Vương Kha Nhi
Chu Trọng Thu dịch
Bài này được đăng trên trang mạng Tân Đường nhân (http://www.ntdtv.com/xtr/gb/2015/07/01/a1207253.html) không cho biết nữ sinh này học trường nào ở Trung Quốc. Chỉ biết đây là một bài tham gia buổi thuyết trình với chủ đề “Yêu tổ quốc”do một trường cao trung (cấp 3) tổ chức. Đây là bài viết của một nữ sinh còn rất trẻ, và do đó không thể tránh khỏi những bất cập về kiến thức. Nhưng nhận thức tỉnh táo của nữ sinh này đã vượt qua đại bộ phận những người lớn tuổi chúng ta. Thế hệ trẻ Trung Quốc còn hy vọng! Trung Quốc còn hy vọng!
Chúng tôi tìm được bản dịch tiếng Việt bài thuyết trình này trên trang Quê mẹ (www.queme.net). Nhận thấy bản dịch còn nhiều chỗ chưa ổn, chúng tôi xin phép dịch lại giới thiệu cho những người quan tâm. Dưới đây là toàn văn bài thuyết trình.
Dịch giả
Chào các thầy cô và các bạn. Tôi là Vương Kha Nhi lớp 10/6, bài thuyết trình hôm nay của tôi nhan đề là “NẾU TÔI ĐÃ SỐNG 2000 TUỔI TỔ QUỐC TÔI LÀ AI?”. Tôi không có cái giọng khảng khái, cũng không có sự nhiệt tình phấn khích như họ, đối với hai chữ “tổ quốc”, tôi có những suy nghĩ của chính mình. Tôi cảm thấy xã hội chúng ta không thiếu những cái đầu có tri thức, cái thiếu là những con người có cái đầu.
Tôi đang nghĩ: nếu tôi đã sống 2000 tuổi thì tổ quốc tôi là ai? Vào đời Hán, tổ quốc tôi là nhà Đại Hán, đó là nhà Đại Hán hùng mạnh mà kẻ nào dù ở xa xôi đụng tới ắt sẽ bị tiêu diệt; vào đời Đường, tổ quốc tôi là nhà Đại Đường, đó là nhà Đại Đường mà hàng vạn nước đến triều cống; vào đời Tống, là nhà Đại Tống, đó là nhà Đại Tống với khoa học kỹ thuật dẫn đầu, kinh tế phồn vinh. Vào đời Nguyên, vó ngựa sắt đã giày xéo chúng ta thành công dân hạng bốn, tổ quốc chúng ta là Đại Nguyên ư? Tôi phải yêu triều đại đó ư? Vào dời Thanh, người Mãn từ ngoài quan ải tràn vào giết chóc, còn đầu không còn tóc, còn tóc không còn đầu, vụ thảm sát Dương Châu đã khiến cho vụ thảm sát Nam Kinh chẳng là cái đinh gì, tổ quốc của tôi là nhà Đại Thanh sao? Tôi phải yêu triều đại này như thế nào? Thời gian trôi qua, chúng ta nhận ra rằng, kẻ nào chiếm đoạt mẹ mình thì mình nhận người đó làm cha, chúng ta là đồ hèn hạ phải không? Có lúc tôi nghĩ, nếu hồi đó Nhật Bản chiếm Trung Quốc chúng ta, các bạn ạ, thì hôm nay chúng ta sẽ hoan hô “Thiên hoàng vạn tuế” phải không?
Nếu tôi đã sống 200 tuổi, ai là tổ quốc tôi, thật sự làm tôi rất hoang mang.
Trong tim tôi có một tổ quốc, đó là nơi công bằng, thẳng thắn, không đè nén bức bách; trong tim tôi có một tổ quốc, đó là nơi, để bạn thắng, thì thắng một cách đàng hoàng, thua, thì thua một cách tâm phục khẩu phục; trong tim tôi có một tổ quốc, đó là nơi lúc nào nó cũng sẵn sàng giang đôi cánh che chở cho bạn; trong tim tôi có một tổ quốc, đó là nơi dù có sống cực nhọc bao nhiêu, đều làm cho trong lòng bạn tràn đầy hy vọng. Nước Đức đã sinh ra Karl Marx, nước Nga đã sinh ra Joseph Staline, nước Mỹ đã sinh ra George Washington, nước Anh đã sinh ra Winston Churchill, nhưng họ đều đã đi vào dĩ vãng. Trách nhiệm hôm nay không đặt vào họ, mà đặt vào lớp trẻ chúng ta, lớp trẻ tài giỏi thì đất nước tài giỏi, lớp trẻ hùng mạnh thì đất nước hùng mạnh, lớp trẻ độc lập thì đất nước độc lập, lớp trẻ hùng mạnh trên trái đất thì đất nước hùng mạnh trên trái đất. Trong tay bọn trẻ chúng ta ắt sẽ có một tổ quốc đã thăng tiến, nó làm cho mỗi người từ trong tâm khảm thiết tha yêu mến nó, nó khiến nước Mỹ ngưỡng mộ nền dân chủ của chúng ta, khiến nước Đức ngưỡng mộ nền kỹ nghệ của chúng ta, khiến Nhật Bản ngưỡng mộ sự giàu có của người dân chúng ta, khiến Singapore ngưỡng mộ sự liêm khiết của chúng ta. Đến ngày đó, ắt sẽ là một cõi đất trời xán lạn, một tổ quốc để cho con cháu mai sau muôn đời nghìn kiếp cũng không thể nào quên!
Mộng Trung Quốc, ba giấc mộng cũ của người Trung Quốc: giấc mộng thứ nhất gọi là mộng minh quân, tức là mong muốn có một vị hoàng đế tốt, mong muốn mọi vấn đề đều có lời giải sẵn, tất cả mọi chuyện tốt đẹp đều có ân huệ của kẻ thống trị; giấc mộng thứ hai gọi là mộng thanh quan, nếu hoàng đế không thể trông mong gì, thì mong muốn có một ông quan thanh liêm, hai ống tay gió mát, còn dám mạnh mồm can gián, dám làm những chuyện động trời; thứ ba gọi là mộng hiệp khách, nếu thanh quan cũng chẳng trông mong gì, thì mong có một hiệp khách báo thù rửa hận.
Ba giấc mộng mới của người Trung Quốc: giấc mộng thứ nhất gọi là mộng tự do, tức là giải thoát ra khỏi sự đè nén nhất nguyên hóa, không chịu sự áp bức của nền chuyên chế thống trị, quyền quý hoành hành nữa. Giấc mộng thứ hai gọi là mộng nhân quyền, tức là mọi người đều được hưởng quyền bình đẳng, không còn bất cứ đặc quyền nào chễm chệ bên trên những người dân bình thường, khiến mọi người căm giận nhưng chẳng biết làm sao. Giấc mộng thứ ba gọi là mộng quản trị bằng pháp luật, tức là toàn dân lập ra hiến pháp, toàn thể quốc dân cùng nhau định ra những phép tắc căn bản trên cơ sở mọi người đều bình đẳng, đồng thời mọi việc đều căn cứ vào đó mà thực hiện.
Ba giấc mộng cũ là giấc mộng kê vàng đẹp đẽ mà thần dân tiêu cực bị động, là cơn ác mộng ngàn năm mà chính sách ngu dân mang lại cho thần dân, nó chỉ khiến cho dân chúng biến thành một bầy cừu ngoan ngoãn, phó mặc cho kẻ thống trị tác oai tác quái, giết chóc tàn sát, mãi mãi thống trị.
Ba giấc mộng mới là yêu cầu tất nhiên của văn minh thương nghiệp, là nhận thức của xã hội đang bước ra khỏi tối tăm, là biểu hiện sự thức tỉnh lớn lao của toàn dân, là kết quả của những cuộc đấu tranh tắm máu của những bậc nhân nhân chí sĩ, nhưng nó nhất định sẽ đến.
V. K. N.
Dịch giả gửi BVN.