẩn xâm nhập đó dạng ngủ đông. Thời hạn bảo quản ngắn lại, và khi chế biến không bảo đảm an toàn. Nói cách khác, thực phẩm không được phép làm đông lạnh 2 lần, được quy chuẩn trong mọi văn bản luật liên quan ở các nước.

Sự kiện cá hải sản chết bởi nhiễm độc ở ta không phải nằm trong phạm vi hẹp nhỏ, hay chỉ xảy ra trong một vài ngày có thể giải quyết dễ dàng trong phạm vi địa điểm và thời gian đó, mà ở tầm quốc gia, kéo dài 2 tháng nay, nên chỉ có thể giải quyết ở tầm cấp quốc gia, tức tầm cấp ra chủ trương chính sách pháp luật, rất cần được cung cấp đầy đủ căn cứ khoa học luật pháp làm nền tảng trước khi ban hành.

Ở các nước tiên tiến, chừng nào các luật lệ và quy định trên chưa thể ban hành thì chừng đó mọi rủi ro liên quan tới an toàn sức khỏe tính mạng người dân phải được chặn đứng bằng phương pháp khẩn cấp, cấm lưu thông, tiếp xúc, sử dụng.

N. S. P.

Nguồn: http://laodong.com.vn/suc-khoe/ca-nhiem-phenol-duoi-goc-do-khoa-hoc-va-luat-phap-563508.bld

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.