Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Đây là bài giảng của Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp trước 50 nghìn người, không phân biệt tôn giáo, trong đại lễ mừng kính Thánh Antôn tổ chức tại Linh địa Trại Gáo (Nghệ An) vào sáng thứ Hai ngày 13.06.2016.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúng ta đang sống trong thời khắc bi thảm vì chưa bao giờ đất nước chúng ta trải qua một thảm họa môi trường biển như đã xảy ra cách đây hơn hai tháng.
Chúng ta xin thánh Antôn cho chúng ta tìm lại môi trường biển đã đánh mất đó, tìm lại nguồn biển an lành và trong sạch. Đó là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng và lành mạnh. Đó là một môi trường của bao nhiêu ngư dân đất Việt đang sinh sống, đã sinh sống và sẽ sinh sống từ nguồn biển trong lành.
Hôm nay môi trường đó đã bị nhiễm độc và biển đang kêu lên từ hai tháng qua nhưng vẫn không có được một giải đáp đâu là nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường và ai là người đã gây ra thảm họa môi trường. Chúng ta phải tiếp tục can đảm yêu cầu nhà cầm quyền, những người có trách nhiệm với đất nước với đồng bào mình phải công bố nguyên nhân. Công bố càng sớm càng hay! Và yêu cầu ai là người đã gây tác hại cho môi trường biển phải đền bù cho ngư dân thỏa đáng.
Đặc biệt hôm nay, chúng ta về đây với những tâm tư, tình cảm và lo âu vì thảm họa môi trường đang tác hại đến quê hương chúng ta, đến đất nước, biển cả và sông ngòi và chúng ta không hiểu được hậu quả của nó sẽ kéo dài đến bao lâu. Xin thánh Antôn cho chúng ta lấy lại môi trường trong lành. Qua lời thơ của một người con Hà Tĩnh đã nêu lên những câu hỏi mà chưa có ai trả lời được.
Tôi xin đọc lại bốn câu thơ sau:
“Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc rừng xanh cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…”
Trong những ngày qua được đến thăm đồng bào ở vùng biển bị tác hại, tôi đã có cơ hội được nhìn thấy những con thuyền nằm chơ vơ trên cát nhớ biển khơi xa. Bao giờ những con thuyền đó mới được ra biển trở lại? Và bao giờ những ngư dân đánh bắt gần bờ mới có thể tiếp tục lại nghề của mình?
Kính thưa cộng đoàn,
Đức Thánh Cha cũng đã nói, tác hại đến môi trường là một tội trọng, phạm đến môi trường, phạm đến con người là phạm đến chính Thiên Chúa. Vì thế chúng ta phải tiếp tục cầu xin để trả lại môi trường sinh thái an lành.
Thảm họa môi trường biển miền Trung chỉ là những giọt nước nhỏ làm tràn ly. Và qua giọt nước làm tràn ly đó, ta thấy đất nước chúng ta chưa bao giờ rơi vào tình cảnh thảm họa môi trường không những môi trường biển mà là môi trường nông nghiệp, môi trường rừng. Và trên bàn ăn của người Việt Nam hôm nay chưa bao giờ đối diện với tình cảnh thê thảm ô nhiễm như vậy.
Trong truyền thống, bàn ăn là nơi gia đình gặp gỡ nhau, tìm lại nhau sau những giờ làm việc vất vả. Trước đây, rất nhiều gia đình dù là những bữa cơm đạm bạc nhưng chúng ta tin rằng đó là bữa cơm an lành với những thực phẩm an lành, bổ dưỡng, giúp chúng ta lấy lại sức khỏe. Hôm nay người dân Việt Nam với mâm cơm đầy nghi nan, không biết đâu là thực phẩm bẩn – sạch và ranh giới giữa chúng rất mong manh. Một số người ham lợi nhuận, vì đồng tiền đã bán rẻ lương tâm, chế biến những thực phẩm bẩn đem bán trên thị trường.
Câu chuyện về vườn rau mà người ta hay kể lại là minh chứng. Cách đây không lâu có một bài văn của một em học sinh tả về rườn rau nhà em như sau: “nhà em có bốn luống rau. Mẹ sai em ra vườn hái rau. Em hái mỗi luống một ít. Mang về mẹ hỏi em “con hái luống nào?”. Em kể lại hái mỗi luống một ít. Mẹ la lên: “Chết rồi, con phải hái luống gần bờ tường vì đó là luống rau nhà mình ăn, còn ba luống kia là rau có thuốc sâu để bán cho người ta”.
Lời mẹ dặn con sao thấy đau quá! Biết rằng ba luống rau kia có nhiễm độc tố mà sao vẫn thản nhiên mang ra chợ bán cho người khác. Hóa ra người Việt Nam chúng ta đang giết nhau một cách thản nhiên và bình thường. Vì người trồng rau không phải chỉ ăn rau mà bán đi để mua thịt, nước mắm, cá, trái cây… Và những người sản xuất những thực phẩm kia cũng dùng hóa chất. Như vậy bàn ăn của người Việt Nam hôm nay đầy nghi nan. Những món ăn ta nhìn trước mặt đầy nghi vấn, có hóa chất hay không, có yếu tố Trung Quốc hay không?
Rất mong những người Công Giáo, những người bạn của thánh Antôn, một vị thánh nhân lành, dùng cả cuộc đời để đem lại an vui cho người khác, một vị thánh rao giảng chân lý và sự thật đòi hỏi mỗi người phải sống đúng lương tâm, đúng với giới răn của Đạo Chúa. Chúng ta phải nhất quyết không chế tạo thực phẩm bẩn. Không vì đồng tiền mang gieo cho anh chị em ta những thực phẩm bẩn.
Chính Đức Giêsu đã nói: “Chính chúng con hãy cho họ ăn!”. “Cho ăn” không phải chỉ yếu tố thiêng liêng nhưng còn là những yếu tố vật chất. Như Chúa Giêsu cho nhân loại ăn là cho chính bản thân Người, những giá trị thiêng liêng nhất thì chúng ta cũng phải trao cho anh chị em mình những thực phẩm trong lành nhất. Và nhất quyết không là người buôn bán, chế tạo, quảng bá những thực phẩm bẩn.
Như thế khi mua hàng chúng ta đừng thấy rẻ mà ham, vì người ta nói “của rẻ là của hôi”. Những hàng rẻ đến từ Trung Quốc đang là nguyên nhân thảm họa thực phẩm bẩn, thảm họa môi trường. Ngay cả mua đồ chơi cho trẻ em với hàng rẻ của Trung Quốc, vô hình trung, chúng ta gây tác hại cho con em chúng ta sau này do những hóa chất của chúng.
Kính thưa cộng đoàn,
Mâm cơm của người Việt Nam hôm nay không chỉ là mâm cơm cho thể lý. Đức Giêsu đã truyền cho chúng ta: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Ăn đây không phải chỉ về thân xác vì Chúa nói: “Con người sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn là Lời từ miệng Chúa phán ra”. “Mâm cơm” hôm nay của người Việt Nam còn rất nhiều khủng hoảng như “mâm cơm giáo dục”. Chưa bao giờ giáo dục xuống cấp như vậy. Chưa bao giờ giáo dục rơi vào hoàn cảnh dạy chữ không nổi, huống hồ dạy người. Chưa bao giờ bạo lực học đường tràn lan và công khai như hôm nay. Chưa bao giờ con cái của các quan chức và đại gia lại bỏ nước ra đi học ở nước ngoài nhiều như vậy, để lại trường lớp cho con cái nhà nghèo.
“Mâm cơm văn hóa”, “mâm cơn nhân bản”, “mâm cơm tình người” chưa bao giờ bẩn như hôm nay, khi con người xử ác và xử tệ đến như vậy. Chưa bao giờ con người Việt Nam bạo động, nóng nảy và hung ác như vậy. Chỉ cần ra đường va chạm nhỏ cũng dẫn đến bạo động, đả thương nhau! Tình nghĩa đồng bào còn đâu! Đâu còn những giá trị văn hóa và tâm linh! Còn đâu câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tại sao con người hôm nay lại xuống cấp thê thảm về giáo dục, văn hóa, và nhân bản đến như vậy?
Chúa mời gọi chúng ta hãy dọn cho anh chị em mình mâm cơm của những giá trị tâm linh, lý tưởng, “nhân linh ư vạn vật”. Con người sẽ tin vạn vật nhờ những giá trị tâm linh.
Kính thưa cộng đoàn,
Sau một thời gian dài, chúng ta sống trong một xã hội mà giá trị tâm linh xuống cấp nay đang bắt đầu khởi động bằng những lễ hội. Tuy nhiên sau một thời gian dài bỏ quên, những lễ hội này giờ pha tạp giữa mê tín và những giá trị tâm linh đích thực. Và người ta đối xử với thần thánh theo cách người ta đối xử với nhau, hối lộ nhau, nhét tiền vào tay các vị thần để hy vọng rằng mình được ơn phúc.
Xin Chúa qua lời cầu của thánh Antôn cho mâm cơm tâm linh được trong lành. Chúng ta cũng hãy quyết tâm trở nên những giá trị tâm linh. Ước mong trong lời cầu xin với thánh Antôn hôm nay, chúng ta không chỉ chăm chăm chú chú cầu xin về vật chất nhưng còn cho những giá trị tâm linh được dồi dào.
Ước mong qua lời khấn cầu của thánh Antôn, những người đã mất niềm tin vì thời cuộc, can đảm tìm lại niềm tin của mình. Ước mong những người đã bỏ niềm tin vì kinh tế, danh vọng, tiền tài đến cuối đời xin nghĩ lại: “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”. Nếu bên kia thế giới không còn gì nữa, nếu cuộc đời chỉ dừng lại ở thế gian này thì cuối cùng được chút ít và mất biết bao nhiêu!
N. T. H.
Nguồn: http://thanhnienconggiao.blogspot.com/2016/06/nguyen-van-bai-giang-cua-uc-cha-phao-lo.html