Song Chi
An ninh ngăn chặn người biểu tình vì môi trường tại Sài Gòn vào ngày 8 tháng 5 năm 2016.
Chế độ độc tài
Suốt một thời gian dài khi phải sống trong một chế độ độc tài chuyên đàn áp và khủng bố nhân dân, phần lớn người Việt đã học được cách tự bảo vệ mình bằng cách từ bỏ những cái quyền căn bản nhất của một con người – một công dân, trong đó có quyền được biết, được nói lên ý kiến, quan điểm của mình, được bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề của đất nước, dân tộc, xã hội mà mình đang sống – tóm lại là quan tâm đến chính trị. Câu trả lời né tránh quen thuộc mỗi khi đụng đến bất cứ đề tài chính trị nào dù lớn hay nhỏ đó là: tôi không quan tâm đến chính trị, hoặc chuyện chính trị, chuyện lớn đã có đảng và nhà nước lo, mình dân thường nói lên thì cũng có thay đổi được gì đâu mà còn phải vạ vào thân.
Và cứ như thế, suốt nhiều năm dài, đa số người Việt chấp nhận mũ ni che tai, không quan tâm đến chuyện chính trị – xã hội, chỉ lo kiếm sống, lo cho bản thân và gia đình, tương lai của con cái, tuổi già của mình… Người Việt trở nên thờ ơ, vô cảm là vậy.
Nhưng rồi, internet, các trang báo của người Việt ở nước ngoài, báo chí quốc tế, đặc biệt là blog, facebook, các trang mạng xã hội… đã ồ ạt đưa những luồng thông tin khác, đa chiều đến với một số lượng người Việt Nam. Chỉ trừ khi không sử dụng internet, facebook, còn không thì rất khó mà loại trừ tất cả thông tin ra bên ngoài, làm ngơ như là chúng không tồn tại.
Nhưng rồi, cái xã hội mà người Việt chúng ta đang sống cứ càng ngày càng nhiều chuyện trái tai gai mắt, phi lý, bất công xảy ra. Cái nhà nước đang nắm quyền lãnh đạo duy nhất ở Việt Nam ấy cứ càng ngày càng tồi tệ trong mọi lĩnh vực, từ quản lý, điều hành kinh tế, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, ứng xử với người dân khi họ có những bức bối muốn lên tiếng, muốn góp ý với nhà cầm quyền, cho tới bảo vệ sự an toàn cho môi trường sống và cho tính mạng của nhân dân, cao hơn nữa là bảo vệ lãnh thổ lãnh hải, độc lập chủ quyền của đất nước trước sự đe dọa xâm lấn bằng nhiều cách khác nhau của nước khác. Tất cả cứ xảy ra hàng ngày hàng giờ, được đề cập đến trên báo chí, TV, hay trong thực tế xung quanh, dù không muốn cũng khó mà không nghe không thấy.
Vả lại, chính trị nào có phải cái gì cao xa, cách biệt đâu kia chứ. Chính trị là tất cả mọi thứ liên quan đến đời sống con người, làm sao có thể chối bỏ và bảo không quan tâm khi từ cơm áo gạo tiền, xăng dầu, giá cả sinh hoạt, chuyện học của con cái, chỗ làm của bố mẹ, chuyện lương bổng, hưu trí… tất tần tật đều là chuyện chính trị?
Thông tin
Xã hội Việt Nam thì có lắm vấn đề phải nói, phải mổ xẻ, thậm chí phải chửi cho đỡ tức, có muốn tránh cũng không tránh được.
Một người dân với những con cá biển đã chết trên một bãi biển ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế ngày 21 tháng 4 năm 2016.
Người Việt Nam dần dần dù muốn dù không cũng không né được những chủ đề về đời sống xã hội hàng ngày, rồi chuyện chính trường ai lên ai xuống, ai ở ai về, chuyện đất nước, tình hình biển Đông… Chỉ riêng trên facebook, có thể thấy theo thời gian số người quan tâm, viết, bình luận đến những chủ đề chính trị ngày càng nhiều hơn, ngay cả những người trước đó chưa từng post hay like, comment bất cứ cái gì liên quan đến “chính trị”.
Đó là chưa kể nếu trong đời sống chúng ta phải rơi vào những tình huống giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn bao giờ hết, bản chất phản nước hại dân của cái nhà nước này, cái chế độ này. Như cô gái Trịnh Kim Tiến trước kia không quan tâm đến chính trị, nhưng từ khi người cha của cô bị một tay trung tá công an đánh chết một cách oan ức chỉ vì không đội mũ bảo hiểm để rồi sau đó tay trung tá ấy chỉ bị tuyên án 4 năm tù, cô gái Trịnh Kim Tiến đã bắt đầu thấy được bộ mặt khốn nạn của nhà nước Việt Nam và từ đó bắt đầu lên tiếng, xuống đường biểu tình chống Trung Cộng, tham gia những hoạt động với mọi người.
Đặc biệt khi chúng ta hoặc người thân của chúng ta phải đối mặt với nhà cầm quyền và rơi vào vòng lao lý.
Khi luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, blogger Điếu Cày tức Nguyễn Văn Hải, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, luật sư Lê Công Định, kỹ sư – doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, nhà báo – blogger Trương Duy Nhất, nhà văn – blogger Phạm Viết Đào, blogger Anh Ba Sàm tức Nguyễn Hữu Vinh, các em sinh viên như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, các thanh niên như Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Viết Dũng, những người khác như Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Bùi Thị Minh Hằng… lên tiếng vì muốn xã hội này, đất nước này thay đổi theo một con đường, thể chế tốt đẹp hơn, tự do dân chủ hơn, họ đã phải trả giá bằng những năm tháng tù đày và mất đi mọi thứ đang có.
Nhưng không chỉ có thế, khi họ bị bắt, những người vợ, người mẹ, con, anh, chị, em…của họ, vì thương chồng, con, cha, em… đã bắt đầu tìm hiểu về chính trị, luật pháp để tranh đấu cho quyền lợi của người thân của mình. Có những người trước đó không hề biết sử dụng internet hay facebook, không biết gì về luật, không nói hay viết được để tranh cãi với công an, quan tòa, hay chưa từng đi ra nước ngoài… đã phải học biết mọi thứ.
Học sử dụng internet, sử dụng facebook, học làm đơn, kiến nghị gửi nơi này nơi kia, tranh cãi với công an, tòa án, đi ra nước ngoải để vận động kêu gọi sự hỗ trợ cho người thân. Và cũng từ đó họ dấn thân vào những hoạt động có tính chất chính trị như thay người thân còn đang ở trong tù giúp đỡ bà con dân oan, xuống đường biểu tình chống Trung Cộng, biểu tình vì môi trường, ký tên phản đối việc này ủng hộ việc kia…
Chính nhà nước này chứ không phải lực lượng thù địch phản động nào đã “mở mắt” cho người dân, đã buộc họ phải chọn một thái độ, thế đứng đối lập với nhà cầm quyền và cùng với họ là người thân của họ.
Dù không phải ai cũng có dịp phải đối mặt với nhà cầm quyền hay phải trải qua lao tù để có những trải nghiệm sống động, nhưng không lẽ vì thế mà chúng ta tiếp tục thờ ơ, vô cảm, không quan tâm đến chính trị như những năm tháng trước đây?
Chọn thái độ, chọn chỗ đứng
Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong một lần gặp gỡ gia đình tại trại giam trước đây.
Đất nước này đã tụt hậu quá mức về mọi mặt so với các nước láng giềng chứ chưa nói đến thế giới. Chế độ này đã lộ diện rõ rành rành là một nhà nước bất lực, phản dân hại nước, hèn với giặc ác với dân, thậm chí nói thẳng là bán nước. Một thảm họa lớn như cá chết, biển chết vừa qua và cách xử lý của nhà cầm quyền cho thấy họ hoàn toàn không đếm xỉa gì đến sinh mạng của người dân, đến môi trường biển bị ô nhiễm cũng như quyền lợi của đất nước; họ chọn cách đứng về phía kẻ đã gây ra thảm họa kinh khủng này bằng cách lấp liếm, bưng bít thông tin, đàn áp bịt miệng người dân. Cái chính là họ sợ nếu minh bạch thông tin sẽ hứng chịu cơn bão phẫn nộ của người dân và có thể làm lung lay đến tận gốc chế độ. Có nghĩa là dân chết mặc dân, bảo vệ chế độ cái đã.
Như từ xưa đến giờ vẫn thế, với cộng sản, quyền lợi của đảng là trên hết, quyền lợi của đảng luôn luôn nằm trên quyền lợi của đất nước, dân tộc. Vì sự tồn tại của đảng, nhà cầm quyền sẵn sàng làm tất cả, kể cả hy sinh sinh mạng của hàng chục triệu người Việt Nam hôm nay và các thế hệ tương lai, hay sẵn sàng nhịn nhục hết mức, quỳ gối dâng đất, dâng đảo cho kẻ thù ôm mộng bành trướng.
Một xã hội như vậy, một nhà cầm quyền như vậy, một chế độ như vậy, chúng ta còn tự cho mình cái quyền im lặng làm ngơ mãi được không?
Dù muốn dù không, trong những năm tháng này, là người Việt, nhất là nếu còn đang sống trong cái xã hội Việt Nam, dần dà đến lúc người ta cũng phải có ý kiến chuyện này chuyện kia, rồi người ta cũng phải tự bộc lộ mình qua những ý kiến, quan điểm, thái độ ấy. Không thể nào cứ thờ ơ vô cảm, không có ý kiến hoặc đứng hàng hai mãi. Nhất là những người trí thức, có chút tên tuổi vị trí, hoặc giới văn nghệ, người của quần chúng, nhà báo nhà đài… Ai đứng về phe nào – phe nước mắt, phe nhân dân, hay phe thống trị, phe cầm quyền… tất cả sẽ lộ ra hết. Con người ai ra sao, bản chất như thế nào.
Đây cũng là lúc mà những người còn có lương tri, có trái tim, còn trăn trở với vận mệnh của đất nước, với nỗi đau của người dân, sẽ từ từ lọc ra được ai còn là bạn mình, ai không… Đôi khi mất đi một lúc nhiều người tưởng là bạn mà lại nhẹ nhõm hơn vì kịp nhìn ra bản chất một con người. Ngược lại, với những ai hôm nay đang đứng về phe kẻ mạnh, phe cầm quyền, đang lớn tiếng bênh vực chế độ, vùi dập, thóa mạ, vu khống, bôi nhọ những người còn đang là thiểu số dám lên tiếng, chỉ mong họ sau vài phút vài giờ dám dũng cảm không tự xóa đi những gì đã nói đã viết; và sau này khi gió đã đổi chiều, cũng giữ lại đủ lòng tự trọng để không chối bỏ những gì họ đã viết, đã nói, đã làm, đã sáng tác… ngày hôm nay.
Mà thật ra có muốn chối cũng khó. Thời buổi này mọi thứ từ trên mạng ảo cho tới đời thật đều để lại vết tích cả.
Chọn thái độ gì, chỗ đứng nào để còn có thể sống mà không xấu hổ với con cháu sau này. Chứ đừng ra sức bảo vệ, bưng bô một chế độ phản nước hại dân mà sau này không dám nhìn con nhìn cháu. Nhất là giới trí thức văn nghệ sĩ, nhà thơ nhà báo nhà đài, nhạc sĩ, đạo diễn… lựa chọn viết cái gì, sáng tác cái gì trước nỗi khổ của nhân dân, trước thực trạng tối tăm của đất nước; hay lại tiếp tục làm ra những sản phẩm bôi nhọ, vu khống, chụp mũ người này người kia là phản động, bẻ cong sự thật, bóp méo lịch sử… là tùy ở sự lựa chọn của mỗi người.
S.C.
___________
* Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm RFA.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/blog/blog-songchi-060716-06072016134358.html