Gia Minh
PGĐ Ban Việt Ngữ RFA
Lực lượng an ninh ngăn chặn người biểu tình vì môi trường trước cổng trường Hòa Bình, Sài Gòn vào ngày 8 tháng 5 năm 2016.
Công tác bảo vệ môi trường thường được chính quyền Việt Nam kêu gọi mọi người phải chung tay góp sức.
Tuy nhiên gần đây nhiều nhóm dân sự độc lập tham gia công tác này, cũng như nhiều người dân ý thức muốn công khai tuần hành cho một môi trường xanh, sạch tại Việt Nam đã bị lực lượng chức năng ngăn chặn.
Xã hội dân sự với công tác môi trường
Chủ nhật ngày 5 tháng 6 vừa qua là Ngày Môi trường Thế giới. Trên nhiều tuyến phố của thủ đô Hà Nội cũng như ở các thành phố khác của Việt Nam, cơ quan chức năng cho trưng những pano với nội dung kêu gọi người dân có ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường. Cơ quan chức năng còn tiến hành những cuộc mít tinh để hưởng ứng ngày toàn cầu hành động vì môi trường.
Về phía công dân, một số nhóm xã hội dân sự như Green Trees tại Hà Nội thực hiện việc tuần hành nhân dịp này đánh động dư luận về hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bờ biển 4 tỉnh bắc Trung Bộ đến nay đã hai tháng nhưng nguyên nhân vẫn chưa được Nhà nước chính thức công bố dù nói đã có kết luận.
Hoạt động tuần hành đó đã bị mạnh tay chặn đứng. Thực tế này tương tự như thực tế mà một số nhóm tự giác tham gia công tác giữ gìn vệ sinh cho cộng đồng vấp phải.
Bạn trẻ Lý Quang Sơn, một trong những người gặp phải trường hợp như thế thuật lại trường hợp của nhóm có tên Mái Ấm xanh:
“Khoảng 3- 4 năm vừa rồi, năm nào tôi cũng làm chương trình như tổ chức nhóm các bạn trẻ nhặt rác với nhau, tổ chức những nhóm đạp xe vì môi trường. Chúng tôi thuê hay dùng xe của mình gắn cờ và khẩu hiệu lên xe kêu gọi bảo vệ môi trường đất, môi trường nước.
Trước đây chương trình của chúng tôi là Mái Ấm xanh vừa làm từ thiện ở vùng cao, vừa làm về môi trường như thế.
Thực sự chúng tôi làm nhưng không được tự do, thoải mái. Đơn cử đối với chương trình đạp xe vì môi trường nước thì chính an ninh Hà Nội gặp tôi và yêu cầu hủy chương trình đó đi. Nhưng tôi quyết tâm làm thì họ dọa không cho tổ chức tiếp. An ninh nói thẳng với tôi làm gì ngoài Hà Nội thì thoải mái nhưng đừng làm bất kỳ gì ở đất Hà Nội.”
Thái độ của Nhà nước
Ông Vũ Trung Kiên, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu, cho biết đơn vị của ông từng tiến hành một số hoạt động cộng đồng về môi trường; thế nhưng gần đây việc tập trung đông người như thế dù với động cơ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng không được chính quyền khuyến khích:
“Tôi nghĩ những năm trước những tiếng nói từ cộng đồng và các tổ chức phi Chính phủ được lắng nghe khá nhiều và người dân cũng bắt đầu chủ động lên rất nhiều. Nhưng gần đây với những sự việc xảy ra, ví dụ việc người dân biểu tình để phản đối Formosa gây ô nhiễm biển chẳng hạn thì dường như Nhà nước ngại hành động xuống đường biểu tình vì bất kỳ lý do gì, dù là vì môi trường hay vì minh bạch.
Tôi cảm giác thái độ của Nhà nước đối với các tổ chức phi Chính phủ là thái độ hơi thận trọng. Bây giờ Chính phủ không muốn người dân xuống đường như trước đây.
Trước đây chúng tôi tổ chức một số sự kiện lớn, tuần hành – diễu hành, thì không bị vấn đề gì; nhưng trong vòng khoảng 1 tháng trở lại đây thì tôi thấy thái độ thận trọng và có cả an ninh dò xét làm cho chúng tôi cảm thấy nếu hoạt động phong trào như thế thì sẽ ít tác dụng nữa. Do đó chắc phải thực hiện hoạt động chính sách ở cấp cao hơn tại các hội nghị hoặc bằng các văn bản thì đỡ bị ảnh hưởng.”
Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện, một nhà hoạt động tại Hà Nội, có nhận xét về thái độ của chính quyền Việt Nam đối với các nhóm xã hội dân sự không nằm trong hệ thống ngoại vi các tổ chức của Nhà nước:
“Việt Nam vẫn chưa thừa nhận các nhóm xã hội dân sự. Nhà cầm quyền vẫn cho rằng các nhóm này là các nhóm phản động ‘đội lốt’ xã hội dân sự và họ rất sợ những nhóm tụ tập từ 5 người trở lên. Cho nên các nhóm hoạt động đó đều không hoạt động được gì cho dù làm việc rất tốt ví dụ như nhặt rác hay đặt những bình nước dọc đường phố cho bà con khách vãng lai hay những người bán hàng rong, người đi trên phố có nước uống miễn phí… Thế nhưng những người đó luôn bị cản trở và các cơ quan công quyền của Nhà nước nhìn họ với thái độ e dè, xa lánh và không thiện cảm.”
Bạn Nguyễn Phương, Sài Gòn, bị công an bắt giữ và đánh đập trong cuộc biểu tình vì môi trường ngày 1 tháng 6 năm 2016.
Vừa qua, một trí thức hiện sinh sống tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, ông Phùng Hoài Ngọc, nêu vấn đề Việt Nam là một thành viên của Liên Hiệp Quốc và tại Hà Nội cũng có văn phòng đại diện của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc – UNEP, vậy tình trạng cá chết hàng loạt được đánh giá như một thảm họa môi trường được cơ quan này ghi nhận và có hành động ra sao?
Ông này cho biết có gửi chất vấn đến vị đại diện UNEP tại Việt Nam, và sau đó nhận được thư điện tử trả lời như sau:
“Họ rất nôn nóng và lên kế hoạch để giúp đỡ; nhưng Chính phủ không yêu cầu, không báo cáo gì. Là thành viên của UNEP thì hằng năm đóng tiền, như việc mua bảo hiểm, mà đóng mấy chục ngàn đô la Mỹ chứ không phải ít.
Khi có sự cố thì Chính phủ Việt Nam phải báo cáo rồi rút tiền ‘bảo hiểm’. Cơ quan này làm chức năng bảo hiểm ngoài những chức năng khác.”
Ông Phùng Hoài Ngọc cũng đưa ra nhận định về thái độ của chính quyền Việt Nam đối với các nhóm xã hội dân sự độc lập tham gia công tác bảo vệ môi trường hay làm từ thiện như nhóm Mái Ấm Xanh của bạn trẻ Lý Quang Sơn vừa nêu:
“Có thể nói tình hình này chung toàn quốc rồi, mình xâu chuỗi thì ra là: họ tìm mọi cách ngăn chặn biểu tình tuần hành, cũng như báo chí. Trên mạng facebook cũng là một kiểu biểu tình, tuần hành. Có thể nói mọi hoạt động mang tính quần chúng tự phát họ đều không ưa và họ sợ các tổ chức dân sự nổi lên.”
Lý do lên tiếng
Trước tình hình môi trường Việt Nam bị suy thoái và ngày càng có những thảm họa nhãn tiền xảy ra; nhiều cá nhân quan tâm cho biết dù chính quyền mạnh tay ngăn chặn, thậm chí với biện pháp hành hung, bắt bớ; họ vẫn phải lên tiếng.
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội cho biết lý do cần phải lên tiếng vì môi trường và quyết tâm của bản thân ông trong vấn đề này:
“Rõ ràng liên tiếp có những vụ việc vì môi trường xảy ra từ năm ngoái đến năm nay: năm ngoái vụ cây, năm nay vụ cá. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đang đến mức báo động và được sự quan tâm của rất nhiều người dân. Một hai năm gần đây việc lên tiếng về môi trường rất mạnh mẽ vì đó là mối quan tâm chung có ảnh hưởng đến tất cả mọi người, đến con cháu chúng ta nữa. nên mọi người lên tiếng rất mạnh mẽ.
Tôi thấy chính quyền này họ sợ biểu tình, sợ sự lên tiếng của người dân, và họ không quan tâm đến bất kỳ sự lên tiếng nào dù có lý do chính đáng hay không. Đó là một trong những điều rất tệ và không nên xảy ra.
Chúng tôi càng ngày càng phải lên tiếng mạnh mẽ, không dừng lại về việc này.
Chúng tôi ngạc nhiên vì chính quyền ý thức hơi yếu về việc này. Và năm nay nếu họ cũng kỷ niệm ngày môi trường thì cũng hơi buồn cười, khôi hài vì đối với người dân thì họ là những tác nhân phá hoại môi trường nhiều nhất.”
Từ Sài Gòn, bà Phạm Thanh Nghiên cũng tỏ ra lạc quan khi ngày càng có thêm tiếng nói công khai về vấn nạn môi trường ở Việt Nam:
“Trong thế giới phẳng như thế này và đặc biệt người dân ngày càng hiểu biết hơn thì những biện pháp mà chính quyền áp dụng từ trước đến nay, tôi khẳng định vẫn có tác dụng nhưng dần dần sẽ ít tác dụng đi và cho đến một ngày nào đó nó sẽ trở thành vô tác dụng. Đó là khi người dân biết quyền của người ta như thế nào và bước qua sự sợ hãi thì không có biện pháp nào có thể cầm tù lòng yêu nước cũng như khát vọng tự do, khát vọng chính đáng được biết những gì xảy ra trên đất nước mình. Vấn đề chỉ là thời gian thôi. Đến một lúc nào đó thỉ các biện pháp của họ sẽ trở thành vô nghĩa!”
Bạn trẻ Lý Quang Sơn bày tỏ quan ngại về thực trạng môi trường ở những vùng miền tại Việt Nam nơi bạn từng đến:
“Tôi đi thăm, đi chơi, đi phượt, đi du lịch thỉ thấy tất cả rừng đầu nguồn ở phía bắc của Việt Nam trọc hết, không còn gì nữa. Miền Trung cá chết, Tây Nguyên hạn hán, miền Nam bị xâm nhập mặn; còn Sông Hồng thì sắp đến họ dự tính xây dựng hệ thống thủy điện trên Sông Hồng. Đó là những thảm họa môi trường do chính con người gây ra chứ không phải ai khác, không phải do thiên nhiên!”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhắc lại chủ trương được đưa ra trong báo cáo chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, thế nhưng giữa đường lối và thực tế có khoảng cách rất lớn mà theo ông này thì với tình trạng như hiện nay, tình hình sẽ mỗi lúc một xấu đi:
“Trong Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa rồi, ông Nguyễn Phú Trọng có nói về vấn đề môi trường; và trong diễn văn bế mạc cũng nói một đoạn dài về vấn đề môi trường. Nhưng từ ngày đó đến nay thì môi trường càng ngày càng sa sút thảm hại. Khắp Việt Nam rừng bị chặt, biển bị ô nhiễm trong thành phố bẩn thỉu, các dòng sông cạn khô và chết. Cá nước ngọt ở các dòng sông Thanh Hóa, sông Cầu (có câu thơ hay ‘Sông Cầu nước chảy lơ thơ’) cá chết hàng loạt. Đặc biệt những làng nghề cũng ô nhiễm ghê lắm. Có thể nói chưa bao giờ mà vấn đề môi trường lại khủng khiếp như hiện nay.
Bây giờ mọi người mới chỉ thấy thảm họa môi trường xảy ra ở Biển Đông trong hai tháng nay; chứ cũng cần phải báo động nữa là trên đất liền từ Nam chí Bắc nếu không có những biện pháp tốt thì cũng sẽ xảy ra thảm họa môi trường. Bằng chứng thảm họa nghiêm trọng khi nhiều làng gọi là làng ung thư vì trong làng có quá nhiều người chết vì bệnh ung thư.
Nếu Nhà nước không thể hiện trách nhiệm đối với nhân dân và người dân không đứng lên đòi và chung tay gìn giữ môi trường và yêu cầu Nhà nước bảo vệ môi trường, thì có ngày Việt Nam sẽ rơi vào thảm họa môi trường có thể dẫn đến tuyệt chủng nòi giống!”
Nhiều ý kiến chỉ ra mâu thuẫn trong lời nói và việc làm của cơ quan chức năng Việt Nam. Một đơn cử là mới năm ngoái, Hà Nội cho chặt hàng loạt cây xanh ở khu vực trung tâm; năm nay lại phát động việc trồng cây.
G.M.